Thứ Tư, 26 tháng 8, 2009

Bổ sung thông tin: Dân tộc Thái cũng có người họ Phạm


Bổ sung danh sách các dân tộc có dòng họ Phạm

Người đi tìm nguồn cội (01/02/2007-14:37)

Ông Phạm Hồng Nêu bên những sắc phong cổ. Ảnh: Ngân Hà
(THO)- Từ khi làm thầy giáo cho đến khi làm Phó chủ tịch UBND huyện Quan Hoá (1989 - 2000), rồi nghỉ hưu, ông Phạm Hồng Nêu, dân tộc Thái, ở thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hoá (Thanh Hoá) đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương, đặc biệt là trong việc sưu tầm, lưu giữ tư liệu về dòng họ Phạm Bá. Ông còn được nhiều người dân tộc Thái quê mình gọi với cái tên thân mật: Người đi tìm nguồn cội.
Trước kia, huyện Quan Hoá nằm trong vùng tạm chiếm của giặc Pháp. Bấy giờ, đền thờ, miếu mạo, nhà cửa bị tàn phá nặng nề. Các di vật như gia phả, sắc phong của các triều đại vua phong tặng cho các anh hùng dân tộc bị thất lạc, mất mát, hư hỏng. Dòng họ Phạm Bá ở đây là một trong những dòng họ lớn của vùng Châu Thượng Thanh Hóa nói riêng và phía Tây bắc Việt Nam nói chung. Khi đang làm Trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Quan Hoá (năm 1986), ông Nêu đã nghiên cứu và tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp, sự đóng góp của tướng Khằm Ban. Tướng quân Khằm Ban là một tướng lĩnh của nghĩa quân Lam Sơn đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống quân Minh. Ông được sắc phong là Thần hoàng làng và là tuyên tổ dòng họ Phạm Bá ở Mường Ca Da- Quan Hóa.

Nơi ông Nêu bắt đầu tìm hiểu là tấm bia ghi công lao của tướng Khằm Ban tại bản Khằm, thị trấn Hồi Xuân. Tấm bia đã bị bào mòn mặt sau, nhưng những hàng chữ mặt trước vẫn còn đọc, dịch được. Tấm bia được xác định có từ năm 1910 (đời vua Duy Tân). Một số người dân địa phương kể lại: Trước đây, tại bia thờ tướng Khằm Ban có chiếc ống gỗ dài, sơn màu đỏ, lưu giữ các tài liệu về vị tướng này.

Sau hơn 10 năm đi tìm hiểu, sưu tầm, năm 1996 ông Nêu đưa ra những chứng cứ, tài liệu có hệ thống về tướng Khằm Ban cho các cơ quan chức năng. Sau đó, ông được sự giúp đỡ của UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hoá- Thông tin, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh, Viện Sử học...cùng bạn bè nhiều nơi hỗ trợ tài liệu lịch sử về nhân vật này. Cũng trong năm đó, UBND tỉnh đã cho xây dựng bia ghi công trạng của vị tướng này ngay ở tấm bia cũ (bản Khằm, thị trấn Hồi Xuân).


Ông Phạm Hồng Nêu bên bia ghi công trạng của tướng Khằm Ban.

Trong quá trình đi tìm nguồn cội của dòng họ, ông Nêu đã sưu tầm được một số sắc phong và tài liệu quan trọng về dòng họ Phạm Bá như: 1 sắc phong của tướng Khằm Ban, 2 sắc phong của Phạm Ngọc Chúc (chức danh Thái uý)- con trai của tướng Khằm Ban và của Phạm Bá Sạn (hậu duệ đời thứ 4 của tướng Khằm Ban)... cùng nhiều quyết định ghi công lao của tướng Khằm Ban và hậu duệ của ông có từ thời Lê, vua Khải Định, Minh Mạng, Tự Đức cho đến triều Bảo Đại (năm 1945). Tại "Hội thảo các dân tộc Tày, Thái đóng góp trong tiến trình trình lịch sử Việt Nam", tổ chức tại Cao Bằng (tháng 7- 2006), sau khi ông Nêu đưa ra một số ý kiến về vai trò lịch sử của tướng Khằm Ban, Giáo sư sử học Phan Huy Lê nhấn mạnh: “Tướng Khằm Ban là một trong những tướng tài của nhà Lê. Đây là vị tướng không chỉ có vai trò, ý nghĩa lịch sử đối với riêng tỉnh Thanh Hoá mà là vị tướng tài của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, về thân thế, sự nghiệp của ông cần phải được tiếp tục nghiên cứu đầy đủ hơn nữa”.

Tuy đã về hưu, nhưng ông Nêu (năm nay 69 tuổi) chưa một ngày nhàn rỗi. Ông vui trong sự bận rộn với công việc của gia đình và xã hội. Nhiều cán bộ huyện Quan Hoá vẫn tìm đến với ông để tham khảo ý kiến về việc xây dựng, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Ông Hà Mạnh Hùng, Bí thư huyện ủy Quan Hoá cho biết: “Khi còn làm cán bộ, ông Nêu đã từng đi nhiều nơi, tìm hiểu nhiều vấn đề về đời sống của đồng bào. Ông là một cán bộ có nhiều đóng góp đối với sự phát triển nói chung của địa phương, là một trong những người có tầm hiểu biết sâu rộng về vùng đất Quan Hoá này”.

Vào dịp tết cổ truyền, lễ tế tổ dòng họ Phạm Bá diễn ra tại bia ghi công tướng Khằm Ban. Con cháu của dòng họ Phạm Bá không thể quên những đóng góp to lớn của ông Phạm Hồng Nêu trong việc nghiên cứu, sưu tầm và lưu giữ giá trị văn hoá phi vật thể này.

Ngân Hà

Nguồn tin: báo Thanh Hóa

Bài liên quan
Thanh Hóa: một người dân lưu giữ nhiều sắc phong cổ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét