Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2009

Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần

(THO) - Theo các tài liệu lịch sử, gia phả, thần phả thì Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần (1) quê ở sách Quần Đội, huyện Lôi Dương (có sách chép là Quần Lai, nay thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân). Cha là Phạm Hoành, anh trai là Phạm Vân* đều tham gia cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn.

Quần Đội là một làng cách Lam Sơn chừng 4 km về phía đông. Đây là một làng cổ nằm ven sông Chu, cũng là quê hương của cụ tổ bà Lê Lợi là Nguyễn Thị Ngọc Duyên (vợ cụ tổ Lê Hối).

Vùng đất Lam Sơn đã được cụ tổ Lê Hối chọn làm trang trại: “khai khẩn, mở đất dựng nền ba năm thì nên sản nghiệp, con cháu ngày càng đông, tôi tớ ngày càng nhiều... về sau đời đời làm quận trưởng một phương” (2). Ông nội của Lê Lợi là Lê Đinh cùng vợ là Nguyễn Thị Quách, nối nghiệp nhà trở thành hào trưởng trong vùng “kẻ gần người xa đều có bụng tin theo, cho nên tay chân có hàng trăm, hàng ngàn” (3). Cho đến đời ông thân sinh Lê Lợi là Lê Khoáng cùng vợ là Trịnh Thị Ngọc Thương thì cơ nghiệp đã hoàn toàn vững chãi, tạo điều kiện cho Lê Lợi từ vùng Lam Sơn dấy nghĩa khởi binh chống giặc Minh.

Có lẽ mối quan hệ thông gia nội ngoại từ lâu đời (kể từ cụ tổ Lê Hối) giữa hai vùng đất Lam Sơn – Quần Đội đã là điều kiện tạo nên mối lương duyên giữa chàng trai trẻ Lê Lợi với nàng Ngọc Trần. Sau khi kết hôn với Lê Lợi, Ngọc Trần sớm hôm gánh vác việc thu xếp trang trại, coi sóc sản xuất, cấy trồng. Về sau, khi Lê Lợi dựng cờ dấy nghĩa, Ngọc Trần trực tiếp lãnh trách nhiệm việc quân lương, chỉ đạo đội nữ binh tại trại Như Áng – Lam Sơn, căn cứ buổi đầu của cuộc khởi nghĩa.

Giai đoạn đầu hoạt động của nghĩa quân ở miền núi rừng Thanh Hóa (từ 1418 – 1424) vô cùng khó khăn và gian khổ, nhiều lúc có nguy cơ tan vỡ, nhưng do sự tổ chức tài tình của Bình Định Vương Lê Lợi, được sự ủng hộ của hàng trăm người sẵn sàng hy sinh tính mệnh để bảo vệ chúa nên đã vượt qua hiểm nghèo. Trong đó, tấm gương “Lê Lai liều mình cứu chúa” đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần nghĩa quân quyết chiến đấu chống giặc đến cùng. Ba lần nghĩa quân bị giặc vây khốn ở căn cứ Chí Linh tuyệt lương hàng tháng đói cơm, rách áo nhưng vẫn không nao núng tinh thần chiến đấu.

Chính trong những ngày gian khổ nói trên, bà Ngọc Trần đã cùng lăn lộn và sẻ chia cùng với nghĩa quân và Bình Định Vương. Để có lương thực cung cấp cho nghĩa quân, bà tích cực động viên mọi người tăng gia sản xuất ở vùng Lam Sơn và vùng quê ngoại Quần Đội. Bà đã kết hợp cùng Nguyễn Nhữ Lãm (phường Đa Mỹ, tức Thịnh Mỹ liền kề làng Quần Đội – nay thuộc xã Thọ Diên) vận động phường đánh cá Đa Mỹ dùng thuyền theo sông Chu ngược dòng tiếp lương cho nghĩa quân.

Phạm Thị Ngọc Trần lặn lội theo Bình Định Vương cùng nghĩa quân đánh giặc đã góp phần đáng kể vào thắng lợi của cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn trong giai đoạn hoạt động ở vùng núi rừng Thanh Hóa. Trải qua 15 trận chiến đấu trong 5 chiến dịch mùa khô từ 1418 đến 1423, nghĩa quân đã đứng vững – thanh thế đã dần lớn mạnh. Tuy vậy, thế đứng quân tại căn cứ Chí Linh là hết sức khó khăn, nhất là về quân lương, nên Bình Định Vương đã tạm hòa hoãn với quân thù để củng cố lực lượng.

Ngày 19-5-1423, sau khi hòa hoãn và dùng kế giả hàng, Bình Định Vương lãnh đạo nghĩa quân rút về căn cứ Lam Sơn. Tại đây, Bình Định Vương lãnh đạo nghĩa quân ra sức tăng gia, sản xuất, bồi dưỡng quân, tích trữ lương thực, thu hút lực lượng khắp cả nước đến Lam Sơn tụ nghĩa... Lúc này, bà Ngọc Trần đang có mang nhưng vẫn không rời việc chăm lo sản xuất lương thực, thực phẩm tại trang trại. Ngày 20-11-1423, bà sinh con trai là Nguyên Long. Hơn một năm sau, giặc Minh phát hiện ra kế giả hàng nên tập trung lực lượng chuẩn bị tấn công Lam Sơn. Lê Lợi đã cấp tốc họp bộ tham mưu bàn cách đánh giặc. Ngày 12-10-1424, theo kế hoạch của tướng Nguyễn Chích, Bình Định Vương lãnh đạo nghĩa quân chủ động tiến vào Nghệ An xây dựng căn cứ địa mới. Bà Ngọc Trần tiếp tục theo Bình Định Vương cùng nghĩa quân lên đường đánh giặc.

Năm Ất Tỵ (1425) Bình Định Vương vây thành Nghệ An, tiến đánh thành Trào Khẩu ở Hưng Nguyên. Tại đây có đền thờ thần Phổ Hộ cũng là địa điểm đã chứng kiến tấm gương sáng ngời lòng yêu nước của Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần. Các chính sử và Lam Sơn thực lục (bản Hồ Sĩ Dương) chép rằng: tháng 3 năm Ất Tỵ (1425) Bình Định Vương tiến quân vây thành Nghệ An, giặc Minh ra sức chống giữ, thế lực chưa phân thắng bại. Quân doanh của Vương tạm đóng cạnh đền thờ thần Phổ Hộ bên bờ sông Lam thuộc làng Trào Khẩu, huyện Hưng Nguyên. Đêm hôm đó, Vương chiêm bao thấy một vị thần báo mộng cho Vương: “Tướng quân nhường cho tôi một người thiếp, tôi hứa hết sức phù hộ tướng quân đánh thắng giặc Ngô, giữ vững nghiệp đế”... Tỉnh dậy, Vua nghĩ rằng: Thuở xưa, vua Lý nhờ vợ chồng ông hàng dầu là Vũ Phục, nhảy xuống sông Thiên Phù, hiến xác cho thủy thần mà vua Lý khỏi bệnh đau mắt, lo được việc chống giặc. Rồi Lý Thường Kiệt dàn trận đánh Tống, nói rằng có thần ngâm thơ giúp đuổi giặc, mà quả nhiên hôm sau quân ta phá được giặc Tống bên sông Như Nguyệt. Vậy thì ngày nay, ta thí mạng một người mà cứu sống muôn người, thu lại được non sông, thì việc đáng làm lắm rồi (4).

Hôm sau, Vương gọi các bà vợ đến hỏi: “Có ai chịu đi làm vợ thủy thần không? Sau này khi ta lấy được nước, sẽ lập con của người đó làm thiên tử”. Các bà không ai nói gì, chỉ có bà Ngọc Trần khảng khái quỳ thưa: “Nếu vì nghiệp lớn của Minh Công thì thiếp tự nguyện xả thân; ngày sau mong Minh Công giữ lời hứa, chớ phụ con thiếp”. Nhà vua khen ngợi và thương cảm hứa trước các bà và bề tôi, ngày sau xin làm đúng hẹn. Rồi vua sai bề tôi cùng đến đền làm lễ tế thần. Đó là vào ngày 24 tháng 3 năm Ất Tỵ (1425). Lúc này bà Ngọc Trần đang bế đứa con lên 3 tuổi, gạt nước mắt trao cho người hầu bế ẵm; rồi đứng lên làm vật tế thần. Đó là ngày bà Ngọc Trần quyên sinh, một tấm gương xả thân vì nước, đời đời sáng mãi như tấm gương Lê Lai nguyện liều mình cứu chúa.

Sau khi đã tự nguyện gieo mình xuống dòng sông, hy sinh tính mệnh vì việc nước, Thái hậu được nhà vua và nghĩa quân đưa về mai táng tại quê nhà ở sách Quần Đội. Nhưng khi về đến làng Mía (làng Thịnh Mỹ, xã Thọ Diên hiện nay) thì trời đã tối, linh cữu của bà được đặt ở đây qua đêm. Sáng mai mọi người ngạc nhiên vì một chuyện lạ: nơi đặt linh cữu của bà mối đã đùn thành một đống đất cao biến thành nấm mồ. Mọi người đều nghĩ về sự hiển linh của bà: bà muốn an nghỉ tại đây. Vua truyền cho làng Mía lập đền thờ gọi là đền Hiển Nhân.

Làng Mía bên cạnh sông Chu, sau này hiện tượng sông đổi dòng, mộ và đền thờ Hiển Nhân trôi xuống làng Thượng Vôi (nay thuộc xã Xuân Hòa cách làng Mía khoảng 5 km). Nhân dân làng Thượng Vôi với lòng ngưỡng mộ và thành kính đã lập đền thờ bà. Vì vậy Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần quê ở sách Quần Đội, nhưng lại thờ ở làng Mía và sau đó dời về làng Thượng Vôi (xã Xuân Hòa) đều thuộc huyện Thọ Xuân.

Con trai Hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần là Nguyên Long sinh ngày 20-11-1423, thiên tư dĩnh ngộ thực là đấng thông minh, trí tuệ. Tháng 3 năm Thuận Thiên thứ nhất (1428) được sách phong làm Lương quận Công. Ngày 6-1-1429 được lập làm Hoàng Thái tử. Khi vua Thái tổ băng hà, quần thần vâng lời di chiếu vào ngày 8-9-1433 đưa Thái tử lên ngôi Hoàng đế, lấy năm sau làm niên hiệu Thiệu Bình năm thứ 1 (1434). Cũng trong năm 1434, vua Lê Thái tông sai quan Hữu bộc xạ Lê Nhữ Lãm đến Lam Kinh dựng miếu thờ cung từ Thái Mẫu (tức Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần – thân mẫu vua) đời đời hương khói.

Hẳn ở nơi suối vàng, Thái hậu cùng vua Lê Thái tổ cũng đẹp lòng bởi vua Lê Thái tông – con trai yêu quý của bà lên ngôi đã nối vận thái bình, bên trong chỉ huy được quần thần, bên ngoài dẹp yên giặc quấy nhiễu, trọng Đạo, sùng Nho, mở khoa thi tuyển nhân tài, xét tù xử ngục phần nhiều khoan dung, xá tội... Chính sử đã ghi nhận là bậc vua giỏi. Dân gian ca ngợi vua Thái tông tiếp nối Thái tổ thiên hạ đất nước thịnh đạt, thái bình sung túc:

Đời vua Thái tổ, Thái tông
Con dắt, con díu, con bồng, con mang...


Phạm Thị Ưng
(Ban Nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa)

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử

--------------------------
(1) . Cũng có tài liệu khác ghi bà là họ Trần như trong sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn. T2, NXB KHXH, 1970, tr.252 ghi “Hoàng hậu họ Trần, người xã Quần Đội”... Song, nhiều gia phả họ Lê lại chép bà họ Phạm.
(2), (3). Lam Sơn thực lục (bản mới phát hiện). Ty Văn hóa Thanh Hóa, 1976, tr.236.
(4). Theo truyền thuyết vùng Hưng Nguyên.

*Có thể Phạm Vân chính là Phạm Vấn và còn có tên là Phạm Vận (Lê Vận) hoặc Phạm Tri Vận.
Có đền thờ ở nơi bà mất là làng Triều Khẩu, vốn là tỉnh lỵ Nghệ An thuộc xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên. Ngay chân núi Thành nơi nhà Minh xây thành Nghệ An. Có một dòng họ Phạm ở Hưng Khánh có ông tổ Phạm Vấn là quan hữu của tướng Lê Khôi. Nay mộ ông tổ họ Phạm vẫn còn ở chân núi Thành. Xem tin tìm cội nguồn của dòng họ Phạm ở Hưng Khánh.(Tháp Bút bổ sung)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét