Thứ Hai, 8 tháng 6, 2009

ĐI TÌM MỘT DÒNG HỌ PHẠM LÀ HẬU DUỆ ĐIỆN SOÁI PHẠM NGŨ LÃO VỀ VÂN HỘI CÁCH NAY TRÊN 600 NĂM

Hiện nay Ban liên lạc hậu duệ Điện soái Phạm Ngũ Lão đã thống kê có trên 30 dòng họ nhận là hậu duệ của vị danh tướng này. Tuy nhiên có một dòng họ Phạm danh gia về Vân Hội cách nay trên 600 năm được gia đình Đại tướng Văn Tiến Dũng xác nhận là có Bà Thủy tổ là người họ Phạm thuộc dòng họ này thì đến nay chưa có thông tin liên hệ.
Làm sao có thể tìm ra dòng họ này?

A. Thông tin về dòng họ Phạm là hậu duệ Điện soái Phạm Ngũ Lão về Vân Hội cách nay trên 600 năm

Theo ghi chép của Mạnh Việt ra ba số liên tiếp từ ngày 11-13 tháng 5 năm 2008: “Đại tướng Văn Tiến Dũng và hơn 3.000 ngày tìm nguồn cội”.
TP- Mới đây, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật của Đại tướng Văn Tiến Dũng (02/5/1917), phu nhân của Đại tướng – cụ bà Nguyễn Thị Kỳ đã gọi điện bảo tôi đến xem nhiều tài liệu, bút tích của Đại tướng mà cụ vừa tìm thấy, mà theo cụ có nhiều cái hay, cái mới.

Bài 1
Bài 2
Bài 3

Năm 1376, ông Phạm Đại công (có thể là nhánh trưởng của hậu duệ Điện soái, là con cháu người con Điện soái được làm quan năm 1318 như ghi trong Đại Việt Sử ký), cháu 5 đời của Phạm Ngũ Lão (cần xem lại đời, có thể 5 đời là chưa hợp lý) về Vân Hội, phủ Hoài Đức (nay là Tân Hội, Đan Phượng) để phòng sự tiêu diệt vây cánh thân cận nhà Trần.

Phạm Thị Duyên-con gái Phạm Đại công lấy Văn Hải Thanh năm 1379 sinh ra Văn Dĩ Thành (1380-1416) về sau có hậu duệ là đại tướng Văn Tiến Dũng.

B. Thông tin về dòng họ Phạm Đình ở Thượng Hội
Xem trên trang web họ Phạm Việt Nam

Trong giới thiệu về các dòng họ Phạm ở cuốn “Họ Phạm trong cộng đồng dân Việt” tập 2 in năm 2007, mục 24 có dòng họ Phạm Đình ở Thượng Hội, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng được nhiều người quan tâm. Người đọc rất chú ý tới một số thông tin của dòng họ Phạm Đình ở Thượng Hội bởi theo giới thiệu thì đây là dòng họ có xuất xứ ngay làng của Danh tướng Phạm Ngũ Lão (1255-1320) và đã phát triển 1000 năm.
Qua các thông tin về họ Phạm Đình ở Thượng Hội chúng tôi nhận thấy có một số điểm còn chưa thể giải thích thấu đáo, xin nêu lên mong có ai đó giúp làm sáng tỏ đôi điều:

1. Về quy mô dòng họ: Dòng họ Phạm Đình ở Thượng Hội phát triển hơn 1000 năm, có khoảng 6 đời đầu (tương đương 200 năm) độc đinh, sau đó phát triển cực thịch với tam chi cửu phái. Dòng họ có 800 trăm năm phát triển mạnh, chúng ta dễ dàng nhận thấy nếu đúng thì đây phải là dòng họ cực lớn. Tạm ví dụ:
- Dòng họ Kính Chủ (phát triển gần 800 năm), dòng họ này đã có rất nhiều chi nhánh kết nối. Đây là một dòng họ xếp hàng đầu trong những dòng họ Phạm lớn.
- Trường hợp đặc biệt là dòng họ hậu duệ của Điện soái Phạm Ngũ Lão hiện có đến cả vạn người với thời gian phát triển 750 năm.
- Một dòng họ nhỏ hơn được cho là dòng dõi Điện soái ở Linh Kiệt với hơn 600 năm, gia phả chỉ ghi được nhánh 1 trong 4 người con của Thủy tổ Phạm Thập, con cháu dòng họ này đã phát triển là dòng họ Phạm lớn nhất xứ Nghệ, cũng đã có nhiều nhánh nhận cùng Tổ.
- Ngay địa bàn Hà Nội có 3 dòng họ Phạm ở Bát Tràng, Đôn Thư, Đông Ngạc cùng phát triển 600 năm cũng là các dòng họ lớn.
- Nhiều dòng họ Phạm phát triển từ thời đầu Lê sơ đều có quy mô nghìn đinh, …
Còn tại Tân Hội, dòng họ Phạm Đình tính đến năm 2000 có 409 đinh, một con số khiêm tốn so với chiều dài phát triển 1000 năm. Hiện cũng chưa thấy mấy chi nhánh kết nối với họ Phạm Đình ở Thượng Hội.

2. Về gián đoạn thông tin quá dài: Khoảng dăm bẩy đời đầu các thông tin về các vị thời này nêu khá chi tiết, quả là hiếm có đối với các vị đã sống trước đây hàng chục thế kỷ. Trong giới thiệu giai đoạn này lại thường không thấy nêu tên địa danh cổ từ thời Lý. Tuy nhiên vấn đề khó lý giải là sự dứt gẫy đến gần 800 năm của gia phả không ghi chép được và sau lại được ghi tiếp từ thế kỷ 19. Hiện nay có lẽ việc xác định người đang sống thuộc đời thứ bao nhiêu so với Thủy tổ là khó khăn. Điều đó khiến không ít người thắc mắc.

3. Về vị đỗ đại khoa triều Lý: Hiện nay tư liệu dòng họ Phạm cho thấy số vị đỗ đại khoa thời Lý chỉ đếm trên đầu ngón tay:
- Trạng nguyên Phạm Công Bình
- Thái học sinh Phạm Tử Hư (có thể con ông là Phạm Tử Kiền)
- Thanh tĩnh Đại phu Phạm Sùng?
- …
Do đó dễ nhận thấy có sai sót trong thông tin của họ Phạm Đình đã nêu:
Đời thứ năm của dòng họ Phạm Đình là cụ Phạm Đình Kim, có tên chữ là Hào Phúc, tên hiệu là Phúc Tín. Cụ sinh năm Giáp Thìn (1064), mất ngày 21 tháng 11 năm Nhâm Tý (1132). Cụ đỗ đại khoa thời vua Lý Thánh Tông (1054-1072) và được bổ làm quan Lãnh công, sau thăng Điện Tiền Hành Khiển. Cụ có ba người con trai (sau này hình thành 3 chi-“Tam chi”) và hai người con gái là: Phạm Đình Trực, Phạm Đình Khang, Phạm Đình Ninh; Phạm Thị Hoà, Phạm Thị Thuận.

Ông Phạm Đình Kim sinh năm 1064, trong khi kết thúc đời vua Lý Thánh Tông vào năm 1072, lúc này ông Phạm Đình Kim mới có 8 tuổi (tám tuổi). Chắc chắn thông tin rất chi tiết in nghiêng ở trên đã bị sai: không thể có một vị 8 tuổi đỗ đại khoa trong lịch sử khoa bảng Việt Nam.

4. Sự gắn bó với dòng họ Văn: Theo các bài viết trên báo Tiền phong điện tử về việc tìm gốc tổ tiên của Đại tướng Văn Tiến Dũng (đã nêu ở trên) , chúng tôi thấy sự gắn bó giữa họ Phạm và họ Văn ở Thượng Hội. Quả là trong thông tin của họ Phạm Đình có bà tổ họ Văn. Như vậy bà cũng đã sống cách nay hơn 1000 năm. Chúng tôi hỏi thông tin từ người dòng họ Văn ( Ông Văn Tiến Thao ở Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Nghệ An, dự định xây nhà thờ Tổ họ Văn Việt Nam trên đất của ông Thao hiến cho dòng họ.), được cho biết: Họ Văn hiện nay nhiều khả năng có gốc từ một ông tổ, người này về sống ở Hoàng Mai, Nghệ An cách nay khoảng 1000 năm, hiện có mộ tổ ở đây. Các dòng họ Văn ở các tỉnh khác phát triển sau, thời gian 800 năm trở lại. Ở Hà Tây (cũ) có họ Văn mà một vị được gọi là ông Vua áo đen.

C. Thử gắn kết thông tin

Tạm gác chuyện họ Văn ở Hà Tây đã phát triển khoảng 700 năm. Chúng ta thấy rõ là thông tin về xuất xứ của họ Văn ở Thượng Hội sẽ góp phần khẳng định về chiều dài phát triển của họ Phạm Đình.

Xin được nêu ra một vài suy nghĩ bật ra khi đọc bài viết về việc tìm họ của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Đây chỉ là ý kiến nêu lên để hy vọng có một cách giải thích đúng cho sự thật về gốc họ (chỉ một như là chỉ một mẹ thôi), chắc chắn chưa có đủ thông tin để hệ thống lại vấn đề nên có thể chưa hoàn toàn sát thực. Nếu có sai sót xin được đại xá!

Bởi sự trùng hợp về địa điểm cả điểm đi và điểm đến của hai người cùng họ Phạm di cư: đi từ Phù Ủng, huyện Đường Hào đến ở xã Tân Hội, phủ Hoài Đức (mà hiện nay chưa có thông tin về hậu duệ dòng Phạm Đại công, Ban Liên lạc hậu duệ Phạm Ngũ Lão cũng chưa có tin tức về dòng họ này)

- Ông Phạm Đình Nhân (992-1067) sống ngay sau thời ông Phạm Hạp, Phạm Cự Lượng, việc sáng tỏ thông tin của họ Phạm Đình sẽ là thông tin quý cho việc kết nối dòng họ.

- Năm 1014, ông Phạm Đình Nhân lấy vợ họ Văn ở Thượng Hội và lập nghiệp ở đây.

- Năm 1376, sau 362 năm (1376-1014=362 năm) ông Phạm Đại công (có thể là nhánh trưởng của hậu duệ Điện soái, là con cháu người con Điện soái được làm quan năm 1318 như ghi trong Đại Việt Sử ký), cháu 5 đời của Phạm Ngũ Lão (cần xem lại đời, có thể 5 đời là chưa hợp lý) về Vân Hội, phủ Hoài Đức (nay là Tân Hội, Đan Phượng) để phòng sự tiêu diệt vây cánh thân cận nhà Trần.

- Phạm Thị Duyên-con gái Phạm Đại công lấy Văn Hải Thanh năm 1379 sinh ra Văn Dĩ Thành (1380-1416) là Nguyên soái Hắc y (Có trong truyện Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ với tên là Dạ Xoa tướng quân), đứng đầu một lực lượng khởi nghĩa chống quân Minh (1406-1416). Có phải đây chính là ông Vua áo đen như thông tin lưu truyền trong dòng họ Văn? Như vậy có thể con cháu Phạm Đại công cũng tham gia khởi nghĩa.

- Việc ông Phạm Đại công đi lánh nạn đương nhiên phải che mắt thiên hạ, không thể nhận mình là dòng dõi Điện soái Phạm Ngũ Lão. Chắc chắn các vị phải có sách, thượng sách là thay đổi về tung tích. Buộc không được nhận là con cháu Phạm Điện soái. Một cách có thể làm là thay đổi về thời gian xuất hiện nguồn gốc dòng họ, như ghi lại sự ra đời của dòng họ trước khi cụ thân sinh của Điện soái về Phù Ủng vài trăm năm.

- Tạm nêu một giả thiết để quý vị xem xét: Phải chăng ông Phạm Đình Nhân rất gần gũi huyết thống với Phạm Đại công, nhưng để che mắt lực lượng trỗi dậy của Hồ Quý Ly, người nhà Phạm Đại công đã ghi chép lại niên đại sớm hơn vài trăm năm (chỉ nhánh trực hệ, không làm liên lụy đến các chi nhánh khác). Do đó xuất hiện ghi chép về nhiều đời đầu chỉ có độc đinh với thông tin rất chi tiết. Con số 360 năm được chọn bởi nó gần bằng quãng thời gian chênh lệch giữa hai người về Tân Hội (Phạm Đình Nhân về năm 1014, Phạm Đại công về năm 1376) với giả thiết lấy thông tin Phạm Đình Nhân gắn cho Phạm Đại công và lùi thời gian 360 năm. Con số 360 lại bằng đúng 6 x 60, là 6 “lục thập hoa giáp”. Dẫu sao cũng thấy khó giải thích về sai lệch năm theo can chi vì con số chính xác là lệch 362 năm. Nếu giả thiết lấy thông tin về Phạm Đình Nhân gán cho một ông tạm gọi là Phạm Đại lang là bậc cha ông của Phạm Đại công thì con số lệch thời gian nên chọn là 300 năm, như vậy có thể Phạm Đại lang là con của Phạm Ngũ Lão. Thông tin về Phạm Đại lang lúc này như sau: ông sinh 992+300=1292 (lúc đó Phạm Ngũ Lão 37 tuổi), năm 1012+300=1312 đi lính, 1014+300=1314 cưới vợ (không khẳng định lấy bà họ Văn, về Thượng Hội vào năm này), 1018+300=1318 được làm quan như người nêu trong Đại Việt sử ký. Phạm Đại lang mất năm 1067+300=1367. Sau đó 9 năm, Phạm Đại công cùng con cháu về Tân Hội.

- Từ đây cũng thấy Phạm Đại công là cháu 3-4 đời (không phải 5 đời như ghi chép của Mạnh Việt trên báo Tiền phong điện tử) của Phạm Ngũ Lão thì phù hợp hơn vì: Năm 1379 con gái Phạm Đại công đã lấy chồng. Nếu Phạm Thị Duyên là cháu đời 6 của Phạm Ngũ Lão (sinh năm 1255), bà sinh khoảng năm 1360. Trong khoảng 100 năm (1360-1255=105) phát triển 5 đời liên tiếp từ Phạm Ngũ Lão đều lấy vợ và đều có con trai ngay tuổi đôi mươi. Điều này rất hiếm xảy ra và khoảng năm 1275 nhiều khả năng Phạm Ngũ Lão chưa lấy vợ.

Điều mong mỏi của chúng tôi vẫn là mong sao cho ai muốn kết nối đều tìm ra sự thật, chỉ có một nguồn gốc, tìm sai thì thật có lỗi với Tổ tiên. Nhận sai gốc họ thì càng đáng tiếc! Là người trong đại tộc kính mong quý vị chỉ dạy.

Ngày 07.12.2008
Tháp Bút

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét