Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2009

Nhà thờ họ Phạm (Phạm Nhữ Lãm), xã Yên Hải, Yên Hưng, Quảng Ninh

Nhà thờ họ Phạm (Phạm Nhữ Lãm), xã Yên Hải, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh - Di tích Lịch sử Văn hoá - Xếp hạng cấp Quốc gia năm 2004

Nhà thờ họ Phạm (Phạm Nhữ Lãm), thôn Hải Yến, xã Yên Hải, huyện yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh - Di tích Lịch sử Văn hoá - Xếp hạng cấp Quốc gia tại Quyết định số: Số 67/2004/QĐ-BVHTT, ngày 10/8/2004 của Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch).


Nhà thờ họ Phạm hay còn gọi là nhà thờ họ Tiên công, thờ cụ thuỷ tổ của dòng họ là cụ Phạm Nhữ Lãm, tên gọi khác là nhà thờ họ Phạm Nhữ, nằm ở thôn Hải Yến, xã Yên Hải, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh.

Năm 1434, Thời Lê, Vua Lê Thái Tông lên ngôi, niên hiệu Thiệu Bình, chủ trương chú trọng phát triển nông nghiệp, khuyến khích nhân dân đi khai hoang, mở rộng diện tích đất canh tác. Khi đó, ở vùng Thăng Long, Nam Định, 23 cụ đã tập hợp người, phát hiện ra khu vực bãi bồi ven cửa sông Bạch Đằng có những điều kiện tốt có thể sinh sống lâu dài, nên cùng nhau quai đê lấn biển, lập nên phường Bông Lưu sau thành xã Phong Lưu, xứ Bản Động sau đổi thành Trung Bản, xã Lương Quy nay là xã Liên Hoà, xã Vị Dương nay là xã Liên Vị. Ở phía tây bắc xã Phong Lưu có cụ Phạm Nhữ Lãm chiêu tập dân nghèo quai đê lấn biển lập nên xã Hải Triền nay là xã Yên Hải. Để tưởng nhớ công lao to lớn của các cụ, con cháu đời sau suy tôn các cụ là các bậc Tiên công và lập nhà thờ thờ phụng. Cụ Phạm Nhữ Lãm còn được phối thờ tại đình Hải Yến.

Nhà thờ họ Phạm (thờ Phạm Nhữ Lãm) được xây dựng từ đời thứ 6 của dòng họ (khoảng năm 1630) trên nền móng bây giờ. Đến nay công trình đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Kiến trúc hiện nay gồm sân, bái đường và hậu cung. Kiến trúc theo kiểu chữ Đinh (J) gồm 3 gian bái đường và 1 gian hậu cung. 4 bộ vì kèo theo kiểu giá chiêng vẫn giữ được dấu ấn tiêu biểu của thời Nguyễn. Cấu kiện bằng gỗ khá chắc chắn, được chạm khắc hình vân mây cuộn, lá lật uốn luợn, hoa cúc mãn khai...Trong từ đường hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, mỹ thuật như khám trướng, long ngai, bài vị thờ thuỷ tổ, cửa võng, đại tự, hoành phi câu đối ca ngợi công đức của tổ tiên được nghệ nhân chạm trổ công phu, tỉ mỉ tạo thành những bức tranh nghệ thuật mang dấu ấn thời đại.

Hàng năm, ngày 6 tháng giêng đầu năm âm lịch, con cháu dòng họ Phạm Nhữ lại chuẩn bị mâm lễ đem lên nhà thờ dâng cúng tổ tiên. Sau khi tế lễ, dòng họ có tổ chức ăn uống, các trò chơi dân gian. Tại nhà những gia đình có cụ già thọ 80, 90, 100 tuổi thì trang trí nhà cửa, bàn thờ, long mã, hoành phi, câu đối rất trang trọng để chúc thọ cụ thượng. Con cháu, họ hàng, làng xóm tuỳ theo thứ bậc đến lễ sống hoặc chúc thọ cụ. Ngày 02/12 âm lịch là ngày chạp tổ. Mọi người ra mộ tổ vun đắp để chuẩn bị cho năm mới và làm cỗ đem ra nhà thờ tạ ơn và báo cáo những công việc đã làm 1 năm qua với tổ tiên. Ngoài những ngày lễ chính đó, dòng họ còn tổ chức ngày giỗ tổ vào ngày 23/9 âm lịch và những ngày lễ tết theo phong tục Việt Nam.

Từ đường họ Phạm (thờ Phạm Nhữ Lãm) được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận giá trị lịch sử - văn hoá và xếp hạng cấp Quốc gia theo Quyết định số 67/2004/ QĐ-BVHTT, ngày 10/8/2004.

Phòng NVVH - Sở VHTTDL Quảng Ninh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét