Thứ Năm, 28 tháng 5, 2009

Quan hệ của các dòng họ gốc vua Nghiêu vua Thuấn

Hiện nay có nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nhiều nhà nhân chủng học chứng minh Bách Việt là một nền văn minh lớn của nhân loại nhưng hầu như đã bị phương Bắc thôn tính. Chỉ có người Việt chủ yếu là dân tộc Kinh ở phía Nam phát triển mãnh liệt không bị sự đồng hóa tư tưởng. Cùng sự phát triển của dân tộc, các dòng họ Việt Nam khẳng định phần máu thịt không thể tách rời của đất nước Việt Nam. Mặc dù có nhiều ông tổ dòng họ đến từ Trung Quốc, nhưng bản sắc nền văn minh Lạc Việt vẫn trường tồn trong các dòng họ Việt Nam.

Một số dòng họ Việt Nam có gốc từ Trung Quốc thừa nhận nguồn gốc Bách Việt là dòng dõi các vị hoàng đế huyền thoại Trung Hoa như vua Nghiêu vua Thuấn. Quả là sự thịnh trị thời vua Nghiêu vua Thuấn đã thể hiện rõ ở Việt Nam vào đầu triều Lý, rực rỡ là đầu thời Trần. Sự thương dân của các vị vua nước Việt cho ta thấy sự khác biệt vua Nam vua Bắc. Thời Trần và thời Hồ đã học cách nhường ngôi của vua Nghiêu. Sáng mãi tấm gương của Hồ Nguyên Trừng (cháu ngoại Phạm Công Bân và là con trai trưởng của Hồ Quý Ly) đã nhường ngôi cho người em khác mẹ là Hồ Hán Thương.

Bài viết này không đề cập đến các dòng họ Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc hay không. Nếu có dòng họ nào từ Trung Quốc sang Việt Nam là dòng dõi vua Nghiêu vua Thuấn thì có thể gắn kết mối quan hệ các dòng họ như sau:

A. Vua Nghiêu là bố vợ của vua Thuấn, vua Thuấn được vua Nghiêu gả hai con gái và lại nhường ngôi cho. Quả là “rể không là khách” với nét văn minh trong việc nhường ngôi vị.

B. Các dòng họ có cùng dòng dõi vua Nghiêu:
1. Họ Lưu – trang 82
có Lưu Bang là Hán Cao Tổ
(có họ Tông Chính gốc họ Lưu) – trang 116
2. Họ Đỗ – trang 56
3. Họ Sĩ - có Sĩ Nhiếp là quan đô hộ Giao Chỉ
4. Họ Phạm – trang 37
phải chăng Phạm Lãi (vốn là người nước Sở) là người của dòng họ này
Xem thêm về Phạm Lãi
Phạm Lãi trở thành thương gia nổi tiếng Đào Chu Công
5. Họ Đường – trang 41
6. Họ Âm – trang 59

C. Các dòng họ có cùng dòng dõi vua Thuấn:
1. Họ Trần – trang 28
(có họ Tôn gốc Trần) – trang 25
có Trần Bá Tiên đánh nước ta thời Lý Nam Đế, sau lật đổ nhà Lương lập nên nước Trần
2. Họ Hồ – trang 63
ở Việt Nam, Hồ Quý Ly đã nhận dòng dõi Ngu Thuấn nên có đặt tên nước Đại Ngu?
3. Họ Quy
4. Họ Vương – trang 27
5. Họ Điền – trang 62
6. Họ Thiều – trang 84
7. Họ Bồ– trang 86

(Tham khảo thông tin về các họ trên theo trang ghi bên cạnh ở cuốn Bách gia tính – Họ của trăm nhà do Trưởng ban liên lạc họ Hoàng – Huỳnh Việt Nam là ông Hoàng Nghĩa Lược khảo dị - dịch - chú. Sách do Nxb Thế giới xuất bản năm 2007)

Tháp Bút

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2009

Người họ Phạm với dấu ấn Xứ Nghệ

1. Tả tướng Phạm Tu: Năm 543 ông cầm quân đánh tan quân Lâm Ấp ở Cửu Đức
Theo cuốn Việt Nam sử lược viết:
“Qua năm Quý Hợi (543) quân Lâm Ấp lại sang quấy phá quận Nhật Nam, Lý Bôn sai tướng là Phạm Tu vào đánh ở Cửu Đức (Hà Tĩnh), người Lâm Ấp thua chạy về nước.”

2. Hoàng hậu Phạm Thị Uyển: Hoàng hậu của Mai Hắc Đế, mẹ của Mai Thiếu Đế đóng đô ở Thành Vạn An. (đầu những năm 720)

3. Thứ sử Hoan Châu Phạm Hạp thời Đinh Tiên Hoàng

4. Thái úy Phạm Cự Lượng (em Phạm Hạp) chỉ huy đào cảng Đa Cái ở Hưng Nguyên (đầu những năm 980)

5. Danh tướng chống Tống Phạm Trọng Y - thờ ở đền Độc Lôi, làng Hữu Biệt, Nam Đàn

6. Trạng nguyên Phạm Công Bình hai lần vào năm 1128 và 1136 đánh tan quân Chân Lạp vào cướp Nghệ An.

7. Trần triều Điện soái Phạm Ngũ Lão: trấn thủ Nghệ An, dẹp Ai Lao xâm lấn ở tây Nghệ An

8. Trấn thủ Nghệ An Phạm Tiêm (Con trai trưởng của tướng quân Phạm Đốc)

9. Danh tướng Phạm Đình Trọng: đánh Quận He ở đất Nghệ

...

Tháp Bút

Thông tin về quê của giả vương Phạm Công Trị

Để tìm hiểu thông tin về quê của giả vương Phạm Công Trị tôi liên hệ với nhà Nghệ An học - PGS Ninh Viết Giao, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An.

PGS Ninh Viết Giao đã đính chính lại đây là làng Mặc Điền chứ không phải làng Mạc Điền.

Làng Mặc Điền huyện Nam Đường ở ngay vùng đất Thái Lão là quê ông tổ 4 đời của Nguyễn Huệ. Ngày nay vùng đất đó thuộc xã Hưng Đạo và thị trấn Hưng Nguyên (Thái Lão).

Như vậy việc di cư của gia đình (các vị 4 đời ) Nguyễn Huệ và giả vương Phạm Công Trị rất có thể giống nhau.

Qua tìm hiểu về quê gốc của Quang Trung gọi là làng Hương Cái, chúng tôi xác định một địa danh ghi trong sử liên quan đến Phạm Cự Lượng - Thái úy thời Tiền Lê: chỉ huy đào cảng Đa Cái sau gọi là Hương Cái ở phía Tây Nam huyện Hưng Nguyên ngày nay.

Xem bản đồ vùng này ở bài về mãnh tướng họ Phạm thời Lý

Nên rất có thể Hương Cái chính là vùng thị trấn Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An hiện nay.
Như vậy Đa Cái, Hương Cái, Mặc Điền và nay là Thái Lão liên hệ chặt chẽ với nhau trong một vùng hẹp vài ba xã hiện nay quanh thị trấn huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Không rõ đền thờ của Phạm Cự Lượng ở vùng này hiện thế nào?

Xem bài về Phạm Công Trị đã đăng 13.5.2009

Tháp Bút

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2009

Tưởng nhớ danh nhân họ Phạm theo lễ trọng năm 2009

LBT. Nhân dịp đầu năm 2009, chúng tôi xin giới thiệu với bà con trong họ một số ngày kỷ niệm năm chẵn ngày mất hoặc ngày sinh của một số Danh nhân lớn họ Phạm Việt Nam
Do thống kê chưa đầy đủ hoặc nhiều tài liệu chưa thống nhất về năm sinh, năm mất của các danh nhân sẽ có thiếu sót trong việc thống kê. Kính mong độc giả cung cấp thông tin để có thể bổ sung, sửa chữa, đồng thời giới thiệu một cách đầy đủ nhất về tiểu sử và sự nghiệp vào dịp các ngày lễ long trọng của các vị danh nhân.

1. Kỷ niệm 600 năm ngày mất của Bình Chiêm Thượng tướng quân Phạm Nhữ Dực (1319-1409)
Ông là con cháu dòng út của Điện soái Phạm Ngũ Lão với người thiếp họ Nhữ người Thanh Hóa. Di cư về quê ngoại ở Lỗ Huyền, huyện Lôi Dương nay thuộc Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ông có công mở mang bờ cõi đến Đại Chiêm, Cổ Lũy. Thời vua Trần Thuận Tông (1388-1398) được phong Hậu Quân Trung Độ Dực Nghĩa hầu.
Đến thời nhà Hồ, ông giúp Hồ Hán Thương chinh phạt Chiêm Thành (1402) thu hồi miền đất bị lấn chiếm và lấy thêm các đất Chiêm Động (Quảng Nam ngày nay), Cổ Lũy (Quảng Ngãi ngày nay), được phong Chánh Đô Án Vũ Sứ và được vua ban chiếu chỉ ở lại làm Trấn Lộ Thăng Hoa (châu Thăng và châu Hoa-Quảng Nam ngày nay) để thực hiện công cuộc di dân lập ấp.

2. Kỷ niệm 500 năm ngày mất Tiến sĩ Phạm Thịnh (?-1509)
Ông quê Tam Nha (Tam Á), huyện Gia Định – nay là Gia Đông, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.
Đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487) niên hiệu Hồng Đức 18. Hai lần đi sứ nhà Minh, làm quan đến chức Hữu Thị lang thời Lê Uy Mục. Ông tử trận ở Châu Cầu (Phủ Lý) khi giúp Lê Uy Mục chống Lê Tương Dực. Ông là cha Tiến sĩ Phạm Điển.

3. Kỷ niệm 150 năm ngày mất Tiến sĩ Phạm Quý (1805-1859) – ông còn có tên là Phạm Khôi
Ông người làng Kim Đôi, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, trấn Bắc Ninh – nay là thôn Kim Đôi, xã Kim Chân, Quế Võ, Bắc Ninh. Sinh năm Ất Sửu (1805).
Năm Mậu Tý 1828, 24 tuổi ông đỗ Cử nhân, năm Kỷ Sửu (1829) 25 tuổi ông đỗ Tiến sĩ.
Sau đăng khoa, ban đầu ông nhập ngạch Hàn lâm viện thụ hàm Biên tu, sau được bổ làm Tri huyện Diên Khánh, rồi thăng Án sát Lạng Sơn, rồi Án sát Bình Định. Về sau, ông lại được điều về Kinh giữ chức Thị lang bộ Binh. Ông từng can gián việc xây cất gây tốn kém công quỹ, nên triều đình cũng lắm kẻ gièm pha.
Năm Mậu Thân (1848) Tự Đức nguyên niên, ông được thăng Hữu Tham tri bộ Lễ rồi bổ làm Tổng đốc Bình Phú. Ông mất khi còn đang tại chức.

4. Kỷ niệm 500 năm ngày sinh Tiến sĩ Hoàng giáp Phạm Hoảng (1509-?)
Người xã Đại Bái, huyện Gia Định – nay là thông Đại Bái, xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Năm 27 tuổi đỗ Đệ nhị giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Ất Mùi niên hiệu Đại Chính 6 (1535) đời Mạc Đăng Doanh. Làm quan đến Cấp sự trung.

5. Kỷ niệm 500 năm ngày sinh Tiến sĩ Tam giáp Phạm Phi Hiển (1509-?)
Người xã Tĩnh Luyện, huyện Lập Thạch – nay là xã Đồng Thịnh, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc
Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu niên hiệu Quang Hòa 1 (1541) đời Mạc Phúc Hải. Làm quan đến chức Đô ngự sử, tước Tào Khê hầu.

6. Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Phó bảng Phạm Thế Húc (1809-?)
Người xã Luyến Quyết, huyện Đông Quan, tỉnh Nam Định – nay là xã Thụy Phong, Thái Thụy, Thái Bình.
Sinh năm Kỷ Tỵ (1809), đỗ Giải nguyên khoa thi Hương năm Đinh Dậu, Minh Mạng thứ 18 (1837), đỗ Phó bảng khoa Quý Mão năm 35 tuổi. Là em Tiến sĩ Tam giáp Phạm Thế Hiển. Từng thụ hàm Thị độc, sung Giảng quan ở Kinh diên; sau đổi sang chức Đốc học Nam Định.

7. Kỷ niệm 500 năm ngày sinh Phạm Tử Nghi (1509-1551)
Người xã Đằng Lâm, An Hải, Hải Phòng. Là võ tướng nhà Mạc, tước Tứ Dương hầu. Năm 1547, Mạc Phúc Hải mất, Phạm Tử Nghi muốn lập Mạc Chính Trung lên nhưng không được nên đưa Mạc Chính Trung về Hoa Dương, Ngự Thiện, Thái Bình rồi lại đưa ra Yên Quảng. Năm 1551 ông bị Mạc Kính Điển giết hại.
Theo “Họ Phạm trong cộng đồng dân Việt-Tập 1”
8. Kỷ niệm 200 năm ngày mất Phạm Sĩ Ý (1767-1809)
Người xã Diễn Thịnh, Diễn Châu. Ông là võ tướng Tây Sơn, được cử đi sứ Mãn Thanh với chức “Thừa hoa điện trị sự kiêm Binh tào thị sự” tức là được vua Quang Trung ủy quyền trong các việc chính trị và quân sự. Sau về được giữ chức “Vệ úy trung lang, Trì uy anh vệ tướng quân” là tướng chỉ huy đội cấm binh bảo vệ nhà vua. Ông mất năm 42 tuổi sau nhiều năm trốn tránh sự trả thù của Gia Long.
Theo Từ điển nhân vật lịch sử Xứ Nghệ

9. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Phạm Ngọc Thạch (7/5/1909-7/11/1968)
Sinh tại Phan Thiết. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ y khoa (chuyên khoa lao) trường Đại học Paris năm 1935, ông về nước, mở phòng mạch tư ở số 202 đường Chasseloup Laubat (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai), Sài Gòn. Tháng 5-1945, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, ông tham gia thành lập và lãnh đạo tổ chức Thanh niên Tiền phong. Cách mạng tháng Tám thành công, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Y tế trong Chính phủ lâm thời. Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Sau Hiệp định Genève, ông làm Bộ trưởng Bộ Y tế, Viện trưởng Viện chống lao, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Ông còn là Chủ tịch ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Ông được tuyên dương là Anh hùng Lao động. Ngày 07-11-1968, ông hy sinh trong lúc đang công tác trên chiến trường miền Nam.
Nguồn: http://www.hochiminhcity.gov.vn/

10. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhà thơ yêu nước Phạm Tất Đắc (15/5/1909-…)
Ông sinh tại làng Dũng Kim phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (không rõ năm mất), quê ở tỉnh Phúc Yên (nay là Vĩnh Phúc). Là học sinh ở trường Bưởi Hà Nội, năm 1926 tham gia tổ chức truy điệu đám tang cụ Phan Chu Trinh và hô hào bãi khóa nên bị đuổi học. Cuối năm ấy ông sáng tác Chiêu hồn nước, kích thích lòng yêu nước, gây tiếng vang lan rộng trong các giới. Do đó ông bị bắt giam, đến 1930 mới được trả tự do. Từ đó ông sống ở Hà Nội với nghề dạy học. Sau 1954, ông vào định cư ở Sài Gòn sống với nghề dạy học đến cuối đời. Tác phẩm chính: Chiêu hồn nước, Sông Đà, Quản Tử, Thương Tử, Văn pháp chữ Hán.
Nguồn: http://www.vietgle.vn

Tháp Bút

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2009

Một số lễ hội mùa xuân ở các di tích thờ danh nhân họ Phạm

BBT: Mùa xuân – mùa của lễ hội, các vùng quê tưng bừng với những lễ hội tưởng nhớ công đức các vị danh nhân có công bảo vệ giang sơn, xây dựng đất nước, lập nên làng ấp trù phú,... Xin nêu một số lễ hội đầu năm tưởng nhớ công đức các vị danh nhân họ Phạm (thống kê theo thời gian mở hội). Thống kê này là chưa đầy đủ, kính mong quý vị bạn đọc bổ sung.

1. HỘI VẬT CẦU Kim Sơn, xã Tân Trào, Kiến Thụy, Hải Phòng.
Thời gian: mùng 5 tháng Giêng của năm "Phong đăng hoa cốc", 3 năm mới tổ chức một lần.
Tương truyền, vật cầu vốn là môn thể thao do tướng Phạm Ngũ Lão đặt ra để rèn luyện quân sỹ.

2. HỘI LÀNG HỚI xã Tân Lễ, Hưng Hà, Thái Bình
Thời gian: mùng 6 tháng Giêng
Thờ: Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ (1454-?)-Ông Tổ nghề chiếu

3. HỘI LÀNG HÉT xã Thái Thượng, Thái Thụy, Thái Bình
Thời gian: mùng 8 tháng Giêng
Thờ: Điện soái Phạm Ngũ Lão

4. HỘI ĐỀN ỦNG xã Phù Ủng, Ân Thi, Hưng Yên
Thời gian: 11 tháng Giêng (từ 10 đến 25 tháng Giêng)
Thờ: Điện soái Phạm Ngũ Lão (1255-1320)

5. HỘI ĐỀN QUÁT xã Yết Kiêu, Gia Lộc, Hải Dương.
Thời gian: diễn ra từ 10-20 tháng Giêng.
Thờ: Yết Kiêu (Phạm Hữu Thế)

6. LỄ HỘI ĐỀN MÂY phường Lam Sơn, Tp Hưng Yên
Thời gian: mồng 8-16 tháng Giêng nhân ngày sinh; ngày 12-18 tháng 11 nhân ngày hoá của tướng quân Phạm Bạch Hổ
Thờ: Thân vệ tướng quân Phạm Bạch Hổ (910-972)

7. HỘI THỤY TRÀ xã Nam Trung, Nam Sách, Hải Dương.
Thời gian: ngày 12 tháng Giêng
Thờ: Thượng đẳng phúc thần Phạm Lệnh Công Đại vương và Thượng đẳng phúc thần Phạm Hoà Đại vương-hai vị Thành hoàng làng của làng Thuỵ Trà

8. HỘI ĐÌNH CẢ-(Hội Lim) xã Nội Duệ, Tiên Du, Bắc Ninh
Thời gian: ngày 13 tháng Giêng
Thờ: Tướng Phạm Ban thời Lý-Thành hoàng Đình Cả

9. HỘI ĐỀN QUỸ NHẤT xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Hưng, Nam Định
Thời gian: ngày 14 tháng Giêng
Thờ: Tam Đăng Phạm Văn Nghị (1805-1881)

10. HỘI ĐỀN LƯƠNG SỬ công viên Văn Miếu, Hà Nội
Thời gian: ngày 20 tháng Giêng
Thờ: Thái úy Phạm Cự Lượng (944-984)

11. HỘI ĐÌNH XẠ SƠN (Đình Cả) xã Quang Trung
Thời gian: 25-26 tháng Giêng.
Thờ: 5 vị Thành hoàng: Đô Lỗ, thời Tiền Lê và Đào Thành, Phạm Minh, Nguyễn Thiết, Vũ Oai, thời Lý có công đánh giặc Ai Lao

12. HỘI ĐÔNG LINH xã An Bài, Quỳnh Phụ, Thái Bình
Thời gian: ngày 14 tháng 2
Thờ: Tướng quân Phạm Bôi khởi nghĩa Lam Sơn

13. HỘI BÁNH CHƯNG LÀNG NGHÌN Quỳnh Phụ, Thái Bình.
Thời gian: ngày 16 tháng 2
Thờ: Bát thị Tiên tổ (tám vị tổ của tám dòng họ có công lập làng) và bảy vị thần họ Phạm có công giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh

14. HỘI MẪU LIỄU Có ba nơi tổ chức lễ hội:
-Phủ Dày ở xã Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định
-Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp) ở xã Yên Đông, Ý Yên, Nam Định
-Phủ Sòng Sơn ở huyện Hà Trung, Thanh Hoá
Thời gian: ngày 3 tháng 3 (Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ)
Thờ: Mẫu Liễu Hạnh Phạm Tiên Nga

15. HỘI THỦY TÚ xã Thủy Đường, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng
Thời gian: ngày 9 đến ngày 12 tháng 3
Thờ: 4 anh em họ Phạm theo Lê Hoàn chống Tống. Lập chiến công lớn. Trang Ngọc Phương (nay là thôn Thủy Tú) thờ người anh cả là Phạm Quang, trang Chiếm Phương thờ Phạm Nguyên, trang Trường Sơn thờ Phạm Huấn và Cúc Nương.

16. HỘI ĐÌNH NGOẠI xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội
Thời gian: ngày 10 tháng 3 nhân ngày sinh và ngày 20 tháng 7 nhân ngày hóa Đô Hồ Đại vương
Thờ: Đô Hồ Đại vương, Long Biên hầu, Tả tướng Phạm Tu (476-545) Trưởng Ban Võ nhà nước Vạn Xuân. Thượng thủy tổ Họ Phạm Việt Nam.

17. HỘI AN THỦY xã Hiến Thành, An Hải, Hải Phòng
Thời gian: từ 10-13 tháng 3, chính hội ngày 12
Thờ: Phạm Luận, Phạm Tụng là hai trong bảy anh em họ Phạm (Phạm Luận, Phạm Thọ, Phạm Thành, Phạm Tường, Phạm Tụng, Phạm Kế và Phạm Thị Phương) là những người có công chống giặc Minh.
Bảy anh em Phạm Luận còn được thờ ở ĐỀN NGƯ UYÊN xã Long Xuyên (hội ngày 12 tháng 3) và thôn Vụ Nông xã Đại Bản, huyện An Hải, Hải Phòng.

18. HỘI ĐỀN PHẠM CÔNG TRỨ xã Nghĩa Hiệp, Yên Mỹ, Hưng Yên
Thời gian: ngày 17 tháng 3 nhân ngày sinh và ngày 28 tháng 10 nhân ngày mất Phạm Công Trứ.
Thờ: Thái tể Phạm Công Trứ (1600-1675)

Người sưu tầm
Tháp Bút

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2009

Giới thiệu các làng cổ có dòng họ Phạm phát triển lâu đời

Với mục đích thống kê nhiều nhất các làng xã có người họ Phạm sinh sống lâu đời. Đây có thể là các địa chỉ giúp kết nối các dòng họ Phạm Việt Nam.
Kính mong bạn đọc cung cấp tư liệu, đường link trên mạng,... giúp thống kê ngày một đầy đủ.
Xin nhắn tin ở phía dưới trang, hoặc gửi email đến tulieuhopham@gmail.com


Các làng nổi tiếng Việt Nam

Xem giới thiệu các dòng họ Phạm trên trang tin điện tử của họ Phạm Việt Nam

HÀ NỘI

Làng Thanh Liệt - quê hương Thượng thủy tổ Phạm Tu
Làng Đông Ngạc
Làng Bát Tràng
Làng Đôn Thư
Làng Khương Trung
Làng Mọc - Quan Nhân
Làng Giáp Lục (cạnh Giáp Bát)

Xem thêm các làng ở Hà Nội
Các làng nội thành Hà Nội

HẢI DƯƠNG


1. Làng cổ Kim Đôi ở huyện Cẩm Giàng


2. Làng cổ Lam Cầu huyện Tứ Lộc
Làng Chắm, Trúc Lâm



THÁI BÌNH

Nguồn: Làng nổi tiếng ở Thái Bình
1. Làng Đông Linh - Quỳnh Phụ
Quê hương của Phạm Bôi, công thần khai quốc triều Lê Sơ
Làng văn vật, khoa bảng nổi tiếng
Làng duy nhất có một bản hương ước được khắc vào bia đá gần 300 năm nay
Người giới thiệu: Phạm Minh Đức (báo Văn Nghệ số 38 ra ngày 20/ 9/ 2003)

2. Làng Tân Lễ - Hưng Hà
Quê hương của Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ
Người giới thiệu: Đinh Công Vĩ (theo báo Văn Nghệ)
Nghề dệt chiếu làng Hới

3. Làng Phúc Khê - Thái Thụy
Quê hương của danh hoá văn hoá Quách Đình Bảo, Quách Hữu Nghiêm…của tấm gương trung liệt Phạm Công Thế
Họ Quách nổi tiếng Việt Nam và Trung Quốc về tài ngoại giao
Làng Phúc Khê có thư viện từ thế kỷ 15
Người giới thiệu: Phạm Minh Đức

4. Làng Trình Phố - Tiền Hải
Người giới thiệu: Quang Khải (báo Văn Nghệ số 12 ra ngày 22 tháng 3 năm 2003)

NAM ĐỊNH

Làng Hành Thiện
Làng Nam Chấn, huyện Nam Trực

THANH HÓA

Mường Ca Da, huyện Quan Hóa
Làng Phương Khê
Xã Quảng Hưng


NGHỆ AN

1. Làng cổ Đặng Điền huyện Nghi Lộc
Làng Bích Triều (xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương)

QUẢNG BÌNH

Làng Lũ Phong xã Quảng Phong, Quảng Trạch

THỪA THIÊN-HUẾ

36 dòng họ Phạm định cư lâu đời

ĐÀ NẴNG
Làng Cổ Mân

QUẢNG NGÃI

Xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn và danh nhân Phạm Hữu Nhật-người dựng bia chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa từ năm 1836

Tháp Bút

Những mãnh tướng họ Phạm thời Lý


(Vùng rú Miệu là hình bầu dục có đánh dấu cột màu đen)

Tháp Bút đang sưu tầm tư liệu các vị tướng thời Lý:
1. Phạm Dật - 1 trong 18 hổ tướng chống Tống trên phòng tuyến như Nguyệt
- Nhân vật trong truyện Anh hùng Tiêu Sơn, Nam Quốc Sơn Hà
- Trong Hải Dương chí
- 18 anh hùng đánh Tống, kháng Tống thời Lý, trong sử không ghi, nhưng tôi (ông Trần Đại Sỹ) đã tìm ra tên, và đền thờ, nhờ tài liệu rải rác trong các thư tịch Trung-quốc, đó là:01. Lý Hoằng Chân, 02. Lý Chiêu Văn, 03. Bùi Hoàng Quan, 04. Dư Phi, 05. Nguyễn Căn, 06. Hoàng Kiện, 07. Phạm Dật, 08. Vũ Quang, 09. Đinh Hoàng Nghi, 10. Lý Đoan, 11. Trần Ninh, 12. Trần Di, 13. Dương Minh, 14. Triệu Thu, 15. Mai Cầm, 16. Quách Y (là tên gọi khác của Phạm Trọng Y), 17. Ngô Úc, 18. Tạ Duy.

Câu đối trong gia phả các dòng họ Lý đánh giá về các vị anh hùng này:
Thập-bát anh hùng giai Phù-đổng, Tam thiên nữ kiệt tỷ Mê-linh.( Mười tám anh hùng đều như Phù-đổng thiên vương. Ba nghìn nữ kiệt đều có thể sánh với Trưng-vương).

2. Phạm Trọng Y - được thờ ở đền Độc Lôi, làng Hữu Biệt, Nam Giang, Nam Đàn, Nghệ An
- Về lai lịch một vị tướng được tôn vinh ở Đền Miệu
Từ Vinh về thăm quê hương Bác Hồ, đến cầu Hữu Biệt có bãi khai thác đá ở hòn núi gọi là Rú Miệu - nền này sẽ là nhà máy bia Rú Miệu (của bia Sài Gòn). Ngọn núi trước có đền Miệu (Mượu). Ngay bên cầu có hình bông sen lớn báo đến đất Nam Đàn, đi tiếp hơn trăm mét có ngã ba rẽ phải là đường lên mộ bà Hoàng Thị Loan (mẹ Bác Hồ) ngay góc bên phải ngã ba có một ngôi đền mang tên đền Độc Lôi.
Vùng xứ Nghệ xưa là đất giới tuyến, phên dậu phía Nam nên ở đây có rất nhiều di tích thờ các vị thần. Có câu ca lưu truyền trong dân gian "Thanh cậy thế (tỉnh phát tích nhiều triều vua: bà Triệu, Lê Đại Hành, Hồ Quý Ly, Lê Lợi, nhà Nguyễn) , Nghệ cậy thần (rất nhiều đền thờ - nhưng đại đa số đã bị tàn phá do chiến tranh, thiên tai,... trong đó có đền Rú Miệu)"

Tháp Bút

Thứ Tư, 13 tháng 5, 2009

Giả vương Phạm Công Trị (giả Quang Trung) là người của dòng họ Phạm nào?


Bức vẽ Phạm Công Trị trong vai Quang Trung

Câu chuyện vua Quang Trung cho người đóng giả mình sang chầu vua Càn Long thì ai ai cũng biết. Nhưng sự thật về người đóng vai nhà vua – người chiến thắng đi xoa dịu nỗi đau một vị hoàng đế Trung Hoa nổi tiếng – đại diện cho kẻ chiến bại thì lại còn nhiều điều chưa thật rõ ràng, thống nhất. Âu cũng là thói thường bởi sự khốc liệt của cuộc chiến khi nhà Tây Sơn đại bại. Trải qua hơn hai trăm năm, thời gian tuy không ngắn nhưng cũng chưa phai nhòa trong nhân dân và các dòng họ có các chứng nhân lịch sử. Chúng tôi tin tưởng những thông tin xích chuỗi được sẽ làm sáng tỏ nhân vật đã hoàn thành trách nhiệm mà Quang Trung giao phó thực hiện một việc có ích cho non sông. Có lẽ bởi Càn Long cũng quá già không phát hiện ra thật giả nữa, nhưng có lẽ vị giả vương cũng sẽ gặp không ít tình huống có nguy cơ đổ vỡ vai diễn – đại họa sẽ xảy ra.

Trở lại thông tin về vị giả vương:
- Sách Hoàng Lê nhất thống chí (Tiểu thuyết lịch sử) của Ngô gia văn phái có viết: võ tướng là Nguyễn Quang Thực, người làng Mạc Điền, huyện Nam Đường, Trấn Nghệ An, nhưng bản ebook gần đây thì ghi là Phạm Công Trị
- Sách Đại nam chính biên liệt truyện (sơ tập) là bộ sách ra đời sau HLNTC lại nói rằng Nguyễn Huệ giả là Phạm Công Trị gọi Quang Trung bằng cậu


(xem thêm bài Khảo cứu về câu đối của sứ thần triều Tây Sơn)

- Sách “Quang Trung - Anh hùng dân tộc 1788 - 1792” của Hoa Bằng, có viết rằng, xuân Canh Tuất (1790), Quang Trung chọn cháu gọi bằng cậu là Phạm Công Trị, đội tên ngài, đóng vai Giả Vương, sang Thanh mừng thọ.
- Thông tin từ dòng họ Phạm Công ở Mộ Đức, Quảng Ngãi (dòng dõi Đô thống Quảng Dương hầu Phạm Nhữ Tăng (1422-1478)-hậu duệ của Trần triều Điện soái Phạm Ngũ Lão (1255-1320), là dòng họ Phạm Nhữ từ Thanh Hóa vào Đàng Trong cuối thời Trần) cho là Trung Dũng hầu Phạm Văn Trị là giả vương (họ Phạm Công đổi sang Phạm Văn tránh sự trả thù của Nguyễn Ánh)
- Ở Thừa Thiên Huế phát hiện hai bia đá có nội dung liên quan đến nhân vật Phạm Công Trị (người đóng giả vua Quang Trung sang giao hảo với vua Thanh)
- Năm 1790, nhà vua cử Phan Huy Ích cùng với Phạm Công Trị (quê ở Hưng Nguyên, Nghệ An) sang sứ nhà Thanh và đư­ợc đón tiếp long trọng. (theo Lê Đức Hoàng - Khoa Lịch sử - ĐH Vinh)

Như vậy về tên vị giả vương có thể đi đến thống nhất ông là Phạm Công Trị. Vì tên gọi Nguyễn Quang Thực xuất hiện trong bộ tiểu thuyết lịch sử (có thể ở một số tư liệu khác) nhưng đã không có cơ sở vững chắc nên sau này có sự sửa chữa. Hơn nữa có thể tên họ như vậy giống như Quang Trung Nguyễn Huệ có ông tổ 4 đời người họ Hồ ở Thái Lão, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Quân của chúa Nguyễn đánh ra Nghệ An bắt dân vào khai khẩn phía trong, buộc đổi họ Nguyễn. (cũng có tài liệu cho là anh em Tây Sơn đổi họ để thuận lợi cho khởi nghĩa; còn có nhiều cách lý giải khác)

Còn việc Phạm Công Trị quê Nghệ An hay thuộc dòng họ Phạm Công – Quảng Ngãi thì chỉ có thể chọn một. Một điều khẳng định là người họ Phạm Công không có xuất xứ Nghệ An mà là dòng dõi con cháu Phạm Ngũ Lão từ Thanh Hóa (quê ngoại bà thiếp họ Nhữ). Để lý giải vấn đề này chúng tôi xin nêu thông tin liên quan về họ Phạm ở Bình Trung, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi:
Xem "Người đóng giả vua Quang Trung và câu chuyện có một không hai"
Cụ tổ họ Phạm xã Bình Trung, huyện Bình Sơn là Phạm Công Quế, anh ruột ông Trị. Cụ Quế có con trai là Phạm Công Tuân, chạy lánh nạn khỏi hoạ tiêu diệt của Gia Long bèn cách xung vào đội quân diệt loạn, tráo mình lẩn trong gánh hát tuồng, ông Tuân ra vùng Bình Trung - Bình Sơn này lấy vợ lập làng.

Nhưng, ông không được đứng tên trong sổ đinh điền mà phải nương núp nhờ họ Phạm của vợ là Phạm Thị Nang. Đất của ông trải dài 3 xã là Bình Trung, Bình Minh và Bình Nguyên thuộc Bình Sơn - Quảng Ngãi bây giờ.

Bạn tôi kể, cũng chưa xa bao lâu, nhiều người nghĩ rằng mộ ông có từ thời ấy chắc là vàng bạc nhiều nên lén đào bới. Tộc họ gom góp lại, dựng bia, xây đàng hoàng.
Hồi còn tỉnh Nghĩa Bình cũ, người vùng Tây Sơn ra làm kênh Thạch Nham, nghỉ tại làng này, nhận họ hàng với nhau. “Ở trong Tây Sơn đó cháu à ! Không biết bao giờ tôi mới vào đó được”.

Tôi mang ao ước đấy của cụ già kèm theo một khối phân vân trên đường vào Tây Sơn. Con người sao mà hay quên. Mà chuyện nhớ quên lịch sử lắm khi cũng theo cái lẽ của lịch sử và thói thường nhân gian.


*



Như vậy có thể Phạm Công Trị quê ở Nghệ An, nhưng mấy đời trước đã vào Tây Sơn, khi nhà Tây Sơn sụp đổ, người cháu gọi bằng chú là Phạm Công Tuân làm rể họ Phạm ở Bình Sơn là một nhánh của họ Phạm Công chăng. Do đó họ Phạm Công đã nhắc đến tên Phạm Công Trị như một người trong họ.


Việc Phạm Công Trị gọi Quang Trung là cậu thì sao?
Ít có khả năng Quang Trung là cậu ruột của Phạm Công Trị bởi để đóng thế Quang Trung thì vị giả vương cũng có tuổi gần bằng Nguyễn Huệ và năm 1783 ông đã là võ tướng ở phương Nam. Hay có thể Phạm Công Trị là cháu của Phạm Hoàng hậu? Thanh thông giám cho là: Phạm Công Trị là cháu họ bên ngoại. (Ngoại ở đây chắc là bên vợ - Phạm Hoàng hậu)

Còn nếu Phạm Công Trị quê Nghệ An thì ở vùng nào?
Có xã Mạc Điền nay là xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An (thượng lưu sông Lam), nhưng khó có thể đất Anh Sơn xưa thuộc huyện Nam Đường. Còn đất Hưng Nguyên (hạ lưu sông Lam) thuộc huyện Nam Đường cũng cần xét kỹ (Nam Đường chủ yếu là đất Nam Đàn, Thanh Chương ngày nay, hiện nay các huyện xuôi theo sông Lam: Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên). Có thể có làng Mạc Điền ở Hưng Nguyên gần quê Thái Lão của Nguyễn Huệ - gắn liền quan hệ họ hàng Quang Trung - Phạm Công Trị?
Dù sao Mạc Điền cũng trên lưu vực sông Lam, thuộc Nghệ An. Do vậy chúng tôi thấy Phạm Công Trị quê gốc Nghệ An vào Tây Sơn mà không phải là người họ Phạm Công ở Quảng Ngãi là hợp lý hơn cả.
Chưa tìm ra gốc họ của Phạm Công Trị ở Nghệ An rồi đến Tây Sơn, Bình Định thì chúng ta hãy xác nhận ông là người của dòng họ Phạm xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi có ông tổ là Phạm Công Quế - anh của Phạm Công Trị. Sau đó chờ thông tin kết nối của dòng họ Phạm này.


Tháp Bút

Bài liên quan
Thông tin về làng Mặc Điền - quê Quang Trung, Phạm Công Trị?

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2009

Ai là thầy của Phạm Ngũ Lão?

Danh tướng Phạm Ngũ Lão xuất phát từ chốn bình dân lại mồ côi cha từ nhỏ. Ngoài sự dạy dỗ của người mẹ thì sự trí dũng của vị đại tướng văn võ song toàn này phải có sự dìu dắt của một người thầy. Dân gian có câu "không thầy đố mày làm nên", có lẽ Điện soái Phạm Ngũ Lão cũng không phải là ngoại lệ.

Qua một số bài viết về Điện soái chúng ta nhận thấy bóng dáng người thầy ở bên ông. Hầu như đều thống nhất gọi người thầy đó là Huyền Du. Nhiều tài liệu cho là Huyền Du là Phạm Sỹ người làng Châu Khê, huyện Bình Giang, Hải Dương. Ông là người đầu tiên đưa thuốc Nam vào dùng phổ biến trong quân đội thời Trần. Tuy nhiên gần đây tôi đọc cuốn sách Những danh tướng chống ngoại xâm thời Trần của Nxb Thanh niên in 2007 do Quốc Chấn chủ biên lại nêu Phạm Sỹ (người Mỹ Văn, Hưng Yên) do Phạm Ngũ Lão tuyển mộ được, do vậy khiến tôi suy nghĩ về việc không thống nhất này.

Về cha của Phạm Ngũ Lão mất sớm nên cũng không thấy ghi gì nhiều. Ông mất khoảng năm 1260 khi Phạm Ngũ Lão 5-6 tuổi. Năm 1258 xảy ra cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất, có thể cha của Phạm Ngũ Lão cũng tham gia chiến trận. Có phải thầy Huyền Du và cha của Phạm Ngũ Lão là bạn không?

Xin nêu tin liên quan để quý vị tham khảo:

Đình Châu khê: Thờ Phạm Sỹ hiệu Huyền Du là thành Hoàng của làng là Đai tướng quân của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và tham tán Phạm Ngũ Lão, có công đại phá quân Nguyên 2 lần (1285-1288). Tương truyền Phạm Ngũ Lão người làng Phù Ủng thuộc huyện Ân thi, tỉnh Hưng Yên ở phía tây nam sông Cửu An thưở nhỏ là học trò của Phạm Sỹ, sau khi Phạm Ngũ Lão làm quan trong triều Trần đã tiến cử Phạm Sỹ lên làm quan. Ông văn võ kiêm toàn đức độ khiêm nhường, được phong là Dực Hổ Hầu Đại tướng quân. Theo tài liệu nghiên cứu của bác sỹ Nguyễn Văn Hưởng nguyên là bộ trưởng bộ y tế Việt Nam có ghi: Phạm Sỹ là quan ngự y đầu tiên trông nom sức khỏe của tướng quân nhà Trần. Để giữ lòng hiếu nghĩa với thầy học hàng năm cứ đến hội đền Phù Ủng (7-25 tháng giêng) nhân dân Phù Ủng đã rước thuyền rồng dọc sông Cửu An đến Khuê Văn Các lăng mộ ông ở Châu Khê để chào thầy, hiện vẫn còn kè đá ở bến sông minh chứng điều đó. Theo cuốn “Thần tích sự trạng làng Châu Khê” còn ghi: Sau khi thắng giặc trở về ông đã khao thưởng dân làng, ủng hộ vàng bạc để dân xây đình và mở mang trường học, và người đã hóa thân sau bữa tiệc mừng của dân làng vào đúng trưa ngày 1 tháng chạp năm 1290. Sau khi hóa thân ông được nhà vua và Hưng Đạo Vương quan tâm cho xây lăng miếu ở làng Châu Khê để thờ và cho dân làng được hưởng đặc ân miễn thuế 3 năm liền. Nhẫn dân suy tôn ông là thành hoàng làng thờ ở Sỹ Công Đại Vương Từ, nay lăng miếu đình còn giữ được nguyên bản.

Với lòng ngưỡng mộ khi về thăm lại cụm di tích thờ Phạm Sỹ , nhà giáo nhân dân, nhà thơ Vũ Đình Liên cũng là người con làng Châu khê viết bài thơ:
Ái Châu một thưở trời sinh ra
Phạm Sỹ danh nhân đất Bắc Hà
Chu Xá Châu khê đi cứu nước
Thăng long Đông các dựng xây nhà
Vân Đồn Vạn Kiếp cầm ngang giáo
Đông Bộ Bạch Đằng chỉ thẳng qua
Tiên tổ còn lưu danh trí dũng
Cháu con truyền mãi nghĩa nhân ca


Tháp Bút

Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2009

Họ Phạm tương sinh

Đất nguồn dù có cạn khô, (THỔ)
Khai kim rèn quặng, tay thô áo sờn. (KIM)
Thủy sinh róc rách tiếng đờn, (THỦY)
Trồng cây lập bản xa cơn hãi hùng, (MỘC)
Chăn sui-lửa ấm sưởi cùng. (HỎA)
Tương sinh họ Phạm trăm vùng thương nhau,
Giữ cho Thủy Thảo đẹp màu
Cho dòng sông chảy thêm giàu hồn quê


Tháp Bút

----------------
Chú thích: (Từ bài của PGS, TS Phạm Đạo)
CHỮ PHẠM (范) - HỌ PHẠM
bộ Thảo (艹),
chữ Dĩ (已),
bộ Thủy (水, 氵).
Chữ Phạm 范 gồm bộ “Thảo” ở trên đầu; bộ “Thủy” ở bên trái và chữ “Dĩ” ở bên phải

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2009

Còn mông lung thông tin về đệ nhất phu nhân Trần triều Điện soái Phạm Ngũ Lão

Có nhiều thông tin cần làm sáng tỏ về vị đệ nhất phu nhân này:
1. Bà là ai: Anh Nguyên quận chúa=Thủy Tiên công chúa có là Thủy Tinh phu nhân (thờ ở đình thôn Châu, thị trấn Kiện Khê, Thanh Liêm, Hà Nam)?
2. Bà là con gái ruột hay con nuôi của Hưng Đạo Vương?
3. Đóng góp của bà đối với đất nước?

Xin tạm dẫn từ trang web:

ANH NGUYÊN QUẬN CHÚA (? - ?)

Anh Nguyên Quận chúa (Thuỷ Tiên công chúa), là con gái nuôi của Trần Hưng Đạo, phu nhân của Phạm Ngũ Lão. Có truyền thuyết cho rằng Anh Nguyên Quận chúa là con gái đẻ được cha giáng làm con gái nuôi để gả cho Phạm Ngũ Lão (người ngoài họ).

Quận chúa là người văn võ song toàn, đã từng đóng giả nam nhi cầm quân ra trận. Thần Tích Đức Thánh Trần có ghi về Bà như sau: "Bà tính tình thuần nhã, không kiêu căng, không sa sỉ, giữ đạo làm vợ, hiếu với cha mẹ, khi mất được phong Nữ Đại Hoàng Anh Nguyên Quận chúa".

Như vậy, cả hai cô con gái của Trần Hưng Đạo đều là những nữ nhi kiệt xuất. Hồ Đức Thọ, tác giả “Vương phi triều Trần" viết: "Dân gian coi nhị vị vương cô sống thì dũng cảm bảo vệ vua, góp công đánh giặc, thác sẽ hộ quốc tí dân tạo sự yên bình thịnh vượng”.

Xem thêm Thuần chính thập nhị thủ của quận chúa

Tháp Bút

Thứ Năm, 7 tháng 5, 2009

BLOG DÒNG HỌ - KÊNH THÔNG TIN HỮU ÍCH CHO VIỆC HỌ

Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21 với sự bùng nổ của thông tin. Để có được thông tin hữu ích phải có quá trình thu thập, xử lý. Đối với các dòng họ, giới thiệu thông tin hoạt động đặc biệt là các thông tin kết nối cần được đăng tải tập trung. Một số dòng họ lớn có điều kiện có thể lập trang web, nhưng cũng tốn nhiều công sức. Hiện nay việc dùng blog khá phổ biến cho cá nhân rất thuận lợi và miễn phí. Mỗi dòng họ chỉ cần có một người biết tin học ở bậc phổ thông là có thể quản lý, giới thiệu thông tin về dòng họ mình.

Khi dòng họ có blog sẽ tự quản lý thông tin của mình. Trên trang web của BLL họ Phạm Việt Nam sẽ giới thiệu chung các địa chỉ blog là một cổng thông tin kết nối đến các dòng họ.

Hiện nay việc tìm kiếm thông tin, dùng thư điện tử email và blog đều có thể dùng chung trên Google. Nếu các dòng họ Phạm dùng thống nhất sẽ thuận tiện cho việc chia sẻ dữ liệu và liên kết thông tin với nhau, đặc biệt là dung lượng email, dính kèm file dữ liệu lớn.

Cách làm blog dòng họ:
1. Dùng tài khoản có sẵn hoặc đăng ký mới hộp thư gmail đặc trưng cho dòng họ (theo địa danh, tên vị thủy tổ,…) từ địa chỉ: http://www.gmail.com/
2. Tạo một blog bằng tài khoản gmail từ địa chỉ: http://www.blogspot.com/
3. Thiết kế bố cục blog cho phù hợp với từng dòng họ. Có thể làm nhanh bằng các tải file blog_hp.xml ([1]) theo các bước:
- đăng nhập
- mở cửa sổ giao diện Bố cục,
- kích vào Chỉnh sửa HTML,
- kích nút lệnh Browse chọn địa chỉ file blog_hp.xml
- kích nút lệnh Tải lên
- kích nút lệnh LƯU MẪU
- chỉnh sửa phù hợp theo từng dòng họ theo các giao diện: Phần tử Trang, Kiểu Chữ và màu, Chọn Mẫu Mới
- chỉnh sửa giao diện Cài đặt

Nhập bài đăng từ giao diện Đăng bài, do blog nhập bài tuần tự như nhật ký nên cần chọn nhãn cho phù hợp (Hoạt động dòng họ, Người tiêu biểu, Kết nối, …)

Giới thiệu blog dòng họ lên trang tin điện tử http://www.hophamvietnam.org/ cần gửi thư có chủ đề: giới thiệu blog dòng họ có dính kèm mẫu đăng ký đã điền đủ thông tin đến email: phamdao1940@gmail.com Nhận được thông tin đăng ký rõ ràng, Ban biên tập web sẽ giới thiệu blog.

[1] Dùng email của gmail (tài khoản của blog) gửi thư có chủ đề: blog dòng họ gửi đến email: tulieuhopham@gmail.com để được chia sẻ file blog_hp.xml , mẫu đăng ký giới thiệu blog dòng họ lên http://www.hophamvietnam.org/, và một số bài mẫu về thông tin dòng họ để đăng trên blog.

Tháp Bút

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2009

Suy nghĩ liên quan đến vị Hoàng hậu họ Phạm đầu tiên - vợ của Mai Hắc Đế

Theo phân tích của Đào Hải Yến: "Những tư liệu mới về Mai Hắc Đế"

Có khá nhiều chi tiết về cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (năm 772) đã bị lớp bụi thời gian che phủ. Từ những truyền thuyết và tư liệu lịch sử mới phát hiện, cuốn Mai Hắc Đế, truyền thuyết và lịch sử của Đinh Văn Hiến đã làm sáng tỏ nhiều điều về Mai Hắc Đế cùng cuộc khởi nghĩa của ông, như tài quân sự của Mai Hắc Đế; sự chuẩn bị công phu, lâu dài trên quy mô cả nước của cuộc khởi nghĩa; về mối liên quan giữa cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng với Mai Hắc Đế.

1 - Cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan được chuẩn bị công phu và lâu dài trên cả nước.

Qua phát hiện của tác giả từ hai bản thần phả của một ngôi đền ở Hà Nội và một ngôi đền ở Hải Phòng, ta biết Mai Thúc Loan có vợ là Phạm Thị Uyển ở châu Đường Lâm (thị xã Sơn Tây ngày nay), một địa điểm xa quê hương đến mươi ngày đường, nhưng lại cạnh nách bộ máy cai trị đầu não chế độ đô hộ (đặt tại Tống Bình - Hà Nội ngày nay). Rồi khi con là Mai Thị Cầu và Mai Kỳ Sơn đủ tuổi, ông lại cho cả hai về làm dâu, làm rể ở Điều Yên (An Hải, Hải Phòng). Tiếp đến, khi khởi nghĩa nổ ở Hoan Châu, thì dưới sự lãnh đạo của quan lang đạo châu Đường Lâm và là ông ngoại bà Phạm; cũng như của hai chị em Kỳ, Sơn, nhân dân cả hai nơi đều phất cờ hưởng ứng. Theo tác giả, điều đó là các chứng lý khẳng định rằng: ít ra đã hơn hai chục năm trước khi châm ngòi khởi nghĩa, Mai Thúc Loan đã nghĩ tới và thực hiện kế hoạch xây dựng ở Đường Lâm và Điều Yên hai căn cứ chuẩn bị cho khởi nghĩa!

Lâu nay, do sự kiện xảy ra từ 13 thế kỷ trước, chính sử Việt Nam lúc đó chưa có, chỉ dựa vào Đường thư, lớp bụi thời gian che phủ lại quá dày, khi nói về cuộc khởi nghĩa này ta chỉ biết những gì xảy ra từ một chuyến đi cống vải Hoan Châu cho nhà Đường (năm 722) và do đó có sự ngộ nhận đây là cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan.

2 - Về mặt quân sự, Mai Thúc Loan xứng đáng xếp vào hàng các thiên tài của đất nước.

Mai Thúc Loan vốn chỉ là một cậu bé sớm sống côi cút, tứ cố vô thân, quanh năm làm thuê cuốc mướn, không một ngày đến lớp; chỉ nhờ vào quyết tâm tự rèn luyện, tự học mà có sức và giỏi vật, võ hơn người; mà am tường chữ nghĩa, biết rộng, hiểu sâu hoàn cảnh đất nước bị đô hộ, mà thù giặc, thương dân, ủ ấp hoài bão cứu nước nhà, nòi giống. Đã vậy, lại sống vào buổi giao lưu khó khăn hồi ấy, thế mà ông lại trường kỳ mai phục, chuẩn bị hơn 20 năm, khảo sát kỹ tình hình, xây dựng căn cứ dựa vào nhau trên 3 địa bàn chiến lược (trong đó địa bàn Đông Bắc là nơi mà 200 năm, rồi 600 năm sau, lần lượt Ngô Quyền, Trần Quốc Tuấn cũng lại chọn làm căn cứ quân sự và nhờ đó lập nên hai chiến công Bạch Đằng lịch sử). Mai Thúc Loan đã vận động Kim Lân, Chân Lạp (Malaysia và Cambodia) cùng vài nước nữa chi viện hơn 20 vạn quân, mở cuộc tổng tiến công quét sạch 20 vạn quan lính đô hộ nhà Đường ra khỏi nước. Việc thành, vua Mai lại tài tình mời số quân chi viện này quay lui. Tác giả cho rằng tới ngần ấy việc, Mai Thúc Loan xứng đáng được xếp vào hàng các bậc thiên tài xưa nay của đất nước-ít ra thì cũng là vẻ mặt quân sự, ngoại giao vậy.

3 - Khởi nghĩa Phùng Hưng là một phần khó tách rời của cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan.

Tìm ra mối tương quan cậu cháu ruột giữa Mai phu nhân và Phùng Hưng, liên hệ với việc sau khi vua Mai thất bại, trên căn cứ Đường Lâm lại nổ ra cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng, lại liên hệ việc nhân dân Nghệ An đã lập đền thờ Phùng Hưng, tác giả Đinh Văn Hiến đã coi cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng là đoạn cuối của khởi nghĩa Mai Thúc Loan và điều đó chứng tỏ ảnh hưởng cuộc khởi nghĩa này đã kéo dài đến gần hết cả thế kỷ thứ 8.

4 - Gia đình Mai Thúc Loan là một gia đình anh hùng

Trước đây ta chỉ biết có hai nhân vật anh hùng trong gia đình vua Mai: Mai Thúc Loan chết vì bệnh trong khi vẫn đang chỉ huy cuộc kháng chiến; con út là Mai Thúc Huy kế vị, đã hy sinh trong chiến đấu chống Dương Tư Húc. Nay cuốn sách cho biết thêm: Trên mặt trận phòng ngự Tống Bình chống cuộc tái xâm lăng của nhà Đường, Hoàng tử cả và Mai Hoàng hậu đã anh dũng hy sinh trên mặt trận Duyên Hải Đông Bắc, Mai Thị Cầu và Mai Kỳ Sơn cũng đánh đổi mạng mình nhằm cứu một số lớn nhân dân bị giặc bắt làm con tin để chiêu hàng hai vị. Như vậy là cả gia đình vua Mai đã " vì nước quên thân" .

Kết thúc bài viết, xin mượn lời giáo sư sử học Phan Đại Doãn trong bài giới thiệu đầu cuốn sách. " Đó là những câu chuyện lịch sử (và một số truyền thuyết được lịch sử hóa) phản ánh một vòng hào quang đẹp đẽ, lâu bền của cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan còn đến ngày nay, mà chúng ta có nhiệm vụ phát huy mọi giá trị văn hóa, tinh thần của nó..."

Đào Hải Yến



Mời quý vị đọc phân tích trên để chia sẻ cùng chúng tôi một số điều:
1. Chuyện Mai Thúc Loan gánh vải cống sang Trung Quốc
2. Hoàng hậu vợ Vua Mai người Đường Lâm, gọi Phùng Hưng là cậu ruột
3. Liên quan giữa khởi nghĩa Mai Thúc Loan và khởi nghĩa Phùng Hưng

Xem thêm thông tin "Ngôi làng 1.000 tuổi kêu cứu"


Phùng Hưng (761-802)

Qua các tài liệu dẫn trên thì: Phạm Thị Uyển, Phạm Huy, Phạm Miễn là ba chị em sinh ba gọi Phùng Hưng là cậu ruột.
Phạm Thị Uyển mất ngay trên dòng sông Tô Lịch (nay có đền thờ bà ở 139 Nguyễn Ngọc Vũ bên bờ sông Tô) sau khi chống quân Đường tái chiếm lại đất Việt khi khởi nghĩa Mai Thúc Loan thắng lợi (tạm cho là năm 722 khởi nghĩa)
Phạm Huy, Phạm Miễn mất trong khởi nghĩa Phùng Hưng (tạm cho là năm 766 khởi nghĩa) mà năm 791 mới đánh được thành Tống Bình.
Có thông tin Phùng Hưng tham gia khởi nghĩa Mai Thúc Loan

Từ những thông tin nêu trên có một số vấn đề chưa thỏa đáng:
1. Phùng Hưng sinh năm 761 đến năm 766 khởi nghĩa thì vô lý, lúc đó ông 6 tuổi sao.
2. Phạm Thị Uyển mất ngay trước khi Mai Hắc Đế mất năm 722, đến sau đó gần 40 năm cậu ruột là Phùng Hưng mới sinh sao? Thế thì cháu ruột sẽ hơn cậu khoảng 60 tuổi? Lại còn 40 năm sau hai anh em Phạm Huy, Phạm Miễn tham gia khởi nghĩa Phùng Hưng cũng chưa thuận lắm. Vì lúc đó hai vị đã quá cao tuổi.
3. Năm sinh của Phùng Hưng và năm khởi nghĩa Mai Thúc Loan ghi trong sử còn chưa hợp lý.
Tra trong danh sách các quan đô hộ phương Bắc ở nước ta thì từ năm 722 – 767 không thấy có quan đô hộ nhà Đường? Nên có thể đây là giai đoạn chuẩn bị của hai cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan và Phùng Hưng chăng.

Như thế có hai khả năng:
a) Nếu kéo lùi thời gian cho cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan khoảng 50 năm thì có vẻ hợp lý hơn: năm 772 Khởi nghĩa Mai Thúc Loan; năm 786 Khởi nghĩa Phùng Hưng Phùng Hưng sinh trước năm 761 mới tham gia khởi nghĩa Mai Thúc Loan được.
Với mốc thời gian của hai cuộc khởi nghĩa mới thấy quan hệ họ hàng của Hoàng hậu Phạm Thị Uyển , Phạm Huy, Phạm Miễn và người cậu ruột là Phùng Hưng không chênh tuổi nhiều. Như vậy mới có Hoàng hậu hy sinh trong khởi nghĩa Mai Thúc Loan, sau đó (10-20 năm) hai anh em họ Phạm tham gia khởi nghĩa Phùng Hưng rồi hy sinh.

b) Hoặc không có chuyện Phùng Hưng tham gia khởi nghĩa Mai Thúc Loan và ba chị em họ Phạm chỉ là người thân chứ không gọi Phùng Hưng bằng cậu ruột.

Tháp Bút

Cử nhân Phạm Đức Hoàn (1889-1954) và tên gọi những người trong gia đình Bác Hồ

Ông sinh ngày 10-5 Kỷ Sửu (1889). Ông Phạm Đức Hoàn đỗ Cử nhân khoa Mậu Ngọ (1918), Khải Định thứ 3 và thi Hội trúng tam trường khoa Kỷ Mùi (1919) - khoa thi chữ Hán cuối cùng.

Vì nhà nghèo túng nên mãi tới 10 năm sau khi thi đỗ, ông mới được bổ dụng. Năm Kỷ Tỵ (1929) ông vào làm Thừa phái tỉnh Quảng Nam. Vào quãng 1942-1943, được thăng hàm Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ và được chuyển lên làm việc tại Thư viện Bảo Đại ở Huế.
Tháng 8-1945, vua Bảo Đại thoái vị, ông về hẳn tại quê với gia đình. Tổng tuyển cử 06-01-1946, chính quyền cách mạng quê nhà mời ông là thân sĩ ra ứng cử vào hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An và ông đã trúng cử với số phiếu cao nhất.

Qua bức ảnh Chủ tịch biết con ông Phó bảng Sắc:

Hồi đầu Cách mạng rất nhiều người còn chưa biết Chủ tịch Hồ Chí Minh có phải là Nguyễn Ái Quốc không. Ngay ở Nghệ An khi đó lại hiếm người biết Hồ Chủ tịch là con ông Phó bảng Sắc. Vậy mà Cử nhân Phạm Đức Hoàn (1889-1954) đã phát hiện ra điều này khi đến thăm em trai là ông Phạm Đức Hào (1894-1947) - ông nội tôi. Ông Cử có tên là Đàn được gọi trệch là Đờn. Lúc đó ở cột nhà ông nội tôi có treo bức vẽ đơn giản chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh (nhìn ngang, không vẽ trực diện), ông Đờn chỉ vào chân dung và nói: “Đây là con ông Phó bảng Sắc. Là Nguyễn Ái Quốc.” Hồi đó ngay cả bà Nguyễn Thị Thanh cũng không rõ thực hư, bà đã ra Hà Nội gặp Hồ Chủ tịch thì đúng là em trai mình. Tại sao ông lại biết rõ điều mà mãi sau này mọi người mới biết?

Thuở bé, có thời gian cậu Đờn học chữ Hán ở nhà thờ Họ Lê làng Nguyệt Bổng xã Thanh Nam (Nhà thờ nay là di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ngay cạnh cầu Rộ, phía thượng nguồn, bên tả ngạn sông Lam – cách Vinh 37 km, ngay đầu cầu nhìn thấy ngôi nhà ngói cổ giữa bãi trồng hoa màu). Hồi đó hai con ông Phó bảng Sắc là Nguyễn Sinh Khiêm (còn gọi là Khơm) và Nguyễn Sinh Cung (còn gọi là Công) cũng theo học ở đó (Khơm Công - Không Cơm là hợp cảnh gia đình cụ Huy lúc đó, cụ Huy chơi chữ). Mặc dù ít hơn cậu Đờn 1 tuổi nhưng cậu Công học rất giỏi. Có lần cậu Đờn đã trêu cậu Công làm hôm sau, cậu Công bỏ học về Nam Đàn. Vài hôm cậu Khơm cũng nghỉ học.

Xin được đính chính lại tên của cụ thân sinh Hồ Chủ tịch là Nguyễn Sinh Huy chứ không phải là Nguyễn Sinh Sắc như mọi người vẫn quen dùng (đa số sách vở đã dùng tên này). Cụ Nguyễn Sinh Huy được mọi người thời đó gọi là Phó bảng Sắc chứ không gọi là Nguyễn Sinh Sắc (không ai gọi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh KhiêmNguyễn Bỉnh Trình). Ông Hồ Bá Hiền - Trưởng ban Sử Họ Hồ cũng công nhận tên gọi của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy là chuẩn xác.

Xuất xứ của tên gọi Phó bảng Sắc như sau: Thời bấy giờ hai huyện Thanh Chương và Nam Đàn cũng ganh đua trong việc thi cử, có người đậu đạt là vinh dự cho cả vùng. Khi Cụ Nguyễn Sinh Huy đỗ phó bảng thì ở Thanh Chương cũng có người đỗ phó bảng. Gia đình người này khá giả nên ở Thanh Chương gọi ông là Phó bảng Tài. Dưới Nam Đàn cũng không kém, liền gọi Cụ là Phó bảng Sắc. Cái tên khá ý nghĩa bởi gia đình Cụ Huy không khá giả nhưng Cụ là người ngoài hay chữ lại rất đẹp trai và nho nhã.

Tháp Bút