Thứ Hai, 31 tháng 8, 2009

Việc học và thi của người Quảng xưa

Nhân dịp đầu năm học mới, hãy thử xem lại việc học và thi của người Quảng trước kia ra sao?


Nói về khoa cử, Quảng Nam cũng có thể tự hào là một trong những vùng đất có truyền thống hiếu học nổi tiếng, nơi có số lượng người thi đỗ nhiều nhất so với các tỉnh phía nam đèo Hải Vân.

Năm 1472 Quảng Nam Thừa tuyên đạo thành lập, thì đến năm 1488, Quảng Nam đã có nguời dự thi kỳ thi Hương. Từ đó, Quảng Nam đã có những người đỗ thi hương như Lê Cảnh, Phạm Hữu Kính, Trần Phúc Thành, Đặng Dung …Nhưng tiếc rằng không có tài liệu để thống kê đầy đủ.

Từ giữa thế kỷ thứ XIX, đến triều Nhà Nguyễn, Quảng Nam trở thành vùng đất học nổi tiếng, sản sinh ra nhiều nhà khoa bảng, nhiều tri thức cho đất nước. Trong khoảng 100 năm, từ 1817-1918 tại 32 khoa thi Hương ở trường Thừa Thiên Huế, Quảng Nam có tất cả 252 người đỗ, liên tiếp cả 32 khoa, chiếm 27,7% số người đỗ ở trường này, bằng 5,9% số người đỗ trong cả nước. Quảng Nam còn có 39 vị đỗ đại khoa gồm 14 tiến sĩ và 25 phó bảng, trong số 558 vị đại khoa của cả nước, xếp hàng thứ 6. Trong đó, có một Đình nguyên Hoàng giáp là Phạm Như Xương, 2 trường hợp song nguyên là Phạm Phú Thứ và Huỳnh Thúc Kháng vừa đỗ hương nguyên vừa đỗ hội nguyên.

Trong các kỳ thi, sĩ tử Quảng Nam đều đỗ đạt rất cao. Khoa thi Hội Mậu Tuất (1898) 5 người Quảng Nam cùng đỗ, được người đương thời dành tặng danh hiệu “Ngũ Phụng tề phi” cho 3 tiến sĩ Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn và 2 phó bảng Ngô Chuân, Dương Hiển Tiến.

Khoa thi Canh Tý (1900), ở Quảng Nam đã có đến 14 người đăng khoa mà những người đỗ kế tiếp nhau từ thứ nhất đến thứ tư là Huỳnh Thúc Kháng (Hương nguyên), Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh, Lê Bá Trinh.

Khoa thi Tân Sửu (1901) có bốn người cùng đỗ phó bảng là Nguyễn Đình Hiến, Võ Vĩ, Nguyễn Mậu Hoán, Phan Châu Trinh được tặng cho Danh hiệu “Quảng Nam tứ kiệt”.

Có tới 123 làng trong tỉnh có người đỗ từ cử nhân trở lên. Một số làng có nhiều người đăng khoa như làng Bảo An có đến 14 người, Mã Châu 10 người, Xuân Đài 9 người và các làng Phiếm Ái, Mỹ Xuyên, Chiên Đàn 6 người. Lại có trên 20 gia đình được liệt vào hàng thế khoa (nhiều người đỗ). Tiêu biểu có gia đình họ Hoàng làng Xuân Đài cha con, anh em, bác cháu, chú cháu đều thi đỗ (Hoàng Kim Giám, Hoàng Diệu, Hoàng Kim Huyễn, Hoàng Chấn, Hoàng Đống, Hoàng Dương). Gia đình họ Nguyễn làng Hà Lam cha con chú cháu cùng thi đỗ (Nguyễn Thuật, Nguyễn Chức, Nguyễn Tạo, Nguyễn Duật). Gia đình họ Phạm làng Mã Châu cha con, anh em cùng thi đỗ (Phạm Thanh Nhã, Phạm Thanh Thạc, Phạm Thanh Nghiêm, Phạm Cung Lượng). Hay trường hợp họ Nguyễn làng Chiên Đàn có cha Nguyễn Văn Dục đỗ phó bảng, con Nguyễn Văn Thích đỗ tiến sĩ. Gia đình họ Nguyễn Tường ở Cẩm Phô có anh Nguyễn Tường Vĩnh đỗ phó bảng, em Nguyễn Tường Phổ đỗ tiến sĩ, … Danh hiệu “Ngũ tử đăng khoa” tặng cho 5 anh em Nguyễn Khắc Thân, Nguyễn Chánh Tâm, Nguyễn Thành ý, Nguyễn Tu Kỷ, Nguyễn Tĩnh Cung người làng Túy La, trú làng Bất Nhị, trong đó 3 người đỗ tú tài là Nguyễn Khắc Thân, Nguyễn Chánh Tâm, Nguyễn Tu Kỷ, 2 người đỗ cử nhân là Nguyễn Thành Ý và Nguyễn Tĩnh Cung.

Tinh thần hiếu học không chỉ thể hiện ở những người trẻ tuổi như trường hợp Ông ích Khiêm thi đỗ cử nhân năm 15 tuổi được vua Tự Đức khen là “Thiếu niên đăng cao khoa” mà còn ở sự gương mẫu, chí kiên trì của những người sắp bước sang tuổi lão nhiêu như trường hợp Trà Quý Trưng đến năm 56 tuổi vẫn còn đi thi, đỗ cử nhân.

Ngoài ra, Quảng Nam cũng là vùng đất có những nhà giáo nổi tiếng, được giao trọng trách giáo dục cho những vị vua tương lai của triều đình Nguyễn như Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Nguyễn Đình Tựu …

Hà Phan

Nguồn tin: http://xuquang.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét