Thứ Tư, 13 tháng 5, 2009

Giả vương Phạm Công Trị (giả Quang Trung) là người của dòng họ Phạm nào?


Bức vẽ Phạm Công Trị trong vai Quang Trung

Câu chuyện vua Quang Trung cho người đóng giả mình sang chầu vua Càn Long thì ai ai cũng biết. Nhưng sự thật về người đóng vai nhà vua – người chiến thắng đi xoa dịu nỗi đau một vị hoàng đế Trung Hoa nổi tiếng – đại diện cho kẻ chiến bại thì lại còn nhiều điều chưa thật rõ ràng, thống nhất. Âu cũng là thói thường bởi sự khốc liệt của cuộc chiến khi nhà Tây Sơn đại bại. Trải qua hơn hai trăm năm, thời gian tuy không ngắn nhưng cũng chưa phai nhòa trong nhân dân và các dòng họ có các chứng nhân lịch sử. Chúng tôi tin tưởng những thông tin xích chuỗi được sẽ làm sáng tỏ nhân vật đã hoàn thành trách nhiệm mà Quang Trung giao phó thực hiện một việc có ích cho non sông. Có lẽ bởi Càn Long cũng quá già không phát hiện ra thật giả nữa, nhưng có lẽ vị giả vương cũng sẽ gặp không ít tình huống có nguy cơ đổ vỡ vai diễn – đại họa sẽ xảy ra.

Trở lại thông tin về vị giả vương:
- Sách Hoàng Lê nhất thống chí (Tiểu thuyết lịch sử) của Ngô gia văn phái có viết: võ tướng là Nguyễn Quang Thực, người làng Mạc Điền, huyện Nam Đường, Trấn Nghệ An, nhưng bản ebook gần đây thì ghi là Phạm Công Trị
- Sách Đại nam chính biên liệt truyện (sơ tập) là bộ sách ra đời sau HLNTC lại nói rằng Nguyễn Huệ giả là Phạm Công Trị gọi Quang Trung bằng cậu


(xem thêm bài Khảo cứu về câu đối của sứ thần triều Tây Sơn)

- Sách “Quang Trung - Anh hùng dân tộc 1788 - 1792” của Hoa Bằng, có viết rằng, xuân Canh Tuất (1790), Quang Trung chọn cháu gọi bằng cậu là Phạm Công Trị, đội tên ngài, đóng vai Giả Vương, sang Thanh mừng thọ.
- Thông tin từ dòng họ Phạm Công ở Mộ Đức, Quảng Ngãi (dòng dõi Đô thống Quảng Dương hầu Phạm Nhữ Tăng (1422-1478)-hậu duệ của Trần triều Điện soái Phạm Ngũ Lão (1255-1320), là dòng họ Phạm Nhữ từ Thanh Hóa vào Đàng Trong cuối thời Trần) cho là Trung Dũng hầu Phạm Văn Trị là giả vương (họ Phạm Công đổi sang Phạm Văn tránh sự trả thù của Nguyễn Ánh)
- Ở Thừa Thiên Huế phát hiện hai bia đá có nội dung liên quan đến nhân vật Phạm Công Trị (người đóng giả vua Quang Trung sang giao hảo với vua Thanh)
- Năm 1790, nhà vua cử Phan Huy Ích cùng với Phạm Công Trị (quê ở Hưng Nguyên, Nghệ An) sang sứ nhà Thanh và đư­ợc đón tiếp long trọng. (theo Lê Đức Hoàng - Khoa Lịch sử - ĐH Vinh)

Như vậy về tên vị giả vương có thể đi đến thống nhất ông là Phạm Công Trị. Vì tên gọi Nguyễn Quang Thực xuất hiện trong bộ tiểu thuyết lịch sử (có thể ở một số tư liệu khác) nhưng đã không có cơ sở vững chắc nên sau này có sự sửa chữa. Hơn nữa có thể tên họ như vậy giống như Quang Trung Nguyễn Huệ có ông tổ 4 đời người họ Hồ ở Thái Lão, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Quân của chúa Nguyễn đánh ra Nghệ An bắt dân vào khai khẩn phía trong, buộc đổi họ Nguyễn. (cũng có tài liệu cho là anh em Tây Sơn đổi họ để thuận lợi cho khởi nghĩa; còn có nhiều cách lý giải khác)

Còn việc Phạm Công Trị quê Nghệ An hay thuộc dòng họ Phạm Công – Quảng Ngãi thì chỉ có thể chọn một. Một điều khẳng định là người họ Phạm Công không có xuất xứ Nghệ An mà là dòng dõi con cháu Phạm Ngũ Lão từ Thanh Hóa (quê ngoại bà thiếp họ Nhữ). Để lý giải vấn đề này chúng tôi xin nêu thông tin liên quan về họ Phạm ở Bình Trung, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi:
Xem "Người đóng giả vua Quang Trung và câu chuyện có một không hai"
Cụ tổ họ Phạm xã Bình Trung, huyện Bình Sơn là Phạm Công Quế, anh ruột ông Trị. Cụ Quế có con trai là Phạm Công Tuân, chạy lánh nạn khỏi hoạ tiêu diệt của Gia Long bèn cách xung vào đội quân diệt loạn, tráo mình lẩn trong gánh hát tuồng, ông Tuân ra vùng Bình Trung - Bình Sơn này lấy vợ lập làng.

Nhưng, ông không được đứng tên trong sổ đinh điền mà phải nương núp nhờ họ Phạm của vợ là Phạm Thị Nang. Đất của ông trải dài 3 xã là Bình Trung, Bình Minh và Bình Nguyên thuộc Bình Sơn - Quảng Ngãi bây giờ.

Bạn tôi kể, cũng chưa xa bao lâu, nhiều người nghĩ rằng mộ ông có từ thời ấy chắc là vàng bạc nhiều nên lén đào bới. Tộc họ gom góp lại, dựng bia, xây đàng hoàng.
Hồi còn tỉnh Nghĩa Bình cũ, người vùng Tây Sơn ra làm kênh Thạch Nham, nghỉ tại làng này, nhận họ hàng với nhau. “Ở trong Tây Sơn đó cháu à ! Không biết bao giờ tôi mới vào đó được”.

Tôi mang ao ước đấy của cụ già kèm theo một khối phân vân trên đường vào Tây Sơn. Con người sao mà hay quên. Mà chuyện nhớ quên lịch sử lắm khi cũng theo cái lẽ của lịch sử và thói thường nhân gian.


*



Như vậy có thể Phạm Công Trị quê ở Nghệ An, nhưng mấy đời trước đã vào Tây Sơn, khi nhà Tây Sơn sụp đổ, người cháu gọi bằng chú là Phạm Công Tuân làm rể họ Phạm ở Bình Sơn là một nhánh của họ Phạm Công chăng. Do đó họ Phạm Công đã nhắc đến tên Phạm Công Trị như một người trong họ.


Việc Phạm Công Trị gọi Quang Trung là cậu thì sao?
Ít có khả năng Quang Trung là cậu ruột của Phạm Công Trị bởi để đóng thế Quang Trung thì vị giả vương cũng có tuổi gần bằng Nguyễn Huệ và năm 1783 ông đã là võ tướng ở phương Nam. Hay có thể Phạm Công Trị là cháu của Phạm Hoàng hậu? Thanh thông giám cho là: Phạm Công Trị là cháu họ bên ngoại. (Ngoại ở đây chắc là bên vợ - Phạm Hoàng hậu)

Còn nếu Phạm Công Trị quê Nghệ An thì ở vùng nào?
Có xã Mạc Điền nay là xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An (thượng lưu sông Lam), nhưng khó có thể đất Anh Sơn xưa thuộc huyện Nam Đường. Còn đất Hưng Nguyên (hạ lưu sông Lam) thuộc huyện Nam Đường cũng cần xét kỹ (Nam Đường chủ yếu là đất Nam Đàn, Thanh Chương ngày nay, hiện nay các huyện xuôi theo sông Lam: Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên). Có thể có làng Mạc Điền ở Hưng Nguyên gần quê Thái Lão của Nguyễn Huệ - gắn liền quan hệ họ hàng Quang Trung - Phạm Công Trị?
Dù sao Mạc Điền cũng trên lưu vực sông Lam, thuộc Nghệ An. Do vậy chúng tôi thấy Phạm Công Trị quê gốc Nghệ An vào Tây Sơn mà không phải là người họ Phạm Công ở Quảng Ngãi là hợp lý hơn cả.
Chưa tìm ra gốc họ của Phạm Công Trị ở Nghệ An rồi đến Tây Sơn, Bình Định thì chúng ta hãy xác nhận ông là người của dòng họ Phạm xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi có ông tổ là Phạm Công Quế - anh của Phạm Công Trị. Sau đó chờ thông tin kết nối của dòng họ Phạm này.


Tháp Bút

Bài liên quan
Thông tin về làng Mặc Điền - quê Quang Trung, Phạm Công Trị?

4 nhận xét:

  1. Về làng Mạc Điền tôi cũng chưa có tư liệu nào nói đến, nhưng chữ "Điền" ở đây thì tôi nghĩ có rất nhiều vùng quê dùng đến nó vì dân ta thời xưa chủ yếu làm nghề nông.
    Ví dụ như ở quê tôi cũng có làng Lộc Điền (xã Hưng Khánh) hoặc làng Phú Điền (xã Hưng Phú hiện nay), các làng này đều thuộc huyện Hưng Nguyên và nằm ven sông Lam ở hạ lưu so với các huyện Nam Đàn, Thanh Chương. (huyện Nam Đường xưa)
    (theo email: phamhongha53@gmail.com của ông Phạm Hồng Hà sinh 1953 ở Tp Vinh)

    Trả lờiXóa
  2. Qua đạo dụ vừa trình bày, yêu sách chính của vua Càn Long là muốn vua Quang Trung sang Bắc-kinh làm lễ chiêm cận để rửa nhục thất trận cho triều đình nhà Thanh. Ðây cũng là một sự đòi hỏi vì danh mà thôi, nên cuối cùng Tổng-đốc Phúc Khang An cùng phái bộ nước ta thương lượng, đã chấp nhận dùng một người giống trạng mạo vua Quang Trung làm “giả Vương” thay thế. Dĩ nhiên là Cao Tông thực lục không chép việc này, nhưng sử hai nước Trung-Hoa và Việt-Nam đều công nhận đó là sự thực. Ðại Nam chính biên liệt truyện của triều Nguyễn, và Thanh thông giám đều xác nhận giả Vương là Phạm Công Trị; Thanh thông giám chép như sau:

    “Ðể chiêu vời Nguyễn Quang Bình đến triều kiến, trước đó Càn Long sách phong y tước Quốc Vương, lệnh Phúc Khang An bồi bạn đến Bảo-Ðịnh tỉnh Trực-Lệ; khi đến Lương-Hương sai Thị-lang bộ Lễ Ðức Minh nghênh tiếp mời trà, rồi hộ tống đến Nhiệt-Hà. Càn Long ban thưởng rất hậu, và đặc cách phá lệ cho hành lễ “bảo kiến” [10] ; có thể thấy được dụng tâm rất khổ công. Thơ Ngự chế của Càn Long ban cho Nguyễn Quang Bình có câu “Doanh phiên nhập chúc trị thời tuần. Sơ kiến hồn như cựu thức thân” [Phiên thần nơi góc biển đến triều cận, gặp dịp Thiên-tử đi tuần thú. Tuy mới gặp nhau lần đầu, đại để như đã quen thân từ trước.] [11] Nhưng “Quốc-vương An-Nam” mà Càn Long “thấy lần đầu, coi như đã quen thân từ trước” thực ra chỉ là một người dung mạo giống Nguyễn Quang Bình, tên là Phạm Công Trị, cháu ngoại của viên Quốc-vương này!” [12]


    © 2005 talawas

    Trả lờiXóa
  3. Theo Minh Vũ HỒ VĂN CHÂM
    http://hoithaoqtsc.blogspot.com/2009/05/le-ngoc-han-3.html

    Ðiều cần lưu ý là vua Quang Trung có đến hai bà Hoàng hậu được tấn phong cùng một lúc. Ngoài Bắc cung Hoàng hậu họ Lê, vua Quang Trung còn có Chính cung Hoàng hậu họ Phạm. Theo Tây Sơn Tiềm Long lục, bà Hoàng hậu họ Phạm này tên là Phạm Thị Liên, người Bình Định, là anh em ruột với Hộ giá Phạm Văn Ngạn, Giả vương Phạm Văn Trị, Thái úy Phạm Văn Tham và Thái úy Phạm Văn Hưng. Bà Phạm Thị Liên lại còn là anh em cùng mẹ khác cha với Thái sư Bùi Ðắc Tuyên và Hình bộ Thượng thư Bùi Văn Nhật.

    Trả lờiXóa
  4. Như vậy Quang Trung gọi Phạm Công Trị là "cậu" để gọi thay cho các hoàng tử, công chúa của mình!

    Trả lờiXóa