Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2010

Danh tướng Phạm Văn Liêu trong lòng người dân xứ Bắc

Mấy năm nay, đoạn đường chạy qua hai làng cổ Thành - Vẽ nối với đường Xương Giang (đoạn ngã ba Quán Thành) thuộc thành phố Bắc Giang mang tên một danh tướng thời Lê là Phạm Văn Liêu, một trong những vị tướng có công đầu trong trận công thành Xương Giang và tiêu diệt viện binh nhà Minh xâm lược trên chiến trường Xương Giang đại thắng năm 1427. Hẳn gia thế, sự nghiệp danh tướng Phạm Văn Liêu đến nay chưa được nhiều người biết đến…
Phạm Văn Liêu là con Đô Đốc đồng tri Phạm Văn Thánh, nguyên quán ở thôn Nguyên Xá, hương Lam Sơn, huyện Thuỵ Nguyên, phủ Thiệu Thiên, xứ Thanh Hoá. Ông sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước có nhiều biến động: Nhà Trần suy vong bị Hồ Quý Ly thoán ngôi báu lập nên triều Hồ năm 1400. Đất nước chưa hết nội loạn thì nhà Minh đưa quân sang xâm lược (1407) và đã áp dụng nhiều chính sách cai trị vô cùng dã man tàn bạo mà đại thi hào Nguyễn Trãi đã thống thiết kể trong Bình Ngô đại cáo: Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ dưới hầm tai vạ…/ Chặt hết trúc Nam sơn không ghi hết tội/ Tát cạn nước biển Đông không rửa sạch hôi tanh…
Trong hoàn cảnh đất nước chìm trong đau thương tủi nhục ấy thì ở hương Lam Sơn (Thanh Hoá) Lê Lợi đã dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược. Phạm Văn Liêu là một nghĩa sĩ theo cha đến với nghĩa quân Lam Sơn từ những ngày đầu ở hội thề Lũng Nhai và nhanh chóng trở thành một vị tướng trung kiên, dũng cảm của chủ tướng Lê Lợi.
Trong đại chiến tiêu diệt viện binh nhà Minh trên chiến trường Xương Giang, Phạm Văn Liêu là vị tướng chỉ huy một đạo quân mật phục ven bờ sông Thương (vùng Xuân Hương, Mỹ Thái, huyện Lạng Giang ngày nay) rồi đồng loạt tổng công kích tiêu diệt và bắt sống hơn 7 vạn viện binh nhà Minh vào cuối năm 1427. Tiêu diệt xong viện binh xâm lược, Phạm Văn Liêu được phong chức Tả sa kỵ đại tướng quân rồi đặc chuẩn ở lại vùng thượng xứ Bắc trấn giữ miền phên dậu phía bắc thành Đông Quan. Mùa xuân năm 1428, vua Lê Lợi mở hội khải hoàn, khi xét công ban thưởng chức tước, bổng lộc cho tướng sĩ tuỳ theo công trạng có 125 vị tướng có công đầu được vua ban cho quốc tính là Lê Liêu, dự hàng "Khai quốc công thần" và ghi trong Sổ Hội đồng để truyền lại muôn đời cho con cháu được hưởng lộc nước.
Ngày mồng 5 tháng 9 năm Diên Ninh thứ 4 (1457) Phạm Văn Liêu tạ thế tại Kinh Bắc. Mộ phần đặt tại Rừng Cấm, thôn Chùa, xã Xuân Mãn, huyện Bảo Lộc, phủ Lạng Giang (nay là thôn Chùa, xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang).
Đến năm Hồng Đức thứ 15 (1484), truy nhớ công lao của Phạm Văn Liêu, vua Lê Thánh Tông gia tặng cho Phạm Đình Liêu là: Bình Ngô khai quốc công thần, tước Khang Quốc công, chức Thái uý để tưởng nhớ và cho phép một số làng xã xứ Bắc phụng thờ.
Phạm Văn Liêu có hai người con, một trai, một gái. Sau bốn năm sau khi cha mất, người con gái được tuyển vào cung sau được phong làm Minh phi. Sách Đại Việt thông sử, sử gia Lê Quý Đôn chép về bà như sau: "Phạm Minh phi (vợ vua Lê Thánh Tông) Minh phi họ Phạm là cháu của quan được tặng hàm Đô Đốc đồng tri tên là Thánh và là con của quan được tặng Đô Đốc đồng tri Tri Khang Vũ bá Phạm Văn Liêu. Bà được tuyển vào cung ngày Mậu Ngọ tháng 7 niên hiệu Quang Thuận thứ 2 (1461). Ngày Bính Dần tháng 11 năm 1477 tiến phong là Minh phi được ở cung Thuỵ Đức.
Người con thứ hai của Phạm Văn Liêu là Phạm Đức Hoá, được vinh phong Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Tư Đô kiểm điểm, tước Hoa Phong bá (sau được tặng Hoa Phong hầu) được kén làm Phò mã. Phạm Đức Hoá lấy con gái thứ 8 của vua Thánh Tông Thuần Hoàng đế là Thiều Dương công chúa Lê Thị Ngọc Khanh. Như vậy, Phạm Đức Hoá vốn là em vợ, sau được kén làm con rể (phò mã) của đức vua Lê Thánh Tông. Còn người cha Phạm Văn Liêu vừa là bố vợ vừa là thông gia của vị hiền vương này. Khi an cư lạc nghiệp trên phần đất được phân phong, gia đình họ Phạm đã trở thành một gia đình có thế lực ở xứ Kinh Bắc.
Với những bổng lộc của triều đình ban thưởng và hoa lợi của 2.370 mẫu ruộng được phân phong, gia đình họ Phạm (nhất là công chúa Thiều Dương Phạm Thị Ngọc Khanh) đã đem ban phát, công đức cho nhiều địa phương ở xứ Bắc xây dựng mở mang các công trình phúc lợi nên được nhiều địa phương tôn thờ. Theo tờ khai của Lý trưởng địa phương từ năm 1942, thì trên địa bàn tỉnh có 15 ngôi đình thờ cha con Phạm Văn Liêu và công chúa Thiều Dương làm Phúc thần/ Thành hoàng. Riêng tổng Tri Lễ, huyện Bảo Lộc xưa (nay thuộc 4 xã: Dương Đức, Xuân Hương, Tri Lễ, Tân Thanh của huyện Lạng Giang) có 8 làng/ xã tôn thờ và vẫn lưu giữ sắc phong, bài vị tôn thờ ba vị, đó là các xã: Chuyên Mỹ, Chí Mỹ, Đại Mãn, Xuân Mãn, Hương Mãn…
Phạm Văn Liêu đã trở thành thuỷ tổ của dòng họ Phạm ở làng Chùa, xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang. Hiện ở làng Chùa vẫn còn di tích phần mộ và nhà thờ họ, nơi tôn thờ và lưu niệm danh tướng lịch sử Phạm Văn Liêu và đã được Bộ Văn hoá - Thông tin quyết định cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia từ ngày 9 tháng 1 năm 1990.
Trung tâm thờ Thiều Dương công chúa là đền Từ Mận (thuộc xã Xuân Hương), tương truyền đây là nơi hoá của công chúa, hiện vẫn còn phần mộ. Xưa vào ngày hội đền, dân tám xã của tổng Tri Lễ vẫn dâng lễ về đền Từ Mận để bày tỏ lòng tri ân trước linh vị công chúa Thiều Dương.
Ở thôn Hoàng Mai, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên nhân dân cũng ngưỡng mộ tôn thờ công chúa Thiều Dương. Kỳ lạ, ở đây cũng có phần mộ công chúa và nhân dân địa phương vẫn còn lưu bản thần tích từ xa xưa về Thiều Dương công chúa.
Ở làng Ảm, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng có di tích Xa Lâu điện thờ quan Tư đô kiểm điểm Hoa Phong hầu Phạm Đức Hoá, Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Tông và con gái thứ 8 của bà là Thái trưởng công chúa Lê Thị Ngọc Kế.
Như vậy, Khang Quốc công Phạm Văn Liêu, Hoa Phong hầu Phạm Đức Hoá, Thiều Dương công chúa được nhiều địa phương vùng thượng xứ Bắc tôn thờ và được các triều đại phong kiến phong làm Phúc thần cho phép các địa phương thờ tự. Hiện trên các làng xã thuộc hai huyện Lạng Giang, Yên Dũng còn lưu giữ hàng trăm đạo sắc phong của các triều đại phong kiến ban/ phong các làng xã tôn thờ ba cha con Phạm Văn Liêu. Đó là nguồn tư liệu quý cần được quan tâm sưu tầm, bảo tồn, nghiên cứu.
Nguyễn Văn Phong
http://www.baobacgiang.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét