Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2009

Họ Phạm ở Kim Đôi với truyền thống khoa bảng

Ngôi làng cổ Kim Đôi còn có tên gọi là Dủi Quan (nghĩa là người dân nơi đây từng sống bằng nghề dủi tôm cá ngoài đồng và sông, đồng thời có lắm người làm quan). Nằm bên bờ Nam sông Cầu, cách tỉnh lỵ Bắc Ninh dăm cây số, làng Kim Đôi hàng thế kỷ được mệnh danh là một trong những "lò tiến sĩ"của nước ta và nổi tiếng qua câu ca lưu truyền đã ghi trong cuốn Phong thổ Kinh Bắc thời Lê:


Kim Đôi nhiều cuộc hiển vinh
Hai mươi lăm vị khoa danh rỡ ràng.

Vua Lê Thánh Tông từng bảo thị thần rằng: "Gia thế Kim Đôi chu tử mãn triều" (Dòng họ Kim Đôi áo đỏ áo tía đầy triều).

Số lượng tiến sĩ của làng tập trung vào hai dòng họ: trong 25 tiến sĩ của làng Kim Đôi thì họ Phạm có 7 tiến sĩ và họ Nguyễn có 18 tiến sĩ. Các sách Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Việt sử ký toàn thư, Phong thổ Kinh Bắc thời Lê, Đăng khoa lục và tài liệu khảo cứu của học giả Toan Aánh, gần đây nhất là tập sách Các nhà khoa bảng Việt Nam cũng liệt kê các tiến sĩ Kim Đôi. Hiềm nỗi các thư tịch đó chưa ghi chép đầy đủ số lượng tiến sĩ đích thực của làng và mỗi dòng họ, thậm chí còn nhầm lẫn tên tuổi, tiểu sử vài vị. Căn cứ vào gia phả, bia đá, sắc phong và đối chiếu trên các nguồn tài liệu, tôi xin giới thiệu 7 tiến sĩ họ Phạm để thấy rõ truyền thống của làng xưa:

Phạm Thiệu: hiệu Quế Nham, đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ khoa Quý Sửu, hiệu Mạc Cảnh Lịch (1527 - 1592) làm tới chức Thượng thư bộ Lễ, tước Châu Khê Hầu. Đi sứ Trung Quốc một lần rồi chí sĩ ở quê nhà.

Phạm Đình Châu: đỗ tiến sĩ khoa Âấu Sửu (1685) lúc 39 tuổi, làm quan Ngự sử.

Phạm Tiến: (còn có tên là Phạm Nguyễn Đạt) hiệu Lập Trai, tự Khoa Chương. Đỗ tiến sĩ khoa Đinh Sửu (1757) lúc 29 tuổi. Làm quan Hàn Lâm thị độc quyền Tham chánh Sơn Tây rồi được thăng Đông các Đại học sĩ. Mùa xuân Giáp Thìn (1784) được cử đi sứ Trung Quốc gặp vua Càn Long nhà Thanh ở hành cung Nhiệt Hà. Khi về được thăng Thừa chánh sứ, tước Kim Vân Bá. Năm Chiêu Thống Đinh Mùi (1787) được tiến hàng Tả thị lang bộ Binh. Sau nhà Lê mất cụ không ra làm quan.

Phạm Đình Dư: (em ruột của tiến sĩ Phạm Tiến) đỗ tiến sĩ khoa Âất Mùi (1775) lúc 34 tuổi. Ban đầu làm Hàn lâm thị thư. Năm Bính Ngọ (1786) được thăng Đốc trấn Lạng Sơn. Năm Đinh Mùi (1787) thăng tham tri chính sự, Thiêm đô ngự sử, tước Quỳnh Hà Bá. Khi Nguyễn Hữu Chỉnh nổi loạn, vua Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc, Phạm Đình Dư không chịu làm quan. Đến lúc vua Lê Chiêu Thống về nước, Phạm Đình Dư được tiến chức Đồng Bình Chương sự, Thượng thư bộ Lại, Tri Quốc Tử Giám tước Quỳnh Hà Hầu. Nhà Lê mất, cụ ẩn dật ở quê rồi tạ thế.

Phạm Bá Thiều (còn gọi là Phạm Thuật Trai) đỗ tiến sĩ năm Nhâm Thìn, giữ chức Trung Nghị đại phu, Thái bộc tự khanh, Xung sử quán toản tu chí sĩ, ông mất năm 1856, thọ 64 tuổi.

Phạm Hòa Phát (còn gọi là Phiên Tạo Sĩ) đỗ Tạo sĩ (tức tiến sĩ ngành võ) khoa Quý Mùi (1763) thời Lê Hiển Tông, trấn thủ Thái Nguyên.

Phạm Quĩ (còn có tên là Phạm Văn Lĩnh) em con chú của Phạm Bá Thiều. Cụ giữ chức Tổng đốc Bình Định, sau tham gia cống Pháp ở Sài Gòn - Gia Định rồi hy sinh. Vua Thiệu Trị (1841 - 1846) rất thương tiếc, phong vào hàng Nhất phẩm triều đình.

Tìm hiểu lai lịch được biết Phạm tiến sĩ Kim Đôi không phải phát tích tại đây mà thiên di từ Xứ Đông (Hải Dương) lên vùng Kinh Bắc. Dòng họ Phạm gốc tổ ở xã Kính Chủ, huyện Hiệp Sơn (nay thuộc Kinh Môn, Hải Dương) nguyên là họ Chúc từ Sơn Đông - Trung Quốc nhập cư vào Đại Việt. Thời Trần (thế kỷ XIII), cụ Chúc Đức Công sinh được 3 con trai:

Con trưởng húy là Kiên (sau tránh tên húy của Huệ Nghĩa Hầu đổi là Mại), hiệu Kính Khê.

Con thứ hai là Cố (sau tránh tên húy của thầy học đã đổi là Ngộ), hiệu Liên Khê.

Con trai thứ ba húy là Quá.

Theo truyền thuyết thì cụ Chúc Đức Công cho cả 3 con trai học thầy Nguyễn Sĩ Cố ở huyện Thanh Hà (Hải Dương). Vốn tính điềm đạm, thích phong thủy, cụ ra ở chùa núi Đoàn Xá bên khu rừng hẻo lánh ít người qua lại, thường có nhiều đàn khỉ tụ họp trước thiền môn. Mỗi lần cúng Phật xong cụ lại đem hoa quả chia cho đàn khỉ, lâu ngày thành quen. Khi cụ tuổi già vô bệnh chết, có chú tiểu đồng đóng cửa chùa lại đi về báo tin cho ba con trai cụ biết.

Lúc các con cụ tới không thấy thi thể cụ đâu nữa, chỉ thấy những vết chân khỉ đi lại ở cái gò trước cửa chùa và chúng đã đắp thành một ngôi mộ mới. Các con cụ không dám chuyển dời mộ phần mà chỉ đắp lại cẩn thận rồi làm lễ tại chỗ. Chỗ táng thi hài cụ Chúc Đức Công gọi là Hầu phong (có nghĩa là nơi đàn khỉ đem an vị mộ phần tiên tổ họ Phạm và cũng có nghĩa là con cháu sẽ được hưởng ân đức từ ngôi mộ "kết phát" này mà được phong hầu khanh tướng). Ơở chỗ đất Hầu phong cả thảy có 3 ngôi mộ (2 ngôi do đời sau của họ Phạm đưa táng vào khu vực mộ của cụ Chúc Đức Công).

Vào đời vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786) vâng lệnh triều đình Lê - Trịnh, Hải quận công Phạm Đình Trọng ở Kinh Giao đi đánh dẹp Quận He Nguyễn Hữu Cầu, đã đem chôn giấu bia đá ở mộ các tiên tổ đó đi, nay bị thất lạc.

Lại nói về 3 con trai của cụ Chúc Đức Công, tất cả đều thành đạt. Vì thấy 3 con trai của cụ Chúc Đức Công (đặc biệt là 2 cụ Phạm Tông Mại, Phạm Tông Ngộ) có công lớn trong trận chiến thắng ở sông Bạch Đằng chống quân Mông - Nguyên, vua Trần Nhân Tông đã cho đổi sang họ Phạm và thăng chức. Cụ Phạm Tông Quá giữ chức Tham nghị xứ Quảng Yên (nay là Quảng Ninh).

Năm Đại Khánh đời vua Trần Minh Tông, cụ Phạm Tông Mại đi sứ nhà Nguyên cùng đại thần Nguyễn Trung Ngạn. Khi về nước, cụ được làm Ngự sử Trung tán. Tính cụ rất cương trực dám khuyên can vua và là người duy nhất dám minh oanh cho Huệ Võ Vương Trần Quốc Chẩn. Cụ có thái độ là một trung thần thời cổ khiến vua Trần Minh Tông có tặng bài thơ: "Tự Phạm Tông Mại" (Ban cho Phạm Tông Mại).


Đài Ô cửu hỹ cấm vô thanh
Chỉnh đốn triều cương sự phỉ khinh
Điện thượng ngang tàng ưng hổ khí
Nam nhi đáo thử thị công danh.

Tạm dịch:

Bấy lâu in tiếng chốn Ô đài
Chỉnh đốn triều cương há chuyện chơi
Hùm cắt ngang tàng nơi điện ngọc
Công danh đến thế xứng tài trai.

Còn cụ Phạm Tông Ngộ vào năm Trùng Hưng thứ IV là Tham tán quân vụ cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Cùng anh trai, cụ Phạm Tông Ngộ đã trấn giữ cửa biển Triều Trần ở Chu Đậu (nay thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương), cách Phả Lại hơn chục cây số. Đây là một trọng điểm của huyết mạch giao thông giữa vùng biển xứ Đông với cửa ngõ thủ đô Thăng Long. Tại làng Chu Đậu (nơi nổi tiếng về sản xuất gốm sứ Hoa Lam từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII và sau này còn nổi tiếng với sản phẩm chiếu Đậu) vẫn còn đền thờ hai danh tướng Phạm Tông Mại - Phạm Tông Ngộ.

Sau chiến thắng Bạch Đằng, cụ Phạm Tông Ngộ được vua Trần Nhân Tông phong tặng 89 mẫu ruộng thế lộc ở xã Đông Lâu, huyện Yên Phong (xưa thuộc phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc, nay là huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Thời Trần Minh Tông, cụ làm tới chức Tham tri thẩm hình viện, sau thăng Tả tư lang trung và làm quan rất thanh liêm được đương thời kính phục.

Họ Phạm tiến sĩ Kim Đôi (Quế Võ - Bắc Ninh) là hậu duệ của cụ Phạm Tông Ngộ. Sở dĩ xuất hiện họ Phạm Tiến sĩ Kim Đôi là do thời Lê có cụ Thái Bảo Địch Giáo Phạm Bá, hiệu Đông Lĩnh tiên sinh lánh nạn về xã Châu Cầu (huyện Quế Dương, nay là huyện Quế Võ), sau theo đến chỗ ruộng thế lộc ở xã Đông Lâu (Yên Phong) nhân ở luôn thôn Chính Trung (xã Dũng Liệt). Cụ sinh ra cụ Thiếu Bảo Phạm Thiện. Sau chuyến đi sứ Trung Quốc về, cụ Thiếu Bảo Phạm Thiện được Tiến sĩ Tả thị lang Trung Khánh Bá Nguyễn Củng Thuận gả con gái út (là cụ bà Từ Giáo) cho. Vợ chồng cụ Phạm Thiện - Từ Giáo sinh được một con trai là cụ Thuần Chính (hiệu Nghĩa Trai) đỗ Hương thí bổ làm tri huyện Yên Phong.

Họ Phạm tiến sĩ Kim Đôi thờ cụ Thiếu Bảo Phạm Thiện là thủy tổ, từ cụ Thuần Chính trở xuống là liệt tổ. Kể từ đời cụ tiến sĩ Phạm Thiện thì hai dòng họ Phạm - Nguyễn tiến sĩ Kim Đôi thông gia với nhau. Đó cũng là một trong nhân tố góp phần hun đúc nên những thế hệ có những nhân vật thành đạt về khoa bảng, cử nghiệp.

(Tạp chí Xưa & Nay số 60/1999)

Nguồn tin: binhthuan.vn

1 nhận xét:

  1. Họ Phạm Kim Đôi như vậy phát tích từ Họ Phạm thôn Chính Trung (Thôn Chính Trung - Xã Dũng Liệt cũ), nay là thôn Chính Trung - Yên Trung - yên Phong - Bắc Ninh (rất nhiều tư liệu, bia đá chứng minh trong Đình làng thôn Chính Trung).
    Họ Phạm thôn Chính Trung có ngôi Mộ Tổ, tồn tại lâu đời trên thế đất cao, rất đẹp, xung quanh là đồng nước. Nay vì địa phương bán đất giãn dân nên ngôi Mộ Tổ đã bị bán làm đất ở, nằm trong đất ở của dân và bị lấn chiếm giờ chỉ còn là mô đất nhỏ (theo như gia phả ghi lại, ngôi Mộ Tổ có từ khi thôn Lương Tân còn chưa lập thôn).
    Tôi là con cháu họ Phạm Chính Trung (bố tôi là trưởng họ)rất mong ai là con cháu họ Phạm, hiểu biết luật về duy trì, bảo tồn di tích lịch sử nói chung, chỉ giúp tôi con đường đi để tìm lại khuân viên ngôi Mộ Tổ dòng họ tôi.
    Tôi xin chân thành cảm ơn.
    Phạm Văn Thủy
    Điện thoại: 0903424057
    Địa chỉ: 18 - Nguyễn Chí Thanh - Ba Đình - Hà Nội

    Trả lờiXóa