Thứ Ba, 1 tháng 9, 2009

Tìm hiểu sự di cư của dòng họ Phạm là hậu duệ của Phạm Tu

(Bài viết nhân ngày 08-9-2009 nhằm ngày 20 tháng 7 âm lịch kỷ niệm 1464 năm ngày mất danh tướng Phạm Tu)

Trước hết chúng ta xem thông tin về hậu duệ cùng huyết thống từ Danh tướng Phạm Tu

Theo cuốn Gia phả - khảo cứu và thực hành của nhà gia phả học Dã Lan – Nguyễn Đức Dụ, chúng ta được biết về hậu duệ của Phạm Tu:

Đời thứ 2: có con là Phạm Tĩnh

Phạm Tĩnh là con của Phạm Tu. Năm 582 đã giúp Lý Phật Tử - Hậu Lý Nam Đế (571-562) chống quân Phương Bắc, khôi phục thành đô. Ông khuyên Lý Phật Tử dời đô từ Ô Diên đến Phong Châu (Hạc Trì). Ông là tướng quốc thời này.

Đời thứ 3: có cháu là Phạm Hiển

Phạm Hiển là con Tướng quốc Phạm Tĩnh đã chiêu mộ dân chúng kháng Tùy từ 603-605 để rửa hận cho Vua (Hậu Lý Nam Đế) và cho cha (Phạm Tĩnh).


 Theo cuốn “Họ Phạm trong cộng đồng dân Việt, tập 1” có dẫn thông tin từ cụ Dã Lan căn cứ cuốn Phạm tộc thế phổ:

Hậu duệ của Phạm Tu ở vùng Trà Hương thuộc Nam Sách Giang (nay là Nam Trung, huyện Nam Sách, Hải Dương) có:

Đời thứ 14: Phạm Trì (Phạm Trí Dũng) sinh Phạm Chiêm

Đời thứ 15: Phạm Chiêm (889-951) - nhân vật nổi tiếng thời Ngô Quyền. Ông có con là Phạm Bạch Hổ, Phạm Mạn

Đời thứ 16: Phạm Mạn sinh ra Phạm Hạp, Phạm Cự Lượng,… (sinh được 5 trai 3 gái đều là người hiển đạt)

Đời thứ 16: Phạm Bạch Hổ gả con gái Phạm Thị Ngọc Duyên cho con trai trưởng của Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập khi Ngô Xương Ngập chạy nạn về ẩn ở nhà Phạm Chiêm.

Đời thứ 17: Phạm Hạp (?-981) chống Lê Hoàn phải tuẫn tiết

Đời thứ 17: Phạm Cự Lượng (944-984)


Đời thứ 24: Phạm Ngũ Lão là hậu duệ dòng Phạm Mạn

Tìm hiểu về sự di cư

Khi quân Lương tấn công nhà nước Vạn Xuân vào năm 545, lão tướng Phạm Tu hy sinh. Lực lượng của Vạn Xuân phân tán ra hai vùng chính là họ Lý ở vùng trung du và miền núi Tây Bắc, họ Triệu ở vùng châu thổ sông Hồng. Về sau họ Lý đánh thắng Triệu Việt Vương cai quản vùng đồng bằng. Ban đầu đóng đô ở Ô Diên (Hạ Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội), sau về Phong Châu. Như lời khuyên của tướng quốc Phạm Tĩnh (sinh đầu thế kỷ VI – trước năm 545, mất cuối thế kỷ VI – sau năm 582). Như vậy con cháu của Phạm Tu theo họ Lý có Phạm Tĩnh. Ở thế kỷ thứ VIII còn có hai nhân vật họ Phạm cùng xuất thân gia đình dòng dõi ở vùng Đường Lâm có thể góp phần xích chuỗi sự phát triển của họ Phạm đó là:

- đầu thế kỷ thứ VIII có hoàng hậu Phạm Thị Uyển vợ của Mai Thúc Loan (?-722), mất những năm 720 khi đánh quân Đường trên sông Tô Lịch

 - cuối thế kỷ thứ VIII có mẹ của Ngô Quyền (898-944), bà là vợ Ngô Mân là người cùng châu

 Về địa lý thì vùng Đường Lâm và Hạc Trì (Phong Châu) chỉ cách nhau con sông Hồng. Theo thời gian, Phạm Tĩnh, Phạm Hiển sống cuối thế kỷ VI, đầu thế kỷ VII, nên chúng tôi giả thuyết là con cháu cụ Phạm Tu khi đánh quân Tùy thất bại sẽ rất có thể đã về vùng Đường Lâm ở thế kỷ thứ VII và đã có dòng họ Phạm rất danh gia ở đây và có thể hai bà hậu họ Phạm là người của dòng họ này chăng?

Một số con cháu Phạm Tu có thể theo Triệu Quang Phục về vùng Dạ Trạch chống quân Lương thắng lợi. Ngày nay vùng Hải Dương, Hưng Yên là cái nôi lớn của các dòng họ Phạm. Họ Phạm vùng này có dòng là hậu duệ của Phạm Tu như Phạm Chiêm là một vị Thủy Tổ lâu đời. Như thống kê ở trên thì gia đình ông thuộc hàng danh gia bậc nhất, con cháu hiển đạt. Phạm Bạch Hổ còn là thương nhân nổi tiếng. Có lẽ chính sự giàu mạnh của ông đã góp phần giúp Đinh Bộ Lĩnh thuận lợi khi chinh phục các sứ quân còn lại.

Đến thời Đinh Lê, nổi lên hai anh em Phạm Hạp – Phạm Cự Lượng còn có nhiều điều chưa thống nhất:

- Có người cho là Phạm Hạp tuy khép tội chết nhưng chỉ là “xử”, còn Lê Hoàn muốn dùng Phạm Cự Lượng thì Phạm Hạp không bị giết,

- Có người cho là Phạm Cự Lượng vô tự, nhưng có người lại cho là Phạm Hạp vô tự.

 Nhưng dù sao con cháu họ sẽ phải ẩn dật một thời gian dài sau thời Đinh, họ sống từ vùng đồng bằng sông Hồng vào hết Thanh Nghệ. Đơn cử thống kê được 32 dòng họ lớn nhỏ là hậu duệ Phạm Ngũ Lão cả ở Miền Bắc và Miền Trung. Tuy nhiên việc kết nối là vô cùng khó khăn.

 Một câu hỏi nêu lên về mặt tông giống: có phải dòng họ Phạm hậu duệ Phạm Tu có các bà hậu: Phạm Thị Uyển, mẹ Ngô Quyền, Phạm Thị Ngọc Duyên,…? Và đàn ông cũng chỉ vào hàng tứ trụ triều đình là tột đỉnh? (Như Phạm Tu, Phạm Tĩnh)

Tháp Bút

------------
Danh sách 32 dòng họ Phạm được cho là hậu duệ Điện soái Phạm Ngũ Lão:

  1. Họ Phạm-Đông Thọ, xã Phù Ủng, Ân Thi, Hưng Yên
  2. Họ Phạm ở Cốc Tràng Xã Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng
  3. Họ Phạm Ngọc h. Lương Ngọc, Hải Dương
  4. Họ Phạm xã Châu Khê, Bình Giang, Hải Dương (làng có tướng Phạm Sỹ sống thời Điện soái)
  5. Họ Phạm-Đào Quạt, xã Bãi Sậy, Ân Thi, Hưng Yên
  6. Họ Phạm Đăng ở Yên Mỹ huyện Yên Mỹ, Hưng Yên
  7. Họ Phạm Đăng xã Giai Phạm Yên Mỹ, Hưng Yên
  8. Họ Phạm xã Phạm Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên
  9. Họ Phạm-Làng Bông, h. Kim Động, Hưng Yên
  10. Họ Phạm xã Xuân Bản, Mỹ Hào, Hưng Yên
  11. Họ Phạm bốn Làng Vy, Thái Bình: Trà Vy, Lại Vy (Kiến Xương), Hữu Vy (Tiền Hải), và Thuận Vy (Vũ Thư)
  12. Họ Phạm ở Lịch Bài, xã Vũ Hòa, Kiến Xương, Thái Bình
  13. Họ Phạm-Tiên Hưng, Phú Lễ, xã Tự Tân, Vũ Thư, Thái Bình
  14. Họ Phạm phố Nam Ngư, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
  15. Họ Phạm phường Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội
  16. Họ Phạm-Làng Chuông, Thanh Oai, Hà Nội
  17. Họ Phạm-Làng Tía, Thường Tín, Hà Nội
  18. Họ Phạm đến xã Tân Hội, Đan Phượng, Hà Nội
  19. Họ Phạm thôn Hà Nạn, Hải Phúc, Hải Hậu, Nam Định
  20. Họ Phạm xã Quỳnh Bá, Quỳnh Lưu, Nghệ An
  21. Họ Phạm-Linh Kiệt, Diễn Phúc, Diễn Châu, Nghệ An
  22. Họ Phạm-Trà Lộ, xã Hòa Hải, q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng
  23. Họ Phạm Nhữ-Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng
  24. Họ Phạm thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, Hòa Vang, Đà Nẵng
  25. Họ Phạm ở Hà Thanh, xã Điện Hòa h. Điện Bàn, Quảng Nam
  26. Họ Phạm ở Long Hội, xã Điện Thọ, h. Điện Bàn, Quảng Nam
  27. Họ Phạm xã Cẩm Vân, Điện Bàn, Quảng Nam
  28. Họ Phạm xã Cẩm Sa, Điện Bàn, Quảng Nam
  29. Họ Phạm Nhữ-Hương Quế, xã Quế Phú, Quế Sơn, Quảng Nam
  30. Họ Phạm Nhữ ở thôn Đồng Tràm, xã Bình Phục, Thăng Bình, Quảng Nam
  31. Họ Phạm Công Mộ Đức, Quảng Ngãi
  32. Họ Phạm ở Thi Phổ, xã Đức Tân, Mộ Đức, Quảng Ngãi

3 nhận xét:

  1. Vui quá!
    Rất cám ơn Họ Phạm đã đăng bài này. Tôi đọc bài viết này thấy hóa ra mình là 1 trong những hậu duệ của Phạm Ngũ Lão. Trong danh sách 32 dòng họ Phạm có dòng họ Phạm - Làng Chuông - Thanh Oai- Hà Nội đứng thứ 16.
    Thật cảm động và thấy rất tự hào

    Trả lờiXóa
  2. Theo Gia phả họ Ngoại tôi thì Tổ khai sáng dòng Phạm tộc ở Cốc Tràng, huyện An Lão là cụ Phạm Đình Khanh 范廷牼. Cụ là hậu duệ đời thứ 16 (17?) của Phạm Ngũ Lão và là người con thứ tư của Thượng tổ Phạm Công Quý 范公貴. Cụ từ Đường Hào sang lập nghiệp ở Cốc Tràng, Cao Mật năm Bính Thân, 1716. Cụ mất ngày 09 tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ nhất (Canh Thân, 1740).

    Trả lờiXóa
  3. ho pham o xa Nhat Tan huyen Tien Lu tinh Hung Yen. Que cua anh hung Pham Thanh Ngan cung la mot dong ho co nhieu nguoi thanh dat.

    Trả lờiXóa