Thứ Tư, 20 tháng 5, 2009

Tưởng nhớ danh nhân họ Phạm theo lễ trọng năm 2009

LBT. Nhân dịp đầu năm 2009, chúng tôi xin giới thiệu với bà con trong họ một số ngày kỷ niệm năm chẵn ngày mất hoặc ngày sinh của một số Danh nhân lớn họ Phạm Việt Nam
Do thống kê chưa đầy đủ hoặc nhiều tài liệu chưa thống nhất về năm sinh, năm mất của các danh nhân sẽ có thiếu sót trong việc thống kê. Kính mong độc giả cung cấp thông tin để có thể bổ sung, sửa chữa, đồng thời giới thiệu một cách đầy đủ nhất về tiểu sử và sự nghiệp vào dịp các ngày lễ long trọng của các vị danh nhân.

1. Kỷ niệm 600 năm ngày mất của Bình Chiêm Thượng tướng quân Phạm Nhữ Dực (1319-1409)
Ông là con cháu dòng út của Điện soái Phạm Ngũ Lão với người thiếp họ Nhữ người Thanh Hóa. Di cư về quê ngoại ở Lỗ Huyền, huyện Lôi Dương nay thuộc Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ông có công mở mang bờ cõi đến Đại Chiêm, Cổ Lũy. Thời vua Trần Thuận Tông (1388-1398) được phong Hậu Quân Trung Độ Dực Nghĩa hầu.
Đến thời nhà Hồ, ông giúp Hồ Hán Thương chinh phạt Chiêm Thành (1402) thu hồi miền đất bị lấn chiếm và lấy thêm các đất Chiêm Động (Quảng Nam ngày nay), Cổ Lũy (Quảng Ngãi ngày nay), được phong Chánh Đô Án Vũ Sứ và được vua ban chiếu chỉ ở lại làm Trấn Lộ Thăng Hoa (châu Thăng và châu Hoa-Quảng Nam ngày nay) để thực hiện công cuộc di dân lập ấp.

2. Kỷ niệm 500 năm ngày mất Tiến sĩ Phạm Thịnh (?-1509)
Ông quê Tam Nha (Tam Á), huyện Gia Định – nay là Gia Đông, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.
Đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487) niên hiệu Hồng Đức 18. Hai lần đi sứ nhà Minh, làm quan đến chức Hữu Thị lang thời Lê Uy Mục. Ông tử trận ở Châu Cầu (Phủ Lý) khi giúp Lê Uy Mục chống Lê Tương Dực. Ông là cha Tiến sĩ Phạm Điển.

3. Kỷ niệm 150 năm ngày mất Tiến sĩ Phạm Quý (1805-1859) – ông còn có tên là Phạm Khôi
Ông người làng Kim Đôi, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, trấn Bắc Ninh – nay là thôn Kim Đôi, xã Kim Chân, Quế Võ, Bắc Ninh. Sinh năm Ất Sửu (1805).
Năm Mậu Tý 1828, 24 tuổi ông đỗ Cử nhân, năm Kỷ Sửu (1829) 25 tuổi ông đỗ Tiến sĩ.
Sau đăng khoa, ban đầu ông nhập ngạch Hàn lâm viện thụ hàm Biên tu, sau được bổ làm Tri huyện Diên Khánh, rồi thăng Án sát Lạng Sơn, rồi Án sát Bình Định. Về sau, ông lại được điều về Kinh giữ chức Thị lang bộ Binh. Ông từng can gián việc xây cất gây tốn kém công quỹ, nên triều đình cũng lắm kẻ gièm pha.
Năm Mậu Thân (1848) Tự Đức nguyên niên, ông được thăng Hữu Tham tri bộ Lễ rồi bổ làm Tổng đốc Bình Phú. Ông mất khi còn đang tại chức.

4. Kỷ niệm 500 năm ngày sinh Tiến sĩ Hoàng giáp Phạm Hoảng (1509-?)
Người xã Đại Bái, huyện Gia Định – nay là thông Đại Bái, xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Năm 27 tuổi đỗ Đệ nhị giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Ất Mùi niên hiệu Đại Chính 6 (1535) đời Mạc Đăng Doanh. Làm quan đến Cấp sự trung.

5. Kỷ niệm 500 năm ngày sinh Tiến sĩ Tam giáp Phạm Phi Hiển (1509-?)
Người xã Tĩnh Luyện, huyện Lập Thạch – nay là xã Đồng Thịnh, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc
Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu niên hiệu Quang Hòa 1 (1541) đời Mạc Phúc Hải. Làm quan đến chức Đô ngự sử, tước Tào Khê hầu.

6. Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Phó bảng Phạm Thế Húc (1809-?)
Người xã Luyến Quyết, huyện Đông Quan, tỉnh Nam Định – nay là xã Thụy Phong, Thái Thụy, Thái Bình.
Sinh năm Kỷ Tỵ (1809), đỗ Giải nguyên khoa thi Hương năm Đinh Dậu, Minh Mạng thứ 18 (1837), đỗ Phó bảng khoa Quý Mão năm 35 tuổi. Là em Tiến sĩ Tam giáp Phạm Thế Hiển. Từng thụ hàm Thị độc, sung Giảng quan ở Kinh diên; sau đổi sang chức Đốc học Nam Định.

7. Kỷ niệm 500 năm ngày sinh Phạm Tử Nghi (1509-1551)
Người xã Đằng Lâm, An Hải, Hải Phòng. Là võ tướng nhà Mạc, tước Tứ Dương hầu. Năm 1547, Mạc Phúc Hải mất, Phạm Tử Nghi muốn lập Mạc Chính Trung lên nhưng không được nên đưa Mạc Chính Trung về Hoa Dương, Ngự Thiện, Thái Bình rồi lại đưa ra Yên Quảng. Năm 1551 ông bị Mạc Kính Điển giết hại.
Theo “Họ Phạm trong cộng đồng dân Việt-Tập 1”
8. Kỷ niệm 200 năm ngày mất Phạm Sĩ Ý (1767-1809)
Người xã Diễn Thịnh, Diễn Châu. Ông là võ tướng Tây Sơn, được cử đi sứ Mãn Thanh với chức “Thừa hoa điện trị sự kiêm Binh tào thị sự” tức là được vua Quang Trung ủy quyền trong các việc chính trị và quân sự. Sau về được giữ chức “Vệ úy trung lang, Trì uy anh vệ tướng quân” là tướng chỉ huy đội cấm binh bảo vệ nhà vua. Ông mất năm 42 tuổi sau nhiều năm trốn tránh sự trả thù của Gia Long.
Theo Từ điển nhân vật lịch sử Xứ Nghệ

9. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Phạm Ngọc Thạch (7/5/1909-7/11/1968)
Sinh tại Phan Thiết. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ y khoa (chuyên khoa lao) trường Đại học Paris năm 1935, ông về nước, mở phòng mạch tư ở số 202 đường Chasseloup Laubat (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai), Sài Gòn. Tháng 5-1945, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, ông tham gia thành lập và lãnh đạo tổ chức Thanh niên Tiền phong. Cách mạng tháng Tám thành công, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Y tế trong Chính phủ lâm thời. Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Sau Hiệp định Genève, ông làm Bộ trưởng Bộ Y tế, Viện trưởng Viện chống lao, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Ông còn là Chủ tịch ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Ông được tuyên dương là Anh hùng Lao động. Ngày 07-11-1968, ông hy sinh trong lúc đang công tác trên chiến trường miền Nam.
Nguồn: http://www.hochiminhcity.gov.vn/

10. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhà thơ yêu nước Phạm Tất Đắc (15/5/1909-…)
Ông sinh tại làng Dũng Kim phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (không rõ năm mất), quê ở tỉnh Phúc Yên (nay là Vĩnh Phúc). Là học sinh ở trường Bưởi Hà Nội, năm 1926 tham gia tổ chức truy điệu đám tang cụ Phan Chu Trinh và hô hào bãi khóa nên bị đuổi học. Cuối năm ấy ông sáng tác Chiêu hồn nước, kích thích lòng yêu nước, gây tiếng vang lan rộng trong các giới. Do đó ông bị bắt giam, đến 1930 mới được trả tự do. Từ đó ông sống ở Hà Nội với nghề dạy học. Sau 1954, ông vào định cư ở Sài Gòn sống với nghề dạy học đến cuối đời. Tác phẩm chính: Chiêu hồn nước, Sông Đà, Quản Tử, Thương Tử, Văn pháp chữ Hán.
Nguồn: http://www.vietgle.vn

Tháp Bút

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét