Thứ Tư, 2 tháng 9, 2009

Làng Phù Ủng - quê hương danh tướng Phạm Ngũ Lão

LƯỢC KHẢO VỀ HỌ VŨ CỦA LÀNG PHÙ ỦNG, HUYỆN ĐƯỜNG HÀO, TỈNH HẢI DƯƠNG
(Quê hương với danh tướng Phạm Ngũ Lão).

A. LỜI MỞ ĐẦU GIỚI THIỆU LÀNG PHÙ ỦNG

Tên làng cổ này thoạt nghe lạ tai và khó hiểu ý nghĩa tên Làng này có nghĩa gì? Vì trong 50, 60 năm qua, Hán học suy tàn trong dân chúng cả nước ta, nhất là từ 1945 đến nay. Đại đa số người Việt sau năm 1954 chỉ biết chữ Quốc Ngữ theo mẫu tự A, B, C… Đến năm 2000, cả nước ta, chỉ còn không quá 500 người trong 80 triệu dân, biết đọc, biết viết chữ Hán Nôm! Đa số quá bán, lại là các cụ sư tăng cao tuổi. Trong xã hội bên ngoài chùa chiền, còn khoảng hơn 200 người biết chữ Hán Nôm và chỉ có 80 người thuộc loại giỏi, khá, có thể dịch thông thạo văn bản cổ thư xưa (có 50 người là chuyên viên Hán Nôm tốt nghiệp ở Đại Học Hà Nội, Huế, Sài Gòn trước 1975 đều lớn tuổi hơn 50, 60 vào những năm thập niên 90 của thế kỷ XX). Còn 120 người biết Hoa Văn phổ thông (Trung văn hiện đại) và các cụ già ở nông thôn Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Huế, Hà Tĩnh, Quảng Nam… và các tỉnh Bắc Bộ đọc, viết, hiểu nghĩa có hạn chế về Hán Nôm cổ. Riêng các cao tăng, phần lớn giỏi về Kinh Phật hơn văn học, sử học.

Vì lẽ đó, ngày nay, học sinh, sinh viên, công nhân, thương nhân và nông dân, cũng như đa số người dân Việt bình thường đều “mù chữ Hán Nôm” do cổ tự (chữ cổ) đó đã thành “tử ngữ”: (tiếng chết, chữ chết rồi) ít dùng ngoài đời sống hàng ngày trong xã hội hiện nay. Trừ Viện Hán Nôm, Viện Sử Học, Trường Đại Học, Thư Viện, lớp Đông Y và các chùa lớn ở Thừa Thiên Huế… Nên khi đọc chữ Hán cổ bằng quốc ngữ La Tinh, phần đông chẳng hiểu nghĩa ngữ gì cả!

Nên chữ PHÙ ỦNG đã có người đã “cả gan” cắt nghĩa: Phù là sưng to lên = phù nề, còn ủng là bị ngâm vào nước lâu ngày thành …hư thối.Thật hài hước. Thật ra: PHÙ [ 扶] là giúp đỡ, nâng lên, ỦNG[擁] là ôm lấy, bao bọc như ủng hộ, còn nghĩa là hùa theo, cùng ý kiến và hành động. Từ ngữ tên xã: PHÙ ỦNG có nghĩa là: tuân theo và giúp đỡ (Nhà Vua hay triều đình hoặc 1 thủ lĩnh nào đó). Một địa danh rất có ý nghĩa thời xưa.

Theo các tư liệu địa chí xưa, làng Phù Ủng đã được thành lập từ đời Nhà Lý (1010 – 1225)? Nhưng cố giáo sư Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, người có gốc ở làng Phù Ủng, đã thuật lại lời truyền thuyết của các Nho gia ở quê Ông rằng: “tên hương Phù Ủng đã có từ thời Ngô Quyền (939 – 944) và thời Loạn 12 Sứ quân (945 – 967). Bấy giờ ông Ngô Quyền đem binh từ Thanh Hóa ra Cổ Loa giết tên phản quốc Kiểu Công Tiện và đánh đuổi bọn quan quân Nam Hán năm 938 và phá tan đoàn chiến thuyền của tướng giặc Hoằng Tháo xâm lược bằng trận hải chiến ở Bạch Đằng Giang lẫy lừng thắng lợi. Trên đường đi ra đánh giặc ở cửa sông Bạch Đằng, ông Ngô Quyền có đi qua vùng Đường Hào, mộ thêm quân. Ông được trai tráng vùng Chiêu Lai, Phù Vệ (là 2 tổng về sau) đã tuân lệnh, bảo nhau phù trợ (phò tá, giúp sức) theo đại quân của danh tướng họ Ngô đi diệt thù thành công. Sau Ngô Quyền lên ngôi năm 939, thưởng công cho cư dân ở 2 trang vùng quê Đường Hào có dân binh giúp ông đi đánh giặc, mang tên là Chiêu Lai (chiêu mộ quân theo đến) và Phù Vệ (giúp sức bảo vệ đất nước). Đến triều Lý, Trần, đã trở thành 2 đại trang ấp rộng lớn. Vào thời loạn 12 Sứ Quân, ở đây đã có nhiều nghĩa sĩ chống lại Dương Tam Kha, cậu ruột vua Ngô Xương Ngập (con Vua Ngô Quyền), đoạt ngôi báu và xưng là Dương Bình Vương 945 – 950). Cùng lúc, các anh hùng, võ tướng khác cũng nổi lên “xưng hùng xưng bá” là Minh Công, chia đất, đặt căn cứ chống Bình Vương, thành đại loạn 12 Sứ Quân. Sau đó, chính họ lại đánh lẫn nhau. Ở vùng Đường Hào, Tế Giang thuở đó, có Sứ Quân Lã Đường, xưng là Lữ Tá công chiếm đóng, ủng hộ Hậu Ngô Vương, là Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn chống Dương Bình Vương. Khi Nam Tấn Vương thành công, lên ngôi (950 – 965) đã thưởng công cho dân quân ở Chiêu Lai, Phù Vệ. Họ Lữ cho lập một ấp mới, đặt tên là ấp PHÙ ỦNG. Đến Nhà Lý thế kỷ 12, mới đổi thàmh “xã PHÙ ỦNG”. Những năm 1285 –1288, khi Hưng Đạo Vương làm Tiết Chế đánh quân Nguyên Mông, Phạm Ngũ Lão đã theo Vương từ làng này đi đánh giặc. Vua Trần phong cho ông làm chức Điện Soái. là danh tướng Nhà Trần, ông còn đánh Ai Lao, phá Chiêm Thành, phò tá ba triều Vua: Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông. Phạm Ngũ Lão là con rể của Hưng Đạo Vương và có con gái gả cho Vua Minh Tông làm thứ phi. Ông sinh năm 1255 và mất năm 1320 thọ 66 tuổi. Tương truyền, họ Phạm ở làng Phù Ủng đã có từ thời Nhà Lý (thế kỷ 12) vào đời Trần có dòng họ Nguyễn. Thời Lê sơ (1428 – 1527) có mấy chi họ Vũ từ huyện Đường An, xã Mộ Trạch, Thì Cử (cùng gốc Tổ Vũ Hồn, nhưng ngành, nhánh khác nhau) cùng đến lập Họ ở làng Phù Ủng khoảng cuối thời Vua Lê Thánh Tông từ 1490 trở đi? Khi Lê – Trịnh đánh Nhà Mạc, từ 1545 – 1592, dân chúng Hải Dương khốn khổ vì chiến tranh đã lại bỏ làng di tản tới các nơi khác. Họ Phạm hậu duệ Phạm Ngũ Lão, di cư xuống Sơn Nam (làng Tử Dương tức Làng Tía, phủ Phường Tín), Thanh Hóa. Rồi theo đà Nam tiến, đã đi tiếp vào Quảng Nam từ thời Lê Thánh Tông và từ cuối thời Trần Hồ (Phạm Nhữ Dực, Phạm Đức Đề, Phạm Nhữ Tăng… lập nghiệp ở xứ Quảng từ 1392 – 1471). Có 1 dòng họ Phạm (Ngũ Lão) từ làng Phù Ủng đi về Sơn Nam Hạ (Nam Định) từ thời Mạc tàn, Lê trung hưng (1593 – 1600). Nên ở thành phố Nam Định có “Phù ủng vọng từ” thờ “Thánh Ủng” từ lâu đời. Làng Phù Ủng còn có một dòng họ Phan lớn, có vài Tiến Sĩ, Cử Nhân triều Nguyễn. Đến cuối thế kỷ 20, làng này có 5, 6 dòng họ: Phạm, Vũ, Phan, Trần, Nguyễn sống quây quần bên nhau. Nhưng riêng họ Vũ, một số gia đình đã di cư ra Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng. Tại Hà Nội, từ thời Hậu Lê, Tây Sơn (1735 – 1802), bà con họ Vũ, họ Phạm gốc làng Phù Ủng cùng đã sống bằng nghề in sách chữ Nho và bán giấy, sách cho sĩ tử, Nho gia ở Thăng Long Hà Nội đến đầu thế thế kỷ 20. Khi Tây cấm học và thi Hương ở Bắc Kỳ từ năm 1915 (Ất Mão). Từ đó, Nho học suy tàn và nghề in sách, bán sách cũng tàn theo từ năm 1920. Có lẽ vì vậy, mà ngay từ thời đó, người làng Phù Ủng đã dựng ngôi đền thờ danh tướng Thành Hoàng: Phạm Ngũ Lão. Ngày nay, ngôi đền ở dãy số lẻ, đầu phố Lý Quốc Sư, gần phố Hàng Gai, Hàng Bông. Trước đền có hàng chữ Hán đắp nổi là: “PHÙ ỦNG VỌNG TỪ” (Đền thờ vọng Đức Thánh Phù Ủng), đã có trên dưới 200 năm nay. Đó chính là chứng tích cổ văn hóa tín ngưỡng của dân làng Phù Ủng.

Tôi có quen gia đình con cháu 1 cụ họ Vũ gốc Phù Ủng đã có nhiều đời ở Hà Nội làm nghề in và bán sách, giấy, bút, mực. Đến khoảng năm 1920 mới chuyển ra buôn bán nghề khác phố Hàng Gai. Một số nhà họ Phạm họ Vũ gốc làng Phù Ủng, thời Nguyễn 1802 – 1884, các cửa hiệu bán sách ở phố Hàng Giấy gần chợ Đồng Xuân, “biến tướng” thành “Nhà Tơ”, tức là “phố Hát Cô Đầu”, dành cho các “quan viên” mê hát Cô Đầu (Rượu) sa đọa, hơn là thưởng thức nghệ thuật ca trù - Ả đào truyền thống. Theo dòng họ Vũ ở Hàng Gai, Hàng Trống, Hàng Bông… gốc làng Phù Ủng, trước 1954, có kể cho Cha tôi (sinh 1899) nghe rằng: “họ Vũ làng Phù Ủng thời xưa là 1 dòng họ lớn có từ thời Mạc (khoảng 1560 ?)? Đến thời Hậu Lê, “họ Vũ Phù Ủng” đã có Nho học cao. Ban đầu có một số vị họ Vũ đỗ Hương Cống cùng các ông Hương tiến họ Phạm trong làng. Đến năm 1640, đời Vua Lê Thần Tông có ông họ Vũ trẻ tuổi Vũ Vinh Tiến (học trò giỏi của Ông Hương Cống tôn sư Vũ Văn Hoành là cha của 2 Tiến Sĩ Công Đạo, Công Lượng quê ở làng Mộ Trạch) đỗ Tiến Sĩ, mở đầu cho bảng vàng đại khoa cho làng Phù Ủng thời Hậu Lê. Vì trước đó, từ thời Lý, Trần, ngoài danh tướng Điện Soái Phạm Ngũ Lão là có tài võ, làng Phù Ủng chưa hề có đại khoa.


B. KHOA BẢNG LÀNG PHÙ ỦNG, huyện Đường Hào (Mỹ Hào – Mỹ Văn) thời Nho học xưa:

- Như đã nói ở trên, họ Vũ ở làng Phù Ủng chỉ bắt đầu có từ thời Nhà Lê Sơ (1428 – 1527), hoặc đầu nhà Mạc. Thủy Tổ là các cụ họ Vũ ở 1 số làng cổ thuộc huyện Đường An, di cư đến sống ở Phù Ủng. Theo các cụ họ Vũ, mà Nhóm chúng tôi gặp trong chuyến du khảo tháng 5/2006 cho biết: “hiện nay ở thôn Phù Ủng có đến 5 dòng họ Vũ khác nhau: Vũ Văn, Vũ Đình, Vũ Huy, Vũ Đức, Vũ Khắc?” Nhưng thực chất các cụ, các ông họ Vũ ở Phù Ủng đã tiếp chúng tôi, nói về các họ Vũ làng này rất lơ mơ. Thậm chí không biết các cụ tổ nhà các ông là những ai? Tên gì? Trong làng có 1 khu lăng mộ cổ bằng đá cẩm thạch và đá xanh to đẹp ở cánh đồng sau làng rất đẹp và qui mô. Ít thấy ở đồng bằng Bắc Bộ và cả ở Thanh, Nghệ, Tĩnh có khu lăng mộ cổ còn nguyên vẹn và quy mô như thế. HÌnh như chỉ còn thấy ở làng Phù Ủng. Vậy mà, có 1 ông viên chức ở làng họ Vũ lại bảo với chúng tôi: “đó là lăng của Tiến Sĩ Vũ Công Lượng”! Tôi ngạc nhiên và nghi vấn, vì ông Nghè Công Lượng là người Mộ Trạch đời Hậu Lê, thế kỷ 17, sao chôn ở Phù Ủng? Nhóm chúng tôi đi khảo sát khu lăng mộ đá và rất ngạc nhiên về những bia đá khắc chữ đẹp, sắc nét và khắc sâu nên không bị mưa, nắng, gió bào mòn. Tôi đọc các dòng chữ Hán thì ra lăng mộ của Tiến Sĩ Vũ Vinh Tiến (đỗ khoa Canh Thìn 1640) sinh năm Canh Thân (1620), được truy tặng chức Binh Bộ Hữu Thị Lang, tước Bá. Ông thuộc dòng họ Vũ làng Phù Ủng có tiên tổ đến lập nghiệp đông từ cuối thời Lê, đầu triều Mạc (khoảng đầu thế kỷ 16, 1505 – 1527). Ông đỗ Tiến Sĩ lúc có 21 tuổi. Ngoài ra, trong quần thể lăng mộ này còn có bia đá ghi rõ 7, 8 đời họ Vũ của Ngài và con cháu. Trong đó có 1 số vị đỗ Hương Cống, Hội thí Nhị, Tam trường. Chỉ duy nhất thời Hậu Lê, có 1 Tiến sĩ là ông Vũ Vinh Tiến.

Mộ của danh nhân khoa bảng họ Vũ Phù Ủng hiển hách như thế mà trong làng không ai biết! Có lẽ đa phần các vị họ Vũ còn trong làng tuy lớn tuổi, nhưng toàn là lão nông, thợ thuyến học vấn có hạn chế. Hơn nữa con cháu cụ Vũ Vinh Tiến không còn ai trong làng.

Theo các sách Đăng Khoa và gia phả thì Vũ Vinh Tiến sinh năm Canh Thân (1620) trong gia đình Nho Học. Thuở nhỏ lanh lợi, tài giỏi văn học. Ông đi bộ hàng ngày qua làng Mộ Trạch, cách 2 km, để theo học Thầy giáo Vũ Văn Hoành (1606 – 1650) nổi danh hay chữ lúc đó. Trò Vinh Tiến kém thầy 14 tuổi. Nhưng thầy rất yêu mến và tin cậy, vì trò Vinh Tiến thông minh, hợp ý thầy. Tuy ông Vũ Văn Hoành giỏi, mà tính nết nhút nhát, thần kinh yếu. Hễ cứ nghe tiếng trống thi đã khiếp sợ rồi hoảng loạn không làm được văn bài. Ông Hoành đã đi thi nhiều lần đều hỏng. Nên năm Kỷ Mùi (1619) ông và học trò Vũ Vinh Tiến cùng đem lều chõng thi ở trường thi Hải Dương (Mao Điền). Ông Vinh biết Thầy học mình hay mất tinh thần, nên xin với Quan chủ khảo cho vào phía trước Viện thu quyển ở trường thi, ngồi làm bài, xong sớm nộp trước (vì tự tin thầy trò đều giỏi). Quả nhiên khoa đó, Thầy Văn Hoành thấy có trò dựng lều chõng gần bên, khích lệ tinh thần Thầy. Nên ông đỗ Giải Nguyên (thủ khoa) còn trò Vinh Tiến (19 tuổi) đỗ hạng nhì áp sát thầy chỉ 1 bậc. Năm sau, khoa Canh Thìn (1640) đời Vua Thần Tông và Chúa Trịnh Tráng, thầy trò thi Hội Đình, thì chỉ có trò Vũ Vinh Tiến đăng khoa Tam giáp Tiến Sĩ. Khi rước vinh quy bái tổ về làng Phù Ủng, ông Vinh Tiến xếp thầy Hoành ngồi cáng đi trước cha mẹ ông để tỏ lòng biết ơn sư phụ. Sau Thầy Văn Hoành có 2 con trai ngang tuổi ông Vinh Tiến, đều đỗ Tiến Sĩ muộn hơn (1656, 1659) là Vũ Công Lượng và Công Đạo. Ông Hoành dạy học có tiếng giỏi, học trò sau có nhiều người đỗ Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa và Tiến Sĩ gần 1 chục ông.

Vũ Vinh Tiến ra làm quan đến chức Tự Khanh. Nhưng ông còn có tài quân sự, từng tham dự nhiều chiến trận có công lao. Được phong tước Tử. Cuối thế kỷ 17, ông bị bệnh mất được Thăng Binh Bộ Hữu Thị Lang (như Thứ trưởng Quốc Phòng nay) và được tước Bá.

Ngoài vị tiến sĩ kể trên, theo Đăng Khoa Lục và 1 tập gia phả chữ Hán của 1 gia tộc Vũ xưa in sách ở phố Hàng Gai, trong làng còn vài ông Hương Cống họ Vũ làng Phù Ủng dưới triều Lê (chưa kịp tra cứu). Riêng các khoa thi triều Nguyễn (1807 – 1915), chúng tôi chỉ thấy có 2 ông Cử Nhân họ Vũ có tên sau đây:

1/ ông Vũ Huy Thịnh: quê ở Phù Ủng, đỗ Cử Nhân thứ 2/24 ở trường thi Nam Định khoa Mậu Dần (1878), tức Á Nguyên. Chưa rõ làm quan chức gì?

2/ Ông Vũ Đức Cẩn: là 1 điều lạ đặc biệt cùng họ Vũ, cùng làng đỗ cùng 1 khoa (1878), đứng hạng 3/24 ngay sát dưới ông Cử Thịnh. Sách cổ cũng không cho biết ông Cử Cẩn làm quan đến chức nào?

Ngoài ra, dưới triều Nguyễn, các họ PHAN, họ TRẦN, họ NGUYỄN và họ PHẠM cũng có một số vị đỗ Tiến Sĩ, Cử Nhân. Đó là:

1/ Tiến sĩ Phan Trứ: (sinh năm Giáp Dần 1794). Ông quê quán ở làng Phù Ủng, huyện Đường Hào. Khoa thi Hương năm Tân Mão (1831) đỗ Cử Nhân thứ 5/31 ở trường thi Nam Định. Nổi tiếng hay chữ, có tài văn chương. Năm sau, 39 tuổi, khoa thi Hội Đình ở Huế, ông vào ứng thí, đỗ đầu. Đình Nguyên Nhị Giáp Tiến Sĩ năm Nhâm Thìn 1832. Từng làm quan nhiều cấp, sau đến chức Tuần phủ Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa (kiêm 3 tỉnh nhỏ lúc đó). Ông từng làm Chánh Chủ khảo ở các trường thi Hương trong nước. Không rõ tuổi thọ. Em ông đỗ Cử Nhân.

2/ Cử nhân Phan Khắc Nhân (sau đổi là Khắc Hiệu).

- Là em ruột ông Nghè Trứ, đỗ cử nhân sau anh 1 khoa, vào năm Giáp Ngọ (1834). Thứ 5/9 người ở trường thi Nam Định. Làm Tri Huyện.

- Sau anh em ông TRỨ, làng Phù Ủng, có thêm 9 ông đỗ cử nhân nữa. Trong đó có 2 ông họ Vũ đã nêu ở trên. Còn lại 7 ông, với 4 ông họ Nguyễn, 2 ông họ Trần, 1 ông họ Phạm là:

3/ ông Trần Như Sơn: sau đổi tên là TRẦN XÁ DIỆU. Đỗ cử nhân thứ 3/22 ở khoa Hương năm Mậu Thìn (1868). Làm tri huyện.

4/ ông Nguyễn Đình Khanh: đỗ thủ khoa thi Hương (giải Nguyên) năm Bính Tí (1876). Làm quan đến chức Bố Chánh Tuyên Quang.

5/ Ông Nguyễn Đình Thanh: là em ruột ông giải nguyên Khanh, và đỗ thứ 9/21 người ở Nam Định. Ra làm quanTri Huyện, rồi xin về cư tang. Hai anh em ruột cùng đỗ 1 khoa 1876.

6/ Ông Trần Khánh Duật:  Đỗ thứ 21/24 ở trường Nam, năm Kỷ Mão 1879. Làm Huấn Đạo.

7/ Ông Phạm Huy Thuyên: Đỗ thứ 49/74 ở trường Hà Nội – Nam Định – Ninh Bình năm Bính Tuất 1886 (khoa này ông Chu Mạnh Trinh thủ khoa). Không rõ làm quan chức gì?

8/ Ông Nguyễn Đình Chuẩn: Đỗ thứ 42/70 ở trường Hà Nội – Nam Định (thi chung) khoa Tân Mão 1891.

9/ Ông Nguyễn Bá Cung: là con ông cử Đình Khanh (giải nguyên). Đỗ thứ 10/50 ở trường Hà Nam, khoa Bính Ngọ (1906). Tri huyện.

Như thế, chỉ trong triều Nguyễn, làng Phù Ủng, ngoài họ Vũ ra, các họ khác còn có đến 9 ông đỗ cử nhân, 1 ông đỗ Tiến Sĩ (Phan Trứ)./.

Cự Vũ (Vũ Hiệp) soạn.


Nguồn tin: Ban liên lạc dòng họ Vũ Võ TP.HCM

1 nhận xét:

  1. Thật tuyệt và cám ơn soạn giả Vũ Hiệp nghiên cứu và biên soạn bài viết nay, hy vong sẽ tiếp tục được nhân được nhiều bài nghiên cứu về Làng Phủ Ủng -0-

    Trả lờiXóa