Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

Ai là người bắt sống Phạm Nhan

Việt sử giai thoại: Sự tích miếu Phạm Nhan
Người xưa, nhất là phụ nữ, rất sợ bị Phạm Nhan làm hại, bởi thế mà họ đã nghĩ ra không ít cách khác nhau để trừ Phạm Nhan. Nhưng Phạm Nhan là ai? Sách Công dư tiệp ký (quyển 3) của Tiến sỹ Vũ Phương Đề chép rằng:
“Miếu Phạm Nhan ở xã An Bài, huyện Đông Triều, nằm ngay bên bờ sông Thanh Lương. Tục truyền, thần của miếu này người họ Nguyễn tên là Linh. Cha của thần vốn người Quảng Đông (Trung Quốc), di cư sang nước ta, cư ngụ ở xã An Bài, lấy vợ ở đó và sinh được người con trai, đặt tên là Bá Linh. Lớn lên, Bá Linh lại về Trung Quốc, thi đỗ Tiến sỹ và làm quan cho nhà Nguyên. Y có biết chút ít phép thuật phù thủy nên được phép vào trong cung đình để chữa bệnh. Nào dè vào đó, y thông dâm với bọn cung nữ, bị khép vào tội phải chết. Khi y sắp sửa bị đem ra hành hình thì nhà Nguyên xua quân sang xâm lược nước ta, y liền xin được làm kẻ hướng đạo cho quân Nguyên để lập công chuộc tội. Nhà Nguyên chấp thuận. Nhưng rồi vì bị đại bại ở trận Bạch Đằng, Bá Linh cùng bọn Ô Mã Nhi... đều bị Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn bắt sống. Bá Linh lại một lần nữa, bị khép vào tội phải hành hình. Lần này, y xin được về chết ở quê mẹ, vì thế Hưng Đạo Đại Vương cho đem hắn về chém tại xã An Bài rồi quăng xác xuống sông. Bấy giờ, có hai người đánh cá ở khúc sông này, kéo lưới lên, chẳng được cá mà được... cái đầu của Bá Linh, hoảng sợ, họ bèn cùng nhau khấn thầm rằng:

Nếu hồn ông có thiêng thì xin phù hộ cho chúng tôi đánh được nhiều cá, xong, chúng tôi sẽ xin mai táng hẳn hoi.

Họ vừa khấn xong thì lạ thay, kéo mẻ lưới nào cũng được rất nhiều cá, vì thế họ bèn đem đầu Bá Linh lên táng trên bờ sông. Từ đấy về sau, mỗi lần ra chợ bán cá, đi qua chỗ mai táng đầu Bá Linh, họ đều chỉ tay vào đó mà nói:

Mời bác cùng đi chơi cho vui.

Riết rồi thành thói quen, hồn ma Bá Linh cùng nhập bọn mà đi với họ, người đương thời gọi đó là Tam hồn. Tam hồn phải thói hay chòng ghẹo phụ nữ. Hễ thích chòng ghẹo ai, họ chỉ cần đưa tay về phía người đó rồi gọi tên Bá Linh, người ấy nhất định sẽ bị ma ám ngay, vì thế, người trong vùng ấy phải lập miếu để thờ. Lại nói chuyện Bá Linh, trước khi bị đem chém, hắn có cầu xin Hưng Đạo Đại Vương rằng:

Tôi nay đã bị tội chém đầu, vậy trước khi chết, xin cho tôi được ăn một món lạ nào đó.

Hưng Đạo Đại Vương cả giận, mắng rằng:

Cho mày ăn máu của đàn bà đẻ ấy.

Bởi thế mà sau khi chết, hồn ma của y thường đi khắp nơi để tìm hút máu đàn bà, ai mắc phải đều bị bệnh liên miên, thuốc thang mấy cũng vô ích. Bệnh ấy gọi là bệnh Phạm Nhan. Ai mà sớm đoán biết được rằng mình mắc bệnh Phạm Nhan thì phải tới ngay đền thờ Vạn Kiếp (hay đền thờ Kiếp Bạc, nơi thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn), đem chiếu mới đổi lấy chiếu cũ có sẵn ở đó, về nhà, thừa lúc người bệnh không để ý, lấy trải cho họ nằm, đồng thời xin thêm một ít chân nhang đem đốt thành than và hòa vào nước cho uống thì mọi chứng bệnh đều tiêu tan hết. Việc này nếu để bệnh nhân biết là không hiệu nghiệm. Điều đáng nói là chỉ những ai thực sự bị bệnh Phạm Nhan, dùng thuốc này mới nhân đó mà được khỏi hết mọi bệnh, bằng không thì chẳng ích gì. Thiên hạ tin như vậy nên cứ lũ lượt kéo nhau đến đó để đem chiếu mới đổi lấy chiếu cũ, chẳng lúc nào ngơi. Có người đem chiếu về, chưa kịp thay mà người bệnh đã khỏi. Đại để, sự ứng nghiệm là như thế”.

Lời bàn: Trong chỗ lênh đênh sông nước dặm dài, duyên kỳ ngộ giữa các thương nhân với những người con gái khác xứ cũng là sự thường, cho nên, Bá Linh có mặt giữa cõi đời cũng chẳng có gì là lạ cả. Giận thay, Bá Linh lại là… Bá Linh, trên thì đắc tội với đấng cao xanh, dưới thì đại ác với đất tổ của mẹ, sống một đời mà bị khinh ghét những muôn đời!

Để cứu lấy mạng sống của mình, kẻ thất đức thường bất chấp sinh linh của người khác. Nhưng, như Bá Linh kia, dám vì cứu lấy mạng sống của mình mà dẫn quân xâm lăng về dày xéo lên đất quê mẹ, tức là trong đại tội còn có thêm đại tội nữa, thì làm sao mà cầu được dung tha? Hắn đòi chết ở quê mẹ, tưởng thế là hay, dè đâu lại nhục đến muôn lần sự nhục.

Kẻ bi tử hình thường được ăn bữa ăn ngon cuối cùng, được nói lời trăn trối cuối cùng. Bá Linh bị chém, lòng những nghĩ rằng mình bất quá cũng chỉ là tên tử tù nên mới đòi ăn như vậy. Khốn khiếp thay! Hắn bị giết là bởi chẳng có cách trừng trị nào lớn hơn sự giết, chớ như hắn, làm sao mà có thể gọi là một tên tử tù như bao kẻ tử tù? Đấng đạo đức như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn mà cũng buộc phải nói lời như ông đã nói, bởi vì có cách nói nào tương xứng với nhân cách của Bá Linh đâu. Đến món ăn khủng khiếp ấy, Bá Linh cũng không dễ để có được nên hắn lại làm càn để kiếm mà ăn.

Dân lập ra đền thờ Phạm Nhan chẳng phải để thờ Phạm Nhan mà là để nhắc nhở với muôn đời rằng, nếu không muốn sống cho đàng hoàng thì hãy coi chừng, hồn Bá Linh trong miếu Phạm Nhan còn đó, thối tha hơn mọi sự thối tha. Một mảnh chiếu cũ trong đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đủ để xua hết mọi nỗi lo sợ và bệnh tật, nếp nghĩ ấy, niềm tin ấy… đáng kính biết ngần nào.

Mỗi thời có một cách giáo dục rất khác nhau. Hương khói của ngàn xưa nào phải chỉ giản đơn là chuyện hương khói. La đà giữa những nơi thờ tự, chừng như hương khói cũng từng góp phần không nhỏ vào việc đề cao và tôn vinh cái tốt đẹp, khinh ghét và lên án cái xấu xa. Quả có vậy mà.

Nguyễn Khắc Thuần
Nguồn tin: Đại biểu nhân dân

I. Nhân dân đã giúp Hưng Đạo vương lấy cái đầu Phạm Nhan
(Theo sự tích đền Kiếp Bạc)
Cách đền Kiếp Bạc 1km về phía bắc, bên dòng sông Thương có môt ngôi nghè. Theo truyền thuyết ngôi nghè đó thờ bà hàng cơm đã có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông ở thế kỷ XIII

Khi quân Nguyên Mông tràn sang, bà chủ quán được Hưng Đạo Vương tin cậy giao cho việc theo dói, quan sát các đội binh thuyền của giặc và sự di chuyển hoạt động của chúng qua những binh lính vào ăn quà, uống rượu, rồi mật báo để người kip thời đối phó. Một hôm có một người ăn vận đồ xanh, tướng mạo hung dữ vào ăn hàng, uống rượu. Bà dò hỏi tên tuổi, được biết đó là tên tướng giặc Phạm Nhan.

Theo truyền thuyết, Phạm Nhan sinh ở Đại Việt, bố người Tầu, mẹ người Việt. Hắn bỏ sang Tầu xin nhập vào đội quân xâm lược nhà Nguyên Mông. Biết được nguồn gốc xuất thân của hắn, vua Nguyên là Hốt Tất Liệt tin dùng, phong làm tướng phù giúp cho con trai là Thái tử Thoát Hoan đi xâm lược Đại Việt.

Khi đã tiếp rượu cho tên tướng giặc uống say, bà chủ quân mới lựa lời dò hỏi : "Nghe nỏi Tướng quân tài giỏi có nhiều phép mầu có phải không ạ ?" Trong lúc say rượu tên tướng giặc khoe khoang về tài nghệ của mình, hắn nói :" Ta có ngũ phép (5 phép) thần thông, đang to khỏe hoá nhỏ không dây nào trói được, chém đầu này mọc đầu khác".

- Tướng quân tài giỏi như vậy còn sợ ai chém nữa ?

- Muốn trói ta phải trói bằng chỉ ngũ sắc, ta sẽ không hóa nhỏ được, song muốn chém đầu ta và không cho mọc đầu khác thì phải dùng vôi tôi trộn với phân gà sáp và bồ hóng mà bôi lên lưỡi kiếm.

- Tướng quân đang chỉ huy thuyền nào ?

- Tên tướng giặc Phạm Nhan chỉ xuống chiếc thuyền to nhất đậu ở phía bên sông :

- Trong thuyền có nguyên soái Ô Mã Nhi và ta chỉ huy.

- Nắm được bí mật đó, bà chủ quán đã kịp thời báo ngay về quân doanh cho Trần Hưng Đạo biết.

-Tại trận Bạch Đằng lịch sử, đoàn thuyền của giặc sa vào bãi cọc ngầm của ta bày sẵn. Đoàn thuyền tan vỡ chìm xuống sông. Quân ta tràn lên thuyền của Ô Mã Nhi bắt sống tên tướng giặc và Phạm Nhan, Hưng Đạo Vương sai lấy chỉ ngũ sắc trói chặt Phạm Nhan lại. Khi mang ra pháp trường thấy vôi, phân gà sáp và bồ hóng đã được bôi lên lưỡi kiếm hắn sợ hãi vô cùng. Khi biết chắc là chết, hắn xin được nói lời cuối cùng : Xin được mở rộng lượng khoan dung, hãy chém hắn thành 3 đoạn, một đoạn vứt xuống sông, một đoạn vứt lên bờ còn một đoạn vứt lên rừng. Tương truyền sau này đoạn xác của Phạm Nhan vứt xuống sông biến thành đỉa, đoạn vứt lên bờ biến thành muỗi, đoạn vứt lên rừng biến thành vắt. Nay mỗi khi gặp những con vật đó, nhân dân ta thường gọi là giặc Phạm Nhan.

Còn bà chủ quán hàng cơm được vua Trần phong chức : Thiên Hương Ngọc Trịnh công chúa"

Khi bà mất để tỏ lòng biết ơn người có công với nước, nhân dân ta lập nghè thờ tại quán hàng của bà.


II. Người bắt sống Nguyễn Linh Nhan

Thuần Chính Thập Nhị Thủ

Tác giả : Thủy Tiên Công Chúa (1254 - 1329)

Xuất xứ : Vạn Pháp Quy Nguyên và Đông A Di Sự (phần Vũ kinh)

Dịch, biên tập chú giải : Trần Đại-Sỹ

Với sự trợ giúp của Võ sư Trần Huy Quyền, Lê Như-Bá

Copyright by Trần Đại Sỹ – Trần Huy Quyền – Lê Như Bá

Các soạn giả giữ bản quyền.

1. NGUỒN GỐC

Năm 1280, quân Mông Cổ chuẩn bị sang xâm lăng Việt Nam. Vua ra lệnh cho các vương hầu, tướng sĩ, võ phái đều được mộ binh, tổ chức huấn luyện. Trong hoàng cung, bà Linh Từ (Vương phi của Trung vũ đại vương, lĩnh Thái sư Trần Thủ Độ) họp tất cả các phi tần, công chúa, cung nga, quận chúa lại và ban huấn từ :

"Giặc sắp đến, các người phải luyện tập võ nghệ để có thể xuất trận chống xâm lăng. Nếu võ không tinh thì ít ra cũng tự bảo vệ được bản thân, không làm bận đến tướng sĩ để bảo vệ"

Bà chỉ định : Khâm Từ hoàng hậu, Thiên Thụy công chúa (vương phi Hưng Võ Vương, con Hưng Đạo Vương) và Thủy Tiên Công chúa dạy các cung phi, cung nga. Còn công chúa, quận chúa thì đích thân bà dạy.

Khi dạy võ, Thủy Tiên Công chúa thấy dạy cương quyền cho phái nữ để chuẩn bị chống với binh sĩ Mông Cổ là loại người to lớn, dũng mãnh, thì khó mà bảo toàn thân thể. Vì vậy bà mới tìm ra tất cả thế nhu, chống lại đủ hình thức tấn công của đối thủ. Sau khi thắng Mông Cổ, bà chép lại thành bộ "Thuần Chính Thập Nhị Thủ" là những phương pháp hiền hậu để tỏ ra mình là người trinh tĩnh, tiết hạnh.

Năm Xương Phù thứ 11 (1387) Thái-sư Trần Nguyên Đán chép vào bộ Đông A Di Sự, chú thích, vẽ đồ hình đầy đủ, và cho khắc bản in. Nay còn lưu truyền.

2. TIỂU SỬ TÁC GIẢ

Thủy Tiên Công Chúa là dưỡng nữ Hưng Đạo Vương. Không rõ bà xuất thân từ đâu, cha mẹ là ai. Chỉ biết bà được Hưng Đạo Vương yêu thương nhận làm con nuôi. Bà sinh niên hiệu Nguyên Phong thứ tư (1254) đời vua Trần Thái Tông. Lên sáu tuổi bắt đầu học võ với Hưng Đạo Vương. Sau này bà học với Khâm Từ hoàng hậu (vợ vua Nhân Tông, và là con đẻ Hưng Đạo Vương). Nhưng sự thực tất cả võ công và nội công của bà do Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng và Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản dạy. Hưng Đạo Vương gả bà cho danh tướng Phạm Ngũ Lão. Dã sử tương truyền trình độ võ học của bà được liệt vào hàng thứ 15 đời Trần, trong khi Phạm Ngũ Lão đứng hạng thứ 17, tức võ nghệ thua bà hai bậc. Bà có công huấn luyện võ thuật cho toàn thể cung phi, cung nga đời Trần. Chính vì vậy, khi mà quân Mông Cổ chiếm Thăng Long, các cung phi, cung nga tự bảo vệ, di tản an toàn, không cần hộ tống.

Tuy nhiên, bà không hoàn toàn đi theo hoàng cung. Bà theo sát phu quân là danh tướng Phạm Ngũ Lão đánh trận Chương Dương, Nội Bàng, sau này cũng chính bà theo phu quân chinh phạt Ai Lao (Lào) và Chiêm Thành.

Sách Đông A Di Sự, Thủy Tiên Công Chúa liệt truyện chép :

"Công chúa mặt đẹp như ngọc, dáng người thanh nhã, tiếng nói khoan thai, lòng đầy nhân ái, nhưng khi xung trận thì dũng mãnh phi thường".

Bộ Mông Thát Cáo Lục chép :

"Vợ tướng họ Phạm là con gái của Hưng Đạo Vương, không biết tên là gì, tước phong Thủy Tiên Công Chúa. Thủy Tiên dáng người thanh thoát, mặt đẹp ; nói thông thạo tiếng Mông Cổ âm Hoa Lâm, tiếng Hán âm Lâm An. Khi lâm trận đối đáp với tướng Mông Cổ bằng ngôn từ nhẹ nhàng, nhưng khi giao tranh thì dũng mãnh phi thường. Nhiều tướng Mông Cổ không đề phòng, bị Thủy Tiên giết. Tướng Nguyễn Linh Nhan bị Thủy Tiên bắt sống".

Lưu ý độc giả, trong tất cả các sách của Trung quốc viết về cuộc chiến Mông Việt, họ gọi thẳng tên các vua Trần. Như vua Trần Thái Tông họ gọi là Trần Cảnh, trong khi họ gọi Trần Quốc Tuấn bằng tước Hưng Đạo Vương, để tỏ lòng kính trọng.

Công chúa hoăng vào niên hiệu Khai Thái năm thứ sáu đời Trần Minh Tông (1329), thọ 75 tuổi. Huyền sử Việt Nam kể rằng sau khi mất bà hiển thánh. Cho nên ngày nay tại tất cả các đền thờ Hưng Đạo Vương trên toàn Việt Nam đều có tượng thờ bà. Tại đền thờ nói đến Tứ vị vương tử, nhị vị vương cô, bà là một trong nhị vương cô. Chính bà đã dùng một chiêu trong Thuần Chính Thập Nhị Thủ bắt một danh tướng Mông Cổ là Nguyễn Linh Nhan, cho nên ngày nay mỗi khi về đồng bà, người ta còn diễn lại tích này.

Về võ học, bà có để lại các phát minh sau :

Thuần Chính Thập Nhị Thủ

Thủy Tiên Liên Hoa quyền,

Thủy Tiên Trường Xuân Công,

Thủy Tiên Trị Liệu Thủ (phương pháp dùng chỉ lực chữa bệnh)(Thất truyền)

3. PHÂN TÍCH CÁC THỦ

Thủ nghĩa đen là tay. Mỗi thủ có một tên, 12 thủ có 12 tên nguyên thủy do công chúa đặt ra. Nhưng khi chép vào bộ Đông A Di Sự, Thái sư Trần Nguyên Đán lại đổi tên đi để cho hợp với các hoạt động cơ thể.

Đệ nhất: Việt nữ chính thủ, gồm 12 chiêu phá các thế nắm tay,

Đệ nhị: Việt nữ phản thủ, gồm 12 chiêu chống lại bóp cổ,

Đệ tam: Việt nữ tịch tà, gồm 12 chiêu khóa tay chân,

Đệ tứ: Việt nữ bảo tiết, gồm 12 chiêu nằm tự vệ,

Đệ ngũ: Việt nữ phản chế, gồm 12 chiêu tự vệ khi bị nắm áo,

Đệ lục: Thiên cẩu nhập nội, gồm 12 chiêu tự vệ khi bị nắm tóc,

Đệ thất: Việt nữ phục hổ, gồm 12 chiêu tự vệ khi bị tấn công bằng thủ pháp,

Đệ bát: Anh thư bảo quốc, gồm 12 chiêu thức tuyệt diệu của nhu quyền,

Đệ cửu: Việt nữ thuần chính, gồm 12 chiêu tự vệ khi bị ôm,

Đệ thập: Ô nha phạm cảnh, gồm 12 chiêu tự vệ chống cước,

Đệ thập nhất: Việt điểu nam phi, gồm 12 chiêu tự vệ chống dao,

Đệ thập nhị: Nam thiên anh kiệt, gồm 12 chiêu tự vệ khi bị trói,

Ngoại trừ thủ thứ 11 và 12, các thủ đều nằm trong tư thế chống lại các loại quyền cước. Khi luyện tập Thuần Chính Thập Nhị Thủ phải nhớ các nguyên tắc sau :

– MỘT LÀ, đọc, nhớ kỹ danh hiệu các chiêu thức. Mỗi chiêu thức có một tên, tên đó nhắc nhở cho biết nội dung động tác.

– HAI LÀ, thuộc các nguyên lý võ học.

– BA LÀ, luyện tập theo thứ tự từ chiêu thứ 1 đến chiêu thứ 12.

– BỐN LÀ, trước khi luyện, phải luyện Nội công, Khí công chỉ định. Sau khi thuần nhuyễn Nội công, Khí công mới luyện các chiêu.

– NĂM LÀ, phải luyện theo thứ tự, từ thủ thứ nhất, đến thủ thứ nhì...

Vì là loại nhu quyền, nên tuyệt đối tránh dùng cương giải quyết, không được xử dụng những đòn, thế của cương quyền. Luôn luôn nhớ rằng : người xử dụng nhỏ bé, không biết võ, chống lại người to lớn khỏe mạnh.

Mỗi chiêu thức bao giờ cũng có ba phần, đó là một nguyên lý căn bản của Võ Việt đời Trần, để phân biệt với các võ khác. Đó là : Công, Nghinh, Thủ.

Nhiều võ phái khác, mỗi chiêu thức của họ chỉ CÔNG không, hoặc NGHINH không, hoặc THỦ không. Nhưng môn võ này là võ Trấn Bắc Bình Nam nghĩa là bảo vệ quốc gia, cho nên :

– Trong thế CÔNG bao giờ cũng kín đáo, không để hở cho địch tấn công vào, như thế là trong thế công có thế thủ.

– Trong thế THỦ bao giờ cũng dự trù một thức phản công, như thế là trong thế thủ có thế công.

– Trong một chiêu, mà chúng ta xuất phát, không bao giờ tấn công trước. Đợi đối thủ xuất chiêu rồi nhân đó phản công. Thế là trong thế công bao hàm chống đỡ, đó là NGHINH.

4. NỘI CÔNG, KHÍ CÔNG XỬ DỤNG

Cũng như hầu hết các pho võ thuật tối cổ của tộc Việt: Mỗi pho đều đính kèm phần Nội công, Khí công áp dụng. Trong Thuần Chính Thập Nhị Thủ, Công chúa Thủy Tiên có đính kèm:

– Mỗi Thủ đều có phần Nội công bắt buộc người luyện phải tập, để có thể sử dụng những chiêu thức sao cho linh hoạt, dẻo dai, thăng bằng và có lực.

– Một phần Khí công bắt buộc phải luyện mới có thể phát lực. Hơn nữa sau mỗi buổi tập, sao cho cơ thể không mệt mỏi, cùng quy tụ chân khí.

– Muốn luyện Nội công, Khí công của Thuần Chính Thập Nhị Thủ phải hội đủ các điều kiện sau: ·

Một là, phải hiểu thấu đáo một trong các kinh Kim cương, Lăng già hay Bát nhã, sau buổi tập dùng quy liễm chân khí. Theo quan niệm các võ học danh gia thời Đông a (Trần) thì khi luyện võ trong tâm đều nảy sinh ra ác nghiệp: muốn giết, muốn đánh đối thủ. Cái ác tâm đó dần dần tích tụ sẽ sinh ra những phản ứng tai hại trong cơ thể. Sau này được gọi là nhập ma chướng. Cho nên khi luyện Thuần chính Thập Nhị Thủ phải dùng tinh hoa của ba kinh Kim cương, Lăng già và Bát nhã hóa giải. ·

Hai là, phải biết dẫn khí. ·

Ba là, phải biết điều khí thông qua 12 chính kinh, Kỳ kinh bát mạch, vòng Tiểu Chu thiên, vòng Đại Chu thiên.

Phần này chúng tôi không dịch, không chú giải, vì quá dài. Nếu biên tập hết, chẳng hóa ra phải soạn một pho Võ học toàn thư ư? Chúng tôi không có thời gian để làm công việc này. Vì cuộc đời tôi đã dành để viết về năm thời đại oanh liệt của tộc Việt trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Xin độc giả niệm thứ. Tôi hứa sau khi hoàn thành:

– Thời đại Lĩnh Nam Thuật vua Trưng cùng 162 tướng khởi binh lập nền tự chủ.

– Thời đại Tiêu Sơn Thuật cuộc đánh Tống, bình Chiêm của triều Lý.

– Thời đại Đông A Thuật cuộc bình Mông, đời Trần.

– Thời đại Lam Sơn Thuật cuộc khởi nghĩa của vua Lê.

– Thời đại Tây Sơn

Thuật cuộc khởi nghĩa của Tây sơn và đánh giặc Thanh.

Bấy giờ tôi sẽ biên tập, dịch bộ Vạn Pháp Quy Nguyên.

5. HUẤN THỊ TỔNG QUÁT

Đây chỉ là một võ học bậc trung, không phải là loại tuyệt học, tức võ học tối cao. Tuy nhiên trong cũng có 40% là những có khả năng giết người trong chớp mắt. Nhất là những chiêu điểm huyệt. Các võ sư, huấn luyện viên, giáo sư không nên dạy cho võ sinh cấp nhỏ học. Vì muốn điểm huyệt phải :

– Hiểu rõ 12 kinh mạch, Nhâm, Đốc. Hơn nữa phải học nội công biết phát lực đã.

– Điểm huyệt không trúng, thì rất nguy hiểm cho bản thân.

– Điểm mạnh quá làm đối thủ chết hoặc thành phế tật, thiếu nhân đạo. Dầu đối với kẻ thù.

– Điểm trúng rồi làm sao giải huyệt ?


Trần Đại Sỹ

Hữu Phước (Theo sưu tầm)

Nguồn: diendanaptech
III. Yết Kiêu
Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế, không rõ năm sinh, năm mất, quê ở làng Hạ Bì, huyện Gia Lộc, nay là huyện Tứ Lộc, tỉnh Hải Dương. Ban đầu, Yết Kiêu làm môn hạ giữ việc chèo thuyền cho Trần Hưng Đạo. Năm Thiệu Bảo thứ 6 (1284), quân Nguyên sang đánh nước ta lần thứ 2, Trần Hưng Đạo rút quân về đóng ở Vạn Kiếp. Một lần gặp phục binh của giặc, chiến thuyền của quân ta đều chạy tan, Hưng Đạo Vương bỏ thuyền theo đường ven chân núi mà đi. Yết Kiêu đưa thuyền chờ chủ tướng trên Bến Tân (sông Lục Nam), nhờ đó đã cứu thoát được chủ tướng.

Ông là một trong 5 tùy tướng tài giỏi của Hưng Đạo Vương: Cao Mang, Đại Hành, Nguyễn Địa Lô, Dã Tượng và Yết Kiêu. Tháng 6-1285, ông cùng Phạm Ngũ Lão và Dã Tượng chủ huy quân phục kích ở Tây Kết, góp phần đánh tan 50.000 quân Nguyên, giết Toa Đô tại trận.

Trong các trận thủy chiến, với tài bơi lặn, ông đã nhiều lần lập công, thường lặn xuống nước, đục thủng thuyền giặc, gây cho địch nhiều thiệt hại và mưu trí bắt sống Phạm Nhan (tức Nguyễn Bá Linh) tay sai phản nước ngay trên thuyền của Ô Mã Nhi.

Sau khi ông mất, được ban tặng chức Đại vương, phong làm phúc thần. Vua nhà Trần cho dựng đền ở bến sông Hạ Bì để thờ phụng.
Nguồn tin: Đà Nẵng

Danh tướng Phạm Ngũ Lão

Vương triều Trần, một vương triều với nhiều võ công hiển hách, có những đóng góp quan trọng về văn hiến trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Một trong những nét đặc sắc của triều Trần là việc xuất hiện những vị tướng văn võ song toàn ở mọi tầng lớp, mà người tiêu biểu nhất là Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão, một danh tướng xuất thân từ tầng lớp nông dân.


Hoành sóc giang san cáp kỷ thu
Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu

(Thuật hoài - Phạm Ngũ Lão)

Phạm Ngũ Lão sinh năm Ất Mão (1255) tại làng Phù Ủng (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) đúng vào lúc vương triều Trần đang động viên sức dân cả nước chuẩn bị cho cuộc chiến đấu chống giặc Nguyên - Mông lần thứ 2. Ông cùng tuổi với Thượng tướng quân Trần Nhật Duật, hoàng tử thứ 6 của vua Trần Thái Tông, chú ruột vua Trần Nhân Tông, cũng là một danh tướng quân kiệt xuất của vương triều.

Sinh thời, hai ông đều mến mộ và kính trọng đức độ, tài năng của nhau. Phạm Ngũ Lão thoạt tiên là gia tướng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, một vị thánh tướng của dân tộc Việt Nam và thế giới. Chính những ngày tháng được rèn cặp dưới trướng Quốc công đã giúp ông trưởng thành toàn diện, phát huy sở trường văn võ của mình để sau này trở thành vị tướng tài năng kiệt xuất.

Về việc xuất thân của ông đã trở thành huyền thoại dân gian, chàng trai làng Phù Ủng - Đường Hào thuở nhỏ đã có chí khí khác thường, tính tình khẳng khái. Khi ở làng có người đỗ tiến sĩ (Bùi Công Tiến) tổ chức ăn mừng, cả làng kéo đến, riêng Ngũ Lão thì không. Người mẹ hỏi con tại sao không đến, Ngũ Lão thưa với mẹ: chí làm trai phải lập công danh rạng rỡ non sông mà con chưa lập được bằng người, đi mừng người ta nhục lắm.

Cũng thời gian ấy, Hưng Đạo Vương có việc quân qua vùng đất Phù Ủng, Ngũ Lão đang ngồi đan sọt ngoài đường mải nghĩ không biết quan quân trảy đến, một người lính dẹp đường quát mãi anh thanh niên vẫn cứ trầm tư bèn dùng giáo xuyên vào đùi kẻ cản đường, máu chảy đầm đìa, người lính không rút được giáo ra đang dùng dằng thì Hưng Đạo Vương lấy làm lạ hỏi đầu đuôi sự việc. Qua đối đáp trôi chảy của chàng trai nông dân, Đức Ông đã phát hiện đây sẽ là một vị lương tướng của triều đình, và sau này đúng là như vậy.

Có thể hiểu, sự xuất thân của Phạm Ngũ Lão không qua khoa cử mà đi bằng con đường đặc biệt là lọt vào con mắt xanh của vị thánh tướng triều Trần đã cho thấy cách chiêu mộ hiền tài phong phú của vương triều bấy giờ là phát huy sức mạnh toàn dân. Với tài năng bẩm sinh và chí hướng đúng đắn của mình, lại được đích thân Trần Quốc Tuấn rèn cặp, Phạm Ngũ Lão mau chóng trở thành một trong những vị tướng xuất sắc nhất trong hai lần đánh tan giặc xâm lược Nguyên - Mông. Sau này, khi phò tá ba đời vua Trần ông đã lập chiến công, nhiều lần đánh dẹp quân Ai Lao và quân Chiêm Thành cũng như các tù trưởng phản loạn nơi biên giới.

Phạm Ngũ Lão được Hưng Đạo Đại Vương gả con gái cho. Điều này rất hiếm xảy ra trong vương triều Trần. Để làm được điều đó một cách thuận tình đạt lý, Trần Quốc Tuấn đã phải giáng con gái Anh Nguyên xuống làm con nuôi. Chỉ riêng điều đó đã thấy sự nhìn xa trông rộng, phát hiện và trọng dụng hiền tài của Hưng Đạo Vương. Điều đó cũng khẳng định sự tiến bộ vượt bậc trong thuật dùng người hiền xuất thân từ tầng lớp bình dân để phát huy sĩ khí cả nước trong trị quốc và đánh giặc.

Sử gia Phan Huy Chú trong Lịch triều Hiến chương loại chí, phần ghi chép và bàn về các vị tướng tài giỏi đã tôn vinh 16 vị tướng từ thời Lý đến thời Lê sơ, riêng triều Trần có 4 người là Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư và Phạm Ngũ Lão, điều đó cho thấy ngay cả sử quan thời phong kiến luôn bảo vệ tôn thất nhiều khi thiên lệch đã khách quan nhìn nhận tài năng quân sự của ông, xếp ông vào hàng danh tướng bậc nhất, đã khẳng định vai trò vị trí của ông trong các võ công hiển hách của vương triều Trần.

Về các chiến công của ông, theo sử chép thì chủ yếu là trong các lần đánh dẹp Ai Lao và Chiêm Thành, nhưng thực ra, tài năng quân sự của ông đã được thể hiện và khẳng định nổi trội ngay từ khi tham gia cuộc trường chinh đánh quân Nguyên - Mông lần thứ hai.

Tháng 9 năm 1284, để đối phó với tình hình căng thẳng từ sức ép chiêu hàng của triều đình nhà Nguyên và sự lung lay giữa đánh hay hòa của nội bộ triều Trần, Trần Quốc Tuấn cho tổng duyệt các quân tại Đông Bộ Đầu để nâng cao sĩ khí toàn quân, củng cố tinh thần chiến đấu của các vua Trần. Trong cuộc đại duyệt ấy, Trần Quốc Tuấn đã cắt cử bố phòng và điều những tướng tài giỏi nhất lên các mặt trận quân sự quan trọng, Phạm Ngũ Lão được giao trọng trách bố trí quân đội bảo vệ vùng biên giới Đông Bắc, Thượng tướng quân Trần Nhật Duật bảo vệ vùng biên giới Tây Bắc cho thấy sự tin cậy tuyệt đối của Trần Quốc Tuấn cũng như các vua Trần vào vị tướng trẻ không cùng dòng tộc Phạm Ngũ Lão (khi ấy ông mới 30 tuổi).

Bố trí Phạm Ngũ Lão phòng thủ trên mặt trận Đông Bắc, nơi 50 vạn quân do Thoát Hoan dẫn đầu chuẩn bị đánh sang là một tính toán có tính chiến lược cao, xuất sắc của Trần Quốc Tuấn. Bởi nếu là một vị tướng tôn thất khác, trước thanh thế cực lớn của quân xâm lược sẽ rất dễ dao động.

Trên thực tế, những ngày đầu chiến đấu chống lại đội quân xâm lược hùng mạnh, quân ta thất lợi và liên tiếp phải lui binh chiến thuật, bảo toàn lực lượng chờ thời cơ phản kích. Nếu không phải là một tướng giỏi, am tường chiến lược chiến tranh lâu dài (một chủ trương hết sức đúng đắn của Trần Quốc Tuấn) sẽ không thể thực hiện được và khi ấy sự thất bại của cả một vương triều là không thể tránh khỏi (thực tế lịch sử đã chứng minh, nhiều tôn thất nhà Trần thời điểm này đã đầu hàng giặc mà điển hình là Chiêu quốc vương Trần Ích Tắc).

Khi nhận trọng trách phòng thủ hướng chính diện mà tập đoàn quân Thoát Hoan tiến đánh ồ ạt như triều dâng thác đổ, Phạm Ngũ Lão đã bố phòng ở các cửa ải chặn giặc, cùng dân binh đánh những trận đầu tiên khi chúng xâm phạm vào đất đai Tổ quốc, khôn khéo từng bước lui binh theo ý đồ chiến lược đã định. Khi được Trần Hưng Đạo tin tưởng, Phạm Ngũ Lão đã đem hết sở học và tài năng quân sự của mình trong chiến cuộc lui binh thần diệu sau khi hết sức quả cảm đánh giặc tại các cửa ải Nội Bàng, Chi Lăng... và theo kế sách lui binh thành công về Vạn Kiếp.

Trong cuộc lui binh chiến lược có ý nghĩa sống còn này, Phạm Ngũ Lão đã bộc lộ là một tướng tài kiệt xuất. Khi chiến sự tiếp tục bất lợi, Trần Quốc Tuấn phải phò hai vua bỏ Thăng Long, cũng lúc ấy, đạo quân của Toa Đô từ Chiêm Thành đánh ra phía Bắc, phá vỡ ải Nghệ An đang tràn ra Thanh Hóa khiến cục diện chiến tranh thập phần nguy ngập với quân ta. Lúc đó, theo mệnh lệnh của Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão lập tức đi tiên phong trong đội quân của Thượng tướng Trần Quang Khải tác chiến trên mặt trận mới chống nhau với nguyên soái Toa Đô, một tướng tài lão luyện của quân Nguyên - Mông.

Ngoài sự cầm quân tài giỏi của Trần Quang Khải trên mặt trận này, phải nói đến công lao xuất sắc của Phạm Ngũ Lão. Khi ấy, danh tiếng tướng quân Phạm Ngũ Lão khiến giặc luôn khiếp sợ, uy danh của ông đã vang xa sang cả phía địch quân. Trong những tháng ngày tác chiến gian khổ với đại quân Toa Đô, kinh nghiệm chiến trường cùng với sự dày dạn chiến đấu của binh sĩ đã cho Phạm Ngũ Lão một niềm tin tất thắng. Cục diện chiến tranh khi ấy đã ở vào thế giằng co và quân địch sau thế thượng phong ban đầu đã sinh kiêu ngạo, bê trễ, khinh địch - cái lẽ tồn vong của mọi cuộc chiến tranh.

Thời cơ tổng phản công đã tới, sau chiến thắng Hàm Tử quan trọng đập tan đội hải thuyền hùng hậu của nguyên soái Toa Đô, Trần Quốc Tuấn quyết định tập kích Chương Dương. Phạm Ngũ Lão lĩnh ấn tiên phong dưới sự chỉ huy trực tiếp của thái sư Thượng tướng Trần Quang Khải sử dụng đường thủy tiến đánh Chương Dương, nơi tập trung phần lớn thủy quân và kỵ binh địch. Trận đánh đã diễn ra hết sức khốc liệt, Phạm Ngũ Lão dẫn đầu các tráng sĩ cảm tử trên những chiến thuyền giấu sẵn chất nổ và đồ dẫn lửa xông thẳng vào những hạm thuyền của Nguyên - Mông mặc đại bác bắn như mưa, khói lửa mù mịt trong tiếng Sát Thát vang lên ghê rợn.

Đội cảm tử áp sát đốt thuyền giặc, những tiếng nổ kinh thiên động địa, lửa cháy, đầu rơi, máu chảy, cả một biển lửa bùng lên. Trong ánh lửa, Phạm tướng quân cùng những dũng sĩ xông lên thuyền địch với một thế mạnh không gì ngăn nổi. Sau trận Chương Dương, Trần Quốc Tuấn biết Thoát Hoan tất phải bỏ kinh thành tháo chạy, đã cắt cử Phạm Ngũ Lão, dẫn quân mai phục bên cánh rừng cửa ải Nội Bàng, truy kích tàn quân của Thoát Hoan. Tàn quân Nguyên - Mông lại một phen táng đởm kinh hồn dưới tài bố trận của Phạm Ngũ Lão.

Phạm Ngũ Lão là vị tướng luôn có mặt ở những trận quyết chiến quan trọng và luôn tự mình xông lên giết giặc làm gương cho ba quân tướng sĩ. Cuộc đời ông là cuộc đời gắn liền với chiến trận và những chiến công vang dội. Theo tấm gương của Hưng Đạo Đại Vương, ông luôn yêu lính như con, đồng cam cộng khổ, trên chiến trường thì cực kỳ dũng cảm, khi rèn quân lại hết sức nghiêm minh, tự mình làm gương, biết phát huy các sở trường, địa hình, thời tiết... để giành chiến thắng.

Bàn về ông, Lê Quý Đôn từng nói: "Phạm Ngũ Lão là người trong trẻo, cứng rắn, cao thượng, thanh liêm, có phong độ như kẻ sĩ quân tử đời Tây Hán, thật không phải người tầm thường có thể theo kịp được. Bởi vì nhà Trần đãi ngộ sĩ phu rộng rãi mà không bó buộc, hòa nhã mà có lễ độ, cho nên nhân vật trong một thời có khí tự lập, hào hiệp cao siêu, vững vàng vượt ra ngoài thói thường, làm rạng rỡ trong sử sách, trên không hổ với trời, dưới không thẹn dưới đất".

Tài năng, đức độ, công lao và uy tín của Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão đã đi vào lịch sử và được nhân dân các thế hệ, nhất là quê hương ông tôn thờ mà đỉnh cao là lễ hội đền Phù Ủng hằng năm tưởng nhớ công đức của ông. Cũng nhiều nơi có thờ ông, đặc biệt trong các đền thờ Hưng Đạo Đại Vương thường có cả tượng thờ ông, một danh tướng xuất sắc được Đức Thánh Trần phát hiện và rèn cặp. Tại đền Phù Ủng ở Thủ đô Hà Nội, nơi vọng thờ Phạm Ngũ Lão có đôi câu đối cổ ca ngợi tài đức và sự nghiệp kỳ vĩ của ông:

Văn thi thao lược, thiên cổ tịnh hiền hào, dược thạch minh bi, hải hồ vịnh sử.
Mông - Thát, Chiêm - Lao, nhất thời giai úy phục, Trần triều kỷ tích, Việt quốc lưu danh.


Tạm dịch:

Văn thơ thao lược, muôn thuở ngợi hùng tài, lời răn khắc đá, biển sông ca vịnh.
Nguyên - Mông, Chiêm - Lào, một thời đều úy phục, triều Trần ghi công, sử Việt lưu danh.


Đó cũng là tấm lòng ngưỡng vọng của nhân dân dành cho ông, vị tướng xuất thân từ nông dân

Phùng Văn Khai
Nguồn tin: CAND

Các ban thờ trong hệ thống Trần Triều

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ thì Trần triều là một ban thờ rất quan trọng và có nhiều các tín đồ tin tưởng vào sự linh ứng đặc biệt là việc trừ tà sát quỷ của đức Thánh Trần

Đức Thánh Trần tức Trần Quốc Tuấn (1228-1300) là một danh nhân kiệt xuất của dân tộc đồng thời là danh nhân quân sự cổ kim của thế giới (Năm 1984, tại London, trong một phiên họp với các nhà bác học và quân sự thế giới do Hoàng gia Anh chủ trì đã công bố danh sách 10 đại nguyên soái quân sự của thế giới, trong đó có Trần Hưng Đạo)

Ngay từ nhỏ, Trần Liễu đã kén những thầy giỏi dạy cho Quốc Tuấn, ký thác vào con hội đủ tài văn võ, mong trả mối thù sâu nặng năm nào.

Lớn lên, Quốc Tuấn càng tỏ ra thông minh xuất chúng, đọc rộng các sách cả văn lẫn võ. Trong đời mình, Quốc Tuấn đã trải qua một lần gia biến, ba lần nạn nước. Nhưng ông lại càng tỏ ra là người hiền tài, một vị anh hùng cứu nước. Ông luôn đặt lợi nước lên trên thù nhà, vun trồng cho khối đoàn kết giữa tông tộc họ Trần, tạo cho thế nước ở đỉnh cao ngàn trượng đủ sức đè bẹp quân thù. Trong lần quân Nguyên sang xâm lược lần thứ hai, thấy rõ nếu ngành trưởng, ngành thứ xung khắc, giữa ông và Trần Quang Khải không chung sức chung lòng thì kẻ có lợi chỉ có thể là quân giặc. Bởi vậy, Quốc Tuấn đã chủ động giao hảo hoà hiếu với Trần Quang Khải, tạo nên sự thống nhất ý chí của toàn bộ vương triều Trần, đảm bảo đánh thắng quân Nguyên hùng mạnh.

Chuyện kể rằng, một lần ở biển Đông, Quốc Tuấn đã mời Thái sư Trần Quang Khải sang thuyền mình trò chuyện, chơi cờ và sai người nấu nước thơm tự mình tắm rửa cho Trần Quang Khải, vĩnh viễn xoá nỗi hiềm khích giữa hai người, đầu mối của hai chi họ Trần. (Quốc Tuấn là con Trần Liễu, Trần Quang Khải là con Trần Cảnh). Lần khác, Quốc Tuấn đem việc xích mích dò ý các con, Trần Quốc Tảng có ý kích ông nên cướp ngôi của chi thứ. Ông nổi giận rút gươm toan chém chết Quốc Tảng. May nhờ các con và những người tâm phúc van xin, ông bớt giận dừng gươm nhưng bảo rằng :

- Từ nay cho đến khi ta nhắm mắt, ta sẽ không nhìn mặt thẳng nghịch tử, phản thần này nữa.

Trong kháng chiến, ông luôn hộ giá bên vua, tay chống gậy bịt sắt. Dư luận xì xào sợ ông giết vua. Ông liền bỏ luôn phần bịt sắt, chỉ chống gậy để tránh hiềm nghi, làm yên lòng quân dân.
Ba lần chống giặc, các vua Trần đều giao cho ông quyền Tiết chế, (Tổng tư lệnh quân đội), vì ông biết dùng người tài, thương yêu binh lính vì vậy tướng sĩ hết lòng tin yêu ông. Đạo quân cha con ấy trở thành đội quân bách chiến bách thắng.

Trần Quốc Tuấn là bậc tướng trụ cột triều đình. Ông đã soạn hai bộ binh thư: Binh thư yếu lược và Vạn Kiếp tổng bí truyền thư để răn dạy các tướng cầm quân đánh giặc. Khi giặc Nguyên lộ rõ ý đồ xâm lược, Trần Quốc Tuấn viết "Hịch tướng sĩ", truyền lệnh cho các tướng, dạy bảo họ lẽ thắng bại, tiến lui. Hịch tướng sĩ rất hùng hồn, thống thiết, khẳng định văn chương của một bậc "đại bút".

Trần Quốc Tuấn là một bậc tướng gồm đủ tài đức.

Là tướng nhân, ông thương dân thương quân, chỉ cho họ con đường sáng. Là tướng nghĩa, ông coi việc phải hơn điều lợi. Là tướng trí, ông biết lẽ đời sẽ dẫn đến đâu, là tướng dũng, ông xông pha vào nơi nguy hiểm để đánh giặc, tạo nên những trận như Bạch Đằng oanh liệt nghìn đời. Là tướng tín, ông bày tỏ trước cho quân lính theo ông sẽ được gì, trái lời ông sẽ gặp hoạ. Cho nên, cả 3 lần đánh giặc Nguyên, ông đều được giao trọng trách điều bát binh mã và đều lập được công lớn.

Hai tháng trước khi mất, vua Anh Tông đến thăm và hỏi:

- Nếu chẳng may ông mất đi, giặc phương Bắc lại sang xâm lấn thì kế sách làm sao?

Ông đã trăng trối những lời tâm huyết, sâu sắc, đúng cho mọi thời đại:

- Thời bình phải khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách giữ nước.


Mùa thu tháng Tám, ngày 20 năm Canh Tý (1300) "Bình Bắc đại nguyên soái" Hưng Đạo đại vương qua đời. Theo lời ông dặn, thi hài ông được hoả táng thu vào bình đồng và chôn trong vườn An Lạc, gần cánh rừng An Sinh, không xây lăng mộ, đất san phẳng, trồng cây như cũ. Vua gia phong cho ông tước Hưng Đạo đại vương. Triều đình lập đền thờ ông tại Vạn Kiếp, Chí Linh, ấp phong của ông lúc sinh thời.

Có một điều đặc biệt là khá nhiều vị vương công, danh tướng dưới triều Trần, phần lớn đều dưới trướng Trần Hưng Đạo, đều được hiển Thánh theo tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu và thờ Đức Thánh Trần.

Đặc biệt nữa là toàn gia nhà Ngài đều hiển thánh linh thiêng



1- Vương phi phu nhân : bà là vợ của Hưng Đạo Vương, con gái của Trần Nhân Hạo. Bà được tôn vinh là Nguyên từ Quốc mẫu Thiên Thành công chúa.
Vương.
2 - Nhị vị công chúa : là hai người con gái của Ngài
+ Đệ nhất Vương cô : Tức là Quyền Thạch công chúa : "Đệ nhất nương thần nữ tiến cung", bà được chọn làm hoàng hậu của Vua Trần Nhân Tông. Bà cũng được tôn vinh là Đệ nhất Khâm từ hoàng thái hậu Quyên Thanh.
+ Đệ nhị Vương cô : Con gái thứ 2 của Đại Vương là Đại Hoàng quận chúa, được làm vợ danh tướng Phạm Ngũ Lão. " Hậu quân nghìn dặm xa khơi - Xem như nội tướng thực tài phu nhân"Bà cũng được tôn vinh là Đệ nhị nữ Đại Hoàng Anh nguyên quận chúa.


3- Tứ vị vương tử : Là bốn người con trai của Ngài.
Tứ thành tử kiêm toàn văn võ
Cùng đan tay tam lược lục thao...
+ Hưng Vũ Vương ấy chân nguyên tử Trần Quốc Hiến
+ Hưng Quốc Vương đống lương hiền tài Trần Quốc Nghiễn
+ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng. Chính là Đức ông đệ tam Cửa Suốt, được nhân dân lập đền thờ riêng rất nổi tiếng tại Quảng Ninh : Đền Cửa Ông.
+ Hưng Hiến Vương Trần Quốc Hưng

4- Đức Thánh Phạm : Là danh tướng Phạm Ngũ Lão, con rể của Ngài. Ông có công trạng cao, đã tham gia đánh thắng quân Nguyên, vâng lệnh Trần Hưng Đạo diệt Phạm Nhan, rồi có chiến công dẹp nạn gây hấn của Chiêm Lào.Ông là vị linh thần của trần Triều, tại các phủ thờ Tứ phủ. Oai linh của ông có thể trừ được tà ma quỉ quái.
Mantico blog