Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2009

Về thăm đất Thủ tướng

Nằm ở trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long, Vĩnh Long xưa nay vẫn tự hào là vùng “địa linh nhân kiệt” và truyền thống cách mạng kiên cường. Điều ít người để ý là trong số 5 vị Thủ tướng của nước ta từ trước đến nay, có hai người được sinh ra từ vùng đất này. Đó là cố Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (nay là Thủ tướng) Phạm Hùng và nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Một ngày giữa tháng Chạp, năm 2005, tôi về thăm Vĩnh Long. Đã cuối mùa mưa, nhưng do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trời mưa dai dẳng. Thị xã Vĩnh Long đón tôi trong màn mưa ảm đạm và lạnh lẽo. Ngồi co ro trong quán bên đường quốc lộ, tôi vừa cám cảnh cho mình vừa lo sợ không biết trời mưa thế này liệu có kịp hoàn thành bài viết. Bà chủ quán nhìn tôi ra chiều ái ngại và thông cảm: “Số chú cực, chứ mấy hôm trước trời nắng chang chang, tự dưng hôm nay lại đổ mưa”. Trời càng về chiều mưa càng nặng hạt và lạnh giá.
KHU TƯỞNG NIỆM BẬC TRÍ DŨNG
Sáng hôm sau, trời vẫn còn âm u. Mưa vẫn lắc rắc. Khoác áo mưa, tôi tìm về xã Long Phước, Long Hồ, viếng thăm khu tưởng niệm cố Chủ tịch Phạm Hùng. Ông tên thật là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11/6/1912 tại làng Long Hồ, quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Long Phước, Long Hồ, Vĩnh Long). Thuở nhỏ, ông nổi tiếng thông minh và gan dạ, giỏi võ nghệ. Năm 18 tuổi, đang học dở tại trường Trung học Collège de Mỹ Tho, ông tổ chức mít tinh và bị giặc Pháp bắt kết án tử hình. Sau đó, do phong trào đấu tranh của nhân dân Pháp, ông được giảm án thành chung thân khổ sai, đày ra Côn Đảo… Sau cách mạng tháng Tám, ông trở về đất liền tham gia đấu tranh. Thời gian sau ông mất, nhà nước đã cho xây dựng khu tưởng niệm ông tại quê nhà.
Nằm cách thị xã Vĩnh Long chừng 5km, khu tưởng niệm khá khang trang, hoành tráng, tọa lạc bên đường quốc lộ. Anh Lê Ngọc Cường, nhân viên Bảo tàng Vĩnh Long, người hướng dẫn tôi thăm khu tưởng niệm, cho biết: Khu tưởng niệm được khởi công xây dựng ngày 10/8/2000 hoàn thành vào ngày 11/6/2004, nhân kỷ niệm 92 năm ngày sinh của cố Chủ tịch. Khu tưởng niệm có diện tích 3,2 ha gồm: nhà lễ tân, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày. Ngoài ra, còn có ba hạng mục ngoài trời được phục chế theo tỷ lệ 1/1, gồm: phòng biệt giam ông tại Côn Đảo, ngôi nhà làm việc của ông tại căn cứ Trung ương cục miền Nam (Tây Ninh) và căn phòng làm việc của ông tại số 72 Phan Đình Phùng – Hà Nội. Hàng ngày, khu tưởng niệm đón khá nhiều khách đến viếng ông. Nhìn lên bức tượng bán thân của ông trong điện thờ, nhìn sang xung quanh hai bức phù điêu ghi lại hai lời phát biểu đấy khí phách của ông, tôi nghiêng mình thắp một nén nhang tỏ lòng khâm phục một con người trí dũng của dân tộc.
Rời khu tưởng niệm tôi ghé thăm gia cư của ba mẹ ông ở gần đó. Đó là một căn nhà đơn sơ và bình dị nằm lặng lẽ khuất sau những tàng cây ăn trái, bên dòng kênh Ông Me. Trong căn nhà này, hai người em gái ông sống cô quạnh và lặng lẽ. Khi tôi đến, hai bà không mấy vồn vã và kiệm lời, vì e ngại. Nhìn cảnh cô quạnh và lặng lẽ của họ tôi cảm thấy chạnh lòng. Và ý định chụp một tấm ảnh về họ đành phải từ bỏ. Tôi nhờ một thanh niên dẫn đi thăm nhà thờ họ Phạm. Ngôi nhà cũng bé nhỏ và lặng lẽ, đơn sơ trái ngược với tưởng tượng của tôi. Trong nhà thờ rất ít đồ đạc: ban thờ, đôi câu đối và bức tượng bằng thạch cao của cố chủ tịch Phạm Hùng. Sự bình dị của ông quả là có sức lan tỏa, ảnh hưởng lớn đến gia phong, ngay cả khi ông đã mất.
HÀO KHÍ CỦA VÙNG ĐẤT THIÊNG
Vĩnh Long là một vùng đất có bề dày văn hóa. Những di tích cổ như: di tích ao hồ ở Vĩnh Thành, xã Vĩnh Xuân, thuộc huyện Trà Ôn, di tích thành cổ thuộc huyện Vũng Liêm… là minh chứng về một nền văn hóa cổ hưng thịnh từng tồn tại trên miền đất này vào những thế kỷ đầu Công nguyên. Trải qua bao biến thiên của thời gian, nền văn hóa ấy rơi vào cảnh suy tàn do tác động của những đột biến về địa lý – sinh thái và kinh tế – xã hội. Có một thời kỳ dài, vùng đất này bị chìm ngập trong nước sau một lần “biển tiến” vào khoảng đầu thế kỷ VII. Và nó dần trở nên hoang vu.
Do địa thế và lịch sử hình thành, từ ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa cùng sinh sống lâu đời ở đây đã hòa quyện và tạo nên một nền văn hóa đặc trưng cho vùng đất này. Nơi đây có khá nhiều loại hình văn học dân gian như: nói thơ Vân Tiên, nói tuồng, nói vè, hát huê tình, cải lương… Vĩnh Long cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa như: thành xưa Long Hồ được xây dựng năm 1813, miếu công thần, đình Tân Giai. Đặc biệt là Văn Xương Các ở thị xã Vĩnh Long, do đốc học Nguyễn Thông đề xuất thành lập. Đây được coi là tao đàn văn học của sĩ phu Nam Bộ trong thời kỳ thực dân Pháp xâm chiếm Nam Kỳ lục tỉnh. Cho đến nay, các văn nhân ở Văn Xương Các còn được truyền tụng:
“Vĩnh Long có cặp rồng vàng
Nhất Bùi Hữu Nghĩa nhì Phan Huân thần”
“Vĩnh Long có bốn rồng vàng
Lộc họa, Sang đàn, Nghĩa phú, Lễ thi”
Vĩnh Long có nhiều tôn giáo: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin lành, Cao Đài, Hòa Hảo. Nho giáo có ảnh hưởng lớn đến người dân nơi đây thông qua những lễ nghi, phong tục, tạo nên một nền văn hóa lâu đời và đặc trưng của vùng Nam Bộ. Trong lịch sử, nhiều trận đánh oai hùng của tiền nhân đã diễn ra ở Vĩnh Long.
Theo sử sách: Sau khi dựng phủ Gia Định, dựng dinh Trấn Biên và dinh Phiên Trấn vào năm 1698, năm 1732, Chúa thứ 7 thời Nguyễn là Ninh Vương - Nguyễn Phúc Trú (1696 - 1738) lập ở phía nam dinh Phiên Trấn đơn vị hành chính mới là dinh Long Hồ, Châu Định Viễn, tức tỉnh Vĩnh Long ngày nay. Lỵ sở của dinh Long Hồ lúc mới thành lập đóng ở thôn An Bình Đông, huyện Kiến Đăng, được gọi là đình Cái Bè. Đến năm Đinh Sửu (1757) thì chuyển đến xứ Tầm Bào (thuộc địa phận thôn Long Hồ, nay là thị xã Vĩnh Long). Thành Long Hồ được xây dựng tại xứ Tầm Bào là thủ phủ của một vùng rộng lớn. Trước năm 1794, xứ này bao gồm cả vùng đồng bằng nằm giữa sông Tiền và nam sông Hậu, gồm các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang ngày nay. Sau năm 1794, được sát nhập thêm Long Xuyên, Kiên Giang, Trấn Di, tức các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ ngày nay.
Nhờ đất đai màu mỡ, dân cư đông đúc, việc buôn bán thông thương phát đạt, địa thế trung tâm…, dinh Long Hồ trở thành một trung tâm quan trọng thời bấy giờ. Để bảo đảm an ninh quốc gia, chúa Nguyễn đã thiết lập ở đây nhiều đồn binh như Vũng Liêm, Trà Ôn… Lê Quý Đôn ghi lại trong sách “Phủ Biên tạp lục” của mình về Châu Định Viễn: “Châu Định Viễn dân hơn 7.000 đinh, ruộng hơn 7.000 thửa, thuế lệ mỗi thửa hạng nhất 4 hộc, hạng nhì 3 hộc… Châu Định Viễn phần lớn thì ruộng không cày, phát cỏ rồi cấy, cấy một hộc thóc thì gặt được 300 hộc… Dinh Long Hồ bản trấn tinh binh 20 thuyền, mỗi thuyền 50 người, cộng 1.000 người, ghe bầu bải sư 18 chiếc là thuyền mã hội, tam binh hơn 300 thuyền, quân số chừng 12.000 người. Số thôn của Châu Định Viễn 350 thôn…”
Đến giữa thế kỷ 18, dinh Long Hồ là thủ phủ của vùng đất phía nam và là đại bản doanh của quân đội nhà Nguyễn có nhiệm vụ phòng thủ, ổn định và bảo vệ đất nước. Sử cũ còn ghi: Vào năm Canh Dần 1770, tại vùng đất này, lưu thủ dinh Long Hồ đã chặn đánh tan tác quân Xiêm La do Chiêu Khoa Liên cầm quân, tiêu diệt 300 tên địch, làm tan vỡ âm mưu xâm chiếm nước Việt của chúng. Nơi đây cũng từng diễn ra nhiều cuộc giao chiến ác liệt giữa nghĩa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh. Năm 1784, tại Măng Thít (Vĩnh Long) nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã đánh bại liên quân Xiêm La do Nguyễn Ánh cầu viện…
Sau khi vua Quang Trung băng hà, nhà Tây Sơn mất do nội bộ xâu xé và vua Quang Toản bất tài. Nguyễn Ánh, sau 10 năm phục thù và chờ đợi, đã thừa cơ vực dậy triều Nguyễn, từng bước trả thù nhà Tây Sơn và để đất nước dần rơi vào cảnh nô lệ của giặc Pháp. Năm 1861, thành Vĩnh Long thất thủ lần thứ nhất sau khi thành Gia Định rơi vào tay giặc Pháp. Triều đình bạc nhược và khiếp sợ thỏa hiệp với giặc, bán nước. Nhân dân Nam Bộ, nhân dân Vĩnh Long, anh dũng đứng lên đấu tranh chống lại giặc Phú Lang Sa (Pháp). Nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra. Tiêu biểu là trận đánh của đô đốc binh Lê Cẩn – Nguyễn Giao tiêu diệt quân Pháp và chặt đầu chánh tham biện Vĩnh Long Alix Salicetti. Khởi nghĩa Nam kỳ, năm 1940, cũng diễn ra ở đây … Phần còn lại, lịch sử đã ghi nhận.
DI CHỈ THÀNH MỚI TRÊN QUÊ HƯƠNG THỦ TƯỚNG
Tạm biệt Long Hồ, tôi đến thăm xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long – quê hương của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Bây giờ đang là cuối năm, người nông dân vào vụ thu hoạch. Hai bên đường, những ruộng lúa chín vàng xen lẫn những vườn cây ăn trái xanh um. Xã Trung Hiệp là một xã có truyền thống cách mạng. Tại đây còn lưu giữ những dấu tích và ký ức hào hùng về thời kỳ đó. Đó là đình Bình Phụng, nơi họp chi bộ đảng đầu tiên do Phan Văn Hòa, còn gọi Chín Hòa, tên thật của ông Kiệt, lãnh đạo. Đây cũng là nơi xuất phát của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ do ông Kiệt lãnh đạo. Vào thời điểm đó, ông mới 22 tuổi. Cùng với đồng bào, nghĩa quân chỉ có dao mác, gậy gộc, ông đã có một trận đánh rất ấn tượng ở “bắc” Nước Xoáy, diệt nhiều tên địch, làm chủ tình hình, đục thủng 5 tàu giặc, chặn đường giao thông của địch từ Vĩnh Long xuống Trà Vinh… Đình Bình Phụng nay trở thành di tích lịch sử văn hóa của tỉnh. Một tấm bia tưởng niệm cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, do chính ông Kiệt lập đã được dựng tại đây. Tiếng là quê nhà của Thủ tướng, nhưng xã Trung Hiệp khá nghèo. Thời, còn tại chức thủ tướng Kiệt từng tâm sự với người dân nơi đây: “Tôi làm Thủ tướng nhưng không dám lo cho quê hương vì sợ mọi người cho rằng mình lo cho cá nhân nhiều quá”. Hiện nay, một ngôi trường cấp 1 đang được xây dựng trên nền nhà của ba mẹ ông Kiệt. Số vốn đầu tư do phu nhân của ông đài thọ. Sau ngôi trường này còn một cái ao, là nơi ông Kiệt từng dấu mình để tránh sự ruồng bố của giặc Pháp sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ.
Nơi quê hương, người thân của ông hầu như không còn ai. Hai người anh đã mất. Bà con, dòng họ ly tán. Tôi may mắn tìm gặp được ông Nguyễn Văn Mẹo, lớn hơn ông Kiệt 8 tuổi, là bạn thuở nhỏ cùng xóm với ông. Ông Mẹo kể: “Nhà ba má ông Kiệt nghèo và đông con. Ông Kiệt có 8 anh em nhưng mất đi một người lúc nhỏ. Ông là con út trong nhà. Do nhà nghèo, ông Kiệt phải đi làm con nuôi cho người chú. Năm 15 -16 tuổi đã phải làm thuê, làm mướn. Ổng hồi nhỏ có tướng người nhỏ con mà lanh lắm. Ổng nói chuyện rất hay và có duyên, thông minh và gan dạ. Tính ông là nói được. làm được, không như người ta. Con ngưới ta có số mạng. Ổng tài lắm, chỉ học lớp 3 trường làng mà làm lãnh đạo rất giỏi”.
Ngoài đình Bình Phụng, nơi đây còn có những di chỉ khảo cổ học như di chỉ Thành Mới,có ý nghĩa lớn về mặt khoa học, lịch sử. Qua khảo sát cho thấy vùng đất này từng có một nền văn hóa phồn thịnh của người Phù Nam. Kết quả khảo cứu tại di chỉ này đã thu nhận được nhiều hiện vật, di tích của ba tầng văn hóa Óc Eo có niên đại cách đây 2.000 năm. Đó là các tượng Visnu, đồ sành gốm, một số mảnh vỡ của những vật dụng gia đình như bình lọ, ấm chén… Khi tôi đến, sau đợt khai quật khảo cổ, di chỉ này được lấp đi và trở thành bãi sắn. Anh Đồng Văn Quý, cán bộ văn hóa xã Trung Hiệp, người dẫn đường cho tôi, tiết lộ : “Trước đây, vào dịp khai quật, bác Kiệt có về. Ông kể ngày xưa lúc còn nhỏ đi chăn trâu ở đây, ông thấy khu vực Thành mới này rộng và còn nguyên cả một đoạn thành dài cao, phải trèo lên mới thấy được qua vùng bên kia. Sau này người ta phá làm đường nên chẳng còn lại gì. Nghe đồn người ta từng nhặt được cả một pho tượng Phật nặng gần 40kg bằng vàng ở đây. Có người còn nhặt được cả nải chuối bằng vàng. Phía bên kia lúc khai quật, có tìm được một chiếc ấm tích bằng đất nung còn nguyên, khá đẹp”.
LỜI PHÂN GIẢI CỦA LỊCH SỬ
Vĩnh Long còn là nơi hội tụ của anh hào. Rất nhiều danh nhân Việt được sinh ra ở đây. Lớp tiền nhân có nhà nghiên cứu, nhà văn hóa lớn Trương Vĩnh Ký, Bùi Hữu Nghĩa, anh em Phan Tôn, Phan Liêm, con của đại thần Phan Thanh Giản – vị tiến sỹ đầu tiên của vùng đất Nam Bộ… Hoặc từng sống như Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Thông, Nguyễn Văn Thoại (tức Thoại Ngọc Hầu) … đã làm vinh danh cho Vĩnh Long. Lớp hậu sinh có giáo sư viện sỹ Trần Đại Nghĩa, Phan Văn Đáng – nguyên Phó bí thư Trung ương cục miền Nam, nghệ sỹ Út Trà Ôn, nghệ sỹ Thanh Lan… Đó là chưa kể đến những nhân vật của chế độ cũ như Thủ tướng Trần Văn Hương, thủ tướng Nguyễn Văn Lộc.
Rời Vĩnh Long, tôi cứ băn khoăn với suy nghĩ: Vì sao vùng đất này lại có thể sinh ra những con người kiệt xuất như vậy? Vì sao Vĩnh Long lại có tới hai thủ tướng? Khi tôi đưa thắc mắc này ra hỏi, một vị quan chức ở Vĩnh Long nói: “Đó là sự ngẫu nhiên thôi. Không có người này làm thủ tướng thì có người khác”. Đó cũng là một cách lý giải. Nhưng theo tôi, chưa ổn. Bởi vì điều này thuộc về lịch sử, gắn liền với lịch sử của một vùng đất, một dân tộc. Mà đã là lịch sử thì không thể có yếu tố ngẫu nhiên được. Nó là cả một quá trình vận động của cả một dân tộc, đất nước đó. Một người bạn của tôi, chị Lê Thị Kim Liên, cán bộ bảo tàng tỉnh Vĩnh Long nói vui: “Đất Vĩnh Long là đất “địa linh nhân kiệt” mà! Cả miền Tây và thậm chí miền Đông Nam Bộ, chỉ có Vĩnh Long là dám tự hào về điều đó thôi”. Vâng, nói theo tâm linh, đất “địa linh” tất sẽ sinh “nhân kiệt”. Một nơi có một bề dày lịch sử – văn hóa như Vĩnh Long ắt sẽ có anh hào. Phân tích theo luận thuyết Mác xít: con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Và các vĩ nhân là những người biết vận dụng, nắm lấy, hoặc tạo ra. thời thế hay hoàn cảnh lịch sử để thành công. Mác nói: “Hoàn cảnh sáng tạo ra con người, trong chừng mực con người sáng tạo ra hoàn cảnh”. Thời thế tạo anh hùng và anh hùng tạo ra thời thế là vậy chăng? Lời phân giải này thuộc về lịch sử, xin dành cho lịch sử.

NGUYỄN VĂN THỊNH
Nguồn tin: Blog Nguyễn Văn Thịnh

*Dẫn: Cựu TT Võ văn Kiệt vừa qua đời, tôi đưa bài viết này như một sự tưởng niệm. Bài viết được đăng trên báo Kinh tế Nông thôn cuối tuần Xuân 2005.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét