Thứ Tư, 29 tháng 4, 2009

Giới thiệu tài liệu "Kết nối các dòng họ Phạm ở Việt Nam"

NỘI DUNG ĐƯỢC TUYỂN CHỌN TỪ:
Một số bộ sử cổ giá trị của Việt Nam (xem mục tài liệu tham khảo)
Bộ sách "HỌ PHẠM TRONG CỘNG ĐỒNG DÂN VIỆT",
Bản tin nội tộc "THÔNG TIN HỌ PHẠM VIỆT NAM",
Trang thông tin điện tử "www.hophamvietnam.org",
và từ các nguồn tư liệu khác

Thống kê hàng trăm dòng họ Phạm trong cả nước
Với mục đích liệt kê nhiều nhất những người mang họ Phạm trong sử sách và các tài liệu cổ để phục vụ việc nghiên cứu kết nối dòng họ.


Mục lục

LỜI NÓI ĐẦU
I DANH SÁCH CÁC DÒNG HỌ PHẠM VIỆT NAM
1.1. Thông tin về các dòng họ Phạm Việt Nam
1.2. Các chi họ Phạm gốc Mạc
II THÔNG TIN TÓM TẮT VỀ NHỮNG NGƯỜI HỌ PHẠM TRONG SỬ SÁCH
2.1. Một số linh thần họ Phạm
2.2. Những nhân vật họ Phạm có tên trong sử sách Việt Nam
2.2.1. Thời Tiền Lý đến trước thời Lý (Hậu Lý)
2.2.2. Thời Lý
2.2.3. Thời Trần
2.2.4. Thời Hồ, Hậu Trần
2.2.5. Thời Lê sơ-Mạc-Lê Trung hưng
2.2.6. Thời Tây Sơn-Nguyễn
2.2.7. Những người họ Phạm trong bộ sử Đại Nam thực lục
2.2.8. Những người họ Phạm đứng đầu Quân đội
2.3. Một số Hương cống họ Phạm trước thời Tây Sơn
2.4. Các Cử nhân họ Phạm thời Nguyễn
2.5. Những người họ Phạm có tên trong một số tài liệu khác
Tài liệu tham khảo

LỜI NÓI ĐẦU
Với chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, các dòng họ Việt Nam ngày một phát triển. Cùng với sự phát triển ấy, các dòng họ Phạm Việt Nam cũng như nhiều dòng họ khác đều hướng về cội nguồn, tri ân Tổ tiên, tìm hiểu về lịch sử dòng họ mình nhằm “vấn tổ tìm tông” để kết nối dòng họ. Năm 1996, Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu đó của đông đảo bà con cô bác họ Phạm.

Trải qua 12 năm hoạt động, BLL họ Phạm Việt Nam đã có những bước đi đáng kể như: Đã nghiên cứu kỹ lưỡng về các nhân vật lịch sử, sưu tầm và xuất bản nhiều sách và tài liệu về dòng họ Phạm Việt Nam; Kho tư liệu Gia phả họ Phạm Việt Nam ngày càng phong phú, đã và đang được khai thác hiệu quả; liên lạc được hàng trăm dòng họ Phạm lớn nhỏ trong cả nước;... Cho đến nay, BLL họ Phạm Việt Nam đã tổ chức được 12 Cuộc họp mặt toàn quốc đại biểu các BLL và HĐGT họ Phạm Việt Nam.

Tuy nhiên, những cố gắng đó vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu rất cụ thể khác trong quá trình tìm kiếm thông tin về dòng họ, về các vị tiên tổ của dòng họ, nhằm kết nối dòng họ. Để phục vụ tốt việc tìm kiếm thông tin nhằm kết nối dòng họ và cũng là một bước chuẩn bị cho việc xuất bản chính thức bộ sách “Họ Phạm trong cộng đồng dân Việt”, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tài liệu có tên gọi “Kết nối các dòng họ Phạm ở Việt Nam”.

Nội dung tài liệu này được chia thành hai phần chính:
-Phần thứ nhất: Danh mục các dòng họ Phạm Việt Nam đã liên hệ với BLL họ Phạm Việt Nam. Giới thiệu thông tin kết nối của họ Phạm Đức-Quảng Xá (huyện Thanh Chương, Nghệ An) làm ví dụ để bà con tham khảo khi viết bài để kết nối dòng họ của mình.
-Phần thứ hai: Chủ yếu giới thiệu tóm tắt các nhân vật họ Phạm trong lịch sử từ khi có Nhà nước Vạn Xuân (thế kỷ thứ VI) đến thời nhà Nguyễn. Tư liệu về thời Nguyễn khá đồ sộ nên tài liệu này không thể thống kê các nhân vật họ Phạm đầy đủ giai đoạn cận đại này. Chúng tôi nêu ra cách tìm thông tin như ở tiểu mục 2.2.7 để Quý vị tham khảo.

Trong tài liệu ebook có thêm Phần phụ lục: Một số bài viết bàn về việc kết nối dòng họ, những suy nghĩ nhằm đưa ra những cách kết nối hiệu quả với yêu cầu hàng đầu là đúng sự thật.

Nhằm giúp bà con thuận tiện tra cứu, khi giới thiệu, chúng tôi có dẫn nguồn tài liệu và số trang (sách điện tử ebook).[1] Trong mục 2.2, tên nhân vật in nghiêng đậm, là những người chưa có tên trong bộ sách lưu hành nội tộc được in năm 2007 “Họ Phạm trong cộng đồng dân Việt” (hơn 150 người).

Trong quá trình sưu tầm, có thể chúng tôi có một số thiếu sót, sai lầm (như lầm họ Phan với Phạm, có người không phải gốc họ Phạm, một người được ghi theo các tên khác nhau dễ trùng lặp, người họ Phạm nhưng sử sách không ghi họ chỉ có tên hay tước hiệu nên bỏ sót, v...v..., nhất là không thể sưu tầm hết sử sách) vì chúng tôi chưa có điều kiện để xác minh. Mong quý vị thông cảm và lượng thứ.

Chúng tôi cũng mong Quý vị, trong khi đối chiếu, so sánh tài liệu về những nhân vật và dòng họ của mình, thấy có những chỗ không tán thành, hoặc có những chỗ cần phải bổ sung,... thì mong Quý vị thông báo và chỉ dẫn, cung cấp tài liệu cho chúng tôi.
Chúng tôi đề nghị, các dòng họ khi viết giới thiệu về dòng họ mình để tham gia kết nối, nên viết thật súc tích, cụ thể để các dòng họ khác đối chiếu, tạo thuận lợi cho kết nối từ các thông tin hữu ích.

Muốn kết nối, trước hết phải tìm thông tin; trong đó thông tin từ các dòng họ có các tài liệu cổ là vô cùng quan trọng. Chúng tôi đề cao các thông tin chân thực trong các tài liệu cổ như Gia phả, Ngọc phả. Vì các tài liệu này ghi được chi tiết về sự kiện và nhân vật của dòng họ trong khi sử sách không thể ghi rõ được. Xót xa thay!... nhiều tài liệu quý bị chiến tranh, thiên tai hủy hoại.

Việc kết nối dòng họ phải dựa trên những nguồn thông tin tư liệu xác thực được ghi trong sử sách, trong các Gia phả, Ngọc phả, Thần phả, v...v... hiện còn đang được lưu giữ trong các Thư viện, Viện bảo tàng lịch sử hoặc Viện lưu trữ quốc gia ở trung ương hoặc ở địa phương; trong các nhà thờ họ hoặc trong từng gia đình...
Trải qua hàng nghìn năm, tổng số người mang họ Phạm, có thể lên đến hàng trăm triệu người. Bởi “Nhân vô thập toàn” nên với chiều dài lịch sử hàng ngàn năm như thế: không thể tránh khỏi có người hại dân, bán nước, làm những điều xấu xa. Nói chung, trong các dòng họ Việt Nam (Nguyễn, Lê, Trần, Vũ, Phan, Hoàng, ...) đều có những người như vậy, trong đó có dòng họ Phạm chúng ta. Tên tuổi và tiểu sử của những người đó vẫn mãi còn ghi trong các Gia phả của dòng họ và trong một số sách sử của Việt Nam (nếu có). Trong tập tài liệu này, vì mục tiêu sưu tầm để cung cấp những thông tin hữu ích cho việc kết nối, nên hễ có thông tin về người họ Phạm nhất là trong tài liệu cổ là chúng tôi liệt kê để mọi người cần tìm thông tin dễ tiếp cận nguồn tư liệu. Với việc kết nối dòng họ thì việc tôn trọng sự thật là yêu cầu hàng đầu.

Chúng tôi mong rằng, tài liệu này góp một phần nhỏ bé để người họ Phạm tăng thêm niềm tự hào về những người đi trước và sẽ tiếp bước cha ông, để lại giá trị văn hóa đậm tính nhân văn.

Chúng tôi rất mong bà con cô bác trong họ - những người có cùng tâm nguyện nghiên cứu về lịch sử và những truyền thống tốt đẹp của họ Phạm Việt Nam; muốn góp phần bảo vệ và phát huy những truyền thống tốt đẹp đó; có lòng mong muốn tham gia nghiên cứu kết nối dòng họ Phạm, hãy trao đổi tin tức thường xuyên với Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam để duy trì thông tin dòng họ, nâng cao tình cảm bà con đồng tộc. Đây cũng chính là cách kết nối dòng họ cho tương lai, để đời sau không phải vất vả tìm kiếm thông tin về thời mà chúng ta đang sống hiện nay.
Hà Nội, mùa xuân Kỷ Sửu-2009

Người sưu tầm
Tháp Bút

[1] Chúng tôi cung cấp tài liệu này dưới dạng ebook để người sử dụng máy tính dễ tra cứu. Hãy dùng hộp thư gmail gửi yêu cầu nhận ebook (chủ đề: NHAN TIN) đến email: tulieuhopham@gmail.com. Quý vị sẽ được chia sẻ ebook dạng PDF với trên 200 trang.

Mùa xuân Việc họ

Cành mai mừng Đại Tộc ta
Cành đào ánh những sắc hoa đương hồng.
Trời đông vượt những cơn giông
Mùa xuân bay đến đóa hồng nở tươi.
Tân niên rạng những mặt người
Tộc kỳ phấp phới như cười cùng xuân.
Cuộc đời quá cảnh gian truân
Người vui VIỆC HỌ quây quần thiết tha.
Để cho khúc hát bay xa
Nên câu Quan Họ đậm đà tình quê
Người ơi! chẳng ở lại về!
Nghe câu Ví dặm hồn mê Lam Hồng
Vượt qua cửa bể mà trông
Quảng Đà rộng mở lòng không muốn về
Ai ơi giữ vẹn lời thề
Nếm rượu Hồng Đào ai dễ không say
Sài Gòn đã hẹn hôm mai
Nắng vàng lộng lẫy, ai ai muốn vào
Người vô xin gửi lời chào
Phương Nam phát triển tự hào Họ ta.


Hà Nội, ngày xuân Kỷ Sửu

Tháp Bút

Thiêng liêng hồ Gươm




Ngàn năm rực rỡ đất Thăng Long,
Nhớ buổi sơ khai dựng chiến thành,
Quân dân Vạn Xuân cùng đánh giặc,
Kiên cường trận tuyến chống xâm lăng.
Triều Tiền Lý gây nền độc lập:
Lão tướng tuổi cao tròn thất thập
Vẫn hiên ngang chặn bước bạo tàn
Người ngã xuống, hồn thiêng giữ đất.
Dân tộc đêm trường bốn trăm năm
Cho tới ngày tự chủ hoàn toàn
Từ Hậu Lý thành kinh đô mãi mãi,
Ba sáu phố phường qua chiến tranh
Dòng tên người khắc vào lịch sử.
Gan dạ anh hùng, hồn Dân tộc
Giữ Thủ đô, bảo vệ Nước nhà.

Với chiều dài mười lăm thế kỷ,
Bên Hồ Gươm không thấy cửa sông
Mà xán lạn anh hùng dân tộc:
Phạm Tu xông pha giữa trận tiền
Đã hy sinh trên mảnh đất thiêng.
Vị minh quân là Lý Thái Tổ
Dời đô về giữa đất Rồng Tiên,
Để xây nên nước Việt vững bền.
Lẫy lừng ba cuộc chống quân Nguyên,
Hưng Đạo vương là viên ngọc sáng.
Hùng tráng bản trường ca giữ nước
Giặc Minh hung bạo phải cụp đuôi,
Hồ Gươm đó, vua Lê trả kiếm
Dân tộc ta muốn mãi hòa bình,
Mà tận trời xa, Pháp-Mỹ sang
Phải khuất phục giữa lòng Hà Nội:
Bê-năm-hai cháy sáng bầu trời,
Đời sống mãi những người quyết tử
Trong hòa bình, rộn rã tiếng ca
Vang, vang vọng lời thơ bất hủ:
“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo.”

Tháng mười hoa sữa nở thơm
Hương sắc Thủ đô ngày giải phóng,
Nhìn Hồ Gươm rực sáng đèn hoa
Thấy những anh linh ngời đất Việt
Hồn thiêng sống mãi với non sông.
Cha ông xả thân vì con cháu,
Hãy nhớ ơn kia hỡi đồng bào!

Hồ Gươm, ngày giải phóng Thủ đô 2008

Tháp Bút

Hồ Ngọc xanh

Hồ Ngọc thênh thang sáng trời Nam,
Soi bóng đại thụ đất Thanh Đàm.
Chu Văn lập am trên đất thánh,
Anh hùng Phạm tướng sáng sử xanh.
Một sớm Rằm xuân đến cửa Đình,
Thân mình đây phải là phận cháu?
Dăm chục đời, nghĩ vẫn thơm hương!
Mỗi phận cháu con ấm từ đường
Sức chung hợp lại vun cội Phúc
Cây không trồng nhưng hãy nhớ chăm!
Nhớ buổi trưa hè trời trong vắt
Mặt hồ xanh mát màu sen non.
Hoàng lan soi bóng người ngay thẳng
Nắng vàng rực rỡ mái đình cong.
Nếu có thong dong người hãy lại
Hai mươi tháng bẩy, hóa Phạm công.
Này buổi Đình đông, người muôn xứ
Chẳng hẹn cùng dâng nén tâm hương.
Trước Đô Hồ - gương sáng ngàn năm
Gạt bụi trần, đẹp bóng hồn trong.


Tháp Bút

Chí khí tuổi cao


Ai về Đình Ngoại mà coi
Cây muỗm đại thụ nẩy chồi đâm bông
Muôn cây mang dáng hình sông
Muỗm là thế núi để trông yên bình
Sừng sững đứng phía bắc Đình
Phải chăng Tả tướng hóa mình cây cao

Là cây đứng ở cổng chào
Thế là tứ trụ đã trao sẵn sàng
Này quân Lâm Ấp lấn sang
Lục tuần Ngài vẫn vững vàng việc quân
Một lòng vì nước vì dân
Phù trì dựng nước Vạn Xuân ban đầu
Giặc Lương không dễ thắng đâu
Nhưng vì vận nước còn sâu đêm trường

Tuổi cao chí khí làm gương
Anh hùng không hổ con đường kiếm cung
Ba quân phục một lòng trung
Cây cao bóng cả sống cùng non sông


Tháp Bút

Thành tâm


Dịp Tết Nguyên tiêu, trời đất Hà Thành thật đẹp. Đầu xuân vào Đình Ngoại càng tươi sắc xuân. Hòn non bộ hình chữ Tâm ngay trước sân đình càng sáng lên nhờ hoa sống đời (còn gọi hoa bỏng) nở đỏ rực. Tháp bút khai bút đầu năm lên trang mây những chữ thư pháp gửi hồn dân tộc. Mây bay bay mang thông điệp đến các vùng miền của Tổ quốc.
THÀNH TÂM
Chữ Tâm đứng trước cửa Đình
Cho nên con cháu dòng mình hẹn nhau
Xây cho đất nước đẹp giàu
Làm cho con cháu mai sau lẫy lừng
Ngày xuân tiếp bước vui mừng
Thêm bầu khí ấm đến từng Phạm gia
Suốt đời từ trẻ đến già
Tri ân Tiên Tổ ấy là đạo con

Đình Ngoại, Nguyên tiêu Mậu Tý


Tháp Bút