Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2009

Phạm Tiêm - quan trấn thủ đất Hoành Sơn

Hoành Sơn - một địa danh đã đi vào sử sách, là cánh cửa mở ra để chúa Nguyễn phát triển xuống phía nam. Thời Lý Nam Đế, Lão tướng Phạm Tu đã đánh thắng quân Lâm Ấp ở Cửu Đức (nay thuộc Hà Tĩnh). Ở huyện Kỳ Anh, phía nam Hà Tĩnh, còn phế lũy Lâm Ấp, vốn là ranh giới cực nam thời xưa. Tại vùng đất này còn có đền thờ một vị quan trấn thủ Nghệ An triều Lê Trung Hưng là Thọ Quận công Phạm Công Tiêm (Phạm Tiêm). Đây là một di tích lịch sử văn hóa thuộc làng Hưng Nhân, xã Kỳ Hưng (nay là khu phố Trung Thượng, thị trấn Kỳ Anh).

Phạm Tiêm là một võ quan, sinh trưởng trong dòng họ có nhiều người làm quan, như Tĩnh Quốc công Phạm Đốc (1514-1559), Hoa Quận công Phạm Trịnh, Khuê Quận công Phạm Đinh, Điện Quận công Phạm Hoành. Ông là con trai trưởng của Thái úy Phạm Đốc (có tài liệu cho rằng Phạm Đốc là Thượng thư Bộ Binh, con nuôi Trịnh Kiểm. Là một danh tướng xếp 22/26 vị danh tướng kể từ thời Đinh Tiên Hoàng đến thời Gia Long) quê gốc ở xã Thần Khê, huyện Vĩnh Lại, phủ Ninh Nhân. Khi làm trấn thủ Nghệ An đóng tại Dinh Cầu (có núi Yên Ngựa, xã Hà Trung, Kỳ Anh) quan trấn Phạm Tiêm lập ấp ở tổng Đậu Chữ (Đỗ Chữ), nay là đất Hưng Nhân. Ông tổ chức nhân dân khai hoang tạo nên cánh đồng xứ Đồng Nại, đắp đê ngăn mặn lấp cửa Lỗ và làm hệ thống thủy lợi dưới chân núi Cao Vọng. Ngoài việc chăm lo đời sống cho nhân dân, ông còn có công giúp nhà Lê chống lại nhà Mạc.

Ảnh: Quang cảnh đền Phạm Công Tiêm
(ảnh do GS H. Le Breton trường Quốc học Vinh chụp, được in trong cuốn Le Vieux An-Tinh xuất bản năm 1936)

Để tưởng nhớ công đức của ông, sau khi ông mất dân làng đã lập đền thờ ngay trên mảnh đất ông sinh sống. Ông trở thành Thủy tổ dòng họ Phạm ở đây và đền thờ còn được gọi là đền Thánh Tổ (Thánh Tổ từ). Hiện đền thờ trong khuôn viên rộng rãi được cây cối bao bọc bốn phía, nằm trên vùng bán sơn địa đất đỏ bazan. Khu di tích có nơi thờ chư vị bách thần, nhà bái đường, thượng điện và không xa ở phía đông là phần mộ của ông.

Trải qua thời gian và thăng trầm lịch sử, đền bị tàn phá nhiều lần cả do chiến tranh cũng như do ý thức của con người, có lúc gần như phế tích. Hiện ngôi đền khá khiêm tốn so với trước nhưng cũng là di tích hiếm hoi trong vùng còn sót lại. Đền còn giữ được các tài liệu hiện vật gốc có giá trị lịch sử như đại tự, hoành phi, câu đối,… và đặc biệt là các sắc phong của các triều vua Cảnh Hưng, Tự Đức, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Thành Thái, Đồng Khánh,…

Từ bao đời nay công trình văn hóa này là chứng tích ghi dấu sự nghiệp chiêu dân lập ấp, khai hoang mở mang bờ cõi của các bậc tiền nhân, là nơi hoạt động của chiến sỹ cách mạng, nơi cất dấu xe, trung chuyển đạn dược, thuốc men, lương thực, nơi nghỉ chân cho bộ đội hành quân… ra tiền tuyến phục vụ hai cuộc kháng chiến. Ngay từ thời kỳ 1930-1931, đền đã là nơi hội họp của đảng viên của chi bộ ở địa phương. Đặc biệt năm 1956, đại tướng Nguyễn Chí Thanh thăm Kỳ Anh và làm công tác sửa sai ngay tại di tích.

Hàng năm cứ đến ngày mùng 6 Tết Nguyên đán, nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội để ghi nhớ công lao của tướng quân Phạm Tiêm. Đây là hoạt động văn hóa, chỗ dựa tinh thần giúp con người hướng tới giá trị truyền thống cao đẹp, trường tồn với mong muốn sống cho đời, sống để cống hiến cho quê hương đất nước.

Tháp Bút
Bài viết sử dụng tư liệu do Họ Phạm ở thị trấn Kỳ Anh cung cấp, tham khảo các cuốn Địa chí văn hoá dân gian Nghệ Tĩnh của Nguyễn Đổng Chi, Le Vieux An-Tinh của H. Le Breton

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét