Thứ Ba, 5 tháng 5, 2009

Suy nghĩ liên quan đến vị Hoàng hậu họ Phạm đầu tiên - vợ của Mai Hắc Đế

Theo phân tích của Đào Hải Yến: "Những tư liệu mới về Mai Hắc Đế"

Có khá nhiều chi tiết về cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (năm 772) đã bị lớp bụi thời gian che phủ. Từ những truyền thuyết và tư liệu lịch sử mới phát hiện, cuốn Mai Hắc Đế, truyền thuyết và lịch sử của Đinh Văn Hiến đã làm sáng tỏ nhiều điều về Mai Hắc Đế cùng cuộc khởi nghĩa của ông, như tài quân sự của Mai Hắc Đế; sự chuẩn bị công phu, lâu dài trên quy mô cả nước của cuộc khởi nghĩa; về mối liên quan giữa cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng với Mai Hắc Đế.

1 - Cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan được chuẩn bị công phu và lâu dài trên cả nước.

Qua phát hiện của tác giả từ hai bản thần phả của một ngôi đền ở Hà Nội và một ngôi đền ở Hải Phòng, ta biết Mai Thúc Loan có vợ là Phạm Thị Uyển ở châu Đường Lâm (thị xã Sơn Tây ngày nay), một địa điểm xa quê hương đến mươi ngày đường, nhưng lại cạnh nách bộ máy cai trị đầu não chế độ đô hộ (đặt tại Tống Bình - Hà Nội ngày nay). Rồi khi con là Mai Thị Cầu và Mai Kỳ Sơn đủ tuổi, ông lại cho cả hai về làm dâu, làm rể ở Điều Yên (An Hải, Hải Phòng). Tiếp đến, khi khởi nghĩa nổ ở Hoan Châu, thì dưới sự lãnh đạo của quan lang đạo châu Đường Lâm và là ông ngoại bà Phạm; cũng như của hai chị em Kỳ, Sơn, nhân dân cả hai nơi đều phất cờ hưởng ứng. Theo tác giả, điều đó là các chứng lý khẳng định rằng: ít ra đã hơn hai chục năm trước khi châm ngòi khởi nghĩa, Mai Thúc Loan đã nghĩ tới và thực hiện kế hoạch xây dựng ở Đường Lâm và Điều Yên hai căn cứ chuẩn bị cho khởi nghĩa!

Lâu nay, do sự kiện xảy ra từ 13 thế kỷ trước, chính sử Việt Nam lúc đó chưa có, chỉ dựa vào Đường thư, lớp bụi thời gian che phủ lại quá dày, khi nói về cuộc khởi nghĩa này ta chỉ biết những gì xảy ra từ một chuyến đi cống vải Hoan Châu cho nhà Đường (năm 722) và do đó có sự ngộ nhận đây là cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan.

2 - Về mặt quân sự, Mai Thúc Loan xứng đáng xếp vào hàng các thiên tài của đất nước.

Mai Thúc Loan vốn chỉ là một cậu bé sớm sống côi cút, tứ cố vô thân, quanh năm làm thuê cuốc mướn, không một ngày đến lớp; chỉ nhờ vào quyết tâm tự rèn luyện, tự học mà có sức và giỏi vật, võ hơn người; mà am tường chữ nghĩa, biết rộng, hiểu sâu hoàn cảnh đất nước bị đô hộ, mà thù giặc, thương dân, ủ ấp hoài bão cứu nước nhà, nòi giống. Đã vậy, lại sống vào buổi giao lưu khó khăn hồi ấy, thế mà ông lại trường kỳ mai phục, chuẩn bị hơn 20 năm, khảo sát kỹ tình hình, xây dựng căn cứ dựa vào nhau trên 3 địa bàn chiến lược (trong đó địa bàn Đông Bắc là nơi mà 200 năm, rồi 600 năm sau, lần lượt Ngô Quyền, Trần Quốc Tuấn cũng lại chọn làm căn cứ quân sự và nhờ đó lập nên hai chiến công Bạch Đằng lịch sử). Mai Thúc Loan đã vận động Kim Lân, Chân Lạp (Malaysia và Cambodia) cùng vài nước nữa chi viện hơn 20 vạn quân, mở cuộc tổng tiến công quét sạch 20 vạn quan lính đô hộ nhà Đường ra khỏi nước. Việc thành, vua Mai lại tài tình mời số quân chi viện này quay lui. Tác giả cho rằng tới ngần ấy việc, Mai Thúc Loan xứng đáng được xếp vào hàng các bậc thiên tài xưa nay của đất nước-ít ra thì cũng là vẻ mặt quân sự, ngoại giao vậy.

3 - Khởi nghĩa Phùng Hưng là một phần khó tách rời của cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan.

Tìm ra mối tương quan cậu cháu ruột giữa Mai phu nhân và Phùng Hưng, liên hệ với việc sau khi vua Mai thất bại, trên căn cứ Đường Lâm lại nổ ra cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng, lại liên hệ việc nhân dân Nghệ An đã lập đền thờ Phùng Hưng, tác giả Đinh Văn Hiến đã coi cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng là đoạn cuối của khởi nghĩa Mai Thúc Loan và điều đó chứng tỏ ảnh hưởng cuộc khởi nghĩa này đã kéo dài đến gần hết cả thế kỷ thứ 8.

4 - Gia đình Mai Thúc Loan là một gia đình anh hùng

Trước đây ta chỉ biết có hai nhân vật anh hùng trong gia đình vua Mai: Mai Thúc Loan chết vì bệnh trong khi vẫn đang chỉ huy cuộc kháng chiến; con út là Mai Thúc Huy kế vị, đã hy sinh trong chiến đấu chống Dương Tư Húc. Nay cuốn sách cho biết thêm: Trên mặt trận phòng ngự Tống Bình chống cuộc tái xâm lăng của nhà Đường, Hoàng tử cả và Mai Hoàng hậu đã anh dũng hy sinh trên mặt trận Duyên Hải Đông Bắc, Mai Thị Cầu và Mai Kỳ Sơn cũng đánh đổi mạng mình nhằm cứu một số lớn nhân dân bị giặc bắt làm con tin để chiêu hàng hai vị. Như vậy là cả gia đình vua Mai đã " vì nước quên thân" .

Kết thúc bài viết, xin mượn lời giáo sư sử học Phan Đại Doãn trong bài giới thiệu đầu cuốn sách. " Đó là những câu chuyện lịch sử (và một số truyền thuyết được lịch sử hóa) phản ánh một vòng hào quang đẹp đẽ, lâu bền của cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan còn đến ngày nay, mà chúng ta có nhiệm vụ phát huy mọi giá trị văn hóa, tinh thần của nó..."

Đào Hải Yến



Mời quý vị đọc phân tích trên để chia sẻ cùng chúng tôi một số điều:
1. Chuyện Mai Thúc Loan gánh vải cống sang Trung Quốc
2. Hoàng hậu vợ Vua Mai người Đường Lâm, gọi Phùng Hưng là cậu ruột
3. Liên quan giữa khởi nghĩa Mai Thúc Loan và khởi nghĩa Phùng Hưng

Xem thêm thông tin "Ngôi làng 1.000 tuổi kêu cứu"


Phùng Hưng (761-802)

Qua các tài liệu dẫn trên thì: Phạm Thị Uyển, Phạm Huy, Phạm Miễn là ba chị em sinh ba gọi Phùng Hưng là cậu ruột.
Phạm Thị Uyển mất ngay trên dòng sông Tô Lịch (nay có đền thờ bà ở 139 Nguyễn Ngọc Vũ bên bờ sông Tô) sau khi chống quân Đường tái chiếm lại đất Việt khi khởi nghĩa Mai Thúc Loan thắng lợi (tạm cho là năm 722 khởi nghĩa)
Phạm Huy, Phạm Miễn mất trong khởi nghĩa Phùng Hưng (tạm cho là năm 766 khởi nghĩa) mà năm 791 mới đánh được thành Tống Bình.
Có thông tin Phùng Hưng tham gia khởi nghĩa Mai Thúc Loan

Từ những thông tin nêu trên có một số vấn đề chưa thỏa đáng:
1. Phùng Hưng sinh năm 761 đến năm 766 khởi nghĩa thì vô lý, lúc đó ông 6 tuổi sao.
2. Phạm Thị Uyển mất ngay trước khi Mai Hắc Đế mất năm 722, đến sau đó gần 40 năm cậu ruột là Phùng Hưng mới sinh sao? Thế thì cháu ruột sẽ hơn cậu khoảng 60 tuổi? Lại còn 40 năm sau hai anh em Phạm Huy, Phạm Miễn tham gia khởi nghĩa Phùng Hưng cũng chưa thuận lắm. Vì lúc đó hai vị đã quá cao tuổi.
3. Năm sinh của Phùng Hưng và năm khởi nghĩa Mai Thúc Loan ghi trong sử còn chưa hợp lý.
Tra trong danh sách các quan đô hộ phương Bắc ở nước ta thì từ năm 722 – 767 không thấy có quan đô hộ nhà Đường? Nên có thể đây là giai đoạn chuẩn bị của hai cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan và Phùng Hưng chăng.

Như thế có hai khả năng:
a) Nếu kéo lùi thời gian cho cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan khoảng 50 năm thì có vẻ hợp lý hơn: năm 772 Khởi nghĩa Mai Thúc Loan; năm 786 Khởi nghĩa Phùng Hưng Phùng Hưng sinh trước năm 761 mới tham gia khởi nghĩa Mai Thúc Loan được.
Với mốc thời gian của hai cuộc khởi nghĩa mới thấy quan hệ họ hàng của Hoàng hậu Phạm Thị Uyển , Phạm Huy, Phạm Miễn và người cậu ruột là Phùng Hưng không chênh tuổi nhiều. Như vậy mới có Hoàng hậu hy sinh trong khởi nghĩa Mai Thúc Loan, sau đó (10-20 năm) hai anh em họ Phạm tham gia khởi nghĩa Phùng Hưng rồi hy sinh.

b) Hoặc không có chuyện Phùng Hưng tham gia khởi nghĩa Mai Thúc Loan và ba chị em họ Phạm chỉ là người thân chứ không gọi Phùng Hưng bằng cậu ruột.

Tháp Bút

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét