Thứ Hai, 31 tháng 8, 2009

Về lai lịch một vị tướng được tôn vinh ở Đền Miệu

Đền Độc Lôi, còn gọi là Đền Miệu, thờ một vị tướng quân thời nhà Lý có công đánh giặc Tống và Chiêm Thành, Ai Lao. Đền được nhân dân lập để thờ ông khi ông đang sống. Để làm sáng rõ thêm công tích và sự nghiệp vị thần Độc Lôi, chúng tôi xin cung cấp một số tài liệu quý mới phát hiện được.


Tài liệu chữ Hán "Bách thần sự tích" (sự tích 100 vị thần) ở xứ Nghệ, trang 4, có ghi về đền thờ và vị thần Độc Lôi.Thần tích này được ghi chép vào cuối triều Nguyễn. Thần được thờ chính miếu ở Đền Miệu (dưới chân núi Độc Lôi). Người dân ở hai xã Hữu Biệt (nay là xã Nam Giang) và xã Trường Cát (nay là xã Nam Cát) cùng có trách nhiệm phụng thờ. Đền Độc Lôi bị bom Mỹ đánh tan, rất may một số đồ tế khí, tượng, được dân hai xã đưa về hai ngôi đền xã Nam Giang và Nam Cát để thờ. Đáng chú ý, trong các di vật còn lại ở "Chỉ Thiện đàn" (còn gọi là Đền Mĩ Thiện), còn lưu một số bản sắc phong cho vị thần Độc Lôi họ Phạm.

Qua các tài liệu trên, chúng ta chỉ biết thần núi Độc Lôi là Phạm Lãnh binh, tức Lãnh binh họ Phạm, chưa rõ tên thật của Thần, chức vụ của thần là Lãnh binh Phiếu Kị uý, Thượng tướng quân Uy liệt hầu. Thần rất linh thiêng, được sắc phong với nhiều mĩ tự, trợ hiệu để phù hộ cho nhân dân và bảo vệ quốc gia.

Rất may, gần đây có ông Trần Đại Sỹ, một người Việt đang sống ở nước ngoài, là đoàn viên, rồi Trưởng đoàn đoàn trao đổi Y học Pháp - Hoa, nhiều năm công tác tại Trung Quốc. Ông đã có công đi các thư viện lớn ở Trung Quốc để đọc các tài liệu sử học nước nhà, nhất là thời Lý chống Tống. Ông đã gặp hầu hết các gia đình có các nhân vật quan trọng liên quan đến cuộc chiến tranh Tống - Việt để xin đọc gia phả, tài liệu. Ông đã được đọc 2 cuốn nhật ký hành quân của 2 tướng Tổng chỉ huy cuộc xâm lăng Đại Việt (1076- 1077): Quách thị Nam chinh của Quách Quỳ và Triệu thị chinh tiễu Giao Chỉ ký của Triệu Tiết. Ông Nguyễn Bá Mão tóm lược lai lịch của vị thần Độc Lôi, được ghi chép trong các tài liệu do ông Trần Đại Sỹ cung cấp (đã đăng trong Tạp chí Văn hoá Nghệ An gần đây). Chúng tôi xin khái quát lại như sau:

Thần tên thật là Phạm Trọng Y (1052 -1077), chưa rõ quê quán (?). Cha là Phạm Trọng Khâm, mẹ là Quách Thị Phương. Ông mồ côi cha mẹ lúc 7 tuổi, được cậu đưa về nuôi và đổi tên là Quách Y. 10 tuổi cậu mất, ông bơ vơ phải đi ăn xin độ nhật tại Thăng Long. Ông kết thân làm anh em với 6 người khác cùng cảnh ngộ: Trần Di (Vũ Thư, Thái Bình), Dương Minh, Triều Thu (Cao Xá, Nghệ An), Mai Cầm (Vạn Phần, Nghệ An), Ngô Ức (Đường Lâm, Sơn Tây), Tạ Duy (An Lĩnh, Thanh Hoá). Họ được nhà sư Minh Không nhận làm đệ tử và gửi cho Hoàng tử Lý Chiêu Văn làm con nuôi. Họ được Vương Phụ Hoàng của Hoàng tử dạy cho văn võ song toàn. Họ tập luyện ở Hồ Tây và lặn giỏi như giao long. Họ lại được Ỷ Lan phu nhân Lê Thị Yến Loan nhận làm con nuôi và được giới thiệu tài năng với nhà vua. Vua đã ban cho họ mỹ hiệu là "Tây Hồ thất kiệt". Quách Quỳ ghi trong Quách Thị Nam chinh về 7 ông là "Giao Long thất quái" và sách Triệu Thị Chinh Tiễu Giao Chỉ ký lại gọi họ là "Giao Chỉ thất Long". "Tây Hồ Thất Kiệt" đã tập hợp được 500 thiếu niên cùng khổ, đem nuôi dạy họ thành đội quân có bản lĩnh, bơi lội dưới nước như rái cá, có tài thuỷ chiến. Vua Lý Thánh Tông đã ban cho họ mỹ hiệu "Giao Long Tây Hồ". Năm 1069, đội Giao Long theo 7 vị hộ tống Vua Lý Thánh Tông bình Chiêm, lập nhiều công trong các trận Nam Giới, Nhật Lệ, Thi Nại, Phan Rang. Trở về, 7 vị được phong tước bá, giữ chức Đô Thống, mỗi vị được chỉ huy hiệu Thiên Tử Bình. Phạm Trọng Y được giao chỉ huy hiệu Thiên Tử Bình Bổng Thánh. Ỷ Lan thần phi hỏi vợ cho 7 vị, hỏi cho Phạm Y tiểu thư Phạm Phương Tiên, con quan Kinh lược Ân và Sứ trấn Thanh Hoa Phạm Nhật Chiêu.

Một lần dẫn quân đi đánh Chiêm Thành, Phạm Trọng Y cho quân dừng nghỉ ở Rú Miệu. Vùng Rú Miệu lúc ấy rừng rậm hoang vu, có nhiều thú dữ, ông đã cho quân dùng nỏ lớn mã não, hoàng thạch tiêu diệt hết đàn chó sói, cứu nạn cho dân. Dân biết ơn, đã lập đền thờ sống ông ở Rú Miệu.

Năm 1075, để chặn trước âm mưu cướp nước ta, Vua Lý đã cho quân vượt biên giới tấn công các châu Ung, Liêm, Khâm, Dung, Nghi, Bạch của nước Tống. "Tây Hồ Thất Kiệt" đã theo Lý Thường Kiệt Bắc chinh, lập được công lớn. Bảy vị cùng được phong Đại tướng quân tước hầu. Phạm Trọng Y được phong Minh uy Đại tướng quân, tước Minh Tâm hầu và vợ là Nhất phẩm phu nhân.

Năm 1076, bảy vị cùng quân sĩ đánh trả quân Tống những trận kinh thiên động địa ở trận tuyến sông Như Nguyệt, buộc quân địch phải rút lui. Cả 7 vị và phu nhân "Tây Hồ Thất Kiệt" đều hy sinh oanh liệt ngay tại trận tuyến!

Sau khi hết giặc, bảy vị được truy phong tước Đại Vương, các phu nhân được phong Quận chúa và được triều đình truyền lập đền thờ. Ông Phạm Trọng Y được truy phong Minh uy Lôi trấn Đại Vương và phu nhân được truy phong Trang Thanh Quận Chúa. Nhà vua cho lập đền thờ ông ở Rú Miệu và ban ruộng cho nhân dân địa phương để hương khói.

Đền Độc Lôi sơn thần Phạm Trọng Y bị san phẳng từ lâu, nhưng khu nền di tích còn lại phía trước bãi đá cũ và gần Cầu Miệu, cần được xây dựng lại để tôn vinh một nhân vật có công lao với dân tộc, đất nước. Ông Tổng Giám đốc hãng Bia Sài Gòn, chủ đầu tư Nhà máy bia Cầu Miệu, đã có dự định cho xây dựng lại Đền Miệu. Đấy là việc làm cần được ủng hộ!

Đào Tam Tỉnh - Thư viện Nghệ An

Nguồn tin: Báo Nghệ An điện tử

Gìn giữ "gia bảo" họ tộc

Có những người đã âm thầm bảo vệ hương án thờ ông bà tổ tiên, những bảng phả hệ, những sắc phong của dòng tộc giữa binh biến và ly tán. Thậm chí họ đã ngã xuống để giữ gìn đến cùng những vật gia bảo ấy.

Bức gia phả đẫm máu

Làng Kim Đái nay thuộc xã Tam Thăng, huyện Núi Thành (Quảng Nam), từ xưa đã nổi tiếng với hai câu thơ "Kim Đái đai vàng đâu thuở trước/Thạch Kiều cầu đá mãi còn đây". Trong chiến tranh, xóm Áp Bắc thuộc làng Kim Đái chỉ có 45 nóc nhà nhưng đã có đến 70 liệt sĩ và 15 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ông Trương Đưa, trưởng tộc Trương ở đây là một trong những người tham gia bám trụ, đào địa đạo trong nhiều năm. Ông đã bị lính Mỹ bắn chết trong một hoàn cảnh rất hy hữu và hết sức cảm động vào năm 1969.

Hôm ấy xóm Áp Bắc chìm trong lửa đạn. Lính Mỹ từ căn cứ Chu Lai mở cuộc hành quân càn quét vùng ven biển. Nhà thờ họ Trương bị đốt cháy.

Là trưởng tộc, ông Đưa quyết bảo vệ cho được bộ phả hệ của dòng họ đang bị nguy cơ biến thành tro. Ông quyết xông vào lửa ôm lấy ống tre đựng bảo vật chạy thoát ra ngoài. Lính Mỹ tưởng Việt cộng ôm súng liền bắn theo, ông ngã quỵ xuống bờ rào và tắt thở. Bộ phả hệ vẫn được nắm chặt trong bàn tay nhuốm đầy máu. Dân làng, vợ con chôn cất ông trong nước mắt và mang bộ phả hệ ấy về giữ cho đến ngày hòa bình...

Đại ấn của vua Lê Thánh Tông

Ở làng Hương Quế bên Quốc lộ 1A, thuộc xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, Quảng Nam có một nhà thờ của tộc Phạm xây dựng từ thời vua Tự Đức. Ngoài việc thờ cúng tổ tiên, nơi đây còn lưu giữ gia phả tộc họ và 6 tờ sắc phong từ các đời chúa Nguyễn, vua Lê.

Đáng chú ý nhất là đại ấn "Đế mạng chi bửu" của vua Lê Thánh Tông và "Chế mạng chi bửu" của vua Lê Thần Tông ban tặng cách đây gần 6 thế kỷ vẫn còn nguyên vẹn, được bảo vệ cẩn thận trong một ống đồng.

Theo gia phả tộc Phạm ở Hương Quế, bậc tiền hiền vào đây đầu tiên là Phạm Nhữ Dực, con trai thứ 5 của danh tướng Phạm Ngũ Lão đời Trần.

Năm 1401, Phạm Nhữ Dực giữ chức Chánh đô án vũ sứ, phụ trách di dân ở khu vực Quảng Nam - Quảng Ngãi. Cháu nội của ông về sau là Phạm Nhữ Tăng theo vua Lê Thánh Tông vào Nam năm 1471 rồi được phong chức Quảng Nam thừa tuyên đô thống. Ông mất năm 1478 ở Bình Định, được vua cho cải táng đưa về an nghỉ tại làng Hương Quế. Trước mộ của cụ Phạm Nhữ Tăng hiện nay vẫn còn câu đối do chính vua viết, tạm dịch nghĩa: "Nghĩa sĩ lắm mưu cơ, góp sức đồng lòng bình Chiêm quốc; Gương đài thêm rạng rỡ, hương hồn ngàn thuở rạng trời Nam"

Ông Phạm Trợ, người đang được giao trọng trách giữ gìn những tài liệu quý giá có một không hai nêu trên kể lại: Vị tiền nhiệm trước đây là cụ Phạm Trí, nay đã trên 96 tuổi, là hậu duệ đời thứ 17 của tộc Phạm vào định cư ở xứ đàng Trong. Cụ Trí theo lời trăn trối của các đấng sinh thành là sống chết gì mỗi thế hệ cũng phải thay nhau giữ cho được gia bảo của tổ tiên, nên dù chiến tranh, ly tán mấy mươi năm cụ Trí đã phải vất vả mang theo bên mình.

Trong đời cụ Trí, một lần vào năm 1949, lính Pháp đi lùng sục đốt phá làng đã vào nhà thờ tộc Phạm lục tìm tài liệu, vũ khí của Việt Minh. Chúng đã lật tung gia phả, những tờ sắc phong ấy và ném bay tứ tán. Khi chúng rút quân, ông mới đi nhặt lại cất giữ và rất may không có sự hư hại nào. Khi giao nhiệm vụ lại cho ông Trợ, cụ Trí đã sống ngót một thế kỷ, nhưng ông nói khiêm tốn: "Việc lớn nhất đời tôi là giữ được nguyên vẹn bửu bối của tổ tiên để lại!"

Trên đây là hai trường hợp cảm động mà chúng tôi ghi lại được sau những lần đi thực tế ở Quảng Nam. Giữ gìn gia phong cũng chính là giữ lại một phần quan trọng của văn hóa và lịch sử- nguồn cội của mỗi chúng ta. Những giá trị ấy xứng đáng được trả giá như thế để bảo tồn và truyền lại cho con cháu đời sau.

Trương Điện Thắng
(Theo Thanh Niên)

Nguồn tin: Tiền Phong Online 

Việc học và thi của người Quảng xưa

Nhân dịp đầu năm học mới, hãy thử xem lại việc học và thi của người Quảng trước kia ra sao?


Nói về khoa cử, Quảng Nam cũng có thể tự hào là một trong những vùng đất có truyền thống hiếu học nổi tiếng, nơi có số lượng người thi đỗ nhiều nhất so với các tỉnh phía nam đèo Hải Vân.

Năm 1472 Quảng Nam Thừa tuyên đạo thành lập, thì đến năm 1488, Quảng Nam đã có nguời dự thi kỳ thi Hương. Từ đó, Quảng Nam đã có những người đỗ thi hương như Lê Cảnh, Phạm Hữu Kính, Trần Phúc Thành, Đặng Dung …Nhưng tiếc rằng không có tài liệu để thống kê đầy đủ.

Từ giữa thế kỷ thứ XIX, đến triều Nhà Nguyễn, Quảng Nam trở thành vùng đất học nổi tiếng, sản sinh ra nhiều nhà khoa bảng, nhiều tri thức cho đất nước. Trong khoảng 100 năm, từ 1817-1918 tại 32 khoa thi Hương ở trường Thừa Thiên Huế, Quảng Nam có tất cả 252 người đỗ, liên tiếp cả 32 khoa, chiếm 27,7% số người đỗ ở trường này, bằng 5,9% số người đỗ trong cả nước. Quảng Nam còn có 39 vị đỗ đại khoa gồm 14 tiến sĩ và 25 phó bảng, trong số 558 vị đại khoa của cả nước, xếp hàng thứ 6. Trong đó, có một Đình nguyên Hoàng giáp là Phạm Như Xương, 2 trường hợp song nguyên là Phạm Phú Thứ và Huỳnh Thúc Kháng vừa đỗ hương nguyên vừa đỗ hội nguyên.

Trong các kỳ thi, sĩ tử Quảng Nam đều đỗ đạt rất cao. Khoa thi Hội Mậu Tuất (1898) 5 người Quảng Nam cùng đỗ, được người đương thời dành tặng danh hiệu “Ngũ Phụng tề phi” cho 3 tiến sĩ Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn và 2 phó bảng Ngô Chuân, Dương Hiển Tiến.

Khoa thi Canh Tý (1900), ở Quảng Nam đã có đến 14 người đăng khoa mà những người đỗ kế tiếp nhau từ thứ nhất đến thứ tư là Huỳnh Thúc Kháng (Hương nguyên), Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh, Lê Bá Trinh.

Khoa thi Tân Sửu (1901) có bốn người cùng đỗ phó bảng là Nguyễn Đình Hiến, Võ Vĩ, Nguyễn Mậu Hoán, Phan Châu Trinh được tặng cho Danh hiệu “Quảng Nam tứ kiệt”.

Có tới 123 làng trong tỉnh có người đỗ từ cử nhân trở lên. Một số làng có nhiều người đăng khoa như làng Bảo An có đến 14 người, Mã Châu 10 người, Xuân Đài 9 người và các làng Phiếm Ái, Mỹ Xuyên, Chiên Đàn 6 người. Lại có trên 20 gia đình được liệt vào hàng thế khoa (nhiều người đỗ). Tiêu biểu có gia đình họ Hoàng làng Xuân Đài cha con, anh em, bác cháu, chú cháu đều thi đỗ (Hoàng Kim Giám, Hoàng Diệu, Hoàng Kim Huyễn, Hoàng Chấn, Hoàng Đống, Hoàng Dương). Gia đình họ Nguyễn làng Hà Lam cha con chú cháu cùng thi đỗ (Nguyễn Thuật, Nguyễn Chức, Nguyễn Tạo, Nguyễn Duật). Gia đình họ Phạm làng Mã Châu cha con, anh em cùng thi đỗ (Phạm Thanh Nhã, Phạm Thanh Thạc, Phạm Thanh Nghiêm, Phạm Cung Lượng). Hay trường hợp họ Nguyễn làng Chiên Đàn có cha Nguyễn Văn Dục đỗ phó bảng, con Nguyễn Văn Thích đỗ tiến sĩ. Gia đình họ Nguyễn Tường ở Cẩm Phô có anh Nguyễn Tường Vĩnh đỗ phó bảng, em Nguyễn Tường Phổ đỗ tiến sĩ, … Danh hiệu “Ngũ tử đăng khoa” tặng cho 5 anh em Nguyễn Khắc Thân, Nguyễn Chánh Tâm, Nguyễn Thành ý, Nguyễn Tu Kỷ, Nguyễn Tĩnh Cung người làng Túy La, trú làng Bất Nhị, trong đó 3 người đỗ tú tài là Nguyễn Khắc Thân, Nguyễn Chánh Tâm, Nguyễn Tu Kỷ, 2 người đỗ cử nhân là Nguyễn Thành Ý và Nguyễn Tĩnh Cung.

Tinh thần hiếu học không chỉ thể hiện ở những người trẻ tuổi như trường hợp Ông ích Khiêm thi đỗ cử nhân năm 15 tuổi được vua Tự Đức khen là “Thiếu niên đăng cao khoa” mà còn ở sự gương mẫu, chí kiên trì của những người sắp bước sang tuổi lão nhiêu như trường hợp Trà Quý Trưng đến năm 56 tuổi vẫn còn đi thi, đỗ cử nhân.

Ngoài ra, Quảng Nam cũng là vùng đất có những nhà giáo nổi tiếng, được giao trọng trách giáo dục cho những vị vua tương lai của triều đình Nguyễn như Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Nguyễn Đình Tựu …

Hà Phan

Nguồn tin: http://xuquang.wordpress.com/

Những cuộc đổi họ lớn trong lịch sử

1. Từ họ Lý ra họ Nguyễn
Đầu năm 1226 (tháng 12 năm Ất Dậu), Trần Thủ Độ tổ chức đảo chánh lật đổ nhà Lý, đưa Trần Cảnh lên ngôi tức Trần Thái Tông (trị vì 1226-1258), lập ra nhà Trần (1226-1400).

Nguyên Trần Thủ Độ ép vua Lý Huệ Tông (trị vì 1211-1224) nhường ngôi cho người con gái mới sáu tuổi là Chiêu Thánh công chúa tháng Mười năm giáp thân (cuối 1224), tức Lý Chiêu Hoàng (trị vì 124-1225). Lý Huệ Tông lên làm Thái thượng hoàng, xuất gia đi tu tại chùa Chân Giáo, pháp danh là Huệ Quang thiền sự Trần Thủ Độ sắp đặt cho con cháu của mình là Trần Cảnh, mới tám tuổi, cưới Lý Chiêu Hoàng. Chiêu Hoàng lại nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh tức Trần Thái Tông. Để củng cố nhà Trần, Trần Thủ Độ kiếm cách tiêu diệt tất cả con cháu nhà Lý. Việc đầu tiên là Trần Thủ Độ bức tử thượng hoàng Lý Huệ Tông. Một hôm ngang qua chùa Chân Giáo gặp thiền sư Huệ Quang đang nhổ cỏ trong vườn, Trần Thủ Độ nói rằng: "Nhổ cỏ phải nhổ hết rễ cái." Nghe thế thầy Huệ Quang trả lời: "Lời nhà ngươi nói ta hiểu rồi." Sau đó, Trần Thủ Độ cho người mời thầy Huệ Quang vào triều bàn việc. Huệ Quang biết ý, vào sau chùa thắt cổ tự vẫn. (1)

Trần Thủ Độ ra lệnh đem gả các cung nhân và con gái họ Lý cho các tù trưởng các bộ tộc ít người ở các vùng núi xa xôi miền biên viễn. Tháng tư năm nhâm thìn (1232), nhân việc ban chữ húy về tiên tổ họ Trần, ông nội của Trần Thái Tông tên là Trần Lý, nên Trần Thủ Độ đưa ra biện pháp quyết liệt là buộc con cháu họ Lý phải đổi thành họ Nguyễn.

Gần cuối năm nhâm thìn (1232), tôn thất nhà Lý tập trung làm lễ tế tổ tiên ở thôn Thái Đường, xã Hoa Lâm (nay thuộc Bắc Ninh). Trần Thủ Độ cho làm nhà tế lễ bằng tre lá trên một cái hầm, khi con cháu nhà Lý tập trung hành lễ, Trần Thủ Độ ra lệnh chôn sống hết con cháu nhà Lý để dứt điểm một vấn đề làm cho Trần Thủ Độ lo lắng bấy lâu nay. Sau cuộc thanh trừng khủng khiếp này, con cháu nhà Lý không còn dám về Bắc Ninh làm lễ tế hàng năm, và họ thay tên đổi họ sống lẫn khuất trong dân gian để tránh bị tiêu diệt. (2)

Đặc biệt hoàng tử Lý Long Tường, con trai thứ của Lý Anh Tông đã bỏ nước ra đi năm 1226, cùng đoàn tùy tùng khoảng 40 người vượt biên sang lập nghiệp ở Triều Tiên hay Cao Ly tức Korea. Tám trăm năm sau, con cháu của hoàng tử này đã về Việt Nam thăm lại đất tổ. (3)

Một câu hỏi cần được đặt ra là tại sao triều đình nhà Trần buộc họ Lý đổi thành họ Nguyễn mà không qua họ khác? Điều này rất khó trả lời vì không có tài liệu cụ thể, chỉ biết được rằng họ Nguyễn là một dòng họ ít người bên Trung Hoa, và ngược lại họ Nguyễn có nhiều và có sớm ở nước tạ (4) Phải chăng Trần Thủ Độ muốn cho họ Lý hòa lẫn trong số đông người Việt rải rác khắp nước?

2. Họ Trần qua họ Trình

Để quân Minh chóng rút về nước, cuối năm 1427, Lê Lợi chấp nhận giải pháp hòa bình trong danh dự cho cả hai bên: trước đây quân Minh xâm lăng nước ta dưới chiêu bài "phù Trần diệt Hồ", nay Lê Lợi đồng ý đưa Trần Cao lên ngôi, xem như quân Minh viễn chinh đã đạt được mục đích ban đầu là đưa người họ Trần trở lại ngôi báu, nay rút về nước trong vinh quang. (5)

Sau khi quân Minh về nước, Trần Cao biết thân phận mình, bỏ trốn về châu Ngọc Ma (Nghệ An), nhưng bi bắt lại, và uống thuốc độc chết. Lê Lợi lên ngôi vua, tức Lê Thái Tổ (trị vì 1428-1433). Lê Thái Tổ được nước không do một cuộc đảo chánh cung đình mà do công lao chiến đấu của chính ông và gia đình, nên ông ít có thái độ kỳ thị với họ Trần là họ cầm quyền trước đó. Ông có một sách lược rất khôn khéo là ban quốc tính rộng rãi cho các công thần. Ngay khi vừa lên ngôi năm 1428, Lê Thái Tổ ra sắc chỉ cho ghi chép công trạng của những người đã theo vua khởi nghĩa, ban chức tước và quốc tính (họ của nhà vua) cho 221 người. Đây là đợt ban quốc tính nhiều nhất trong lịch sử nước ta, đến nỗi vua Tự Đức đã lên tiếng chê rằng "...cho quốc tính nhiều quá như thế nầy thì nhàm lắm." (6)

Việc làm này của Lê Thái Tổ bề ngoài xem ra là một đặc ân, nhưng thật sự là một thủ đoạn chính trị ràng buộc các công thần bằng cách đồng hóa các quan vào họ nhà vua để dễ kiểm soát nhằm tránh hậu hoạ. Lê Thái Tổ là một người rất đa nghi. Những công thần đã cùng ông dày công đóng góp cho công cuộc giải phóng đất nước mà có bất cứ một biểu hiện nào khả nghi tức thì bị Lê Thái Tổ tiêu diệt ngay.

Nạn nhân đầu tiên là Lê Hãn tức Trần Nguyên Hãn. Trần Nguyên Hãn dòng dõi Trần Nguyên Đán, lập nhiều chiến công thời kháng Minh, được phong Hữu tướng quốc và họ Lê năm 1428, sau khi Lê Thái Tổ cầm quyền. Lê Hãn cho rằng "nhà vua có tướng như Việt Vương Câu Tiễn, không thể cùng hưởng yên vui sung sướng được," nên ông bắt chước Trương Lương, xin rút lui về hưu dưỡng. "Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng," khi Lê Hãn về ấp Sơn Đông (Sơn Tây ngày nay) hưu dưỡng, ông vẫn bị gièm pha là mưu toan làm phản. Lê Thái Tổ ra lệnh cho người đến bắt. Khi thuyền đến bến sông Sơn Đông, Lê Hãn tự trầm mình qua đời (7). Dĩ nhiên việc trầm mình nầy cũng là một dấu hỏi lớn không bao giờ được trả lời.

Sau Lê Hãn đến Lê Văn Xảo tức Phạm Văn Xảo, bị Lê Thái Tổ nghe lời gièm pha ra lệnh phải chết và tịch thu nhà cửa cuối năm 1430. Dưới triều con của Lê Thái Tổ là Lê Thái Tông (trị vì 1434-1442), thêm ba vị đại công thần bị giết là Lê Nhân Chú (1434), Lê Sát (1437), và Lê Ngân (1437). Ngoài ra còn có Lê Khả và Lê Khắc Phục bị triệt hạ vào năm 1451 thời vua Lê Nhân Tông (trị vì 1443-1459).

Sau khi Lê Nghi Dân bị các tướng lãnh phản đảo chánh và lật đổ năm 1460, Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497) được sử sách đánh giá là một minh quân, nhưng lại đi vào vết xe của nhà Trần. Vừa cầm quyền được hai tháng, Lê Thánh Tông hạ chiếu ra lệnh đổi tên những họ nào đã phạm vào chữ huý của Cung Từ hoàng thái hậu. Bà này tên huý là Phạm Ngọc Trần, người làng Quần Lai, huyện Lôi Dương (Thanh Hóa), vợ của Lê Thái Tổ, mẹ của Lê Thái Tông, tức bà nội của Lê Thánh Tông. Nhà vua cho rằng bà nội của mình tên Trần nên yết thị cho dân chúng khắp nước, nơi nào có họ "Trần" đều phải đổi chép thành chữ "Trình." (8)

Tại sao thời Lê Thái Tổ, rồi đến Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông, các vua không kỵ huý bà Cung Từ mà Lê Thánh Tông lại kỵ huý? Phải chăng sau những biến động của triều đình kể từ khi Lê Thái Tông bất đắc kỳ tử năm 1442, và Lê Nhân Tông bị Lê Nghi Dân lật đổ và bắt giết năm 1459, Lê Thánh Tông đã dùng cách kỵ huý (như Trần Thủ Độ trước đây) để tách ảnh hưởng của họ Trần, hoặc để ngầm đe dọa con cháu họ Trần đừng kiếm cách lợi dụng tình hình để phục hồi triều đại cũ.

Dầu sao, Lê Thánh Tông chưa đi đến chỗ quyết liệt như Trần Thủ Độ, nghĩa là Lê Thánh Tông vẫn chưa tận diệt họ Trần, và để cho những người họ Trần giữ những chức quan nhỏ như trong đoàn sứ thần gởi sang nhà Minh năm nhâm ngọ (1462) có Trần Bàn, hoặc trong viện Khâm hình của triều đình lúc đó có Trần Phong, nhưng không thấy có nhân vật nào họ Trần giữ chức vụ quan trọng mãi đến thời kỳ loạn lạc sau khi Mạc Đăng Dung đảo chánh (1527) mới thấy vài nhân vật họ Trần xuất hiện trở lại trên sân khấu chính trị nước ta.

3. Họ Mạc đổi thành nhiều họ

Mạc Đăng Dung thuộc dòng dõi Mạc Đĩnh Chi, đỗ cử nhân võ và làm đô chỉ huy sứ năm 1508 (mậu thìn), nhờ thời thế dần dần được các vua nhà Lê tin dùng, thăng dần lên chức Thái phó tiết chế các doanh quân thủy bộ, tước Nhân Quốc Công triều vua Lê Chiêu Tông (trị vì 1516-1522). Quyền hành càng ngày càng lớn, Mạc Đăng Dung lấn ép vua Lê và cuối cùng đảo chánh lật đổ vua Lê Cung Hoàng (trị vì 1522-1527), tự mình lên làm vua tức Mạc Thái Tổ (trị vì 1527-1530) lập ra nhà Mạc.

Nhà Mạc cầm quyền từ thời Mạc Thái Tổ đến thời Mạc Mậu Hợp (trị vì 1562-1592), truyền được năm đời trong 65 năm. Trong lịch sử, họ Mạc bị lên án về các lỗi lầm sau đây:

Tổ chức đảo chánh lật đổ nhà Lê, không trung quân (1527).

Đầu hàng nhà Minh và cắt đất chia cho nhà Minh (1540).

Trước hết, bất cứ một cuộc đảo chánh nào cũng đều có phản ứng cả. Từ Lê Hoàn, Trần Thủ Độ đến Lê Quý Ly, tất cả đều bị những cựu quan bảo thủ của triều trước, mất quyền lợi đứng lên phản đối. Mạc Đăng Dung cũng nằm trong trường hợp đó.

Thứ đến, chúng ta cần chú ý: ai là người đã lên án gắt gao họ Mạc? Câu trả lời rất rõ ràng là các sử quan nhà Lê trung hưng là những người đầu tiên lên án họ Mạc. Việc nầy rất dễ hiểu vì nhà Mạc dẹp nhà Lê, nay trung hưng được thì nhà Lê kết tội nhà Mạc. Sau đó là các sử quan nhà Nguyễn vì nhà Nguyễn không muốn ai lật đổ ngôi báu của mình nên lên án tất cả những ai đã tổ chức đảo chánh cung đình.

Nhưng "ở đời muôn sự của chung," một triều đại (chính quyền) yếu đuối, kém khả năng cần được thay thế bằng một triều đại (chính quyền) khác hữu hiệu hơn để cai trị nước, đó là lẽ tự nhiên, nên việc đảo chánh của Mạc Đăng Dung không đáng bị lên án như các sách vở trước đây đã làm.

Việc đầu hàng nhà Minh và cắt đất xin hàng cần được xét lại trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. Sau khi nhà Lê mất ngôi, hai vị cựu thần nhà Lê là Trịnh Ngung và Trịnh Ngang chạy qua nhà Minh tố cáo hành động của Mạc Đăng Dung và xin nhà Minh đưa quân qua hỏi tội họ Mạc năm 1529 (kỷ sửu). (9)

Năm 1533 (quý tỵ), Nguyễn Kim tìm được con của Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh, lập lên làm vua là Lê Trang Tông (trị vì 1533-1648) trong lúc đang lưu vong tại Ai Lao. Lê Trang Tông sai Trịnh Duy Liễu cùng hơn mười người đi đường biển từ Chiêm Thành theo thuyền buôn Quảng Đông tới Trung Hoa xin thỉnh cầu nhà Minh xuất quân đánh nhà Mạc. Năm 1536 (bính thân), một lần nữa Lê Trang Tông sai Trịnh Viên yêu cầu nhà Minh đánh họ Mạc.

Hành động của vua Lê, kêu gọi người nước ngoài về đánh nước mình, trong đó có ý kiến cố vấn của Nguyễn Kim, không bị một sử gia nào lên án. Việc làm nầy đưa đến kết quả cụ thể là nhà Minh cử Cừu Loan làm tổng đốc, Mao Bá Ôn làm tán lý quân vụ đem binh mã sang ải Nam Quan năm 1540. Ngược lại, trong thế yếu, muốn tránh một cuộc chiến mà mình nắm chắc phần thất bại, đồng thời dân Việt sẽ một lần nữa bị đặt dưới ách thống trị trực tiếp của ngoại nhân như thời Mộc Thạnh, Trương Phụ. Mạc Thái Tổ, lúc đó đã lên làm Thái thượng hoàng, đành chấp nhận đầu hàng và chấp nhận hy sinh danh dự cá nhân, lên ải Nam Quan (Lạng Sơn) chịu nhục. Nhờ sự nhẫn nhục của Mạc Thái Tổ, nước ta trên danh nghĩa là lệ thuộc Trung Hoa, nhưng trong thực tế vẫn độc lập một phương, vua Mạc vẫn cai trị đất đai từ Lạng Sơn trở xuống, đâu có viên tướng Tàu nào bén mảng sang cai trị. Ai cũng bảo Mạc Đăng Dung đầu hàng nhà Minh vì quyền lợi gia đình họ Mạc, nhưng giả thiết, một giả thiết không bao giờ có thể quay lại được, Mạc Đăng Dung chống cự quân Minh như họ Hồ, nước ta bị tái đô hộ, thì nhân dân ta còn khổ biết bao nhiêu nữa. Đàng này, Mạc Đăng Dung một mình chịu nhục cho trăm họ bình yên. Người ta ưa ca tụng Hàn Tín khi nghèo khổ đã luồn trôn tên bán thịt chợ Hoài Âm (Trung Hoa) như là một gương nhẫn nhục đáng noi theo, nhưng chẳng một ai chịu chia xẻ với nỗi nhẫn nhục vĩ đại của Mạc Đăng Dung. Mạc Đăng Dung rất buồn tủi về sự kiện Nam Quan (Lạng Sơn) nên về nhà chưa được một năm, ông nhuốm bệnh từ trần năm 1541.

Cuối cùng việc cắt đất nghe ra khá to lớn, nhưng đó chỉ là năm động của những sắc tộc ít người nằm ở vùng biên giới Hoa Việt: Ty Phù, Kim Lặc, Cổ Sậm, Liễu Cát, và La Phù thuộc châu Vĩnh An, ở Yên Quảng. Chúng ta cần chú ý là những sắc tộc ít người sinh sống trong các động dọc biên giới Hoa Việt không nhất định về theo chính quyền Trung Hoa hay Đại Việt, mà chỉ bên nào mạnh thì họ triều cống để được yên thân. Do đó, việc cắt đất nầy chỉ có tính cách giấy tờ chứ trên thực tế là bên nào mạnh họ theo.

Trong khi đó, sau khi trở về Thăng Long, năm 1596 vua Lê Thế Tông (trị vì 1573-1599) cử người đem hình dạng hai quả ấn của nhà Mạc và vua Lê lên Nam Quan cho đại diện nhà Minh khám xét, nhưng quan nhà Minh không chịu, bắt vua Lê phải thân hành đến gặp. Vua Lê phải chấp hành, nhưng khi đến nơi đợi lâu quá không được gặp quan nhà Minh, vua Lê đành trở về, rồi năm sau (1597) lên một lần nữa mới được hội kiến. (10) Sự kiện nầy chẳng khá gì hơn việc Mạc Đăng Dung lên Nam Quan năm 1540.

Vì quá ham lên án nhà Mạc, sử sách lơ là những công trạng đáng nhớ của nhà Mạc. Sau khi Trịnh Tùng chiếm lại Thăng Long, nhà Mạc chạy lên Cao Bằng rồi chạy sang Trung Hoạ Trước khi từ trần năm 1594, đại tướng nhà Mạc là Mạc Ngọc Liễn để thư lại dặn vua Mạc Kính Cung: "...Họ Lê lại trung hưng, đó là số trời. Còn như dân ta là người vô tội, sao lại nỡ để cho dân mắc vào vòng mũi tên hòn đạn lâu mãi như vậy! Chúng ta nên lánh ở nước khác, cốt phải cẩn thận giữ gìn, đừng lại cố sức chiến đấu với họ nữa. Lại dứt khoát chớ có đón rước người Minh kéo sang nước ta để đến nỗi dân ta phải lần than khốn khổ..." (11)

Đây không phải lời nói suông trong cảnh trà dư tửu hậu, nhưng đây là tâm huyết của một con người sắp nằm xuống trong cơn hoạn nạn cùng cực vì mất nước. Suốt trong lịch sử Việt Nam, chúng ta thường được nghe những lời nói của Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Đặng Dung, hào hùng như vó ngựa tổ tiên, nhưng ít khi được đọc những dặn dò như Mạc Ngọc Liễn, nhân bản, đầy tình tự dân tộc không khác gì lời ru êm ái trong những câu ca dao mộc mạc.

Điểm quan trọng nhất là con cháu nhà Mạc đã không kêu nài van xin người Minh đem quan sang đánh nước ta giống như nhà Lê đã làm. Họ chỉ yêu cầu nhà Minh can thiệp cho họ về sinh sống đất Cao Bằng. Chính họ đã góp công phát triển Cao Bằng, tạo thế đoàn kết kinh thượng và biến Cao Bằng thành một vùng biên giới vững chắc để chống lại Trung Hoạ Công trạng nầy tuy không rực rỡ như đường về phương nam của chúa Nguyễn, nhưng sử sách cũng không thể quên tuyên dương họ Mạc.

Khi Trịnh Tùng chiếm được Thăng Long, trung hưng nhà Lê (1593), con cháu họ Mạc tẩu tán khắp nước, một số lên Cao Bằng, một số chạy vào Thanh Hóa, Nghệ An ẩn trốn, và một số vào Nam theo chúa Nguyễn. Con cháu họ Mạc đổi ra rất nhiều họ khác nhau. Sách Thế phả ghi rõ là con của Mạc Đăng Doanh, em của Mạc Kính Điển là Mạc Cảnh Huống vào Nam theo Nguyễn Hoàng, sau con là Mạc Cảnh Vinh đổi là Nguyễn Hữu Vinh. (12) Không những chỉ một họ Nguyễn, mà chắc chắn còn nhiều họ khác nữa. Trước đây, những họ này không lên tiếng vì một mặt sợ các chính quyền quân chủ trả thù, và một mặt việc sử sách lên án triều đại nhà Mạc ít nhiều gây những ưu phiền cho con cháu họ nhà nầy. Hy vọng sẽ có một ngày nào đó, con cháu những họ nầy thấy rõ rằng nhà Mạc không đáng bị lên án như người ta đã làm xưa nay, bỏ qua những ưu phiền không đáng, sẽ lên tiếng để tìm về gốc gác ông bà mình.

Qua ba cuộc đổi họ trên đây, lý do chính đưa đến việc đổi họ là do tiên tổ các họ này đã lên nắm chính quyền, lập triều đại, sau bị truất phế và bị nghi ngờ nên con cháu bị bắt buộc phải đổi họ. Ngược lại, trong lịch sử nước ta, có một dòng họ lớn từ thời Ngô Quyền lập quốc cho đến nay không thay đổi mà mỗi ngày một phát triển, hưng thịnh. Đó là họ Nguyễn Phúc ở Gia Miêu ngoại trang, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

4. Một họ lớn không thay đổi

Theo Thế phả, "Đức Định Quốc Công huý là Nguyễn Bặc, thân phụ và thân mẫu của ngài không được rõ, ngài xem là thuỷ tổ của dòng họ Nguyễn Phúc." (13)

Nguyễn Bặc (924-979) là bạn chí thân từ thuở hàn vi và là cận thần của Đinh Bộ Lĩnh tức Đinh Tiên Hoàng (trị vì 968-979). Khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi vua, Nguyễn Bặc được phong Định Quốc Công, đứng đầu các công thần. Năm 979, Đinh Tiên Hoàng bị ám sát, Nguyễn Bặc bắt giết ngay kẻ thích khách là Đỗ Thích, và tôn phò con của Đinh Tiên Hoàng là Vệ Vương Đinh Tuệ. Lê Hoàn có ý làm phản nhà Đinh, Nguyễn Bặc chống đồi, cầm quân đánh Lê Hoàn, nhưng bị Lê Hoàn bắt giết.

Theo sách Thế phả, tức sách gia phả của dòng họ này, từ thời Nguyễn Bặc cho đến ngày nay, thời nào họ Nguyễn ở Gia Miêu ngoại trang (Thanh Hóa) cũng đều có người giữ những địa vị cao trong các triều đại, và thường được phong tước công. Chỉ có một thay đổi nhỏ so với lúc ban đầu là họ nầy lót thêm chữ "Phúc" vào thế kỷ 16. Tương truyền rằng khi sắp sinh, vợ của Nguyễn Hoàng nằm mộng thấy thần nhân cho một tờ giấy viết đầy chữ "Phúc". Có người đề nghị bà lấy chữ "Phúc" đặt tên cho con, thì bà trả lời rằng: "Nếu đặt tên cho con thì chỉ một người được hưởng phúc, chi bằng lấy chữ "Phúc" đặt làm chữ lót thì mọi người đều được hưởng phúc." Bà liền đặt tên con là Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635, cầm quyền 1613-1635). Từ đó, họ Nguyễn ở Gia Miêu ngoại trang đổi thành họ Nguyễn Phúc. (14)

Dù có người nghĩ rằng các tác giả Thế phả đương nhiên tâng bốc tổ tiên mình, nhưng không ai có thể phủ nhận những khuôn mặt lớn trong quá trình lịch sử dân tộc như Nguyễn Bặc, Nguyễn Nộn (?-1229), Nguyễn Kim (1468-1545), Nguyễn Hoàng (1525-1613), Nguyễn Phúc Tần ( 1620-1687, cầm quyền 1648-1687)...

Thời điểm cực thịnh của họ Nguyễn Phúc là việc lên ngôi năm 1802 của Nguyễn Phúc Ánh tức vua Gia Long (trị vì 1802-1819), đóng đô tại Phú Xuân, cai trị một đất nước rộng lớn nhất so với các triều đại trước, từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Các vua Nguyễn rất đông con nên ngoài việc lập Tôn nhân phủ (15) như các triều đại trước để quản lý người trong hoàng gia, vua Minh Mạng (trị vì 1820-1840) còn làm một bài đế hệ thi và mười bài phiên hệ làm chữ lót cho con cháu Nguyễn Phúc để phân định thứ bậc các hệ phái từ con cháu của Gia Long trở xuống. Năm 1945, vua Bảo Đại (trị vì 1925-1945) thoái vị tại Huế, chấm dứt chế độ quân chủ tại nước ta, nhưng họ Nguyễn Phúc, vốn rất đông người từ thời các vua Nguyễn, vẫn cứ phát triển vững vàng, và có nhiều nhân vật nổi tiếng trong khắp các lãnh vực chính trị, quân sự, văn hóa, học thuật, kinh tế, khoa học... chẳng những ở trong nước mà cả trên thế giới.

GS Trần Gia Phụng, Toronto, Canada
Nguồn tin:vn.net

Chú thích:

1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Việt sử thông giám cương mục, gọi tắt là Cương mục, bản dịch của Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 1957, tt. 448-449.
2. Cương mục, bản dịch, tr. 456.
3. Nguyệt san Làng Văn, Toronto, Canada, số 125, tháng 1-1995, tr. 17.
4. Chỉ cần xem lịch sử danh nhân Trung Hoa, chúng ta thấy rất ít người họ Nguyễn; trong các từ điển danh nhân Việt Nam, họ Nguyễn rất nhiều. Ngày nay, mở danh bạ điện thoại, chúng ta thấy họ Nguyễn chiếm khoảng gần 50%.
5. Thổ quan châu Ngọc Ma (Nghệ An), tên là Hồ Ông, tự xưng là cháu ba đời vua Trần Nghệ tông (trị vì 1370-1372). Cuối năm bính ngọ (1426), để đáp ứng ý muốn của người Minh trong các cuộc thương thuyết, Lê Lợi cho đón Hồ Ông về, đổi tên là Trần Cao, đặt lên làm vua, lấy niên hiệu là Thiên Khánh. (Cương mục, bản dịch tr. 803-804).
6. Cương mục, bản dịch tr. 864-865.
7. Cương mục, bản dịch tr. 880.
8. Cương mục, bản dịch tr. 1013.
9. Cương mục, bản dịch tr. 1327.
10. Cương mục, bản dịch tr. 1418-1419.
11. Cương mục, bản dịch tr. 1411.
12. Nguyễn Phúc tộc thế phả, Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc, Nxb. Thuận Hóa 1995, tr. 126. Gọi tắt Thế phả.
13. Thế phả, tr. 21.
14. Thế phả, tr. 113. Chú ý: Chữ "Phúc" còn được đọc là "Phước."
15. Sau năm 1954, Tôn nhân phủ đổi thành Hội đồng Nguyễn Phúc tộc.

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2009

Danh sách người họ Phạm tham gia chống quân Minh

(Bản thống kê chưa đầy đủ)
A. Thông tin từ chính sử

1. Phạm Thiện
ĐVSKTT trang 328

2. Phạm Ngọc
ĐVSKTT trang 328

3. Phạm Luận
ĐVSKTT trang 330

4. Phạm Xã
ĐVSKTT trang 330

5. Phạm Lung
ĐVTS trang 4

6. Phạm Quì
ĐVTS trang 4

7. Phạm Hướng
ĐVTS trang 5

8. Phạm Hỉ
ĐVTS trang 6

9. Phạm Văn Xảo (?-1431)
ĐVSKTT trang 337, 338, 351, 362, 370, 375

10. Phạm Vấn (?-1437)
Ông có thể còn có tên Lê Vận, Lê Vấn, Phạm Tri Vận, Phạm Vân
ĐVSKTT trang 394

11. Phạm Cuống (1467-1453)
Ông còn có tên Lê Cuống
ĐVTS tờ 11a

12. Phạm Thị Ngọc Trần (1386-1425)
ĐVSKTT trang 373, 393

13. Phạm Cự Luyện
ĐVTS trang 13

14. Phạm Nội
ĐVSKTT trang 394, 396

15. Phạm Bôi
ĐVSKTT trang 396

B. Thông tin từ các tài liệu khác

16. Phạm Hoành – cha bà Phạm Thị Ngọc Trần

17. Phạm Đình Liêu

18. Phạm Thái

19. Phạm Võ

20. Phạm Ban (Khằm Ban) – hy sinh trong khánh chiến

21. Phạm Ngọc Chúc – được phong Thái úy

(Theo Minh Thực lục)

22. Giám Môn Tướng quân Phạm Chi (?-1410)

23. Phạm Khang

24. Thổ hào Phạm Chân

25. Ninh Vệ đại Tướng quân ngụy Phạm Tất Lật

26. Phạm Nha

27. Chủ bạ Phạm Mã Hoãn (?-1417)
Tại Giao Chỉ, người châu Thuận


28. Tri huyện Tả Bình Phạm Bá Cao (?-1417)
tại châu Nam Linh

29. Phạm Liễu
1418 cùng Phạm Yến đánh quân Minh

30. Phạm Yến – bị quân Minh bắt năm 1418
Năm 1425 hy sinh (Theo Trần Thị Liên ở http://xuthanh.net.vn/)

Nguồn tin: vanchuongviet
Nguồn tin: Đông tác
Nguồn tin: Đông tác

C. Thông tin từ gia phả các dòng họ

Phạm Đức Hóa con ông Phạm Đình Liêu – Theo gia phả họ Phạm Xóm Chùa Bắc Giang

Phạm Khả - Theo gia phả họ Phạm Linh Kiệt, Diễn Châu, Nghệ An

Phạm… Thủy tổ họ Phạm Trình Trung, Thái Thụy, Thái Bình

Tháp Bút

___________________

Hiện nay có cuốn "Đinh tộc ngọc phả" nghi chép tỉ mỉ về hoạt động trong khởi nghĩa Lam Sơn. Được giới thiệu trên www.vietnamgiapha.com nhưng chúng tôi chưa tìm thấy tài liệu này.

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2009

Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần

(THO) - Theo các tài liệu lịch sử, gia phả, thần phả thì Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần (1) quê ở sách Quần Đội, huyện Lôi Dương (có sách chép là Quần Lai, nay thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân). Cha là Phạm Hoành, anh trai là Phạm Vân* đều tham gia cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn.

Quần Đội là một làng cách Lam Sơn chừng 4 km về phía đông. Đây là một làng cổ nằm ven sông Chu, cũng là quê hương của cụ tổ bà Lê Lợi là Nguyễn Thị Ngọc Duyên (vợ cụ tổ Lê Hối).

Vùng đất Lam Sơn đã được cụ tổ Lê Hối chọn làm trang trại: “khai khẩn, mở đất dựng nền ba năm thì nên sản nghiệp, con cháu ngày càng đông, tôi tớ ngày càng nhiều... về sau đời đời làm quận trưởng một phương” (2). Ông nội của Lê Lợi là Lê Đinh cùng vợ là Nguyễn Thị Quách, nối nghiệp nhà trở thành hào trưởng trong vùng “kẻ gần người xa đều có bụng tin theo, cho nên tay chân có hàng trăm, hàng ngàn” (3). Cho đến đời ông thân sinh Lê Lợi là Lê Khoáng cùng vợ là Trịnh Thị Ngọc Thương thì cơ nghiệp đã hoàn toàn vững chãi, tạo điều kiện cho Lê Lợi từ vùng Lam Sơn dấy nghĩa khởi binh chống giặc Minh.

Có lẽ mối quan hệ thông gia nội ngoại từ lâu đời (kể từ cụ tổ Lê Hối) giữa hai vùng đất Lam Sơn – Quần Đội đã là điều kiện tạo nên mối lương duyên giữa chàng trai trẻ Lê Lợi với nàng Ngọc Trần. Sau khi kết hôn với Lê Lợi, Ngọc Trần sớm hôm gánh vác việc thu xếp trang trại, coi sóc sản xuất, cấy trồng. Về sau, khi Lê Lợi dựng cờ dấy nghĩa, Ngọc Trần trực tiếp lãnh trách nhiệm việc quân lương, chỉ đạo đội nữ binh tại trại Như Áng – Lam Sơn, căn cứ buổi đầu của cuộc khởi nghĩa.

Giai đoạn đầu hoạt động của nghĩa quân ở miền núi rừng Thanh Hóa (từ 1418 – 1424) vô cùng khó khăn và gian khổ, nhiều lúc có nguy cơ tan vỡ, nhưng do sự tổ chức tài tình của Bình Định Vương Lê Lợi, được sự ủng hộ của hàng trăm người sẵn sàng hy sinh tính mệnh để bảo vệ chúa nên đã vượt qua hiểm nghèo. Trong đó, tấm gương “Lê Lai liều mình cứu chúa” đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần nghĩa quân quyết chiến đấu chống giặc đến cùng. Ba lần nghĩa quân bị giặc vây khốn ở căn cứ Chí Linh tuyệt lương hàng tháng đói cơm, rách áo nhưng vẫn không nao núng tinh thần chiến đấu.

Chính trong những ngày gian khổ nói trên, bà Ngọc Trần đã cùng lăn lộn và sẻ chia cùng với nghĩa quân và Bình Định Vương. Để có lương thực cung cấp cho nghĩa quân, bà tích cực động viên mọi người tăng gia sản xuất ở vùng Lam Sơn và vùng quê ngoại Quần Đội. Bà đã kết hợp cùng Nguyễn Nhữ Lãm (phường Đa Mỹ, tức Thịnh Mỹ liền kề làng Quần Đội – nay thuộc xã Thọ Diên) vận động phường đánh cá Đa Mỹ dùng thuyền theo sông Chu ngược dòng tiếp lương cho nghĩa quân.

Phạm Thị Ngọc Trần lặn lội theo Bình Định Vương cùng nghĩa quân đánh giặc đã góp phần đáng kể vào thắng lợi của cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn trong giai đoạn hoạt động ở vùng núi rừng Thanh Hóa. Trải qua 15 trận chiến đấu trong 5 chiến dịch mùa khô từ 1418 đến 1423, nghĩa quân đã đứng vững – thanh thế đã dần lớn mạnh. Tuy vậy, thế đứng quân tại căn cứ Chí Linh là hết sức khó khăn, nhất là về quân lương, nên Bình Định Vương đã tạm hòa hoãn với quân thù để củng cố lực lượng.

Ngày 19-5-1423, sau khi hòa hoãn và dùng kế giả hàng, Bình Định Vương lãnh đạo nghĩa quân rút về căn cứ Lam Sơn. Tại đây, Bình Định Vương lãnh đạo nghĩa quân ra sức tăng gia, sản xuất, bồi dưỡng quân, tích trữ lương thực, thu hút lực lượng khắp cả nước đến Lam Sơn tụ nghĩa... Lúc này, bà Ngọc Trần đang có mang nhưng vẫn không rời việc chăm lo sản xuất lương thực, thực phẩm tại trang trại. Ngày 20-11-1423, bà sinh con trai là Nguyên Long. Hơn một năm sau, giặc Minh phát hiện ra kế giả hàng nên tập trung lực lượng chuẩn bị tấn công Lam Sơn. Lê Lợi đã cấp tốc họp bộ tham mưu bàn cách đánh giặc. Ngày 12-10-1424, theo kế hoạch của tướng Nguyễn Chích, Bình Định Vương lãnh đạo nghĩa quân chủ động tiến vào Nghệ An xây dựng căn cứ địa mới. Bà Ngọc Trần tiếp tục theo Bình Định Vương cùng nghĩa quân lên đường đánh giặc.

Năm Ất Tỵ (1425) Bình Định Vương vây thành Nghệ An, tiến đánh thành Trào Khẩu ở Hưng Nguyên. Tại đây có đền thờ thần Phổ Hộ cũng là địa điểm đã chứng kiến tấm gương sáng ngời lòng yêu nước của Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần. Các chính sử và Lam Sơn thực lục (bản Hồ Sĩ Dương) chép rằng: tháng 3 năm Ất Tỵ (1425) Bình Định Vương tiến quân vây thành Nghệ An, giặc Minh ra sức chống giữ, thế lực chưa phân thắng bại. Quân doanh của Vương tạm đóng cạnh đền thờ thần Phổ Hộ bên bờ sông Lam thuộc làng Trào Khẩu, huyện Hưng Nguyên. Đêm hôm đó, Vương chiêm bao thấy một vị thần báo mộng cho Vương: “Tướng quân nhường cho tôi một người thiếp, tôi hứa hết sức phù hộ tướng quân đánh thắng giặc Ngô, giữ vững nghiệp đế”... Tỉnh dậy, Vua nghĩ rằng: Thuở xưa, vua Lý nhờ vợ chồng ông hàng dầu là Vũ Phục, nhảy xuống sông Thiên Phù, hiến xác cho thủy thần mà vua Lý khỏi bệnh đau mắt, lo được việc chống giặc. Rồi Lý Thường Kiệt dàn trận đánh Tống, nói rằng có thần ngâm thơ giúp đuổi giặc, mà quả nhiên hôm sau quân ta phá được giặc Tống bên sông Như Nguyệt. Vậy thì ngày nay, ta thí mạng một người mà cứu sống muôn người, thu lại được non sông, thì việc đáng làm lắm rồi (4).

Hôm sau, Vương gọi các bà vợ đến hỏi: “Có ai chịu đi làm vợ thủy thần không? Sau này khi ta lấy được nước, sẽ lập con của người đó làm thiên tử”. Các bà không ai nói gì, chỉ có bà Ngọc Trần khảng khái quỳ thưa: “Nếu vì nghiệp lớn của Minh Công thì thiếp tự nguyện xả thân; ngày sau mong Minh Công giữ lời hứa, chớ phụ con thiếp”. Nhà vua khen ngợi và thương cảm hứa trước các bà và bề tôi, ngày sau xin làm đúng hẹn. Rồi vua sai bề tôi cùng đến đền làm lễ tế thần. Đó là vào ngày 24 tháng 3 năm Ất Tỵ (1425). Lúc này bà Ngọc Trần đang bế đứa con lên 3 tuổi, gạt nước mắt trao cho người hầu bế ẵm; rồi đứng lên làm vật tế thần. Đó là ngày bà Ngọc Trần quyên sinh, một tấm gương xả thân vì nước, đời đời sáng mãi như tấm gương Lê Lai nguyện liều mình cứu chúa.

Sau khi đã tự nguyện gieo mình xuống dòng sông, hy sinh tính mệnh vì việc nước, Thái hậu được nhà vua và nghĩa quân đưa về mai táng tại quê nhà ở sách Quần Đội. Nhưng khi về đến làng Mía (làng Thịnh Mỹ, xã Thọ Diên hiện nay) thì trời đã tối, linh cữu của bà được đặt ở đây qua đêm. Sáng mai mọi người ngạc nhiên vì một chuyện lạ: nơi đặt linh cữu của bà mối đã đùn thành một đống đất cao biến thành nấm mồ. Mọi người đều nghĩ về sự hiển linh của bà: bà muốn an nghỉ tại đây. Vua truyền cho làng Mía lập đền thờ gọi là đền Hiển Nhân.

Làng Mía bên cạnh sông Chu, sau này hiện tượng sông đổi dòng, mộ và đền thờ Hiển Nhân trôi xuống làng Thượng Vôi (nay thuộc xã Xuân Hòa cách làng Mía khoảng 5 km). Nhân dân làng Thượng Vôi với lòng ngưỡng mộ và thành kính đã lập đền thờ bà. Vì vậy Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần quê ở sách Quần Đội, nhưng lại thờ ở làng Mía và sau đó dời về làng Thượng Vôi (xã Xuân Hòa) đều thuộc huyện Thọ Xuân.

Con trai Hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần là Nguyên Long sinh ngày 20-11-1423, thiên tư dĩnh ngộ thực là đấng thông minh, trí tuệ. Tháng 3 năm Thuận Thiên thứ nhất (1428) được sách phong làm Lương quận Công. Ngày 6-1-1429 được lập làm Hoàng Thái tử. Khi vua Thái tổ băng hà, quần thần vâng lời di chiếu vào ngày 8-9-1433 đưa Thái tử lên ngôi Hoàng đế, lấy năm sau làm niên hiệu Thiệu Bình năm thứ 1 (1434). Cũng trong năm 1434, vua Lê Thái tông sai quan Hữu bộc xạ Lê Nhữ Lãm đến Lam Kinh dựng miếu thờ cung từ Thái Mẫu (tức Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần – thân mẫu vua) đời đời hương khói.

Hẳn ở nơi suối vàng, Thái hậu cùng vua Lê Thái tổ cũng đẹp lòng bởi vua Lê Thái tông – con trai yêu quý của bà lên ngôi đã nối vận thái bình, bên trong chỉ huy được quần thần, bên ngoài dẹp yên giặc quấy nhiễu, trọng Đạo, sùng Nho, mở khoa thi tuyển nhân tài, xét tù xử ngục phần nhiều khoan dung, xá tội... Chính sử đã ghi nhận là bậc vua giỏi. Dân gian ca ngợi vua Thái tông tiếp nối Thái tổ thiên hạ đất nước thịnh đạt, thái bình sung túc:

Đời vua Thái tổ, Thái tông
Con dắt, con díu, con bồng, con mang...


Phạm Thị Ưng
(Ban Nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa)

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử

--------------------------
(1) . Cũng có tài liệu khác ghi bà là họ Trần như trong sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn. T2, NXB KHXH, 1970, tr.252 ghi “Hoàng hậu họ Trần, người xã Quần Đội”... Song, nhiều gia phả họ Lê lại chép bà họ Phạm.
(2), (3). Lam Sơn thực lục (bản mới phát hiện). Ty Văn hóa Thanh Hóa, 1976, tr.236.
(4). Theo truyền thuyết vùng Hưng Nguyên.

*Có thể Phạm Vân chính là Phạm Vấn và còn có tên là Phạm Vận (Lê Vận) hoặc Phạm Tri Vận.
Có đền thờ ở nơi bà mất là làng Triều Khẩu, vốn là tỉnh lỵ Nghệ An thuộc xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên. Ngay chân núi Thành nơi nhà Minh xây thành Nghệ An. Có một dòng họ Phạm ở Hưng Khánh có ông tổ Phạm Vấn là quan hữu của tướng Lê Khôi. Nay mộ ông tổ họ Phạm vẫn còn ở chân núi Thành. Xem tin tìm cội nguồn của dòng họ Phạm ở Hưng Khánh.(Tháp Bút bổ sung)

Phạm Cuống, tướng tài dưới 3 triều vua Lê

TNĐT- Phạm Cuống là người con ưu tú của quê hương Thái Nguyên, dòng dõi làm quan phiên trấn nhà Trần nhiều đời. Với tấm lòng yêu nước, thương dân, ông đã cùng cha, anh rời quê hương đứng dưới cờ khởi nghĩa của Lê Lợi, lập nên nhiều chiến công hiển hách…

Phạm Cuống sinh ngày mùng 6 tháng 8 năm Đinh Mùi, niên hiệu Đại tự thứ 10 (1367) thời Vua Trần Dụ Tông, quê ở huyện Đại Từ Thái Nguyên. Là người có mặt từ buổi đầu Lam Sơn khởi nghĩa Phạm Cuống có mặt trên nhiều mặt trận, tham gia nhiều trận đánh ác liệt, xông pha nơi hòn tên mũi đạn không quản thân mình.

Khi khởi nghĩa nổ ra (1418) liên tục mấy năm đại quân Minh tấn công bao vây nhằm tiêu diệt toàn bộ nghĩa quân Lam Sơn. Nghĩa quân cố thủ ở vùng núi Chí Linh không đủ lương thực ăn, Phạm Cuống đã về quê bán ruộng đất, tài sản, lấy tiền bạc đem vào mua lương thực ứng cứu cho nghĩa quân.

Năm 1426 ông được Lê Lợi phong chức Đồng Tổng quản Quy Hóa trấn tri quân dân sự, chức này có thể coi là chỉ huy quân sự Vệ quân trấn Quy Hóa (Quy Hóa khi ấy là vùng đất dọc hữu ngạn sông Hồng gồm đất tỉnh Lào Cai, các huyện Trấn Yên, Văn Trấn, Văn Bàn thuộc tỉnh Yên Bái, huyện Yên Lập thuộc tỉnh Phú Thọ ngày nay).

Là một công thần có công lao với sự nghiệp Lam Sơn khởi nghĩa, phục vụ ba triều Vua Lê (Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông), ở triều vua nào ông cũng được đánh giá cao và được ban thưởng chức tước, bổng lộc. Tháng 5 năm Kỷ Hợi (1429) Vua Lê Thái Tổ ban biểu ngạch công thần cho 93 người Phạm Cuống được phong tước Quan Phục hầu, tên ông xếp ở vị trí thứ nhất trong danh sách những người được ban thưởng này.

Phạm Cuống mất vào năm Diên Bình thứ nhất (1454) thọ 87 tuổi. Năm Hồng Đức thứ 15 (1484) tưởng nhớ công lao của ông với Tiên triều, Vua Lê Thánh Tông truy tặng ông là Tuyên lực Công thần, Đặc tiến Phụ Quốc thượng tướng quân, tước Hoàn nghĩa hầu, Trụ quốc, tên Thụy là Vũ Tương.


TNĐT
Nguồn tin: Thái Nguyên điện tử

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2009

Phạm Sư Mạnh – Bài phật hay sùng phật

Ông là học trò xuất sắc của Chu Văn An, là một kẻ sỹ mẫu mực, cư Nho mộ Thích, đỗ Thái học sinh và làm quan dưới thời vua Trần Minh Tông. Trong số ít những trước tác ông để lại, có bài văn bia chùa Sùng Hưng ở núi Vân Lỗi, được ông viết năm 1372, và khá nhiều bài thơ vịnh cảnh những ngôi chùa nổi tiếng ở miền Bắc. Đặc biệt, bài thơ Đề Báo Thiên tháp của ông chính là “của tin còn lại” về một danh lam bậc nhất ở đất Thăng Long xưa, từng được tôn vinh là “An Nam tứ đại khí”.

Phạm Sư Mạnh tự Nghĩa Phu, hiệu Úy Trai, người làng Hiệp Thạch, huyện Hiệp Sơn (nay thuộc tỉnh Hải Dương), chưa rõ năm sinh và năm mất, chỉ biết ông sống khoảng thế kỷ XIV, dưới thời vua Trần Minh Tông. Ông là một trong những học trò xuất sắc của Chu Văn An, đỗ Thái học sinh (Tiến sỹ) và ra làm quan vào năm 1323, dưới thời vua Trần Minh Tông. Năm 1345, ông được cử làm Chánh sứ sang thương thảo với nhà Nguyên; sau khi trở về, ông được giao giữ chức Chưởng bạ thư khiêm khu mật tham chính, và 12 năm sau ông được thăng đến chức Nhập nội hành khiển tri khu mật viện sự.

Phạm Sư Mạnh là một trí thức Nho giáo, sống có hoài bão, mang nặng ưu tư trước bao biến thiên của thời cuộc, và cũng như Lê Quát, ông có nhiều trăn trở trước sự suy thoái của đạo Thánh hiền ở cuối đời Trần. Người ta thường nói đến thái độ bài Phật của Lê Quát, và đôi khi còn gán ghép cho ông, nhưng đọc lại bài văn bia của Lê Quát viết về chùa Thiệu Phúc (Bắc Giang), và bài văn bia do ông viết ở chùa Sùng Hưng (núi Văn Lỗi), chúng ta chẳng tìm thấy có điểm nào được gọi là “bài Phật”, mà nói như G.S. Nguyễn Huệ Chi, bài văn bia của Lê Quát “thực chất chỉ là một lời tự thú về cái bất lực của một tín đồ nhà Nho trước cảnh hiu quạnh của môn phái mình” mà thôi.

Tuy là một nhà Nho nặng lòng trắc ẩn với đạo Thánh hiền, nhưng Phạm Sư Mạnh lại là người có những chiêm nghiệm rất thâm trầm về triết lý nhà Phật. Qua những tác phẩm thơ văn ông để lại, đặc biệt là bài thơ đề vịnh chùa Báo Thiên và bài văn bia chùa Sùng Hưng, chúng ta thấy rằng, Phạm Sư Mạnh là người có ý thức rất rõ trong việc giữ gìn các giá trị truyền thống và nguồn mạch tâm linh của dân tộc. Theo ông, ngôi chùa không chỉ là nơi quy hướng tâm linh của người dân mà còn là điểm hội tụ của hồn thiêng sông núi, là giềng mối muôn đời hộ trì cho sự an nguy của nước nhà. Nếu không có được một tâm thức như vậy thì trong bài bi minh chùa Sùng Hưng, núi Vân Lỗi, ông cũng không thể viết được rằng:

"Kề non Vân Lỗi, Am cỏ bên sông, Người đứng xây dựng, Giới tuệ viên thông, Kẻ sống người chết, Nghìn năm phúc chung, Chúng sinh cứu vớt, Từ bi rủ lòng, Bến mê dẫn đặt, Muôn loài qua sông, Mọi người hớn hở, Khắp chốn ngóng trông, Đạo huyền sâu lắng, Bờ bến khôn cùng…"

Trước tác của Phạm Sư Mạnh còn lại không nhiều, ngoài bài văn bia chùa Sùng Hưng nói trên, hiện chỉ còn 33 bài thơ được chép rải rác trong Việt âm thi tập, Trích tuyển chư gia luật thi, Trích diễm thi tập và Toàn Việt thi lục. Trong đó, có khá nhiều bài thơ vịnh cảnh những ngôi chùa nổi tiếng ở Thăng Long và những vùng lân cận, như Đề Cam Lộ tự (Đề vịnh chùa Cam Lộ), Đông Sơn tự hồ thượng lâu (Lầu trên hồ chùa đông Sơn), Du Phật Tích Sơn ngẫu đề (Thăm chùa núi Phật Tích ngẫu hứng đề thơ)…

Đặc biệt, bài thơ Đề Báo Thiên tháp mà ông để lại, đối với hậu thế hôm nay, đó là một lời hoài vọng ngậm ngùi, và cũng là một tư liệu lịch sử quý giá, là “của tin còn lại” về một danh lam bậc nhất của đất Thăng Long xưa, từng được tôn vinh An Nam tứ đại khí trong suốt hơn 800 năm, trước khi bị Giám mục Puginier cấu kết với gian thần Nguyễn Hữu độ cho triệt phá để xây dựng nhà thờ Lớn, Hà Nội vào năm 1883:


Trấn áp đông tây củng đế kỳ
Khuy nhiên nhất tháp độc nguy nguy
Sơn hà bất động kình thiên trụ
Kim cổ nan ma lập địa chùy
Phong bãi chung linh thời ứng đáp
Tinh di đăng chúc dạ quang huy
Ngã lai dục thử đề danh bút
Quản lĩnh xuân giang tác nghiễn trì.


Dịch thơ:

Trấn áp đông tây giữ đế đô
Hiên ngang ngọn tháp đứng trơ trơ
Non sông vững chãi tay trời chống
Kim cổ khôn mòn đỉnh tháp nhô
Thỉnh thoảng gió lay chuông ứng đáp
Đêm đêm sao xế đuốc khôn mờ
Tới đây những muốn dầm ngòi bút
Chiếm cả dòng sông mài mực thơ...


(Đào Thái Tôn dịch)

Bài thơ này có thể được Phạm Sư Mạnh trước tác trước năm 1368, trong thời gian ông còn làm quan ở kinh thành Thăng Long. Sau năm 1368, ông được cử đi xét duyệt quân binh ở các lộ rồi lui về ở ẩn, và không biết ông đã mất vào năm nào. Hậu thế hôm nay, mỗi khi hoài niệm về chùa Báo Thiên, gợi nhắc lại An Nam tứ đại khí, vẫn mãi biết ơn ông về bài thơ này. Khắp các tỉnh thành trong cả nước, hiện đều có những con đường được mang tên ông.

Nguồn tin:

Danh tướng Phạm Nhữ Tăng và những võ công hiển hách

Từ hàng ngàn năm trước, vùng đất và Hoài Nhơn - Bình Định thuộc Quảng Nam Thừa tuyên từng diễn ra những trận "thư hùng" giữa quân, dân nước Đại Việt với quân Champa và lưu dấu những chiến công oanh liệt của nhiều võ vương, võ tướng, võ nhân, như: Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Uy Minh Vương - Lý Nhật Quang, Lê Thánh Tông, Phạm Nhữ Tăng, Đa Thủy, Ba Thái, Lê Ỷ Đà, Đỗ Tử Quy… Trong số này, Phạm Nhữ Tăng là một võ tướng từng lập nhiều chiến công vang dội trên đất Hoài Nhơn - Bình Định và để lại những dấu ấn quan trọng.

Sử sách từng ghi nhận sự nghiệp mở cõi Đại Việt của vua Lê Thánh Tông và các võ tướng của ngài. Số là, vào khoảng những năm đầu triều đại nhà Lê, vua nước Champa là Trà Toàn có mưu đồ muốn "sinh sự" với nước Đại Việt. Một mặt, Trà Toàn cử người sang cầu viện nhà Minh, một mặt cho quân liên tục quấy nhiễu bờ cõi, biên cương của Đại Việt. Trước tình hình đó, năm Hồng Đức thứ nhất đời nhà Lê (Canh Thìn - 1470), vua Lê Thánh Tông sai sứ giả sang sứ Tàu "kể tội Trà Toàn quấy nhiễu nước Nam". Đồng thời, đích thân nhà vua chỉ huy binh mã, cất quân sang Champa hỏi tội Trà Toàn. Trong số những tướng lĩnh cùng đi "chinh phạt" Champa với vua Lê Thánh Tông có võ tướng Phạm Nhữ Tăng.

Theo nhiều tư liệu sử, trong đó có nguồn tư liệu hiện lưu giữ tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam thì võ tướng Phạm Nhữ Tăng là cháu bốn đời của ông Phạm Nhữ Dực - con trai thứ 5 của danh tướng thời nhà Trần là Phạm Ngũ Lão. Cũng theo nguồn tư liệu này thì danh tướng Phạm Ngũ Lão không chỉ nổi tiếng với những chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông, mà còn là một bậc tiền hiền đã có công khai phá, sáng lập vùng đất biên cương của Đại Việt, trong đó có Quảng Nam. Khi đó, Phạm Ngũ Lão đang là Chánh đô An Phủ sứ Thăng Hoa lộ.

Nói về cuộc dấy binh chinh phạt Champa của võ tướng Phạm Nhữ Tăng cùng với vua Lê thánh Tông. Khi đó, ông được vua Lê Thánh Tông phong làm Trung quân Đô thống, lãnh ấn tiên phong, chỉ huy 10 vạn quân trong đợt này. Trước khi tấn công đánh vào cửa Thi Lị Bị Nại (tức cửa Thị Nại - Quy Nhơn ngày nay), vua Lê Thánh Tông sai các võ tướng cho người ngầm vẽ địa đồ kỹ lưỡng. Nhờ vậy mà tướng sĩ của Đại Việt do Phạm Nhữ Tăng chỉ huy đã nhanh chóng buộc quân Champa phải bỏ Thi Lị Bị Nại chạy vào cố thủ ở kinh thành Vijaya (Còn gọi là thành Đồ Bàn, tức thành Bình Định hiện nay). Thừa thắng xông lên, võ tướng Phạm Nhữ Tăng cho quân bao vây, phá thành Đồ Bàn, tiêu diệt quân Chiêm, bắt sống Trà Toàn. Tướng Champa là Bô Trì Trì phải chạy tháo thân về đất Phan Lung rồi cho sứ sang cống và xin xưng thần. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư (Tập III, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội - 1982) thì tướng sĩ Đại Việt lúc đó đã bắt sống được khoảng hơn 3 vạn quân Chiêm làm tù binh. Ngày mồng 1 tháng 3 năm Hồng Đức thứ 2 (Tân Tỵ - 1471), nước Đại Việt được mở đến núi Thạch Bi (tức là khu vực giáp ranh 2 tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa ngày nay).

Ngay sau khi giành thắng lợi, vua Lê thánh Tông sai người mài đá, khắc vào bia 2 dòng chữ: "Chiêm Thành quá thử, binh bại tướng vong/An Nam quá thử, tướng tru binh diệt". (Nghĩa là: Chiêm Thành qua đấy, quân thua, nước mất/ An Nam qua đấy, tướng chết, quân tan). Khắc xong, nhà vua cho dựng bia ở một đỉnh núi cao nhất, gần bên bờ biển. Theo Phủ biên Tạp lục của Lê Quý Đôn (sách viết năm 1776, dịch năm 1964, NXB Khoa học Xã hội) thì: "mặt bia hướng về Nam". Ngày mồng 1 tháng 5 năm Hồng Đức thứ 2 (1471), tại kinh thành Thăng Long, cùng với nhân dân và hàng vạn quân sĩ Đại Việt, võ tướng Phạm Nhữ Tăng đã dự lễ mừng chiến thắng. Tiếp đó, tháng 6 năm Tân Tỵ (1471), vua Lê Thánh Tông chính thức đặt tên cho vùng đất mới mở là phủ Hoài Nhơn, lệ vào Quảng Nam Thừa tuyên. Đất Bình Định chính thức được khai sinh từ đây và võ tướng Phạm Nhữ Tăng chính là một trong những bậc tiền hiền có công lập nên vùng đất Hoài Nhơn - Bình Định. Ngay sau khi Quảng Nam Thừa tuyên được thành lập, Phạm Nhữ Tăng được vua Lê Thánh Tông cử "lưu trấn", cai quản vùng đất biên cương mới mở của Đại Việt, với chức Quảng Nam Đô thống phủ.

Ngày 21-2-1477, do tuổi cao, sức yếu, danh tướng Phạm Nhữ Tăng đã trút hơi thở cuối cùng tại kinh thành Đồ Bàn - nơi ông đã từng cùng các tướng sĩ nhà Lê bao phen chinh chiến, "vào sinh, ra tử" và lập nên nhiều chiến công hiển hách. Sau này, thi hài của ông được con cháu họ Phạm đưa về cải táng tại khu vực núi Quế, thuộc Hương Quế - Quế Phú - Quế Sơn - Quảng Nam. Hiện nay, tại ngôi mộ của danh tướng Phạm Nhữ Tăng vẫn còn lưu lại đôi câu đối do vua Lê Thánh Tông ban tặng cho ông: "Nghĩa sĩ uẩn mưu cơ, hiệp lực nhất tâm bình Chiêm quốc/ Miếu đại khai tráng lệ, hương hồn thiên cổ hiển Nam bang". (Đại ý là: Một người đã tận tâm cùng nghĩa sĩ bày ra nhiều mưu lược đánh tan quân Chiêm/ Hương hồn của người được thờ ở ngôi miếu tráng lệ này sẽ mãi mãi làm rạng danh nước Nam). Đặc biệt, suốt bao đời nay, trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu ca: "Bao giờ núi Quế hết cây/ Bàu Sanh hết nước mộ này hết quan".

Trên 525 năm đã trôi qua kể từ ngày danh tướng Phạm Nhữ Tăng qua đời. Giờ đây, Hoài Nhơn - vùng đất mà võ tướng Phạm Nhữ Tăng đã góp phần khai phá, tạo lập đã trở thành tỉnh Bình Định phát triển rộng lớn, giàu đẹp. Song, người dân Bình Định không bao giờ quên tên tuổi, sự nghiệp và những chiến công hiển hách của danh tướng Phạm Nhữ Tăng.


Viết Hiền

Nguồn tin: maxreading.com

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2009

Bàn về sự di cư của các dòng họ Phạm ở thế kỷ 14 và thế kỷ 15

(Bản nháp)

Đầu thế kỷ 14, nhà Trần đương thịnh, dân cư vì thế sinh sôi phát triển về những mảnh đất xưa kia thường hay tranh chấp.
Cuối thế kỷ 14 là giai đoạn nhà Trần suy vong, Chiêm Thành nhiều lần đem quân đánh vào Thăng Long. Vùng Hoan Diễn thường xuyên bị giặc quấy phá. Nhiều lần nhà Trần xuất quân bình Chiêm, có một số lần thắng lợi nhưng thất bại cũng không ít. Lửa nhà Trần bị Hồ Quý Ly dập tắt, khi quân Minh xâm lược bùng lên ánh lửa Hậu Trần ở vùng Nghệ An và phía trong.
Khởi nghĩa Lam Sơn kéo hào kiệt về Thanh Hóa, Nghệ An rồi đến khi thắng lợi lại tản ra khắp vùng châu thổ sông Hồng.
Cuối thế kỷ 15 là giai đoạn bình Chiêm đến quá Thăng Hoa (Quảng Ngãi ngày nay), lúc này nhiều dòng họ Nam tiến. Gần hai thế kỷ này đánh dấu sự di cư của nhiều dòng họ.
Đa số các dòng họ lâu đời chỉ ghi được gia phả liên tục từ khi ông tổ về nơi định cư mới vào thời này. Sự hủy diệt của chiến tranh, đặc biệt là sự tàn bạo của giặc Minh khiến cho hầu như toàn bộ thư tịch của Đại Việt bị xóa sổ. Do đó, tìm được dòng họ nào có gia phả ghi chép liên tục vượt qua thời này là vô cùng hiếm hoi.

1. Sự định cư vào phía trong của các dòng họ có các vị quan họ Phạm
2. Sự chuyển cư tránh sự quấy phá của Chiêm Thành từ phía trong ra Bắc
3. Sự phiêu tán của các dòng họ thân cận nhà Trần
4. Sự định cư của một số dòng họ thân nhà Hồ
5. Sự phiêu bạt của các dòng họ khi quân Minh xâm lược
6. Anh hùng tụ nghĩa về Lam Sơn,
7. Bình Ngô xong các dòng họ trở về cố hương, các dòng họ gốc xứ Thanh ra Bắc
8. Các dòng họ theo các tướng lĩnh bình Chiêm, khai khẩn đất mới xứ Quảng ngày nay

Họ tên, hệ thống tông phả của người Việt và vùng Kinh

Những Người " Xuống Đồng" Trước Nhóm Mường Thái Lam Sơn

Họ tên, hệ thống tông phả của người Việt và vùng Kinh

Về "họ", "tên" của người Việt Nam, người cùng quốc tịch dành cho cư dân bản xứ trên nước Việt Nam, thì gần đây chúng ta có một nghiên cứu tuy mang tính cách liệt kê, thống kê nhiều nhưng vẫn có tham vọng tổng quát hoá cho cả một vấn đề thật là phức tạp bao gồm các phương diện nhân chủng, lịch sử... trong đó không thể nào tránh khỏi xen lẫn những ý thích cá nhân bất chợt không đoán định được. (1)

Cũng dễ hiểu là tập đoàn đa số trên đất nước này là tộc đoàn Việt/Kinh cho nên vấn đề hầu như phải xoay quanh nhóm người này. Có sự tranh cãi nhiều và mang tính bác học quanh vấn đề ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa trên người Việt nhưng nói chung có thể thấy rằng các họ người Việt là từ gốc Trung Hoa, hay dù có gốc nào khác cuối cùng cũng mang ngữ Hán, dạng Hán Việt. Chính hình thức chung này đã gây ra những sai lầm về nhận định, về hình thức tiên khởi, cho rằng người Việt lúc nào cũng phải có "họ", có "họ" là điều đương nhiên không cần tranh cãi, do đó mới cố đi tìm các họ "thuần tuý Việt".

Nhưng có một thời không phải người Việt nào cũng có họ, chứng cớ là ở tấm bia 1210 của thời Lí, đến chủ nhân các khoảnh ruộng mà cũng chỉ có tên đi sau từ "thằng" mà thôi. (2) Ảnh hưởng Trung Quốc chưa tới nhiều trên cái nền cổ sơ của dân Việt thời đó. Ông họ Nguyễn trong tấm bia là nhà giàu, bỏ cả ngàn quan mua hơn trăm mẫu cúng chùa, có họ là phải. Những người thấp thỏi kia chỉ cần có tên để xác nhận chủ quyền, và tiếng gọi "thằng" cũng không có ý khinh miệt như trường hợp nickname "thằng Cặt" của người họ Quách/Lí chỉ huy đánh Tống các năm 1075-77 vậy. Ở tầng lớp trên, người ta có "họ" hoặc bởi là gốc Hán di cư, hoặc bởi gốc bản thổ nhưng cần đi vào khuôn khổ hành chính thuộc địa nên phải theo quan niệm tông phả của người cai trị. Tính cách phức tạp của hình thức tiếp nhận văn hoá này thật khó biện biệt rành rẽ cho từng trường hợp. Nhưng trong hình dạng chuyển hoá tập thể sơ khởi, có thể đoán về hai trường hợp của tập họp người bên lề trung châu, bên lề vòng Hoa hoá của thời thuộc địa. Quan cai trị chỉ cần trực tiếp biết người ở tầng lớp trên cao của tập họp này để qua họ mà thu thuế, bắt người phục dịch cho nên đem họ vào sổ "đinh", do đó mới có họ Ðinh. Lớp người dưới tay họ, không kể phụ nữ, chỉ đáng ghi nhận ở giới nam, chỉ cần quan tâm đến "thằng" (để bắt người sưu dịch) cho nên lúc cần thì cho mang dạng chung của "cái giống": bòi, và tất cả có họ Bùi (hay có thể ngược lại: "bùi" chỉ cái giống, nói trại là "bòi".)

Một dấu vết diễn biến về "họ" thấp thoáng giống trường hợp trên, còn thấy đến gần đây, lần này tập đoàn đa số là Việt với các dấu vết sàng lọc qua văn hoá Hoa một thời gian dài. Ông Nguyễn Ðình Tư trong Non nước Khánh Hoà (3) ghi về trường hợp người Hạ, dân thiểu số ở vùng Ðầm Môn Hạ, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hoà, đã Việt hoá gần hoàn toàn. Ông thấy, riêng qua hôn nhân nếu trai Việt lấy gái Hạ thì con mang họ cha bình thường (đương nhiên là "Việt"), còn nếu lấy lẫn nhau, hay gái Việt lấy đàn ông Hạ thì người con trai mang họ Ðinh, con gái mang họ Trần. Tác giả giải thích người Hạ là dân Mã Lai ở Hạ Châu (Singapore) đến, (chắc là theo thuyết của ông Bình Nguyên Lộc) mà không chịu cách giải thích của địa phương cho rằng đó là người thiểu số cùng dòng với người Thượng ở Tây Nguyên, chỉ vì ở phía đồng, biển mà được gọi là người Hạ ("dưới thấp") thôi. Thật ra cách giải thích ở địa phương là đúng vì ta có chứng cớ từ Lê Quý Ðôn ở Phủ biên tạp lục. Người "Mọi hạ" (nếu gọi không tránh né va chạm) đó, có thể mang ảnh hưởng Chàm, Khmer (đội vật trên đầu chứ không gồng gánh) sở dĩ còn sót lại trong vùng chỉ vì họ ở vào thế khuất lấp trên vùng bán đảo đó mà thôi. Họ đã được nhân viên Trường Viễn Ðông Bác Cổ nhận ra hồi những năm 30 của thế kỉ XX. Họ Ðinh ở đây là một chứng cớ khác về gốc thiểu số vì cũng giống như những người Thượng họ Ðinh phía tây Quảng Ngãi ngày nay (Sơn Hà, Ba Tơ). Còn họ Trần chắc là vì họ "ở trần", lại cũng một dấu vết thiểu số khác nữa mà bây giờ (2007) hẳn cũng xa lạ lắm rồi. (Có ông đạo ở Bà Rịa tên đạo Trần, vì suốt ngày "ở trần".)

Chúng ta thấy các chính quyền thời độc lập áp dụng chính sách đưa lớp người cho là bên ngoài tộc đoàn "của mình" vào sổ bộ bằng cách cho mang một "họ", tuy vấn đề càng lúc càng phức tạp. Sự đổi thay từ không có "họ" đến có, sẽ đi theo một tình hình tiến triển ngoài cả ý định của chính quyền, theo sự thích nghi tự nhiên ứng hợp với tình thế đương thời trong đó không tránh được cả sự ngẫu nhiên. Tuy nhiên quan niệm tông phả của Trung Hoa qua cả ngàn năm cũng không che lấp hết được dấu vết bản xứ. Cho đến ngày nay, người ta còn quan sát thấy trên vùng được coi là trung tâm Mê Linh của Bà Trưng, có hiện tượng con cái lấy chữ lót của cha làm họ của mình, tất nhiên là qua nhiều hình thức phức tạp bởi ảnh hưởng lâu đời của văn hoá Hán trên đất Việt. Tác giả Nguyễn Duy Hinh đã dùng nhóm từ dân tộc học Hán "Phụ tử liên danh" để chỉ hiện tượng này, hiện tượng ta còn thấy ngày nay ở ÐNÁ (4) cả trên tầng cấp cao như trường hợp bà Aung San Suu Kyi (con Aung San) của Myanmar, hay nữ Tổng thống Megawati Sukarnoputri (con Sukarno) vừa qua của Nam Dương.... Tất nhiên ta không loại trừ ý định giương danh vì mục đích chính trị của những người này.

Các "họ" được sử dụng theo tính cách tông phả Trung Hoa đã che khuất các nguồn gốc chủng tộc, tộc đoàn khác nhau trước khi họ nhập vào khuôn Việt, do đó lại nảy sinh cũng một quan niệm về "người Việt thuần tuý" có thể nói là mang tính cách "soán đoạt". Sự khác biệt nguồn gốc đó vì không được để ý nên người ta dễ dãi đi tìm giải đáp vấn đề nơi các quyển sử xưa, các thần tích, và sai lầm này thấy cả ở những người mà kiến thức chuyên ngành thật đáng nể nhưng bản thân lại hời hợt trong lập luận. Lỗi không chỉ ở người nghiên cứu chuyên ngành nhân danh học mà còn là ở các chuyên ngành được mượn để dẫn chứng. Với người Việt thì lỗi ở ngành sử học Việt "truyền thống" quá tin vào bất cứ chứng cớ nào được gọi là của quá khứ, không sai chạy. Ví dụ tác giả Lê Trung Hoa (và những người khác) cứ kể tên Cao Lỗ, Ðào Nồi, Ðinh Toán là quan, tướng của An Dương Vương, cứ kể tên Trần Thị Ðoan, là mẹ của Trưng Trắc, tên Lê Thị Hoa, một nữ tướng của Hai Bà để làm chứng rằng người Việt của thời sơ sử, của thế kỉ I đã mang các họ trên! Cứ coi thần tích là sử kí đương thời, đem ra trích dẫn nên mới xảy ra trường hợp cha các ông Nguyễn Khoan, Nguyễn Thủ Tiệp, Nguyễn Siêu "làm quan đời Tần" (thế kỉ III tCn.) qua đất Giao Chỉ lấy vợ, "ở lại đây [chỉ] 39 năm" mà đẻ được ba người con đều là sứ quân của thế kỉ X! (5)

Sách vở, sử kí được chép bằng chữ Hán tạo ra một thói quen giải thích nguồn gốc theo hướng này, ví dụ tập họp Lưu Gia lúc đầu của Trần trên bờ nước, dễ dưa đến ý nghĩ đó là vùng "nhà họ Lưu" trong khi sự kiện về sau không cho thấy ai mang họ Lưu trong vùng gốc Trần này cả. Chữ Hán che lấp âm Việt cho nên với (thôn/làng) Ðinh Xá ở Hà Nam đã được giải thích là khu vực hành chính cơ sở được tạo lập bởi người họ Ðinh, nhưng từ khi có âm quốc ngữ thì rõ ra rằng dân chúng ở nơi ấy còn chỉ thêm một thôn "Ðanh" Xá để có căn cứ chắc chắn mà công nhận các chùa Bà Ðanh trong vùng. Cũng vậy, trên vùng Thuận Thành tỉnh Hà Bắc, tên xã Dương Xá văn hoa đã che lấp thôn Ðanh quê mùa, thấp thỏi nhưng may mắn xuất hiện trong báo cáo 1938 của làng xã cho Phủ Thống sứ Bắc Kì (6) để làm chứng cho sự hiện hữu của một chùa Bà Ðanh tuyệt tích, lập nên bởi đám tù binh Chàm thế kỉ XI ở đấy!

Ý thức tông phả mang đến bằng cớ dấu ấn của một dòng họ được giữ gìn qua thời gian nên không tránh khỏi bị lợi dụng. Các tay nổi loạn đổi họ để dựa vào các thế lực to lớn đương thời, hoặc có quá khứ lâu dài, như anh em Tây Sơn lấy họ Nguyễn, Tạ Văn Phụng lấy họ Lê, chưa kể ông con lính mã tà Phan Phát Sanh xưng Nguyễn Văn Lạc để hi vọng nối dòng Hàm Nghi... những sự kiện lớn này trùm lấp các chuyện đổi họ lặt vặt của các cá nhân muốn trốn tránh pháp luật hay muốn tìm một họ "sang" hơn. Những người họ Ðoàn ở Hải Dương ngày nay đi chiêu tập bà con khắp trong nước, cố liên kết với ông Ðoàn Thượng hẳn không phải vì tính cách bại tướng của ông này trong thế tranh chấp quyền hành giành ngôi Lí mà vì uy danh huyền thoại của ông tướng ôm đầu bị chặt đứt được ngựa thiêng chở về nơi hưởng huyết thực, một truyền thuyết lại cũng khuất lấp, ảnh hưởng từ các nhóm tù binh Chàm quanh đó. Ấy thế mà có người đã sang còn muốn sang hơn. Ðọc Nguyễn Hữu tộc gia phả, Thạch Hà, Thủy Châu, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. (7) thì thấy chuyện tham lam sửa gia phả có dáng đã đạt thành chứng cứ lịch sử, hoàn thành tham vọng giúp cho sự thiếu sót của sử quan xưa. Những người này học sơ sài "đạo Thánh hiền" lúc tàn tạ nên không nghe Phan Phu Tiên nhắc lời Khổng Tử: "Không phải ma nhà mình mà cúng là mắc tội siểm nịnh." Nhưng họ đã có ông Hồ Quý Li dẫn đường, không chỉ bằng lòng với ông tổ thời Ngũ Ðại (thế kỉ X) mà còn xưng mình là con cháu Ngu Thuấn để đặt tên nước là Ðại Ngu rồi! Chuyện "vẽ" gia phả này không phải là đơn độc và mới xảy ra phồn tạp gần đây vì có quá nhiều người "có chữ" thất nghiệp trong lúc người có tiền, có thế lực mà xuất thân thấp cũng đông. Nó đã lẫn vào các cuốn gia phả xưa hơn, khó tách biệt ra được.

Ý thức tông phả thật ra không phải chỉ là của Trung Hoa mà chung cho cả những con người hay tập đoàn người coi trọng sự hiện diện vượt trên từng thời gian sinh sống của chỉ một cá nhân. Người Khmer chỉ có họ ở tầng lớp cao cho nên Pol (ông) Pot phải lấy thêm tên họ đầy đủ: Saloth Sar. Còn những người ở địa vị thấp, đột nhiên xuất hiện trong lịch sử vì liên hệ đến một dòng quản lí đất nước hay theo một biến cố lớn, thường lúc đầu chỉ mang tên mà không có họ. Ta ngờ rằng các tướng của chúa Nguyễn được ghi "khuyết tính", có thể là bởi sử quan không biết họ gì để ghi hay cũng chính là vì bản thân những người này không có họ. Các tướng lãnh Tây Sơn đầu hàng Nguyễn thì còn giữ được tên họ rành rẽ, còn những người khác không có họ vì khuất lấp theo triều đại "ngụy" nhưng cũng có thể là các Ðô đốc Long, Ðô đốc Bảo, Hô hổ hầu (tên Hổ răng hổ tướng to miệng, cầm một cánh quân của Tây Sơn?)... đã không có họ. Ngay chính các lãnh tụ Tây Sơn đã chọn họ Nguyễn nhưng một người đương thời lại cho thấy họ mang một họ lạ hoắc: họ Ðồng. Lê quý dật sử ghi liên tục "thổ hào tên là Ðồng Toàn... sinh ra Ðồng Phúc, [con gọi là Ðồng?] Thư Nhạc." (8) Không rõ bản văn chính như thế nào nhưng họ Ðồng đột ngột xuất hiện rõ ràng không liên hệ gì với những tù binh ở Nghệ An bị bắt trong trận chiến 1655-1661, như chính Bùi Dương Lịch, tác giả sách, người Nghệ An, đã không nói tới mà chỉ nhắc qua rằng "cụ tổ (Tây Sơn) đi lính vào nam đóng ở Quy Nhơn." Sử quan Nguyễn không nói gì về liên hệ của họ Hồ và Tây Sơn, chỉ nhắc chung đến tù binh trong chiến dịch 1655-1661 và tên huyện Hưng Nguyên, có lẽ do đó mà Hoàng Lê nhất thống chí chêm vào xác nhận Nhạc "dòng dõi Hồ Quý Li, cùng ngành với Hồ Phi Phúc" (huyện Hưng Nguyên), lấy họ của mẹ vì "thế lực họ Nguyễn đương mạnh". (9) Thế rồi người sau lại "bắt quàng làm họ", cho cha Huệ (không nhắc tới Nhạc) là Hồ Phi Phúc không kể rằng ông Hồ Phi Phúc nếu là tù binh năm xưa thì không thể sống đến hơn trăm tuổi để sinh Nguyễn Huệ được.

Chữ "đồng" vốn là phát âm nôm cho chữ "động" (như Ðồng Hới = Ðộng Hải), chỉ một vùng cư trú hẻo lánh, hay với nghĩa "đồng (bằng)", nên họ đó có thể là cách lấy tên từ dấu vết địa điểm sinh sống như người ta tìm được chứng cớ ở Nguyên (Nguyễn) Xá, huyện Ðông Hưng, Thái Bình, những người đầu tiên đến lập làng mang họ Kênh vì ở gần kênh nước, cùng những người khác mang họ Cầu, họ Trại với nguyên cớ tương tự. (10) Có lẽ dấu vết chữ "đồng" lại là nguyên cớ khiến có thuyết cho rằng mẹ anh em Tây Sơn là Nguyễn Thị Ðồng. Dù sao thì sự rối rắm của vấn đề cũng chứng tỏ là ngay đến thế kỉ XVIII, người được nhận là Việt không hẳn là ai cũng có họ, hay coi việc có họ là quan trọng. Cho nên vấn đề đổ ngược về trước như đã xảy ra với tấm bia 1210 không phải là điều nghịch thường mà còn là phản bác những ai xác quyết rằng người Việt có họ từ thời Hùng Vương!

Từ trung tâm là Ðại La rồi Thăng Long, bên trong địa vực của châu Giao thời thuộc địa chuyển qua Ðại Việt, một số họ của những tộc đoàn thiểu số hoặc mang dạng Hán có sẵn, sẽ vẫn giữ nguyên với triều đình Việt như các họ Nùng, Hoàng, Mạc... hoặc lại sẽ được ban phát, cải sửa từ Thăng Long như trường hợp họ Giáp, có thể từ tên đơn vị hành chính "giáp", được kéo dài nét sổ dọc lên về phía trên thành họ Thân, đặc biệt có liên hệ hôn nhân với nhà vua Lí vì trấn giữ con đường xâm nhập quan trọng từ phương bắc sang.

Có vẻ trên vùng trung châu có kinh đô Thăng Long, do đó được gọi là vùng Kinh, từ sau thời độc lập, các họ tương đối được ổn định chỉ trừ thêm trường hợp nhóm tù binh Chàm đem về trong các trận chiến 1044, 1069 đã mang lại một họ mới kéo dài đến hai ba trăm năm, chưa kể giai đoạn chuyển hướng trong dòng Việt mới. Họ Phan ở đây vốn nguyên gốc hẳn không là một xác định tông tộc mà chỉ là một chỉ danh mượn của văn hoá Trung Quốc áp đặt trên tất cả tộc đoàn ở về phía tây của họ, riêng với Ðại Việt là do lầm lẫn phương hướng nghĩ rằng người Chàm ở về phía tây của mình. Và cũng ngay từ thời độc lập các chính quyền cũng phải đối phó với sự tràn lấn của tộc Thái có dấu vết nặng nề ở thế kỉ IX với "giặc Nam Chiếu". Sự pha trộn nhân chủng trên vùng Kinh do các cuộc tranh chiến này không để lại dấu vết nhưng không thể coi là nhẹ bởi vì đã bắt đầu thấy một họ người Thái chuyển qua trong sử Việt: họ Trịnh. Chúng ta sẽ bàn về họ này ở phía nam, vùng Trại, nhưng Lê Hoàn đã có vợ là bà Trịnh Quốc (982) chứng tỏ ngay ở Hoa Lư người ta cũng đã để ý cầu thân với một tộc đoàn Thái gần đâu đó. Sử ghi năm 1000, Hoàn cất quân đánh Trịnh Hàng, Hàng chạy vào Tản Viên. Nếu nối kết với "truyện Hồ Tinh" (11) thì ta nhận ra tộc đoàn ở Tản Viên là người Thái Trắng "Bạch Y Man... gác cây kết cỏ mà ở" (ở nhà sàn), có mối liên lạc đến phía tây thành Thăng Long qua chuyện vị pháp sư đội lốt cáo chín đuôi tổ chức lễ hội hợp hôn trong động kín, xung đột với chính quyền Thăng Long ("Long Quân") còn dấu vết hồ Tây, làng Cáo (Hồ Thôn), sau sẽ là nơi trú ngụ của thần Phù Ðổng khi Lí rước về thờ cúng.

Lí về ngự trị ở Thăng Long cũng phải lãnh trọng trách ngăn cản dòng người Thái tiến về đông như nhà Ðường thế kỉ IX dưới áp lực của chức quyền "Thác đông tiết độ" của Nam Chiếu. Lí cũng thành công, bắt người, cướp được ngựa đem khoe (và cũng để hù dọa) Tống. Dấu vết ngựa đặc sản của Nam Chiếu, ưu việt trong sự di chuyển, trong chiến tranh từng hấp dẫn triều đại Angkor, lại thấy nơi con Bạch Long thần mã được tán tụng của Lí Thái Tổ đến con ngựa nê thông của Trần Duệ Tông chiến bại, được khen tiếp nơi con ngựa chở chủ nhảy được qua hào nước thoát tay quân Chiêm rượt theo (1383) và được đặt tên riêng: Tử Bất Tề! Họ Lí, cũng như Trần về sau đã thành công trong việc ngăn chặn được dòng người Thái tràn xuống đồng bằng nhưng cũng để len lỏi được vào chính quyền những người đã trung châu hoá như có thể là nhân vật Trịnh Văn Tú làm Thiếu sư thời Lí Thái Tổ, đạo sĩ Trịnh Trí Không ở triều Thái Tông, Trịnh Phẫu đỗ Thái học sinh (1232).

Các tập đoàn thiểu số phía bắc, đông bắc có vẻ dễ thích ứng hơn, hẳn vì sự chọn lựa phải đứng về phía Thăng Long trong xung đột với chính quyền Tống, Nguyên ngay trên con đường tiến quân của các thế lực phương Bắc. Họ Giáp/Thân có thông gia với Lí nhiều đời, tuy không phải lúc nào cũng thân thiện bởi vì thấy có dáng chen vào việc giành ngôi của nhân vật Thân Lợi (1141). Họ Hoàng (và họ Mạc) được coi là thuộc thành phần "thổ quan" ở biên giới Trung, Việt đôi khi thấy có tác động lớn trong các biến cố giữa hai nước. Thế rồi ngay trong triều Lí có Thái phó Hoàng Nghĩa Hiền (1161) từng được cử chiêu dụ vùng man động để đi đãi vàng (1143) và lúc chết (1161) được bãi chầu 5 ngày vì coi là có công lớn trong việc giúp Anh Tông lên ngôi. Họ Dương kề phía bắc kinh thành được cử coi vùng biên động (1143), làm phò mã (1144), khu vực riêng được nâng lên thành Phủ, bị thất bại trong vụ lật đổ Ðỗ Anh Vũ (1150) mà không hề hấn gì, chỉ bị "tội lưu nơi xa, (nước) độc" theo kiểu trả về quê cũ! Còn cuối Trần nhân âm mưu giết Lê Quý Li thất bại (1399) mới thấy ra một họ Lương phụ đạo vùng Tuyên Quang của Lí, chận đánh quân Nguyên được phong hầu, nghĩa là vào vòng tông tộc quý hiển Trần, được sử ghi gia phả nối tiếp cẩn thận. Ngoài ra, các Viên ngoại lang là các thế lực địa phương phục vụ Lí, có tên, có họ nhưng ta không thể phân biệt được thành phần chủng tộc, tuy rằng với Lí thì một số những người này hẳn thuộc thành phần Di Man đất Mân đã Hoa hoá nhiều. Những người cầm đầu các tộc đoàn này, theo tình hình chung, chịu ảnh hưởng Trung Hoa nên các lãnh tụ đã có họ, còn phần dân chúng chưa chắc mang được một họ nào tuy là dần dần theo một sự thăng tiến nào đó cũng phải kiếm cho ra một họ riêng của gia tộc mình để, nếu may mắn, chen được vào sử Việt, thành "người Việt" không còn tranh cãi. Lại cũng nên để ý trường hợp "thổ tù hoá" ngược lại, ví dụ con cháu Ngự Man Vương Lê Ðinh đóng ở Phong Châu, khi Lí lên nắm quyền, trở thành "phiên thuộc" lại làm thông gia với Lí.


Vấn đề của vùng Trại

Sự phân biệt Kinh/Trại được nhắc nhở nhiều nhất trong đời Trần, đặc biệt trong việc tuyển lựa nhân tài qua thi cử. "Hồi quốc sơ, cử người chưa phân kinh trại, người đỗ đầu được ban cho trạng nguyên. Ðến nay chia Thanh Hoá, Nghệ An làm trại, cho nên có phân biệt kinh trại." Sự phân biệt khu vực chính thức cho là bắt đầu từ năm 1256 đó nhưng thật ra tính chất phân vùng cho Ðại Việt như trên có căn bản rất sâu xa, phản ảnh qua các sự kiện rất xưa. Có thể thấy lờ mờ thời sơ sử qua vị trí làng Ðông Sơn của Thanh Hoá được chọn đặt tên cho nền văn minh đồ đồng của Việt Nam. Khi Hán chiếm lĩnh thuộc địa đặt tên cho khu vực quản trị thì chỉ có hai: Giao Chỉ và Cửu Chân, và lại cũng cho thấy điều đó có thể xuất hiện ngay từ thời đại Triệu Ðà hàng trăm năm trước. Tên Giao Chỉ thì còn nhiều tranh luận nguyên gốc, chứ tên Cửu Chân thì mịt mù, chứng tỏ thật xa lạ với người Hán đương thời. Vì thế tuy có thêm một quận Nhật Nam ở cái đuôi phía nam thuộc địa co dãn theo sức đối phó với các nhóm dân bản xứ vùng ấy, đến thời đại độc lập, các chính quyền ở Hoa Lư bên rìa đồng bằng phía bắc, ở Thăng Long ngay giữa đồng bằng ấy đều nhìn vùng Cửu Chân cũ như là một nơi không đáng tin cậy, một chốn thù địch. Lê Hoàn "giết người hai châu (Hoan, Ái) không biết bao nhiêu mà kể" (989), còn Lí Thái Tổ thì cho "người Diễn Châu không theo giáo hoá, ngu bạo làm càn" để có cớ đem quân đánh dẹp (1012). Vì thế ta thường thấy xuất hiện các tên "trại" nơi này: trại Bà Hoà của Thân vương Lí Nhật Quang ở Thanh Hoá, trại Ðịnh Phiên ở biên giới phía nam có Lí Thai Giai làm trại chủ. Vậy mà thế lực địa phương vẫn xuất hiện làm điên đảo triều đại Lí qua những sự kiện không ngờ: Hiện tượng đứa bé lên ba Giác Hoàng của Thanh Hoá dưới dạng thần thánh chen vào tranh chấp làm người kế vị Nhân Tông, suýt đã thắng cuộc nếu không bị ngăn cản bởi thế lực của Sùng Hiền hầu, có sự phụ giúp của nhóm thần thánh Từ Vinh + Từ (Lộ) Ðạo Hạnh, cùng họ Ðỗ từng có người vào Thân Vương ban (tập họp nằm trên tột đỉnh quyền hành) ngay từ đầu triều đại. Cho nên từ khởi đầu (1010), Lí Thái Tổ đã chia làm Kinh, Trại chứ không phải đợi đến Trần Nhân Tông, hành động năm 1256 có vẻ chỉ là một cách điều chỉnh của một triều đại mới vừa lập nên, chưa thấu rõ tình hình thực tại của đất nước.

Dù sao thì sự phân biệt một vùng Trại xa kinh đô, xa "giáo hoá" cũng để lộ ra những dấu vết thành phần chủng tộc riêng biệt xâm nhập vào khung cảnh chung của Ðại Việt qua các nhân vật mang các họ có âm vang Hán Việt để sử gia cứ giản dị xếp lịch sử theo một chiều thô thiển đến mức có thể nói là đã cưỡng đoạt sự thật. Có thể nói trên vùng Trại này, Lê là họ "quý tộc" để người của các tập đoàn Việt nhỏ bé, các tập đoàn dân tộc ngoại biên tìm cách chen vào mong được hiện diện nổi bật. Chúng ta thấy Thập đạo Tướng quân của Ðinh là con nuôi một quan sát sứ Thanh Hoá họ Lê, chứng tỏ không chắc ông là "Lê" Hoàn. Họ Hồ đã là quý tộc của xứ Nghệ vì nhận gốc từ quan chức thời Ngũ Ðại (thế kỉ X), từng làm thông gia với trung ương Lí, vậy mà còn làm con nuôi họ Lê để cải họ, đến lúc làm vua mới trở về họ cũ! Và đến cả người gốc Thái cũng mang họ Lê như Lê Cố trong tập họp của Lê Lợi. (12) Không cần qua dấu vết người bà, người mẹ mang tính phỏng đoán, chính sự việc có lời khấn tiếng Thái trong tế lễ ở Lam Kinh là chứng cớ rõ rệt nhất về thành phần gốc Thái của nhóm Lam Sơn. Nghĩa là qua sự tràn lấn về phía Nam của các chính quyền Hoa Lư, Thăng Long nối tiếp vai trò các chính quyền thuộc địa cũ, những tập đoàn dân tộc khác vẫn chen vào quyền bính, và không phải lúc nào cũng ở vai trò phụ thuộc.


Những người họ Phan, họ Phạm

Với kiến thức chi li của các nhà dân tộc học ngày nay thì chúng ta được biết có nhiều tộc đoàn thiểu số sống trên vùng xưa gọi là "Trại" đó. Và thật là hiếm hoi khi thấy Cựu Ðường Thư ghi: "Khai Nguyên 12 (724), Ðường Huyền Tông tế Thái Sơn có hai ông tả hữu hiền vương phía tây Nhật Nam cà răng, xăm trán..." (13) Ðem người lặn lội từ ngàn dặm xa đến dự lễ lớn tuy chỉ là một cung cách biểu diễn "vật lạ" nhưng cũng là làm tăng oai phong của triều đại. Hẳn ngày xưa diện mạo dân tộc vùng Trại cũng đã phức tạp như vậy (hay phức tạp hơn nữa là khác) tuy ta không có bằng cớ để xác định rằng tộc đoàn nào đó tên gì, đã xuất hiện trong vùng vào lúc nào, chuyển biến ra sao... Phải đành chịu để xét các tộc đoàn lớn bao trùm các tộc đoàn nhỏ, những tộc đoàn mà sử quan gọi chung là "Man" khi không phân biệt rõ ràng để chúng ta bây giờ cũng mù tịt, đôi khi đoán định được là nhờ những chi tiết thêm vào, ví dụ ghép với tập đoàn Thái cũng lại lấn át ở vùng Trại không dịu nhẹ tí nào. Kiến thức thành phần nhân chủng và sinh hoạt xã hội ở đây lộ ra chút sáng sủa thêm khi có một tập đoàn thiểu số lên làm vua nước Việt, từ đó những tập đoàn yếu thế còn lại không phải chỉ là "Man" mà là "Mang" (chữ Hán) để ta chuyển ra "Mường" chỉ tập họp người, vùng cai trị của lãnh chúa nhỏ, và mở hiểu biết đến hệ thống liên khu vực như Bồn Man/"Mọi Chum", Ai Lao, Lão Qua, chuyển qua chữ viết của tiếng nói gọn ghẽ là "Lào".

Ngoài nhóm người đồng bằng, nhóm miền núi Thanh Hoá (vùng Lạc Thủy bây giờ) được ghi nhận chống đối dữ dằn nhất, là Man Cử Long. Cử Long mạnh khiến Ðinh Toàn chết khi cùng đi đánh với Lê Hoàn (1001). Năm 1011 họ bị Lí Thái Tổ "đốt bộ lạc, bắt kẻ đầu sỏ" đánh tan "bọn giặc hung hăng dữ tợn" hai triều Ðinh Lê không trị nổi đó. Sử quan Nguyễn cho họ mang tên sắc tộc Mường có lẽ là nhìn vào thành phần dân cư đương thời, không khác ngày nay. Nhưng Cử Long không phải chỉ ở trên rừng, năm 1005 họ tràn xuống đến tận phía biển, cửa Thần Phù (Ninh Bình) sau này, khiến Long Ðĩnh phải bỏ việc giành ngôi với anh em, quay về đánh giặc. Họ là thành phần Mường thuần tuý hay chịu sự đùn đẩy lấn chiếm của tập đoàn Thái phía sau, đã thấy xung đột với Lí trong thế kỉ này với tên Ai Lao rõ rệt (1048) hay tên Ngưu Hống ("Rắn hổ mang", người Thái Ðen, 1067)? Dù sao thì luồn lọt được qua các cuộc chiến cũng có những bộ phận thủ lĩnh địa phương tách rời tập đoàn chính của mình để mang họ Hán Việt, phục vụ chính quyền Việt, trôi nổi theo tình thế giúp họ thích ứng được hay không của nơi quy tụ mới. Ðó là những người mang họ Phan, họ Phạm.

Về họ Phan, ta chú ý tới Phan Kiệt nổi bật trong vụ tranh chấp quyền bính cuối Trần, và Phan Liêu mà hành vi chuyển đổi phức tạp trong cuộc kháng chiến chống Minh đã gây nên cuộc tranh cãi về tinh thần ái quốc của các sử gia trong nước hồi gần đây. Thật ra, họ Phan trong sử Việt có nguyên nhân như đã nói, là bởi quan niệm người đương thời nghĩ rằng nước Chiêm Thành ở về phía tây nước mình nên gọi: "phiên" (XYZ), và xác định đó trở thành họ trong khung chuyển tiếp văn hoá Hán Việt, dễ nối kết với họ Phan có sẵn, trùng âm. Ðáng lẽ phải gọi là "phiên" Lân, "phiên" Cụ những người liên hệ với Trần Tự Khánh, "phiên" Ma Lôi, tướng của Nguyễn Nộn (1229)...

Cho nên các tên Phan Kiệt, Phan Liêu có vẻ là gốc Chàm nhưng không thuộc loại con cháu tù binh mà là của các tông tộc chủ vùng địa phương phía nam được triều đình Thăng Long dung dưỡng để cai trị dân trên vùng đất mới sáp nhập theo kiểu "dĩ di trị di". Một bằng chứng chỉ là dấu vết thần tích nhưng cũng cho ta thấy di tộc người Chàm vùng châu Diễn xưa cũng có thể mang họ Phan: Ðền Bạch Mã ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, Nghệ An được cho là thờ ông Phan Ðà (ông "phiên" lớn ung dung, ngạo nghễ?) có công chống quân Minh. (14) Thế mà ta biết thần Bạch Mã có gốc là con ngựa Balaha của truyện Tiền Thân Phật (ở đây được chứng minh trong nội dung tờ sắc Gia Long 1810 lưu giữ trong đền), nghĩa là ông thần Bạch Mã kia đã được dân chúng địa phương nhìn ra là một ông thần Chàm, mới cho mang họ Phan! Theo lối nhìn thân/sơ, trong/ngoài từ Thăng Long, ta thấy những người này đã bám sát với dân Ðại Việt hơn là với gốc cũ bởi vì không những chứng tỏ nơi các tên đơn âm cụt ngủn kia mà còn vì thấy sử quan ghi tên các người Chàm khác, phân biệt dài dòng với họ Chế, họ Trà.., với các họ mới được ban phát như Kim Trung Liệt cho Bố Ðông, Ðinh Ðại Trung, Ðinh X cho Chế Ða Biệt, Mộ Hoa Từ Ca Diệp (1397). Tuy nhiên tính chất "thổ hào" không-Việt vẫn hiện rõ trong cách xử trí của các chính quyền trên cao. Phan Liêu và cha là Phan Quý Hựu từ Hồ qua Hậu Trần đến Minh (hàng năm 1412) đều giữ chức ở Nghệ An, bao trùm vùng quê gốc Thạch Bàn, Hà Tĩnh (ngày nay) của họ. Anh họ Liêu là Phan Kiệt được Minh cho coi châu Trấn Man vốn là hương Tinh Cương/ phủ Long Hưng, đất gốc của họ Trần, nơi chôn ba ông vua đầu tiên và ông Thượng hoàng Trần Thừa chưa từng làm vua, Minh cho cai trị theo kiểu lấy "man" này trị "man" nọ. Lê Lợi trên vùng cao cũng được Minh cho làm tuần kiểm Nga Lạc dưới vùng biển. Chúng ta sẽ còn thấy điều này xảy ra với các nhân vật khác.

Nhân vật Phan Mãnh xuất hiện dưới thời Chế Bồng Nga tràn ra phía Bắc, lúc "Tân Bình, Thuận Hoá phần nhiều làm phản theo Chiêm Thành... chỉ có Phan Mãnh và Phạm Căng đem dân chúng quy thuận. Mãnh là người can đảm, mưu lược dò biết được nhiều tình hình của giặc, đánh quân bại trận chạy qua. Thượng hoàng (Nghệ Tông) thưởng cho rất hậu, cho chỉ huy quân Thánh Dực ở Tân Bình và Thuận Hoá", nghĩa là coi quân trung ương ở địa phương phía cực nam này. Hình như đây là nhân vật thiểu số cao cấp nhất trong chính quyền cuối Trần, địa vị cao đủ để có tham vọng mon men vào tranh chấp phe phái đương thời nhưng bị thất bại (1391), danh vọng chỉ kéo dài khoảng một năm ngắn ngủi mà thôi. Ðiều đáng chú ý là Phan Mãnh xuất hiện đồng thời với Phạm Căng mà ta biết nơi khác được ghi là Phạm Thế Căng khiến cho gốc Chàm mà ta phỏng đoán lại có lây lan đến dòng Thái trong vùng. Hay một dòng dân tộc khuất lấp nào khác, Bru, Chứt... chẳng hạn. Vì ta có chứng cớ ở Lê Quý Ðôn. Với thời đại của chúa Nguyễn có tiếp xúc chi tiết hơn nên ông biết người Sách ở phía tây Quảng Bình cũng ghi các tên "phiên" Triển, "phiên" Ðà... trên giấy tờ nhà nước với chữ Phan, (15) là căn cứ để thêm một họ Phan thành hình ở Ðàng Trong, gần như họ Ðinh phía tây Quảng Ngãi, không cần phải là người Mường phía Bắc di cư vào.

Phan Liêu chống Minh làm lụy đến một người gốc Thái vùng Kinh là Lộ Văn Luật, người trốn sang Lào gây mâu thuẫn giữa Lào và Lê Lợi như sử quan nói. Phan Liêu trốn Minh trong vùng Ngọc Ma, phía tây Hà Tĩnh ngày nay có thể là liên lạc với Cam Môn, Cam Cát trên đất Trung Lào, nên tồn tại được trong các năm 1419-21 trước khi nhập vào quân Lam Sơn. Sự liên kết đó giữa các nhóm Chàm Thái nhỏ bé trên khu đất thuộc lãnh quyền của vua Việt, qua thế kỉ XVI, sẽ có thêm một bằng chứng từ Trịnh Kiểm và người bạn sinh tử của ông tên Vũ Thì An. Tên đó thoáng qua thì giống như sử quan Vũ Quỳnh, sủng thần Ngô Thì Nhậm của Quang Trung, nhưng chữ "thì" kia đã biến mất hẳn trong tên một người con của ông: Vũ Ðình Tùng (rất "Việt"!) lại xuất hiện ở tên một người khác: Vũ Thì Lương. Chữ Thì đó có phần chắc chắn là rơi rớt của gốc Sri cũ, bởi vì người vợ Vũ Thì An, từ tư thế dòng nữ nguyên gốc, vẫn còn giữ dấu vết tông tộc của mình: Phan Thị Man. (16)

Họ Phạm đã có mặt phía bắc, vùng hạ du với các sứ quân, các thổ hào trong tranh chấp Lí Trần mà có lẽ rơi rớt nổi bật là Phạm Ngũ Lão, không phải anh đan sọt giữa đường như truyền thuyết trong truyện của Phạm Ðình Hổ đầu thế kỉ XIX. (17) Nhưng như đã thấy, Phạm Thế Căng của vùng Trại rõ ràng thuộc dạng khác. Ông ta được ghi là "thổ hào", không những xuất hiện đồng thời với Phan Mãnh (1390) mà may mắn (?) còn sống dài hơi hơn trong sự tranh chấp hỗn loạn giữa các thế lực Hồ, Hậu Trần, Minh ở vùng đuôi Ðại Việt này.

Ở đây lại thêm ông thổ hào Ðặng Tất lưu danh nặng kí trong sử sách một phần có lẽ vì ông con Ðặng Dung làm thơ, gần gũi các ông sử quan hơn với các tay võ biền khác. Vớí họ Ðặng thì ta chỉ có thể coi là một thổ hào ở đồng bằng nhưng nếu nhìn theo gốc gác quan tước và cách ứng xử tom góp quyền lực khi gặp tình thế thuận lợi của ông thì thấy vẫn không xa dấu vết thiểu số một phần nào đó. Ông là "thổ quan" Ðại tri châu Thăng Hoa (Quảng Nam) của Hồ, "châu" là đơn vị ki mi, bên lề đất nước, trong lúc nhân vật phù trợ Hậu Trần, cùng chung kết cục bi đát như ông là Nguyễn Cảnh Chân thì mang chức An phủ sứ, nghĩa là quan của triều đình phái đến. Trong thời gian tranh chấp quyền hành: quân Minh diệt họ Hồ, người Chiêm lấn ra đòi lại đất cũ, Ðặng Tất giành đất Thuận Hoá với quan lại triều đình, chịu hàng, giao nạp quan chức trung ương cho Minh, được chức tri phủ châu Hoá. Giản Ðịnh Ðế nổi lên (4âl. 1407), Tất theo về, tiến lùi chống đánh Trương Phụ trên khu vực Phạm Thế Căng đang chịu chức quan nhà Minh. Cho nên Căng làm tri phủ Nghệ An, phải lùi về Tân Bình trước thế lực của Giản Ðịnh, rồi bị ép dưới đồng bằng nên lên núi xưng làm Duệ Vũ Ðại Vương, lập triều đình riêng. Tất tăng uy thế vì giết được Căng, liền phô bày quyền hành mà không đề phòng tính chất phức tạp của một trung ương xa lạ với ông, nên bị giết không theo cung cách của chiến trường: vua bóp cổ chết. Cả hai cái chết khác nhau cũng chứng tỏ Ðặng Tất "ngờ nghệch" hơn vì Nguyễn Cảnh Chân, ông quan của triều đình, quen thuộc cung cách ở triều môn nên đã bỏ chạy được lên bờ rồi mới bị giết. Và sử quan quen với lối mòn kinh sách, cứ chê Giản Ðịnh nghe lời nịnh thần giết người trung lương mà không thấy ra việc ông ta phải đối phó với những quyền bính của tình thế mới muốn lật đổ mình.

Không được chỉ định là "thổ hào" nhưng phủ Lâm Bình đã có quan là Phạm A Song (1372). Có thể liên hệ họ Phạm này với tộc Lê mà khởi phát từ địa phương thành quốc chủ khiến dễ thấy nguồn gốc tộc loại hơn. Vợ Lê Lợi, người sinh ra Thái Tông mang họ Phạm, mẹ Tư Tề (bị truất phế) họ Trịnh. Mẹ Lê Lợi lại họ Trịnh,` tộc Thái, cả một dãy liên hệ hôn nhân cho thấy dấu vết tộc Thái trong vùng. Tranh chấp ruộng đất với Lê Ngân, lây lan đến việc chống đối với Lê Lợi cũng là một người họ Phạm: Phạm Mấn. Ðã có 4 người họ Phạm trong nhóm khởi nghĩa Lê Lợi thuộc về một tông tộc cách Lam Sơn chỉ 5 cây số. (18) Tuy nhiên có một dấu vết bia đá và gia phả cho phép suy đoán đúng về gốc gác sắc tộc của một họ Phạm công thần của Lê Lợi, tuy người phát hiện trình bày vụng về khiến gây nên thắc mắc. Bia đá dựng đời Duy Tân (1907-1916) nói về "họ Phạm là một họ lớn... ở miền núi Thanh Hoá, có vị Thượng tướng quân Khằm Ban (tức là Phạm Ban)... tham gia khởi nghĩa Lam Sơn..." Người điều tra không dịch sát thành thử không biết hai tên được ghép cho một người kia có ở ngay chính trong bia không. Có phải chữ khằm kia đã viết thành chữ nôm, ví dụ là "kham" không? Tuy nhiên thấy gia phả giữ lại họ Phạm (người con tên Phạm Ngọc Chúc, với 2 đạo sắc 1576) còn địa điểm dựng bia là ở chòm/bản Khằm, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hoá, Thanh Hoá, nên ta có thể liên kết Khằm và Phạm làm một. (19)

Lấy tên đơn vị cư trú, hành chính làm họ cũng là điều thường thấy như ở trường hợp họ Trịnh sẽ nói sau. Ở đây, với âm đọc khằm, ta cũng nhận ra hai khu vực lớn trên đất Lào viết là Khammon, Khamcat hay Cam Môn, Cam Cat trên bản đồ. Và hẳn từ đó đã chuyển qua họ Cầm xuất hiện trong thời gian Lê Lợi chống quân Minh, gây xung đột hay liên hệ đến các thủ lãnh Thái trong vùng như Cầm Bành tri phủ châu Trà Lân, Cầm Lạn quản lí Quỳ Châu, hay xa hơn với Cầm Quý, người được gọi là "tri phủ châu Ngọc Ma" như của đất Việt mà có dư 6000 quân giúp Lê Lợi (1425), mong đưa nhân vật Trần Cảo của mình lên làm vua khi thành công... Như thế có vẻ là ta đã giải quyết vấn đề Phạm Thế Căng, có thể của cả Phạm A Song, về nguồn gốc Thái đã lấn sâu xuống vùng dân Việt đồng bằng, mang họ Phạm và tham gia vào những biến loạn đáng lẽ chỉ liên hệ riêng cho các dòng Trần, Hồ với thần tử của họ mà thôi.


Những người họ Trịnh, họ Hoàng và cuối đường "xuống đồng"

Trong Sử Việt, đọc vài quyển chúng tôi đã cho thấy họ Trịnh là chuyển từ tên chung chỉ đơn vị tập họp trung tâm của một "mường" người Thái: chiềng. Chúng ta cũng đã nói ở trước về việc lấy tên khu vực để dùng làm họ chung của một nhóm người. Dấu hiệu còn thấy ngày nay, tất nhiên có xê xích, là việc người Khmer vùng tây Nam Bộ lấy chữ đầu của tên làng làm họ: họ Dương từ làng Dương Hoà, họ Thuận từ làng Thuận Yên... (20) khi không còn một ông vua Nguyễn nào ban cho các họ Sơn, Thạch... nữa. Những biến cố được chính sử ghi chép cho ta thấy người ta đã dùng chữ "trịnh" để chỉ một Chiềng. Ví dụ chuyện năm 1337, Minh Tông đánh Ngưu Hống đã tiến quân vào trại Trịnh Kì giết tù trưởng Xa Phần nghĩa là đánh vào một chiềng có âm chuyển sang (Hán Việt là) Kì, tên chung "trại" chỉ là của Trần dành cho một đơn vị dân cư người "man". Sau này năm 1424, cũng thấy Lê Lợi đánh vào một chiềng khác ở châu Trà Lân của Cầm Bành có tên Trịnh Sơn, ngày nay còn tên Kẻ Trịnh, mất hẳn tên chính của trung tâm mường nọ. Vấn đề đặt ra là họ Trịnh là tự nhận hay chính do người ngoài nhìn vào mà gán ghép? Phức tạp là tộc Thái đã giao tiếp với người tộc Hán từ lâu nên ta đã thấy xuất hiện những họ Trịnh trong thời Bắc thuộc, do đó mới có người họ Trịnh ngày nay muốn lấy làm bằng cớ để kéo gốc mình về xa đời hơn dòng Nguyễn Hữu được sửa gia phả kia. Cho nên đã có trường hợp họ Trịnh vững vàng truyền dòng như các người họ Trịnh theo phò Lê Lợi. Tuy nhiên trong chuyện nhà sư áo trắng để mả cho cha Lê Lợi thì họ Trịnh ông ta mang có vẻ chỉ là một cách gọi biểu diễn tính cách tộc Thái của ông ta mà thôi.

Họ Hoàng ở vùng Trại thì càng khuất lấp hơn. Các họ Hoàng giao tiếp với Lí Trần phía vùng Kinh không hẳn phải là thuộc tộc Thái. Nhưng trên vùng Trại thì nổi bật nhất là những người họ Hoàng thông gia với dòng Trịnh Kiểm đến 4 đời, được coi là cánh tay yểm trợ đắc lực cho họ Trịnh lên ngôi Chúa, và tung hoành trong tập họp hoạn quan của Phủ Chúa. Tuy nhiên đó là việc về sau, của thế kỉ XVI. Họ Trịnh nổi lên với sự xuất hiện của Lê Lợi trên chính trường, đã là muộn trên hành trình tiến về đông mà họ Hoàng ở đây còn muộn hơn một bậc nữa.

Tóm lại trong tiến trình đi về đông, xuống đồng bằng trên vùng Trại, nhóm Thái vì xa nơi xuất phát nên hiện diện ít hơn nhóm Chàm cố cựu tại chỗ phát triển lên, hay tự tái định cư khi chính quyền kềm kẹp mình (Lí, Trần) suy sụp phải buông thả. Ðầu thế kỉ XIV, người Thái còn ở trên vùng biên gần đồng bằng nơi đã tuỳ thuộc vào chính quyền Việt, như trường hợp họ Trịnh thông gia với ông cố Lê Lợi, người mở đường cho Lê Lợi (hay cha ông) nhận chức phụ đạo của Trần. Trên căn bản đó, các họ Trịnh khác sẽ là nòng cốt cho đội quân Lam Sơn ở thế kỉ sau nhưng những người chuyển hóa nhanh hơn thì đã tham dự vào biến động Trần-Hồ-Minh thuộc như trường hợp Phạm Thế Căng. Hành động đơn độc, họ phải chịu thất bại trong tranh chấp nhưng khi phối hợp được với các lực lượng trung châu, bán sơn địa khác họ sẽ nổi lên trong triều chính độc lập mới, rồi lại sẽ có căn bản để lên làm An Nam Phó Quốc vương (như Minh đã phong cho Trịnh Tráng năm 1651), nắm thực quyền trong tay, giữ nền chính thống Ðại Việt mà người sau vẫn không ngờ đến gốc gác khác biệt với nơi họ ngự trị hơn hai thế kỉ.


Tạ Chí Đại Trường

Tết, 17 Hai 2007


Chú thích:

(1) PGS. TS Lê Trung Hoa, Họ và tên người Việt Nam, Nxb. Khoa Học Xã Hội 2005.

(2) Ðào Duy Anh, Chữ nôm: nguồn gốc - cấu tạo - diễn biến, Nxb. Khoa Học Xã Hội 1975, tr. 14 về bia chùa Báo Ân.

(3) Nxb. Thanh Niên 2003, tr. 253-254.

(4) Nguyễn Duy Hinh, Văn minh Lạc Việt, Nxb. Văn Hoá Thông Tin 2004, tr. 439-447; Lê Trung Hoa, sđd, tr. 80. Về tục Phụ tử liên danh trong tập họp người Khmer ở Nam Bộ, xin xem TS Ðinh Văn Liên, "Tìm hiểu họ và tên của người Khmer ở Nam Bộ" trong Nam Bộ, Dân tộc và tôn giáo của Nxb. Khoa học Xã hội 2005, trang 92. Tác giả phân biệt "Ngày trước người Khmer ở Nam Bộ không có họ như người Việt, mà theo nguyên tắc lấy tên đặt (làm) họ, (theo) phụ hệ và liên danh với cha" cho thấy rõ là từ gốc Kamphuchia còn được nhận ra ở Nam Bộ.

(5) Lê Trung Hoa, sđd, tr. 33, dẫn Nguyễn Bạt Tuỵ.

(6) Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố, Ðại Nam dật sử, Sử ta so với sử Tàu, Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam xb. 1997, tr. 121.

(7) Lê Sơn, Nguyễn Hữu Quý sưu tầm, chú thích, Nxb. Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh xb. 2003. Gia phả của một người có tổ tiên "cùng làng" với chúa Nguyễn, phò chúa, đến lúc chúa lên ngôi vua, vua mất ngôi qua tay ông Khâm sứ Pháp, con cháu mới xin cho coi là cùng họ tôn thất (1918), tất nhiên bị Tôn Nhơn Phủ gạt ra, lại cứ viết gia phả mới (1941), và kì kèo để được chấp thuận (?). Ðến đây, thấy đặt ông tổ Nguyễn Kim vào dòng phù trợ cơ nghiệp trung hưng cho họ Lê vẫn chưa đủ "xưa" nên họ lại lôi qua ông đại công thần Nguyễn Trãi, mà quên ông Nguyễn Phi Khanh, lúc nhớ ra vội chêm vào sách. Hình như kiến thức từ An Nam/ Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim khiến họ không biết đến chuyện Toàn thư nhắc việc Lê Thánh Tông phong chức cho Anh Vũ, người con thoát cảnh bị tru di tam tộc (1464). Ta không biết họ lấy đâu ra ông Nguyễn Long, con Nguyễn Trãi, không những thoát nạn nhà mà còn leo lên đến chức Thái sư, hẳn là cũng trong triều Lê! Chưa đủ, lại phải chắp nối thêm đến ông Nguyễn Bặc của đời Ðinh! Qua thời Nguyễn mất ngôi, Ngô (Ðình Diệm) ở gần đó "lên", thấy có cơ viết lại lịch sử (1956) người ta liền lắp thật nhiều người họ Nguyễn vào, phong chức tước, nối kết cho liên tục, chen ông Nguyễn Nộn có thật để lấp khoảng trống lớn từ Ðinh tới Hậu Lê (Nguyễn Trãi). Tiếc cho ông sửa gia phả kia, là chưa ai nói đến quan chức đời Hùng Vương đã có họ Nguyễn.

Chúng tôi nhớ hình như khoảng những năm 80 của thế kỉ XX, có tác giả nữ (Thư Hiên...), con cháu Nguyễn Hữu Cảnh đã viết tiểu sử danh nhân này theo cách kéo dài ông cha lên đến thời Nguyễn Bặc của quyển gia phả này. Chúng tôi không tìm mua được quyển Nguyễn Phúc tộc gia phả của Nxb. Thuận Hoá 1995.

Một trường hợp sửa gia phả xưa hơn (có lẽ vào năm 1728) là ở quyển Ngô tộc gia phả (Lê Huy Trâm, "Lê Thánh Tông và quyển gia phả họ Ngô ở Ðộng Bàng Thanh Hoá" trong Viện Văn Học, Hoàng Ðế Lê Thánh Tông: Nhà chính trị tài năng, nhà văn hoá lỗi lạc, Nhà thơ lớn, Nxb. Khoa Học Xã Hội 1998, tr. 53-66.) Gia phả ghi rất thật về vài thế hệ trước Ngô Từ, ông ngoại Thánh Tông: nghèo, có lẽ là nô nhà chùa, chết xác vứt ngoài rừng cho chim rỉa thú ăn, gọi tưng là "thiên táng". Biến động cuối Trần, Minh thuộc khiến họ thoát cảnh nô nhà chùa nhưng lại về làm đầy tớ nhà Lê Lợi, được bà chủ gả con gái cho các dòng đầy tớ khác: Ðinh Liệt, Ðinh Lễ, rồi thăng tiến theo danh vọng của chủ mà thành ông ngoại, cha của ông vua được coi là vẻ vang nhất trong lịch sử nước Việt. Và do đó ta mới hiểu tại sao cậu bé Tư Thành (Thánh Tông) dễ dàng ở vị thế không được sinh bên trong cung! Thế mà với quyển gia phả 1728 thì các ông Tổ của họ có tên là Ngô Mân, Ngô Quyền, và vì họ Ngô có người lập thế phân tranh Tam Quốc bên Tàu, nên kéo được xa đến đời Sĩ Nhiếp!

(8) Nxb. Khoa học Xã Hội 1987, tr. 46. Ðoán định tác giả là Bùi Dương Lịch, Hoàng giáp 1787.

(9) Bản dịch của Ngô Tất Tố, Cơ sở Tự Do tái bản 1958, tr. 53; Trên đất Nghĩa Bình, Phan Huy Lê, Phan Ðại Doãn, Vũ Minh Giang, Nguyễn Quang Ngọc sưu tầm, khảo sát, biên soạn, Sở Văn Hoá Thông Tin Nghĩa Bình xb. 1988, tr. 11.

(10) Nguyễn Duy Hinh, sđd, tr. 440. Trong vùng Tây Sơn còn có các tên đồng Hươu, đồng Cây Cầy (Thị Dã của Thực lục)...

(11) Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái, Lê Hữu Mục dịch, Nhà sách Khai Trí xb. 1960, tr. 47.

(12) Phan Huy Lê và Phan Ðại Doãn, Khởi nghĩa Lam Sơn, Nxb. Khoa Học Xã Hội 1977, tr. 138.

(13). Nguyễn Duy Hinh, sđd, tr. 157.

(14) Phủ biên tạp lục, Nxb. Khoa Học 1964, tr. 227, 228.

(15) Ðậu Bá Trà, "Chùa Bạch Mã (Nghệ An); "Về tấm biển gỗ ở đền Bạch Mã (Nghệ An)" trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2003, Nxb. Khoa Học Xã Hội 2004, tr. 476-478, 641-642.

(16) La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn (1908-1998), Hữu Ngọc và Nguyễn Ðức Hiền sưu tập, biên soạn, tập II, "Trước tác (Phần II: Lịch sử)", Nxb. Giáo dục 1998, tr. 658.

(17) Phạm Ðình Hổ, Nguyễn Án, Tang thương ngẫu lục, Nxb. Văn Học 2001, tr. 109.

(18) Phan Huy Lê, Phan Ðại Doãn, sđd, tr. 136.

(19) Nguyễn Ðăng Ngân, "Bia khai quốc công thần thời Lê ở Thanh Hoá" trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2002, Nxb, Khoa Học Xã Hội 2003, tr. 621-622.

(20) Lê Trung Hoa, sđd, tr. 35.


* Các sự kiện không dẫn chứng riêng đều lấy ở Ðại Việt sử lược (bản dịch Trần Quốc Vượng 1960, tái bản 2005), và Toàn thư (bản dịch 1993.)

Nguồn tin: Hợp Lưu