Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2010

Nhà thờ họ Phạm xã Hưng Nhân (LS Phạm Hồng Thái)

Nhà thờ họ Phạm nằm ở làng Xuân Nha, tổng Văn Viên, phủ Hưng Nguyên ( nay là làng Xuân Nha, xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên). Từ thành phố Vinh lên huyện lỵ Hưng Nguyên, rẽ đường 12-9, đến kênh Lê Xuân Đào xuống xã Hưng Nhân là đến di tích.

Xuân Nha là một vùng quê nghèo nằm phía ngoài đê tả ngạn, sát cạnh sông Lam, được khai phá vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (174) do công của Già Xuân, Già Hiếu, Già Thập, Già Rằng. Vị trí địa lý đó đã giúp cho con người ở đây được hưởng nhiều sự ưu đãi của thiên nhiên, song cũng phải hứng chịu nhiều thiên tai lũ lụt. Chính vì vậy đã rèn luyện cho con người Xuân Nha có một sức sống dẻo dai, bền bỉ, đối chọi với thiên nhiên. Trải qua chiều dài lịch sử gần 250 năm làng Xuân Nha là một vùng quê có truyền thống yêu nước và khoa bảng. Trong đó dòng họ Phạm có truyền thống yêu nước và hiếu học hơn cả.

Thuỷ tổ của dòng họ Phạm là Già Thập, một trong bốn người có công khai phá tạo dựng nên làng Xuân Nha. Để tưởng nhới tới công ơn và có chỗ hương khói thờ phụng Già Thập, con cháu dòng họ Phạm đã chọn mảnh đất đẹp dựng nhà thờ. Nhà thờ họ Phạm được xây dựng từ cuối thời Cảnh Hưng năm 1785 trong một khu vực dân cư đông đúc. Lúc đầu để thờ cụ tổ dòng họ, về sau là nơi thờ tự của dòng họ, tiêu biểu là Phạm Hồng Thái. Nhà thờ đã chứng kiến biết bao thế hệ con cháu họ Phạm đỗ đạt và có tinh thần yêu nước thương dân. Ông nội Phạm Hồng Thái là cụ Phạm Trung Tuyến đậu cử nhân, được cử làm đốc học phủ Hưng Nguyên. Cụ được vua Tự Đức ban tặng thẻ bài ngà với 8 chữ vàng: “Quốc sủng, gia phong, khai hoa, kế nghiệp” ( có nghĩa là người nối nghiệp nước nhà, mở nền khoa bảng cho dòng họ, gia đình, có tinh thần yêu nước và được vua tin yêu). Ông Phạm Thành Mỹ (bố Phạm Hồng Thái) được phong hàm Bát phẩm thời Hàm Nghi, tuy làm huấn đạo nhưng trước đó ông rất thức thời trở thành thân sỹ tích cực của phong trào Văn thân. Ông Phạm Quý Công đậu cử nhân đời Thành Thái và được phong chức tiền thập lý hậu.

Với vị trí ngoài đê, gần bờ sông Lam, khi cần có thể vượt sông sang đất Hà Tĩnh, rồi từ đó vào Nam hoặc sang Lào, nhà thờ họ Phạm là nơi gặp gỡ của các anh hùng hào kiệt tìm đường cứu nước cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 và là điểm dừng chân của chí sỹ yêu nước qua các thời cuộc.

Khi thực dân Pháp đặt chân lên xâm lược nước ta (1858) cả Nghệ Tĩnh dấy lên phong trào Văn thân chống Pháp. Nhà thờ họ Phạm trở thành nơi để cụ Phạm Trung Tuyển cùng các chí sỹ yêu nước như Lê Ninh, Phan Đình Phùng, Cao Thắng…. đàm đạo thơ văn và bàn định thời cuộc, kêu gọi mọi người theo cờ Hàm Nghi chống Pháp.

Những việc làm của ông cha qua lời kể lại cùng với những điều tai nghe mắt thấy về tinh thần yêu nước của thế hệ ông cha trong cảnh nước mất nhà tan, đời sống cơ cực của người dân trong cảnh nước mất nhà tan đã khắc sâu trong tâm trí cậu bé Phạm Thành Tích ( tên gọi lúc nhỏ của Phạm Hồng Thái).

Lớn lên trong thực tế xã hội đó, tuổi thơ cậu bé Phạm Thành Tích đã được người cha thân yêu là cụ Phạm Thành Mỹ kèm cặp, rèn dạy. Cụ đã lấy nhà thờ họ Phạm - nơi linh thiêng của cả dòng họ và nhân dân làng Xuân Nha ngưỡng vọng làm nơi rèn dạy các con. Cụ thường nói với các con: “Lớn lên các con phải báo đền nợ nước, phải coi nợ nước nặng như núi Thái Sơn và coi thân mình nhẹ tựa sợi hồng mao”.

Nhà thờ họ Phạm là nơi gắn bó tuổi thơ của Phạm Hồng Thái và những hoạt động yêu nước của anh ở quê nhà. Đó là tất cả những bước chuẩn bị cho cho hành trình xuất dương và hành động dũng cảm ném bom giết tên toàn quyền Merlin ở Sa Diện, Quảng Châu, Trung Quốc. Thời gian làm ở nhà máy Vinh - Bến Thuỷ, Phạm Hồng Thái vẫn chọn nhà thờ họ Phạm làm nơi tiếp bạn bè. Tại đây anh đã cùng với bạn bè như Hồng Phong, Lê Thiết Hùng…bàn việc cứu nước và tuyên truyền sách báo đưa tin đấu tranh, kêu gọi đấu tranh….Họ cùng nhau đọc và giảng giải cho nhau nghe những áng thơ văn đầy nhiệt huyết, nhất là những bài viết của Phan Bội Châu gửi từ hải ngoại về.

Những tháng ngày làm việc trong các nhà máy được chứng kiến cảnh bóc lột tàn bạo của bọn đế quốc phong kiến đối với người lao động đã thôi thúc Phạm Hồng Thái ra đi tìm con đường giải phóng cho dân tộc.

Sáng sớm ngày 17-2-1924 Phạm Hồng Thái cùng Lê Thiết Hùng, Lê Hồng Phong, Trương Vân Lĩnh….hăm hở ra đi với hoài bão sẽ cứu nước thắng lợi. Trước lúc ra đi, anh đã lên nhà thờ kính cẩn thắp nén hương thơm cầu xin các đấng tiên liệt phù hộ cho anh em sớm đạt được chí nguyện đền nợ nước, trả thù nhà. Tiếng bom mưu sát tên toàn quyền Merlin của Phạm Hồng Thái trên đất Quảng Châu, Trung Quốc đã minh chứng cho tinh thần, ý chí đó của anh.

Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nhà thờ họ Phạm còn là nơi các đảng viên chi bộ Phú Vinh, chi bộ Nghĩa Liệt và chi bộ Cự Thôn hội họp, in ấn và cất dấu tài liệu của Đảng. Nhân dân Xuân Nha thường tập trung tại đây trước khi đi biểu tình. Ngày 31-8-1930 cùng với nông dân cả huyện, nhân dân Xuân Nha tập trung tại nhà thờ họ Phạm tổ chức mit tinh nhỏ hưởng ứng các cuộc đấu tranh ở Bến Thuỷ và Hạnh Lâm. Ngày 12-9-1930, từ nhà thờ họ Phạm nhân dân tập trung kéo kên phủ lị đấu tranh cùng với nhân dân trong huyện và công nhân thành phố Vinh. Đây là cuộc đấu tranh có qui mô rộng lớn nhất của nhân dân Hưng Nguyên từ trước tới nay dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Trung kỳ mà trực tiếp là Tỉnh uỷ Nghệ An và huyện uỷ Hưng Nguyên.

Trong thời gian cơ quan ấn loát của Huyện uỷ rút lui vào hoạt động bí mật từ tháng 3 đến tháng 4 năm 1931, nhà thờ họ Phạm được chọn là trụ sở vì đây là nơi kín đáo, có vị thế thuận tiện cho việc rút lui an toàn. Các đồng chí Tôn Gia Chung (tỉnh uỷ viên Tỉnh uỷ Nghệ An), Lâm Nhật Phấn, Tôn Thị Quế, Trần Quỳ…đã từng về dự họp và tuyên truyền cách mạng trong nhân dân. Tại nhà thờ, cụ Phạm Thành Mỹ đã cùng với đồng chí Phạm Ngơi dạy chữ quốc ngữ xoá nạn mù chữ, mở mang trí tuệ hiểu biết cho bà con.

Cách mạng tháng Tám bùng nổ, nhà thờ họ Phạm là nơi nhân dân Xuân Nha dưới sự chỉ đạo của các đồng chí trong Nông hội, tự vệ…tập trung đi cướp chính quyền.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhà thờ họ Phạm là nơi dòng họ tiễn đưa con em lên đường bảo vệ Tổ quốc trước nghi lễ gia tiên. Nhà thờ còn được chọn làm nơi sinh hoạt tư tưởng, văn hoá, văn nghệ khi các đơn vị bộ đội về đây đóng quân tại đây.

Hàng năm cứ đến ngày hy sinh của Phạm Hồng Thái (19-6) các cấp chính quyền và các tổ chức quần chúng địa phương thường đến thắp hương tưởng nhớ đến anh. Ngày Rằm tháng 7 hàng năm con cháu xa gần lại về tế họ. Đây là dịp để dòng họ nhắc nhở con cháu ghi nhớ ân đức tổ tiên, phát huy truyền thống tốt đẹp. Nối bước ông cha, con cháu họ Phạm đã có nhiều người đỗ đạt, thành danh với nhiều nhà khoa học, nhiều nhà chính trị nổi tiếng như Phạm Thành Thư ( cháu gọi Phạm Hồng Thái là chú ruột) đã đi theo con đường cách mạng của Hồng Thái và hy sinh ở Hồng Kông trước năm 1945; luật sư Phạm Thành Vinh hoạt động ở Hội luật gia quốc tế (cháu gọi Phạm Hồng Thái là chú ruột); Trung tướng quân đội nhân dân Việt Nam Phạm Hồng Sơn ( cháu gọi Phạm Hồng Thái là chú ruột); bà Phạm Thị Kim – nguyên viện phó Viện Hán Nôm Việt Nam; Phạm Minh Nguyệt (con trai liệt sỹ Phạm Hồng Thái ) – trung tá quân đội nhân dân Việt Nam…

Nhà thờ họ Phạm là nơi lưu giữ một sưu tập di sản văn hoá duy nhất liên quan đến cuộc đời sự nghiệp của liệt sỹ Phạm Hồng Thái. Những tư liệu hiện vật còn lại trong nhà thờ như thẻ bài, long ngai, gia phả, hoành phi, câu đối, thơ ca….giúp chúng ta hiểu thêm một dòng họ có truyền thống khoa bảng và cách mạng. Đó chính là nền tảng, là cái nôi nuôi dưỡng, hun đúc một ý chí, một tinh thần cách mạng kiên trung, hy sinh thân mình cho dân tộc của Phạm Hồng Thái.

Toàn bộ cấu trúc nhà thờ mang dáng dấp Phương Đông cổ xưa với nhiều nét chạm trổ tinh vi, có hình rồng chầu mặt trăng. Cả trang trí nội thất lẫn cấu trúc nhà thờ đều thể hiện bàn tay khéo léo tài hoa và khối óc thông minh của những người con xứ Nghệ.

Nhà thờ cấu trúc 2 gian lợp ngói vảy kiểu nhà tứ trụ, mái đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt, dưới chân đắp nổi hình rồng ngậm lá sen. Nhà thờ cao 3,5m; rộng 5,5m, dài 6,5m, tổng diện tích là 76m¬2 ngoảnh mặt về hướng Đông Nam, trước sân bên phải có một am nhỏ thờ thổ công là ông tổ Bá (là người trong dòng họ rất linh thiêng). Nằm trong khu vực dân cư đông đúc, hướng mặt ra sông dáng vẻ oai nghi như dám đương đầu, thách thức với những khắc nghiệt của thiên nhiên cũng như hình ảnh bất khuất hiên ngang của liệt sỹ Phạm Hồng Thái đúng như ý nghĩa câu đối hai bên điện thờ:
“ Miếu thuộc Hồng Lam chung vượng khí
Nhân ư Nùng Nhị ngưỡng dư linh”
Bàn thờ tổ tiên nằm chính giữa nhà hạ điện. Phía trên điện thờ và hai bên tả hữu đều có các hoành phi câu đối bằng chữ Hán. Trên cùng có 3 chữ “Tổ Thị Hoàng” bằng chữ Hán mang ý nghĩa đây là dòng họ lớn, vĩ đại. Trên bàn thờ còn có thẻ bài của vua Tự Đức tặng cho cụ Phạm Trung Tuyển. Bên trái điện thờ là bàn thờ chi Phạm Hồng Thái, trên có án thờ và ấn phẩm, sắc phong, bao sắc của cụ Phạm Trung Tuyển, Phạm Thành Mỹ. Bên phải điện thờ là nơi thờ tự những người con của dòng họ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến cứu nước. Nhà hạ điện là nơi các bậc sỹ phu yêu nước trong phong trào văn thân Cần Vương thường đàm đạo thơ văn, bàn việc cứu nước. Và cũng là nơi học chữ quốc ngữ của nhân dân trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Nhà thượng điện được ngăn cách với hạ điện bằng một bức ngăn bằng gỗ ván. Chính giữa thượng điện là điện thờ các thần linh. Hai bên điện thờ là các câu đối. Bên trái điện thờ có bàn thờ được hoạ hình dòng suối chảy từ núi và đề 3 chữ “Thuỷ hữu nguyên” nghĩa là nước có nguồn. Bên phải là bàn thờ trên đó có họa hình cành mai và đề chữ “ Mộc hữu bản” có nghĩa cây có gốc nhắc nhở con cháu phải luôn nhớ về cội nguồn tổ tiên như nước chảy phải có nguồn, cây xanh phải nhớ về cội. Thượng điện là nơi tổ ấn loát làm việc trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh từ tháng 3 đến tháng 4/1931. Đó cũng là nơi cất giấu tài liệu cho Hồng Thái và các đồng chí hoạt động.

Không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, nhà thờ họ Phạm còn chứa đựng trong nó nhiều giá trị khoa học - văn hoá - nghệ thuật. Với những đóng góp lớn lao của di tích và những giá trị chứa đựng trong nó, nhà thờ họ Phạm đã được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hoá quốc gia, theo quyết định số 2754/QĐVH ngày 15 tháng 10 năm 1994

Nguồn: http://btxvnt.org.vn/cms/?m=29&act=view&id=275

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét