Thứ Tư, 2 tháng 9, 2009

Người giữ sử giữa lòng biển xanh

(QNg) - Vừa nghe tôi hỏi đến tên "Phạm Thoại…", anh xe ôm ngay cầu cảng Lý Sơn liền reo lên: "Phạm Thoại Tuyền chứ gì? "ông Hoàng Sa" ấy mà, dân đảo này từ già đến trẻ ai mà không biết và quý trọng ông Tuyền. Để tui chở đến nhà ổng cho, miễn phí...".


Ông Phạm Thoại Tuyền đang dâng hương tại mộ gió cụ Phạm Hữu Nhật (Chánh đội trưởng Đội Thuỷ quân Hoàng Sa).

Trước sự hồ hởi của người dân đảo Lý Sơn khi nhắc đến tên Phạm Thoại Tuyền khiến tôi càng thêm nôn nóng muốn gặp ông. Không chỉ vì tôi đã biết ông là người lưu giữ nhiều tài liệu quý về Hoàng Sa, mà giờ tôi còn biết thêm được sự quý trọng của người dân trên đảo dành cho ông vì ông là… người giữ sử giữa lòng biển xanh.

"Ông Hoàng Sa" của Lý Sơn

Trước mặt tôi là người đàn ông khoảng hơn 60 tuổi, dáng người thanh mảnh, vẻ trí thức vồn vã đón khách vào thăm nhà mình. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là căn phòng chưa đầy 30 m2, nhưng chứa đầy đồ gốm sứ, các bức tượng Chăm, tiền xu, đồ thờ, chén dĩa cổ, ấn tín thời Nguyễn, đặc biệt là một kho tàng về tư liệu Hoàng Sa... và cả những giấy khen vì các thành tích phát hiện bảo vệ các hiện vật văn hóa của ông, do các cơ quan chức năng tặng ông Tuyền. Nghe tôi hỏi về biệt danh "ông Hoàng Sa", ông Phạm Thoại Tuyền bật cười thú vị giải thích về tên gọi đặc biệt này do người dân trên đảo đặt cho ông.

Bởi hiện nay ông có trong tay khá nhiều tư liệu quý về Hoàng Sa. Nói rồi ông đưa cho tôi xem những tư liệu mà ông còn lưu giữ đến giờ. Theo những gì còn lưu giữ lại tại nhà ông Phạm Thoại Tuyền thì, vào thế kỷ 16, với ý thức về chủ quyền lãnh thổ và tài nguyên thiên nhiên vô giá ở biển Đông, Chúa Nguyễn đã lập đội Hoàng Sa để canh giữ chủ quyền của đất nước.

Đội Hoàng Sa lấy từ người làng An Vĩnh của huyện đảo Lý Sơn. Nhiệm vụ của đội là trong thời gian từ tháng hai đến tháng ba hằng năm dong thuyền ra biển, vượt muôn trùng sóng gió đến các đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các đảo phía Nam khác, để đo đạc thuỷ trình, canh chừng giặc biển, dựng bia chủ quyền, khai thác và đánh bắt hải sản...

Dân binh phải đi bằng ghe câu, chèo khoảng ba ngày ba đêm thì đến quần đảo Hoàng Sa nếu biển yên gió lặng. Trong thời gian sáu tháng làm nhiệm vụ lênh đênh trên biển, đối phó với trăm ngàn hiểm nguy có thể mất mạng bất cứ lúc nào nên trên mỗi thuyền câu ngoài trang bị lương thực, còn chuẩn bị sẵn nẹp tre, dây buộc, chiếu, thẻ bài đề phòng chẳng may hy sinh thì người còn lại sẽ bó xác vào chiếu, hy vọng trôi về quê nhà. Và nhiều người đã ra đi mãi mãi, biển xanh là nghĩa trang của họ...

Ngày nay, trên đảo còn tồn tại một loại mộ gọi là mộ gió, những ngôi mộ này được người dân trên đảo lập ra, thờ cúng và tôn kính. Tuy nhiên bên dưới không hề có xương cốt, chỉ có hình nhân thế mạng làm bằng đất sét trắng tượng trưng cho những người đã ra đi không trở về... Ông Tuyền đã đại diện tộc họ Phạm (Văn) - một trong những tộc họ lâu đời trên đảo, có rất nhiều người đi lính Hoàng Sa như Phạm Văn Nguyên, Phạm Văn Sang, Phạm Hữu Nhật... đề nghị các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng có liên quan dựng bia cho những ngôi mộ gió này, nhằm tri ân họ.

Vào tháng 4 hằng năm, người dân huyện đảo Lý Sơn lại long trọng tổ chức "Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa" để ghi ơn những người làm nhiệm vụ giữ gìn biên cương Tổ quốc trên biển Đông trong đội Hoàng Sa, đồng thời qua đó để các lớp con cháu hôm nay hiểu rõ hơn về tổ tiên, nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Tuyền luôn trăn trở và mong muốn những giá trị văn hoá cao đẹp ấy của Lý Sơn được nhiều người biết đến và công nhận. Mỗi khi có khách từ đất liền ra thăm đảo, ông Tuyền đều tình nguyện làm "hướng dẫn viên du lịch" đưa các vị khách đi tham quan, đồng thời nhiệt tình giải thích, thuyết minh về các giá trị văn hoá, lịch sử của huyện đảo, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến Hoàng Sa. Do am hiểu, tâm huyết, góp nhiều công sức vào việc lưu giữ và phổ biến những câu chuyện về Đội dân binh Hoàng Sa ấy, vì vậy nên mọi người quý trọng gọi ông là "ông Hoàng Sa".

Muốn con cháu hiểu được lịch sử của cha ông

Ông Tuyền tâm sự về lý do mình sưu tầm các cổ vật, lưu giữ các tài liệu quý liên quan đến Hoàng Sa và lịch sử huyện đảo Lý Sơn là "Muốn cho con cháu biết được công lao của cha ông mình". Những bộ sưu tập của ông kế thừa từ việc lưu giữ giấy tờ, đồ vật của thế hệ trước.

Từ năm 1975 ông bắt đầu tìm hiểu, đi sâu vào việc sưu tầm cổ vật. Nhiều cổ vật do dân đảo phát hiện khi thay đất trồng tỏi, lúc đầu nhiều người dân không biết được sự quý giá của những đồ vật này, ông Thoại Tuyền đã "linh cảm" và phát hiện được sự quan trọng của chúng. Ông Tuyền đã đến chỗ người dân đào được cổ vật, xin mang về, cất giữ cẩn thận. Việc sưu tầm cổ vật không chỉ là vì gia đình ông, mà còn bởi vì huyện đảo Lý Sơn. Ông Tuyền còn kể thêm, nhiều khi ông phải bỏ tiền ra mua các cổ vật vì không muốn công lao của cha ông bị thất lạc…

Đến nay ông đã có gần 1.000 mẫu vật trong bộ sưu tập của mình như bộ sưu tập cổ vật Sa Huỳnh; sưu tập tư liệu bài báo về Hoàng Sa, Trường Sa, Lý Sơn; bộ sưu tập tiền xu; tượng Chăm; bộ sưu tập ấn tín, các văn bản Hán Nôm do ông bà để lại… Trong đó có những cổ vật được xác định từ 2.000 đến 3.000 năm trước, có những tài liệu hết sức quý giá như văn bản về việc vua Gia Long phong thần cho những người có công đi Hoàng Sa…

Ông Tuyền luôn khuyên nhủ con cháu trên đảo phải coi việc học là hàng đầu, không chỉ học để lập thân, mà còn bởi vì chỉ có học mới hiểu biết được những giá trị văn hoá của cha ông để mà tri ân và lưu giữ. Muốn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ dân tộc thì trước hết phải bảo vệ, lưu giữ những giá trị văn hóa, di sản của cha ông để lại.

Trong thời gian vừa qua, ông đã tặng nhiều hiện vật có giá trị cho Bảo tàng tỉnh. Ông tâm sự: "Tôi sẽ tiếp tục công việc sưu tầm và lưu giữ cổ vật, để con cháu trên đảo và khách từ xa đến có cơ hội tham quan và tìm hiểu về văn hóa Lý Sơn. Nguyện vọng của tôi là sẽ được cống hiến những bộ sưu tập của mình cho Nhà nước để những giá trị truyền thống, công lao của cha ông được nhiều người biết đến, và con cháu trên đảo sẽ tiếp tục công việc tôi đang làm…"

Bảo Hòa
 
Nguồn tin: Báo Quảng Ngãi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét