Thứ Ba, 5 tháng 5, 2009

Cử nhân Phạm Đức Hoàn (1889-1954) và tên gọi những người trong gia đình Bác Hồ

Ông sinh ngày 10-5 Kỷ Sửu (1889). Ông Phạm Đức Hoàn đỗ Cử nhân khoa Mậu Ngọ (1918), Khải Định thứ 3 và thi Hội trúng tam trường khoa Kỷ Mùi (1919) - khoa thi chữ Hán cuối cùng.

Vì nhà nghèo túng nên mãi tới 10 năm sau khi thi đỗ, ông mới được bổ dụng. Năm Kỷ Tỵ (1929) ông vào làm Thừa phái tỉnh Quảng Nam. Vào quãng 1942-1943, được thăng hàm Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ và được chuyển lên làm việc tại Thư viện Bảo Đại ở Huế.
Tháng 8-1945, vua Bảo Đại thoái vị, ông về hẳn tại quê với gia đình. Tổng tuyển cử 06-01-1946, chính quyền cách mạng quê nhà mời ông là thân sĩ ra ứng cử vào hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An và ông đã trúng cử với số phiếu cao nhất.

Qua bức ảnh Chủ tịch biết con ông Phó bảng Sắc:

Hồi đầu Cách mạng rất nhiều người còn chưa biết Chủ tịch Hồ Chí Minh có phải là Nguyễn Ái Quốc không. Ngay ở Nghệ An khi đó lại hiếm người biết Hồ Chủ tịch là con ông Phó bảng Sắc. Vậy mà Cử nhân Phạm Đức Hoàn (1889-1954) đã phát hiện ra điều này khi đến thăm em trai là ông Phạm Đức Hào (1894-1947) - ông nội tôi. Ông Cử có tên là Đàn được gọi trệch là Đờn. Lúc đó ở cột nhà ông nội tôi có treo bức vẽ đơn giản chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh (nhìn ngang, không vẽ trực diện), ông Đờn chỉ vào chân dung và nói: “Đây là con ông Phó bảng Sắc. Là Nguyễn Ái Quốc.” Hồi đó ngay cả bà Nguyễn Thị Thanh cũng không rõ thực hư, bà đã ra Hà Nội gặp Hồ Chủ tịch thì đúng là em trai mình. Tại sao ông lại biết rõ điều mà mãi sau này mọi người mới biết?

Thuở bé, có thời gian cậu Đờn học chữ Hán ở nhà thờ Họ Lê làng Nguyệt Bổng xã Thanh Nam (Nhà thờ nay là di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ngay cạnh cầu Rộ, phía thượng nguồn, bên tả ngạn sông Lam – cách Vinh 37 km, ngay đầu cầu nhìn thấy ngôi nhà ngói cổ giữa bãi trồng hoa màu). Hồi đó hai con ông Phó bảng Sắc là Nguyễn Sinh Khiêm (còn gọi là Khơm) và Nguyễn Sinh Cung (còn gọi là Công) cũng theo học ở đó (Khơm Công - Không Cơm là hợp cảnh gia đình cụ Huy lúc đó, cụ Huy chơi chữ). Mặc dù ít hơn cậu Đờn 1 tuổi nhưng cậu Công học rất giỏi. Có lần cậu Đờn đã trêu cậu Công làm hôm sau, cậu Công bỏ học về Nam Đàn. Vài hôm cậu Khơm cũng nghỉ học.

Xin được đính chính lại tên của cụ thân sinh Hồ Chủ tịch là Nguyễn Sinh Huy chứ không phải là Nguyễn Sinh Sắc như mọi người vẫn quen dùng (đa số sách vở đã dùng tên này). Cụ Nguyễn Sinh Huy được mọi người thời đó gọi là Phó bảng Sắc chứ không gọi là Nguyễn Sinh Sắc (không ai gọi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh KhiêmNguyễn Bỉnh Trình). Ông Hồ Bá Hiền - Trưởng ban Sử Họ Hồ cũng công nhận tên gọi của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy là chuẩn xác.

Xuất xứ của tên gọi Phó bảng Sắc như sau: Thời bấy giờ hai huyện Thanh Chương và Nam Đàn cũng ganh đua trong việc thi cử, có người đậu đạt là vinh dự cho cả vùng. Khi Cụ Nguyễn Sinh Huy đỗ phó bảng thì ở Thanh Chương cũng có người đỗ phó bảng. Gia đình người này khá giả nên ở Thanh Chương gọi ông là Phó bảng Tài. Dưới Nam Đàn cũng không kém, liền gọi Cụ là Phó bảng Sắc. Cái tên khá ý nghĩa bởi gia đình Cụ Huy không khá giả nhưng Cụ là người ngoài hay chữ lại rất đẹp trai và nho nhã.

Tháp Bút

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét