Thứ Năm, 3 tháng 9, 2009

Nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong thanh niên: Được và chưa được

(Tháp Bút giới thiệu khi kiếm được bài viết về việc làm đã xưa của mình)

Khoa học kỹ thuật luôn là yếu tố rất quan trọng trong quá trình phát triển của một quốc gia. Hiểu rõ điều đó nên thanh niên Việt Nam trong thế kỷ 21 không ngừng tìm tòi và đóng góp nhiều thành tựu mới. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong thanh niên hiện vẫn còn một số nhược điểm.

Có thể minh chứng phần nào cho nhận định trên khi theo dõi Giải thưởng Khoa học kỹ thuật Thanh niên lần thứ XIII năm 2003. Trong số rất nhiều bài dự thi, tới đầu tháng 5/2003, 10 đề tài thuộc các lĩnh vực cơ học, công nghệ thông tin, vật lý, sinh học đã lọt vào vòng chung kết. Sự đa dạng của các đề tài cho thấy: với sức trẻ và sự năng động, thông minh, lớp trẻ ngày nay có thể thể hiện mình trên mọi "mặt trận". Trong phiên họp cuối cùng của Hội đồng Giải thưởng dưới sự chủ toạ của GS Viện sĩ Đặng Vũ Minh, Giám đốc Trung tâm KGHTN và CNQG và đồng chí Hoàng Bình Quan, Bí thư thứ nhất TW Đoàn TNCS HCM cùng tham dự còn có GS Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu và các nhà khoa học và chuyên gia cao cấp tên nhiều lĩnh vực khác nhau đã nhất trí cao khi lựa chọn ra 2 Giải Khoa học và 2 giải Kỹ thuật điển hình và đa số các Giải này đều nằm ở trong các lĩnh vực mới là Công nghệ sinh học và công nghệ thông tin.

Tính thực tiễn của đề tài cũng được các tác giả rất chú trọng. Hai đề tài đoạt giải Kỹ thuật đều do nhóm các tác giả trẻ dưới 30 tuổi thực hiện và mang tính ứng dụng thực tế cao. Đó là đề tài Hồi phục bàn thử CK-54-1K1 của tác giả Phạm Chí Nhân Quân chủng Phòng không Không quân được hội đồng nhất trí cao khi đánh giá ý nghĩa thực tiễn của đề tài. Với hệ thống tìm kiếm thông tin có hỗ trợ tiếng Việt - PanVietnam, nhóm tác giả trẻ ở Công ty NetNam đã đưa ra một website tìm kiếm hỗ trợ các font tiếng Việt thông dụng, hệ thống này còn mở ra khả năng ứng dụng tốt trong các giải pháp xây dựng thư viện điện tử ở Việt nam. Về ứng dụng CNTT còn có nhóm tác giả ở Công ty Đo đạc ảnh Địa hình lại ứng dụng công nghệ ảnh số thành lập bản đồ và hồ sơ địa chính phục vụ công tác giao đất, giao rừng, xây dựng hệ thống phần mềm lưu trữ và quản lý hệ thống hồ sơ địa chính lâm nghiệp, hỗ trợ đắc lực cho công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, đất chưa sử dụng.

Đặc biệt được đánh giá cao ý nghĩa khoa học là hai đề tài: Nghiên cứu gây viêm tuỵ cấp trên chuột cống trắng và đánh giá tác dụng chống viêm thực nghiệm của chế phẩm AT-04 của Vũ Hà cùng Hoàng Văn Lương ở Khoa Dược lý, Học viện Quân y; Tìm hiểu học Thiên lý (Asclepiadaceae R.Br) ở Việt Nam của Trần Thế Bách ở Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Theo đánh giá của Hội đồng thì các đề tài thanh niên này đều ở mức các luận văn tiến sỹ khoa học xuất sắc và bản thân các tác giả đều có học vị Tiến sĩ.

Về đề tài của Vũ Hà và Hoàng Văn Lương, theo PGS.TSKH Nguyễn Văn Dịp, Vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ Y tế, uỷ viên Hội đồng chấm Giải thưởng, đây là một nghiên cứu thực nghiệm trên cơ sở khoa học, nghiêm túc, tính khoa học cao, có triển vọng đưa vào ứng dụng trong công tác điều trị cho bệnh nhân. PGS.TSKH Lê Thành Phước ở Đại học Dược Hà Nội cũng nhận định đề tài có những đóng góp mới mẻ và sáng tạo trong nghiên cứu bệnh và điều trị viêm tuỵ cấp bằng chế phẩm AT-04 trên động vật thí nghiệm, đồng thời có triển vọng tốt áp dụng trên lâm sàng. Kết quả nghiên cứu này là cơ sở để có thể sử dụng chế phẩm AT-04 điều trị các bệnh lý viêm chung và viêm tuỵ cấp trên người bệnh (bước đầu đã áp dụng điều trị trên bệnh nhân bỏng tại Viện Bỏng Quốc gia).

Tìm hiểu họ Thiên lý cũng có nhiều điểm mới cả về nội dung và phương pháp nghiên cứu, có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn lớn trong việc giảng dạy thực vật học trên toàn quốc và những ngành khác như dược học. Được biết, thiên lý là họ thực vật có ý nghĩa khoa học và giá trị kinh tế cao, trên lãnh thổ nước ta có khoảng 110 loài nhưng rất khó định loại. Trần Thế Bách đã chấp nhận khó khăn này, lần đầu tiên ở Việt Nam áp dụng phương pháp nghiên cứu mới: dùng màn hình kỹ thuật số, chương trình máy tính để phân loại và tìm mối quan hệ phát sinh, kết quả đã bổ sung thêm 1 chi và 6 loài mới cho hệ thực vật Việt Nam. GS.TSKH Phan Nguyên Hồng, Đại học Sư phạm Hà Nội đánh giá: đây là bước đổi mới quan trọng về phương pháp nhằm nâng cao chất lượng phân loại học ở Việt Nam.

Những kết quả trên khiến cho Hội đồng chấm giải nói riêng và những người quan tâm tới cuộc thi nói chung rất phấn khởi. Song, niềm vui đó sẽ trọn vẹn hơn nếu những nhược điểm trong nghiên cứu của thanh niên được hạn chế hơn. Tham dự một giải thưởng ở tầm quốc gia, vậy mà một số đề tài vẫn chưa có được kết quả khoa học và ứng dụng rộng rãi. Chẳng hạn đề tài Sử dụng ảnh vệ tinh TERRA-MODIS nghiên cứu chỉ số thực vật phục vụ công tác dự báo mùa màng trên lãnh thổ Việt Nam của Ths Doãn Hà Phong ở Trung tâm Vật lý & Công nghệ Môi trường - Viện Vật lý. Phương pháp sử dụng chỉ số thực vật thông qua ảnh vệ tinh để đánh giá mùa màng đã được áp dụng ở nhiều nước song vẫn là vấn đề mới ở nước ta. Có lẽ cũng vì còn mới mẻ nên công trình chỉ dừng ở mức nắm được lý thuyết, bề dày số liệu còn mỏng, các kết quả nghiên cứu chỉ được thực hiện ở một điểm nên tính thuyết phục chưa cao. Trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, năm nay, còn hai đề tài lọt vào chung kết nhưng cả hai đều chưa được đánh giá cao. Một Uỷ viên Hội đồng chấm, đã trở thành vị giám khảo khắt khe nhất khi công tâm thừa nhận: Nghiên cứu vấn đề an ninh, bảo mật trên mạng và ứng dụng cho mạng máy tính của Bưu điện Hà Nội, thực chất chỉ là tóm lược của tác giả về vấn đề an ninh, an toàn bảo mật trên mạng từ các tài liệu thông dụng quốc tế, có tổng hợp về mạng, chứ không đưa ra được một giải pháp cụ thể nào. Tương tự, Nghiên cứu về Thương mại điện tử và đề xuất triển khai Thương mại điện tử ở Bưu điện Hà Nội cũng chỉ là bài tổng hợp kiến thức về thương mại điện tử, thí dụ minh hoạ là một trang web "chết". Trong môi trường Viễn thông - Internet, tác giả không đưa ra được khuyến nghị cụ thể nào về thương mại điện tử ở môi trường giá trị gia tăng dịch vụ của ngành.

Dẫu sao, sự tham gia đông đảo của lớp trẻ vào Giải thưởng Khoa học kỹ thuật thanh niên cũng là một tín hiệu vui, cho thấy không phải thanh niên Việt Nam thờ ơ với sự phát triển và hội nhập của đất nước. Chính những thành tựu nghiên cứu của họ đã, đang và sẽ góp phần đưa Việt Nam tiến kịp với thế giới tiến bộ, hiện đại.



Phạm Bình Minh

Nguồn tin: Văn phòng Hội Tin học Việt Nam

1 nhận xét:

  1. Hệ thống thiết bị của tổ hợp CK-54-1K1 được phía Nga chào bán là 5 triệu USD. Vậy là cũng giá gần trăm tỷ VND.

    Trả lờiXóa