Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2009

Sứ giả Phạm Huy

Sứ giả Phạm Huy


Xã Phúc Thọ huyện Nghi Lộc, có điện Đông Hải thờ tự năm vị thần trong đó có cụ Phạm Huy. Cụ vốn là người tỉnh Hải Dương, con trai của Thái Bảo họ Phạm. Khi còn trẻ cụ đến học ở huyện Chân Phúc (Nghi Lộc) rồi cư trú ở xã Phúc Thọ. Cụ sinh năm 1461, 24 tuổi đậu Đệ Tam Giáp Tiến sỹ khoa Quý Sửu đời Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức thứ 24(1493). Cụ làm quan đến Công Khoa Đô Cấp Sự Trung và từng được vua Lê cử đi sứ nhà Minh.

Cụ giỏi việc chính trị có tài ngoại giao. Trong quá trình làm quan, cụ Phạm Huy là người có đức độ, thanh liêm, có nhiều ân đức với dân và có công với triều đình. Tính cụ cương trực, khảng khái, không xu nịnh kẻ quyền quý, hết lòng giúp đỡ những người nghèo khổ, những người bị cường hào chèn ép(1).

Sau khi nghỉ hưu, cụ trở về thôn Cổ Bái xã Phúc Thọ huyện Nghi Lộc chiêu dân lập ấp, tập hợp được năm sáu chục nhà. Vùng đất này được bồi đắp một cách nhanh chóng. Những đụn cát nổi lên trên các dải đất do biển bồi đắp sau thế kỷ 15 có chiều cao hơn. Các hồ nước mặn không còn giao lưu với biển nữa kể từ thời Gia Long. Các vũng ngày xưa đã biến thành hồ nước ngọt. Những lúc nước tràn thì chảy vào sông Cả. Từ đó thôn này thành ấp lớn. Nhân dân ở đây sống yên ổn, phong tục thuần phúc, học hành quan tước phát đạt. Xã Phúc Thọ huyện Nghi Lộc là một địa phương có nhiều di tích lịch sử như đền Cổ Bái, đền Cô Cá, đền Đức Thánh Mẹ, đền Phúc Lợi. Danh tướng lương thần có công với dân với nước như cụ Hoàng Phan Thái. Nhiều gia đình dòng họ có truyền thống học hành đậu đạt cao. Cụ Nguyễn Ngọc đậu Song Nguyên tiến sỹ năm 1841, Nguyễn Lâm đậu cử nhân 1828 (là anh của Nguyễn Ngọc), Nguyễn Huy Thuyên đậu cử nhân 1825 (anh của Nguyễn Lâm), Nguyễn Nhân đậu cử nhân 1855(con của Nguyễn Lâm)...

Khi mất, Phạm Huy được phong Phúc thần. Tục truyền rằng: một hôm bỗng nhiên có khúc gỗ to trôi trên sông Lam trong đó có đốm lửa sáng rực. Rồi sau đó lại như thấy có toà lâu đài xe lọng hiển hiện hay như có quân sỹ ngựa xe rầm rộ kéo đi. Những hiện tượng đó xuất hiện trên dòng sông Lam chảy qua làng và con đường lớn của xã vào giữa trưa hè hoặc đêm khuya thanh vắng. Người xã cho là Ngài linh ứng.

Năm Kỷ Tỵ - (1869) dân làng lập đền thờ Ngài để tưởng niệm công đức. Đền thiêng lắm, dân cầu mưa, cầu nắng, cầu con cái hay trừ tà đều được cả.

Dân gian có thơ ca ngợi Ngài:

“ Mối dường khởi tổ mạch khôi nguyên

Cổ Bái văn chương đất đúc nên

Hoả diệu trước sau ba thứ bút

Thổ tinh tả hữu sáu toà nghiên

Rồng xanh mang đến quay đầu lại

Phượng đỏ dâng thư cất cổ lên

Phượng lĩnh, Song ngư bia bảng tỏ

Hướng thần bút thánh nước non truyền”(2)

Do những cống hiến của cụ cho đất nước quê hương, cụ đã được tặng nhiều sắc phong. Sắc của thời Lê, (ngày 26 tháng 7 năm Cảnh Hưng thứ 14) nhà vua: “Ban cho Công Khoa Đô Cấp Sự Trung Bái Khê Phạm Công Khai xuất thần đồng Tiến sỹ khoa Quý Sửu đến Đại Vương Hải Dương Quan Thân Khâm huyện Khai Đồng Danh Khoa, nho lưu Hồng Đức, được tấn phong là Từ Vương, thần cai quản hưởng lộc lâu dài một vùng”. Sắc (ngày 22 tháng 3 năm đầu Chiêu Thống - Triều Lê) có ghi: “Nay hoàng gia xem xét gia phong thêm cho Công Khoa Đô Cấp Sự Trung Bái Khê Phạm Công Khai Hiến Đạt Uyên Nguyên Hùng Bác Đại Vương”. Đến triều Nguyễn, (ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9) Triều Nguyễn ban sắc: “ Tiến sỹ Công Khoa Đô Cấp Sự Trung Bái Khê Phạm Công Khai Hiến Đạt Uyên Nguyên hằng bái là Tôn Thần Hộ Quốc, giúp dân mùa màng tươi tốt. Nay Trẫm vừa đúng tứ tuần đại khánh đã ban chiếu đàm ân lễ công đăng trật. Tặng thêm Quang Ý Trung Đẳng Thần, đặc chủng cho dùng ngày quốc khánh để tế lễ”.

Ngày mồng 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 triều Nguyễn, nhà vua ban đạo sắc: “Tuấn Lương Công Khoa Đô Cấp Sự Trung Bái Khê phạm phủ quân chi thần từ trước đã được ban cấp, tiếp mộng linh ứng hộ quốc, giúp dân bảo vệ mùa màng. Nay sắc lưu tế tự ghi nhớ thần phả, tặng thêm dực bảo trung hưng, chi thần, vẫn cho phép thôn Bữu Bái, xã Đông Hải, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An tiếp tục thờ tự. Vậy phong sắc thần bảo vệ dân lành của trẫm...”.

Ngày mồng 6 tháng 4 năm Tự Đức thứ 11 triều Nguyễn sắc cho: Thần Bộ Công Khoa Đô Cấp Sự Trung Bái Khê Phạm Phủ Quân đã có công lao to lớn bảo vệ đất nước, giúp dân bội thu mùa màng, nổi tiếng linh ứng...Nay tặng thần danh hiệu Tuấn Lương Thần, vẫn chuẩn y cho Thôn Cổ Bái, xã Đông Hải, huyện Nghi Lộc được thờ phụng thần như cũ.(3)

Hiện vật còn lại của tiến sỹ Phạm Huy thời nhà Lê khi đi sứ nhà Minh gồm có mũ cánh chuồn và đôi hia (đôi giày).

Mũ cánh chuồn có chất liệu vải, sắt và lá kẽm. Toàn mũ phía ngoài bọc vải, phía trong (phần xương) là đan bằng lưới sắt. Hai bên mũ có hai cánh chuồn. Cánh chuồn cũng đan bằng lưới sắt. Trước mũ có bông hoa bằng vải nỉ màu đỏ. Hai bên trên mũ có hai con rồng. Giữa mũ có hình lưỡng long triều Nhật, phía dưới mũ hai bên có dát kim tuyến. Xung quanh mũ, nghệ nhân viền năm con rồng chạy theo nhau. Đầu rồng miệng há to, vây mềm mại. Đuôi rồng có năm vây, thân rồng có vẩy nhỏ.

Đôi hia bọc vải cứng, phía trong bọc xương bằng lưới sắt. Phần trên của ống hia miệng kim loại, trên đó có hoa văn hình rồng. Phía trước bàn chân hia có miếng kim loại hình hoa hướng dương nhỏ, giữa có hình tròn giát kim tuyến. Xung quanh đế hia được bao một vòng kẽm có hoa văn hình sóng nước mềm mại uyển chuyển.

Những hiện vật này được dòng họ Phạm ở xã Phúc Thọ huyện Nghi Lộc thờ ở gian phía trái nhà thờ.

Đã đến lúc ngành văn hoá nên phục chế kỷ vật thời Lê của tiến sỹ Phạm Huy góp phần bảo tồn di sản văn hoá dân tộc nhất là trong tời kỳ hội nhập quốc tế.

Phan Xuân Thành
Nguồn tin: Sở KHCN Nghệ An

1. Lời kể của cụ Nguyễn Hữu Lữ, 92 tuổi xóm 11 xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, Nghệ An.

2. Tục thờ thần và thần tích Nghệ An (PGS Ninh Viết Giao - Sở VHTT XB 2000, tr 370).

3. Các sắc phong trong nhà thờ họ Phạm ở xã Phúc Thọ, Nghi Lộc (dòng họ dịch).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét